Suy Niệm Tuần XVIII TN C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 04/08/2019 09:14  996
Thứ Hai tuần XVIII Tn
Khi từ trên núi xuống Đức Giêsu căn dặn các môn đệ đừng nói gì với ai về những điều đã xảy ra. Sẽ đến lúc tỏ hiện mầu nhiệm của Đức Giêsu nhưng, bây giờ, điều quan trọng là tiếp tục đi theo và lắng nghe Ngài. Dĩ nhiên, Đức Giêsu không quay trở lui, cho dù Ngài biết rõ người do thái cũng sẽ đối xử với Ngài chẳng khác nào với Gioan Tẩy Giả. Nên Ngài đã nói điều ấy cho các môn đệ. Ngài đến với đám đông và một người cha đến trình cho Ngài đứa con đau bệnh của mình. Quả thật ông không muốn làm phiền Đức Giêsu nên đã dẫn nó đến với các môn đệ. Nhưng các ông không thành công. Đức Giêsu phán một lời, tức thì đứa bé được chữa lành. Các môn đệ có lẽ bẽ mặt vì sự thất bại, nên khi ở riêng một mình với Đức Giêsu họ đã hỏi Ngài lý do. Đức Giêsu trả lời rõ ràng cho biết lý do vì họ yếu đức tin. Chỉ cần một lòng tin nhỏ bằng hạt cải cũng đủ để thực hiện phép lạ. Câu cuối mở ra cho các môn đệ một tương lai tràn đầy hy vọng: ‘Và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được’.
+++
Đón nhận hiện tại với lòng tạ ơn
Phụng vụ hôm nay lại trình bày cho ta lần nữa đoạn tin mừng Mathêô về phép lạ hóa bánh, đặt kề bên đoạn nói về tình cảnh của dân Israel trong hoang địa và thái độ của Môsê.
Trong hoang địa, dân Israel than trách. Cuộc sống bị đàn áp bên Ai cập trở nên như kỷ niệm ‘cuộc sống thiên đàng’: ‘Nhớ thưở nào ta ăn cá bên Aicập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi…Bây giờ còn nữa đâu! Bây giờ họ buộc phải nhờ vào phần manna lượm mỗi ngày, không thỏa lòng dân chúng. Môsê do đó buộc phải nghe tiếng than trách của họ và, bởi tình cảnh ấy làm nên gánh nặng quá sức cho ông, ông cũng than trách Chúa: ‘Sao Ngài làm khổ tôi tớ Ngài?’. Nản lòng ông muốn chết cho rồi: ‘Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn!’
Trong bài tin mừng, dân chúng theo Chúa Giêsu, không có giờ để than trách, vì trước hết Nhóm Mười Hai rồi đến Chúa Giêsu quan tâm đến tình cảnh của họ. Hành động của các tông đồ phần nào giống với Môsê: trước tiên họ trốn tránh trách nhiệm bằng cách gợi ý cho Chúa Giêsu giải tán dân chúng, để họ tự lo lấy, tự mua bánh ăn.
Nhưng Đức Giêsu từ chối giải pháp ấy: Ngài nhận mình có trách nhiệm đối với tình cảnh của dân và dạy các môn đệ Ngài cũng làm như thế: ‘Anh em hãy cho họ ăn’! Thực tế hoàn toàn thiếu thốn: họ chỉ có trong tay vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá và ý muốn chia xẻ cho họ. Và Đức Giêsu đã làm gì? Ngài không bắt chước Môsê, không than trách; ngược lại, ngước mắt lên trời và đọc lời chúc tụng, tạ ơn Chúa Cha. Đọc lời chúc tụng trong ngôn ngữ kinh thánh có ý muốn nói chúc tụng Thiên Chúa vì những ân ban của Ngài, như chúng ta vẫn làm mỗi khi dâng lễ: ‘Lạy Chúa tể càn khôn, chúc tụng Chúa, do lòng rộng rãi của Chúa mà Chúa đã ban cho chúng con bánh này…rượu này’; đó là lời nguyện tạ ơn.
Đức Giêsu tạ ơn trong lúc mà chẳng có dư dật chút nào cả: nhưng thái độ yêu thương của Ngài đã khai thông tình cảnh, vì ngài để cho lòng quảng đại của Chúa Cha trên trời được biểu lộ. Đức Giêsu bẻ bánh, trao cho các môn đệ và các ông phân phát cho dân, tất cả đều ăn no nê. Và còn dư thừa: 12 thúng đầy những bánh còn thừa!
Khi chúng ta ở trong cơn khó khăn, điều đầu tiên cần làm là mở mắt ra nhìn những gì mà chúng ta đang sẵn có. Đức Giêsu bảo các môn đệ đem năm chiếc bánh và hai con cá lại cho Ngài; Ngài đã tạ ơn Thiên Chúa vì những ân ban hiện có này. Chúng ta cũng thế, cần phải khởi đầu với những điều mà chúng ta hiện có, sử dụng chúng với tình yêu cảm tạ. Lời than trách thường đóng lại mọi khả năng, biến những hoàn cảnh thành những vòng tròn không lối thoát; lời tạ ơn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, mở rộng mọi tình cảnh cho lòng quảng đại của Thiên Chúa, để Ngài khai thông. Thiên Chúa luôn đến cứu giúp con người. Ngài giúp họ bằng những phương cách không ngờ, và thực hiện những điều diệu kỳ. Điều quan trọng là diễn tả tình yêu cảm tạ của ta dành cho Ngài: đó phải là cung cách của mọi kitô hữu. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi Thessalonica, đã khuyên nhủ: ‘Trong mọi hoàn cảnh, hãy tạ ơn Thiên Chúa’, do đó cả trong những lúc khó khăn và túng thiếu. Những hoàn cảnh khó khăn ẩn chứa một ân ban cho ta, nếu ta biết đón nhận với lòng tạ ơn. Các thánh, chứng nhân tỏ tường về chân lý này, dạy chúng ta hành động như thế, bởi họ biết rằng Thiên Chúa giấu bên trong những thử thách một ân ban quý giá. Đón nhận lấy với lòng biết ơn sẽ làm ta vui mừng, phấn khởi và giúp ta vượt qua tất cả nhờ trợ lực của Chúa.
Thứ Ba tuần XVIII Tn
Lễ Chúa hiển dung
Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Đức Giêsu thường nói với chúng ta về việc cầu nguyện; nhưng chúng ta có rất ít những lời nguyện của Ngài; việc cầu nguyện hôm nay có những hiệu quả diệu kỳ: cuộc biến hình.
Trong cuộc hội ngộ với Thiên Chúa, con người được biến hình. Như Môsê sau khi đàm đạo với Thiên Chúa, mặt ông trở nên sáng chói, cũng thế Đức Giêsu trong cuộc hội ngộ với Chúa Cha, ‘Dung mạo Ngài biến đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói lòa’. Chúng ta thử tìm hiểu xem có ý nghĩa gì cho chúng ta.
1. Sự kiện
Đức Giêsu cầu nguyện, đàm đạo với Môsê và Êlia về việc Ngài xuất hành sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Cuộc xuất hành đó chính là việc chết-sống lại của Ngài, cuộc vượt qua khó nhọc từ việc vâng phục chết trên thập giá đến việc vinh thắng trên trời. Trong cuộc đối thoại với các đại diện Kinh Thánh (Môsê và Êlia tượng trưng Luật và các tiên tri), Đức Giêsu khám phá số phận cuối cùng của Ngài: vượt trên cái chết và việc vinh hiển bên phải Chúa Cha. Xác quyết lần nữa con đường đúng đắn trong việc phó thác hoàn toàn trong kế hoạch của Cha khi có sự can thiệp của tiếng từ trời: ‘Và từ đám mây có tiếng phán: Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy nghe lời Ngài!’
Trời cao đã xé ra trên đầu Đức Giêsu và điều của tương lai phục sinh khải hoàn đã biểu lộ ra cho chính mình và cho các tông đồ, đang ngây ngất: ‘Chúng ta ở đây thật là hay, chúng con xin làm ba lều’. Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng chính là các vị cùng ở với Đức Giêsu trong vườn Giếtsêmani, hoảng hốt vì đau khổ của cơn hấp hối. Họ cần khám phá trước điều vinh quang ẩn dấu bên trong nhân tính mỏng giòn và bị bách hại của Đức Giêsu để có thể chịu đựng vấp phạm của thập giá.
Phêrô sẽ hiểu hơn ý nghĩa của trải nghiệm trên núi đã làm cho ông say mê, và viết trong thư thứ hai như sau: ‘Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Ngài. Quả thế, Ngài đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Ngài: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Ngài’ (2Pr 16-18). Chứng nhân của ‘vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật’ (Ga 1,14).
2. Mầu Nhiệm
Kinh tiền tụng lễ hôm nay nêu rõ tại sao Giáo Hội lại muốn đề nghị cho ta mầu nhiệm này: ‘Người đã tỏ bày vinh quang cho các chứng nhân được tuyển chọn, khi làm cho thân thể Ngài, vốn giống như xác phàm chúng con, được tràn ngập ánh sáng huy hoàng. Như vậy Ngài chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá, và làm cho ánh sáng diệu kỳ chiếu tỏ nơi Ngài là đầu của Hội Thánh, cũng sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu’. Nói đến số phận của Hội thánh, nghĩa là của chúng ta, của kinh nghiệm chúng ta về việc biến hình, biến hình ngay cả xác thân chúng ta nữa.
Khi con người tìm cách liên hệ với Thiên Chúa và với thế giới, họ thường hay lưỡng lự giữa hai lựa chọn đối nghịch nhau. Một quan niệm bi quan, cho rằng: con người cần phải chết đi, thế giới phải chấm dứt để được nhìn xem Thiên Chúa; còn quan niệm lạc quan cho rằng: thế giới này là Nước Thiên Chúa, không còn phải mong chờ một thế giới nào khác. Ngược lại có một quan niệm thứ ba, cho rằng: đúng thế, xác thịt thì tốt, vì Thiên Chúa dựng nên mà, thế giới mang tính linh thiêng nhưng hiện giờ nó chỉ là một hình ảnh; để thực sự tốt, để đạt đến cùng đích của nó, nó sẽ không bị tiêu hủy, nhưng được biến đổi.
Nơi các tu sĩ đông phương người ta thuờng vẽ những tranh thánh. Khi một đồ đệ chấm dứt trường nhập môn việc vẽ tranh, phải trải qua một trắc nghiệm: vẽ cảnh biến hình để biết diễn tả một con nguời phản chiếu vẻ huy hoàng của Thiên Chúa. Đấy chính xác là hình ảnh tổng hợp của kinh nghiệm kitô: biến hình, biến đổi dần dần nhân tính của ta thành thiên tính. Đó là một thần hóa tiệm tiến, một sự đồng hình đồng dạng càng càng sâu xa hơn với Đức Kitô để cùng với Ngài tham dự vào vinh quang. Thánh Phaolô viết: ‘Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí’ (2 Cor 18 ).
Ngày nay, như ngày xưa với Đức Giêsu- chúng ta cần phải hiểu biết trước việc biến hình và về số phận của mỗi người chúng ta, một trực giác chắc chắn, ban cho ta qua đức tin: bên kia những đau khổ và cái chết đang chờ mong chúng ta nơi quê trời. Ngay ‘cái thân xác phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc sự bất tử’ (1 Cor 15,54); bởi vì ‘nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới’ (Rm 8,11).
+++
Sách Thánh trình bày Môsê như một người khiêm tốn nhất trên mặt đất: ông nhìn nhận mình  hoàn tòan lệ thuộc Đức Chúa trong sứ vụ cứu thoát dân Người, sứ vụ mà ông đã được kêu gọi. Sự khiêm tốn ấy đã bị Đức Giêsu vượt qua. Môsê chỉ là một mô hình xa của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, không chỉ cho dân của Người mà cho toàn thể nhân loại, quá khứ, hiện tại và tương lai. Thế nên, sau khi làm phép lạ hóa bánh (phép lạ Manna ngày xưa) Đức Giêsu truyền cho các tông đồ phân phát cho dân chúng, Ngài muốn nơi ấy trở về trong thinh lặng để tránh những lời tung hô của đám đông muốn tôn Ngài làm vua.
Cho dù là đấng tạo dựng thế giới, vũ trụ, Ngài vẫn giấu kín quyền năng vô biên dưới hình hài một người thợ từ một làng quê không ai biết đến. Ngay cả khi bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên (hóa bánh nên nhiều để nuôi mười ngàn người, đi trên mặt nước), Đức Giêsu xem tất cả những việc lạ lùng đó đều là bình thường. Mục đích duy nhất của Ngài là nhằm thuyết phục các môn đệ rằng, khi tin vào Ngài và tuân giữ giới răn của Ngài, họ có thể khuất phục toàn thế giới dưới quyền của Chúa Cha để Nước Thiên Chúa hiển trị.
Thứ Tư tuần XVIII Tn
Trong đoạn tin mừng hôm nay ta thấy Đức Giêsu buộc các môn đệ rời bỏ Galilêa, vùng đất thời thơ ấu của Ngài và đi đến vùng đất dân ngoại xung quanh Tirô và Siđon. Một phụ nữ ngoại giáo Canaan con cháu của dân tộc mà người do thái ghét bỏ, nghe nói về Đức Giêsu và những quyền năng lạ lùng của Ngài, đã đến xin Ngài chữa bệnh cho con gái bà, bị thần dữ ám. Bà nài nỉ khẩn cầu lòng nhân từ của Đức Giêsu, nhưng hình như Ngài không để ý đến. Bà không muốn mất đi cơ hội: chạy theo Chúa, sấp mình xuống khẩn xin. Khi ấy Đức Giêsu mới nói với bà cách hiền từ nhưng dứt khoát: ‘Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó’, nhắc cho bà biết là bà không thuộc dân tuyển chọn. Ngài nói thế có ý để thúc đẩy bà tiến đến một hành vi đức tin lớn lao hơn. Bà can đảm trả lời: ‘Thưa Ngài, đúng thế…nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống’. Với những lời ấy, Đức Giêsu nhìn thấy nơi bà một người con gái của Israel, đã tin vào quyền năng của Ngài. Ngài lập tức chữa lành đứa con gái của bà: ‘Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào sẽ được như vậy’.
+++
Lòng tin dấn thân
Trong tin mừng hôm nay, người đàn bà ngoại giáo cho ta một gương mẫu về lòng tin. Bà chẳng có chút quyền gì và bà biết điều đó; Đức Giêsu chẳng hứa cho bà điều gì cả, nhưng với lòng tin kiên trì bà đã được Chúa chữa lành cho con gái và được khen tặng.
Bài đọc 1, trái lại, dân chúng kém lòng tin. Thiên Chúa hứa cho họ Đất hứa; ít tháng sau khi đưa họ ra khỏi Aicập, Thiên Chúa kêu gọi họ đi chiếm đất hứa: ‘Đức Chúa phán với ông Môsê: Ngươi hãy sai người đi do thám đất Canaan, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Israel. Báo cáo của những người do thám nêu lên những khía cạnh tương phản nhau: đúng là miền đất chảy sữa và mật; nhưng dân cư miền ấy thì mạnh và thành trì lại kiên cố và rộng lớn. Phản ứng ra sao trước tình cảnh như thế? Có hai khả năng: tin tưởng vào lời hứa của Đức Chúa mà tiến bước, hoặc dừng bước trước những khó khăn, những trở ngại và mất can đảm. Tuy nhiên khi ta để những khó khăn làm lòa mắt, chúng sẽ trở nên to lớn quá sức, và chính đó là điều xảy ra cho dân Israel, ‘Họ lớn tiếng kêu la; dân chúng than khóc cả đêm đó’. Than khóc là thất vọng vì sự hèn nhát của họ.
Thiên Chúa không thể chịu đựng sự thiếu lòng tin vào những lời hứa của Ngài, vì làm tổn thương trái tim Ngài, và Ngài đã quyết định chiều theo ý muốn của dân: các ngươi không muốn vào đất hứa hả? Các ngươi sẽ không được vào! Ta sẽ xử với các ngươi như lời các ngươi kêu thấu đến Ta. Theo số ngày các ngươi đi do thám đất- bốn mươi ngày- mỗi ngày tính là một năm, các ngươi sẽ gánh chịu tội ác của các ngươi bốn mươi năm.
Đáng tiếc, trong thời đại ngày nay thái độ thiếu niềm tin vào Thiên Chúa lại rất phổ biến. Các người trẻ không còn can đảm chấp nhận những bổn phận ‘dài ngày’, kéo dài bởi lẽ họ không tin tưởng vào Chúa. Họ chấp nhận hy sinh một chút thôi cho một việc làm bác ái nào đó, và xem như đã là một việc thiện rồi, chứ họ không can đảm dấn thấn cách dứt khoát, cậy dựa vào ơn Chúa. Và rõ ràng là, không có ơn Chúa, không ai có thể theo đuổi một công việc suốt cả đời: biết bao điều thay đổi, chính chúng ta cũng thay đổi…tuy nhiên với ơn Chúa chúng ta có thể kiên trì đến cùng bổn phận chúng ta, vì danh Ngài. Nhiều bạn trẻ không chịu lập gia đình, nhưng họ lại sống chung với nhau, vì họ không có can đảm để dấn thân trong đời sống hôn nhân bất khả phân ly: họ không kể đến ơn sủng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đề nghị cho họ một ơn huệ đặc biệt: một cuộc sống tình yêu trung thành, thường hằng, luôn tăng trưởng và họ thưa: ‘Không thể được! Quá khó! Và khi họ cưới nhau, thường những cuộc ly dị là giải pháp chung: bỏ việc bổn phận mình vì xét rằng khó khăn quá lớn. Trong lời mở đầu các Giờ kinh, Giáo Hội dạy ta cầu nguyện với lời thánh vịnh nhắc nhớ lại giai đoạn này của dân được tuyển chọn: ‘Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như ngày trong sa mạc nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức Ta, nên ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta’. Vừa là một cảnh giác về thái độ trên vừa khuyến khích ta noi gương đức tin của người đàn bà xứ Canaan, lãnh nhận tất cả những điều hứa ban cho bà nhờ vào lòng tin của bà.
Thứ năm Tuần XVIII Tn
Thánh Đaminh
Thánh Đaminh sinh tại Caleruega, Tây Ban Nha năm 1170, chết tại Bologna ngày 6.8.1221. Cùng với thánh Phanxicô Assidi, là ông tổ về đời sống thánh thiện kitô giáo được Chúa Thánh Thần khơi dậy trong một thời buổi có nhiều biến động lịch sử. Vừa thoát ra khỏi nạn bè rối Albigeois, thánh nhân hy sinh tất cả cho việc rao giảng tin mừng và bảo vệ đức tin trong vùng nam nước Pháp. Để tiếp tục phổ biến việc phục vụ tông đồ này cho toàn Giáo Hội, Ngài đã thành lập tại Tolosa (1215) dòng Đaminh. Ngài có một hiểu biết khôn ngoan sâu xa về mầu nhiệm Thiên Chúa và đề xướng, cùng với việc đào sâu của các nghiên cứu thần học, kinh nguyện bình dân của chuỗi mân côi.
+++
Cuộc đời của hạt giống. Sự tự hiến mạng sống, như là đặc tính chính của học thuyết Messia, Đức Giêsu diễn tả bằng một dụ ngôn nhỏ. Là cuộc đời của hạt giống: một dụ ngôn nhỏ để thông đạt một cách đơn sơ và rõ ràng cho dân chúng; hạt giống khởi đầu âm thầm trong lòng đất, mục nát đi và trở thành mầm xanh, rồi đến gié nặng trĩu hạt. Hai điểm quan trọng của dụ ngôn: sinh nhiều hạt khác; được sự sống đời đời. Hạt giống chìm sâu trong lòng đất được các Giáo Phụ chú thích như là hình ảnh việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Trong lòng đất, xem chừng sức sống của hạt giống bị tiêu tan, bởi lẽ mục nát và chết đi. Nhưng rồi trổ sinh những gié lúa, ý nghĩa sâu thẳm của cái chết. Đức Giêsu biết rằng cái chết sắp đè nặng trên con người của Ngài. Cái chết mang những đặc tính của tối tăm và của đau khổ, nhưng đối với Đức Giêsu nó ẩn tàng một sức mạnh của người phụ nữ sinh con, một huyền nhiệm của sự sống. Dưới ánh sáng đó ta có thể hiểu được lời của Đức Giêsu: ‘Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời’. Ai xem sự sống mình như một sở hữu lạnh lùng để sống vị kỷ, thì giống như hạt giống trơ trọi, không hướng đến sự sống. Ngược lại ‘ai coi thường mạng sống mình’ một thành ngữ nhằm chỉ sự từ bỏ việc sống duy chỉ cho riêng mình, mang ý nghĩa là việc trao hiến cho người khác; chỉ như thế cuộc sống mới thật m sáng tạo: là nguồn của bình an, của hạnh phúc và sự sống. Đó là thực tại của hạt giống nảy mầm. Nhưng đọc giả có thể hiểu được chiều kích phục sinh của dụ ngôn này. Đức Giêsu ý thức rằng để mang đến cho nhân loại sự sống thần linh, Ngài cần phải trải qua sự sống âm thầm của cái chết trên thập giá. Theo gương của Ngài, người môn đệ cũng đối diện với ‘giờ của mình’, giờ của sự chết, với niềm tin chắc rằng sẽ tiếp cận sự sống vĩnh cữu, nghĩa là kết hợp tròn đầy với Thiên Chúa.
Câu chuyện của hạt giống là câu chuyện của việc chết đi để được nhân lên; vai trò của nó là phục vụ cho sự sống. Việc tự hạ của Đức Giêsu được sánh ví với hạt giống chôn vùi trong lòng đất. Trong cuộc đời của Đức Giêsu, yêu là phục vụ và phục vụ là tiêu tan đi trong cuộc sống của những người khác. Gần đến giờ của Ngài, thời điểm kết thúc sứ vụ của Ngài, Đức Giêsu bảo đảm cho các môn đệ bằng lời hứa an ủi và niềm vui vô tận. Ngài đưa ra hình ảnh hạt giống phải mục nát và người đàn bà sinh con trong đau đớn. Đức Kitô đã chọn thập giá cho mình và cho những kẻ theo Ngài: ai muốn làm môn đệ Ngài, cũng được mời gọi chung chia con đường Ngài đã đi.
+++
Bài tin mừng thuật lại việc Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các tông đồ. Một phép lạ. Cũng có thể hiểu cách khác: thuyền của các tông đồ bị gió thổi về bờ phía bắc, Đức Giêsu từ trên núi xuống (Ngài đi cầu nguyện) để cứu giúp họ khi thấy họ đang phải chống chọi vì bị sóng đánh và Ngài đến thình lình với họ trên ngọn sóng làm họ hoảng sợ khi nhìn thấy Ngài. Có một ý nghĩa rất rõ ràng là trong thời điểm các tông đồ đang cần thì Đức Giêsu đến cứu giúp. Khi gió thổi ngược và khi cuộc sống đòi hỏi chiến đấu, Đức Giêsu ở đó để giúp đỡ.
Trong cuộc sống ta thường gặp gió ngược. Nhiều lần chúng ta phải đối mặt với cuộc đời và chỉ thấy toàn là một cuộc chiến đấu vô vọng với chính mình, với hoàn cảnh, với những cám dỗ, với những nỗi buồn, với những quyết định của ta. Những lúc như thế ta không chiến đấu một mình, Đức Giêsu đến với ta trên những ngọn sóng cuộc đời. Với đôi tay dang rộng, Ngài cứu ta, và với giọng nói trầm tĩnh, Ngài trấn an ta: ‘Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!
Thứ sáu Tuần XVIII Tn
Sống là Đức Kitô
Cựu Ước mạc khải cho dân ưu tuyển tình yêu cá biệt của Thiên Chúa và chỉ cho thấy phương cách để lưu lại trong tình yêu này. Chúng ta nhận ra điều này trong bài đọc 1. Môsê nhấn mạnh sự kiện Thiên Chúa trong mối liên hệ cá biệt, sống động và mãnh liệt với Israel. Thiên Chúa đã tự chọn cho mình một dân tộc giữa mọi dân tộc khác cùng với thử thách, dấu chỉ, kỳ công và chiến trận. Người Israel phải nhớ những tai ương giáng trên Aicập, mà Thiên Chúa buộc Pharaon phải để cho dân ra đi; họ phải nhớ chiến thắng của Thiên Chúa trên những chiến xa Aicập đang đuổi theo dân Israel và bị chôn vùi trong lòng biển. Đàng khác, Thiên Chúa ngỏ lời cách cá biệt với dân của Ngài. Môsê nhắc lại cuộc diện kiến với Thiên Chúa trên núi Sinai: ‘Từ trời cao Thiên Chúa đã cho ngươi nghe tiếng của Người để dạy dỗ ngươi; trên mặt đất Người đã chỉ cho ngươi thấy lửa của Người và ngươi nghe thấy tiếng của Nguời ngay giữa lửa’. Tất cả đều vì tình yêu, ‘bởi vì Môsê nói rằng Thiên Chúa yêu thương cha ông ngươi’. Và trong một đoạn sách Đệ Nhị Luật: ‘Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em…mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ (Đnl 7,7-8 ).
Để lưu lại trong mối liên hệ cá biệt với Thiên Chúa, tương quan tình yêu, Israel cần phải làm gì? Cần phải khước từ những ngông cuồng riêng, lắng nghe tiếng Chúa và sống theo những chỉ thị của Ngài, Đấng lúc nào cũng chỉ đường chính lộ để sống trung thành. Không thể lưu lại trong tình yêu mà không từ bỏ tính ích kỷ. Không thể lưu lại trong mối liên hệ tốt nhất với người mình yêu nếu không tìm sống phù hợp với ước mong của người yêu. Tuy nhiên Môsê nhấn mạnh việc tuân thủ huấn lệnh của Thiên Chúa. Đó là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài. Ai tuân giữ sẽ được hạnh phúc: ‘Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em, để ngươi và con cháu ngươi được hạnh phúc’.
Khi Đức Giêsu đến, việc liên hệ cá biệt với Thiên Chúa càng trở nên hiển nhiên hơn, mãnh liệt hơn và thân tình hơn. Thay vì tiếng sấm trên núi Sinai truyền lệnh Thiên Chúa, chúng ta liên hệ với Con Thiên Chúa làm người như chúng ta, là người anh em với ta. Tình yêu Ngài dành cho ta được biểu lộ quảng đại hơn, không qua những dấu chỉ kỳ công, nhưng bằng chính con người của Đức Kitô, đến độ tiêu hao, đau khổ và chết.
Để lưu lại trong tình yêu này, chúng ta phải làm gì? Đức Giêsu nói rõ: ‘Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình…’chúng ta cần phải từ bỏ tính ích kỷ, đừng để cái tôi của mình làm trung tâm tất cả nữa, ngược lại cần chấp nhận mất mạng sống vì danh Đức Kitô. Nếu chúng ta muốn cứu nó, ta sẽ mất nó. Nếu ta mất mạng vì Chúa, ta sẽ được lại.
Với cái nghịch lý này, Đức Giêsu mạc khải cho ta một quyết định để nhằm hướng dẫn đời ta. Chúng ta cảm nghiệm trong mình có hai khát vọng mạnh mẽ, khát vọng hạnh phúc và khát vọng yêu thương. Quả vậy Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để sống hạnh phúc và yêu thương. Tuy nhiên có một sự không tương thích giữa hai mục tiêu này, ít là cách tạm thời. Ai tìm hạnh phúc trực tiếp cho riêng mình, thì sống trong ích kỷ và sẽ xa cách tình yêu. Ai tìm sống trong tình yêu cần từ bỏ việc đi tìm hạnh phúc cách trực tiếp, hạnh phúc của riêng mình. Nhiều người ở trong hoàn cảnh lập lờ: muốn sống yêu thương, nhưng trong thực tế họ lại tìm hạnh phúc riêng. Biết bao thảm cảnh xảy ra vì điều này. Đức Giêsu không để chúng ta sống trong ảo ảnh nữa. Ngài nói rõ ràng, nếu ta muốn tìm hạnh phúc, cần phải từ bỏ việc đi tìm nó, mà phải hướng đến một mục tiêu duy nhất, đó là sự tiến triển trong tình yêu, theo con đường mà Ngài đã vạch ra. Ai muốn cứu mạng sống mình cách ích kỷ, sẽ mất nó, nhưng ai quảng đại mất đi mạng sống mình vì Ngài, sẽ tìm lại được. ‘Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là mối lợi’ (Philip 1,21). Hãy tự hỏi mình xem có đang đi trên con đường đó không.
Thứ bảy Tuần XVIII Tn
Thánh Laurensô
Lời Chúa hôm nay và mãi mãi là chân thật, sống động, cứu độ và giải thoát. Lời Chúa cứu chữa chúng ta khỏi mọi bệnh tật; phục sinh chúng ta từ cõi chết. Thánh hóa chúng ta. Trong một xã hội đang muốn loại trừ ảnh hưởng Kitô, chúng ta đi tìm những giải pháp, những phương thức cho việc tân phúc âm hóa. Đôi lúc chúng ta nghĩ là đã tìm thấy chúng trong các dự định, trong cách sống của chúng ta. Hoặc chúng ta đánh mất hy vọng tìm thấy chúng. Chúa thông ban cho ta một phương cách hoàn toàn hiệu quả: chết đi cho chính mình. Chết mỗi ngày. Ước gì những năng lực ích kỷ của ta bị tiêu hủy đi. Như thế chúng ta sẽ được hưởng sự sống, là chính Đức Kitô, cho bản thân ta, cho Giáo Hội và cho thế giới. Cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng được sống lại với Ngài. Như những người bạn thân, ta phục vụ Ngài và Ngài ở đâu, ta cũng ở đó: trên thánh giá, trong vinh quang. Chúng ta lắng nghe tiếng Ngài trong tin mừng. Chúng ta suy niệm gương thánh Lôrensô, vị thánh đã từng lắng nghe tiếng Chúa và không cứng lòng.
Đoạn tin mừng hôm nay chứa đựng những lời quan trọng về những cách thức trong sứ vụ truyền giáo ‘mang nhiều hoa trái’ của Đức Kitô và của các môn đệ Ngài. Nhưng trong lời tuyên bố long trọng này ‘nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác’ được chèn vào đoạn 12,12-36 trong đó thuật lại cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu như Đấng Messia với dân Israel và việc dân Israel từ khước lời đề nghị cứu thế của Ngài. Đâu là những chủ đề chính diễn tả học thuyết Messia của Đức Giêsu? Người do thái chờ mong một đấng Messia dưới lớp áo của một vị vua quyền thế, tiếp tục cai trị trên ngai vàng của Đavít và mang lại cho Israel một thời hoàng kim như ngày xưa. Đức Giêsu, ngược lại, trung tâm học thuyết Messia của Ngài là việc tự hiến mạng sống và ban cho con người khả năng tiếp nhận chương trình của Thiên Chúa trong cuộc đời họ.
+++
Khởi đầu bài đọc 1 hôm nay ta nhận ra đoạn sách Đệ Nhị Luật mà Đức Giêsu đã trích dẫn để trả lời cho người kinh sư hỏi Ngài về giới răn trọng nhất. Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của ngươi (Mc 12,29-30). Đức Giêsu còn thêm vào giới luật thứ hai, là yêu thương tha nhân, không tách rời khỏi giới luật thứ nhất.
Sự quan trọng nền tảng của câu trích sách Đệ Nhị Luật được truyền thống do thái nhìn nhận, và trở thành lời mở đầu cho kinh nguyện hàng ngày của người do thái.
Thật vậy, chúng ta nhận thấy đây là một mạc khải lạ lùng. Những sách khởi đầu của bộ Kinh Thánh không nói phải yêu mến Thiên Chúa, nhưng chỉ nói phải kính sợ và phụng sự Người. Khi Giacóp đi về Kharan, đến một nơi kia, ông lấy một hòn đá nơi đó gối đầu và nằm ngủ ở đó. Ông mơ thấy một chiếc thang dựng từ đất đến trời và vô số thiên thần lên xuống trên đó. Ông tỉnh giấc và nói: ‘Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa’ (St 28,10-17). Khi Môsê nhìn thấy bụi cây bốc cháy, ông nghe tiếng của Thiên Chúa, ông che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa (Xh 3,6). Tương tự như vậy, khi Thiên Chúa tỏ mình trên núi Sinai và ban lề luật của Người, ‘toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với Môsê: Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe, nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất’ (Xh 20,18-19). Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại cảnh này trước khi thông truyền mạc khải mới, thay vì nhấn mạnh đến sự kính sợ thì lại nói đến lòng yêu mến. Sự vĩ đại của Thiên Chúa, quyền năng của Người, sự thánh thiện của Người không loại trừ tình yêu. Nên Thiên Chúa đòi hỏi phải được dân Người yêu mến chứ không phải chỉ được kính sợ, khen ngợi. Lời yêu cầu này của Thiên Chúa thay đổi hoàn toàn cách thức liên hệ với Người. Người chuẩn bị cho lời yêu cầu này cách tiệm tiến. Để có thể được yêu mến, Thiên Chúa đã tự tỏ mình cho người ta nhận biết; đã thiết lập tương quan cá biệt với Ápraham, tỏ cho ông và con cháu ông thấy lòng nhâu hậu của Người; đã thề hứa với ông và đã không ngừng quan tâm đến con cháu của ông, để hướng dẫn, bảo vệ, che chở, giải phóng và ban nhiều ơn phúc. Thiên Chúa tự tỏ mình là đấng đầy tình thương, một tình thương nhân hậu, mạnh mẽ và dịu dàng.
Thiên Chúa yêu cầu được yêu mến. Người đòi hỏi điều ấy không phải vì lợi ích cho Người, nhưng chỉ vì tình yêu, nghĩa là để có thể ban tặng nhiều hơn nữa, để có thể ban tặng chính mình cho chúng ta và dẫn đưa ta vào trong sự sống tình yêu của Người. Nếu một ai đó nhận ân huệ từ một người khác mà lại không biết đáp trả bằng tình yêu, mối tương quan ấy chưa thỏa đáng. Ai muốn trao ban thì không thể thông ban những điều thiện hảo quý giá hơn, không phải là vật chất nhưng là nhân vị và tinh thần. Ơn ban cao trọng nhất, quý giá nhất là chính hiệp thông liên vị. Điều còn lại chỉ là phụ thuộc.
‘Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi’. Người muốn nên một với tôi để làm cho tôi sống tràn đầy trong niềm tín thác, hân hoan, trong sự hiệp thông với Người và với mọi người.
Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Chỉ Thiên Chúa mới được yêu mến thực sự hết lòng, không dành lại chút gì; vì Người tốt lành vô cùng. Tại trần gian này mọi tạo vật đều có giới hạn và khiếm khuyết. Nên chỉ đáng cho một tình yêu giới hạn. Trái lại, Thiên Chúa xứng đáng cho tình yêu vô cùng. Tôi yêu mến Người với hết sức của tôi vì chính Người đã ban cho tôi tất cả, vì yêu thương. Một ít người cho tôi nhiều quà tặng quý giá, nhưng không ai có thể cho tôi trọn vẹn con người tôi. Người ban cho tôi tất cả: không khí để thở, ánh sáng để nhìn, thế giới với những kỳ quan, những con người quanh tôi. Tình yêu Thiên Chúa gặp gỡ tôi mọi nơi và muốn thông ban chính mình cho tôi. Thế nên, yêu mến Thiên Chúa không phải là một giới răn, đúng hơn là một ơn gọi, đáp lại khát vọng sâu xa nhất của chính con người tôi. Đàng khác, yêu mến Thiên Chúa hết lòng là một công trình dài hơi, vì giả thiết sự loại bò hoàn toàn tính ích kỷ của mình, không thể được thực hiện trong một chớp mắt. Mỗi bước tiến trong chiều hướng đó là một chiến thắng mang lại niềm vui đích thực cho lòng ta.
+++
Bài đọc I là kinh Shema, Kinh tin kính của người do thái. Người do thái đọc kinh này 3 lần mỗi ngày. Chẳng những thế những lời ấy còn phải được viết rồi bỏ vào trong hộp nhỏ mang trên trán, được đeo trên tay, được ghi trên của nhà, cửa thành. Điều lề luật khuyến dụ có ý nói lên tầm quan trọng của lời kinh Shema trong đời sống người do thái. Không được quên điều này, giao ước căn bản giữa Thiên Chúa và dân Người. ‘Phải ý tứ đừng quên Đức Chúa’.
Bài tin mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành một bé trai mắc bệnh kinh phong. Người ta đưa cháu đến với các tông đồ nhưng các ông không chữa được. Sau khi thấy đứa bé được Đức Giêsu chữa lành, các tông đồ mới hỏi Thầy lý do vì sao họ không thể chữa lành được: tại anh em kém tin! Lòng tin biến đổi tất cả, làm được tất cả.
Mỗi ngày tập sống đức tin trong từng việc nhỏ. Lòng tin sẽ lớn lên khi biết cho đi, chia sẻ cho người khác.
+++
Đoạn tin mừng đan xen giữa sự bất lực của các môn đệ trong việc chữa lành em bé do kém lòng tin (v.20), giữa một thế hệ cứng lòng (v.17) và quyền năng của đức tin chân thực (v.20).
Đối với Matthêô đứa bé là tượng trưng cho dân Israel cứng lòng (x.Đnl 32,5) đã không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ (v.17).
Các môn đệ không thể dùng sức riêng của mình để trừ quỷ, nhưng chỉ có thể thực hiện được nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Đức tin là phương thế duy nhất để liên kết với Thiên Chúa và sử dụng quyền năng của Người.
Matthêô nhắc đến dụ ngôn hạt cải, đã lớn lên vượt quá những gì mong đợi lúc ban đầu.
Đoạn văn này hình như có một trái ngược. Đức Giêsu quở trách các môn đệ vì họ kém lòng tin và rồi Ngài còn bảo nếu họ có đức tin bằng hạt cải, họ có thể chuyển dời núi non.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay28,545
  • Tháng hiện tại719,065
  • Tổng lượt truy cập52,888,013

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây