Suy niệm chú giải Lời Chúa CN XX TN C - Lm. Inhaxiô Hồ Thông.
Chủ nhật - 11/08/2019 21:46
1253
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên năm C mời gọi các Ki-tô hữu phải kiên vững đức tin trong sứ mạng của mình dù gặp phải những chống đối, thù nghịch.
Gr 38: 4-6, 8-10
Vì trung thành với sứ mạng của mình, ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị mọi người thù ghét và bách hại. Các Ki-tô hữu coi vị ngôn sứ này là hình bóng của Đức Ki-tô.
Dt 12: 1-4
Tác giả khuyên những Ki-tô hữu gốc Do thái của ông phải kiên trì đức tin trong mọi gian nan thử thách bằng cách noi gương các bậc tiền nhân, nhất là mẫu gương tuyệt hảo của Đức Ki-tô.
Lc 12: 49-53
Giáo huấn của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ đạt đến tuyệt đỉnh khi Ngài báo trước sứ mạng của các môn đệ sẽ đồng nhất với sứ mạng của Ngài trong cùng một tình yêu tận mức dành cho con người.
BÀI ĐỌC I (Gr 38: 4-6, 8-10)
1.Hoàn cảnh bi thương của ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
Đây là một trong những bài trình thuật kể về những đau khổ mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a phải chịu vì trung thành với sứ mạng của mình. Ngôn sứ đã tuyên sấm rằng thành đô Giê-su-sa-lem sẽ bị điêu tàn nếu dân chúng vẫn cứ bất trung với Thiên Chúa của mình. Dĩ nhiên, đối với các thủ lãnh, lời tuyên sấm này phản ảnh tinh thần chủ bại và phản quốc, vì thế họ tìm cách bịt miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a bằng cách thả ông xuống “hầm không có nước mà chỉ có bùn”. Nhưng ngôn sứ được cứu nhờ viên thái giám người Cút là ông E-vét Me-léc.
2.Một cuộc đời trung thành chuyển giao lời Thiên Chúa:
Để có thể hiểu những nỗi đau giằng xé trong tâm khảm của vị ngôn sứ, chúng ta đừng bỏ qua những lời tâm sự đến xé lòng của ông theo hình thức cầu nguyện như:
“Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì,
để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với con?
Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người,
thế mà vãn cứ bị nguyền rủa.
Quả vậy, lạy Đức Chúa,
con đã chẳng đem thiện chí phục vụ Ngài hay sao?
Nào con đã chẳng cầu khẩn với Ngài cho thù địch
khi nó gặp hoạn nạn, lúc nó phải gian truân?” (Gr 15: 10-11),
nhất là:
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con
và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.
Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.
Mỗi lần nói năng là con phải la lớn,
phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’
Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày.
Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”.
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
ầm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến pahri hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20: 7-9).
Thật ra, ngôn sứ Giê-rê-mi-a vốn là một con người hiền lành, không muốn làm mất lòng bất kỳ một ai. Trung thành chuyển giao lời Thiên Chúa mà ông trở nên kẻ thù địch của mọi người, vì những thông điệp của ông đi ngược lại những mong ước của mọi người. Vì thế, đoạn trích dẫn hôm nay không nên nhấn mạnh sự giải thoát cho bằng sứ mạng trung thành chuyển giao lời của Đức Chúa mà ông bị loại trừ và chịu đau khổ. Quả thật, sự đau khổ của Giê-rê-mi-a tiên trưng sự đau khổ của Đức Giê-su, được phác họa trong Tin Mừng hôm nay.
BÀI ĐỌC II (Dt 12: 1-4)
1.Noi gương các bậc tiền nhân:
Vào Chúa Nhật hôm nay, chúng ta tiếp tục đọc Thư gởi tín hữu Do thái mà chúng ta đã khởi sự đọc vào Chúa Nhật trước. Trong đoạn trích hôm nay, chúng ta đọc lời khuyến dụ kết thúc danh sách các bậc anh hùng Cựu Ước. Các ngài là những “chứng nhân” về niềm tin sắc son kiên vững trong mọi gian nan thử thách. Tác giả Thư gởi tín hữu Do thái mời gọi chúng ta noi gương các bậc tiền nhân kiên trì giữ vững đức tin trong mọi gian nan thử thách. Như một vận động viên, để có thể đạt được vòng nguyệt quế chúng ta phải chấp nhận cởi bỏ khỏi bản thân mình bất kỳ thứ gì làm vướng víu cuộc chạy đua của mình.
2.Đức Giê-su là mẫu gương tuyệt hảo của người Ki-tô hữu:
Đối với người Ki-tô hữu, Đức Giê-su còn vĩ đại hơn gấp vạn lần các bậc anh hùng Cựu Ước. Khi sống tại thế, Ngài đã không chỉ “khai mở” con đường đức tin nhưng còn “kiện toàn” lòng tin bằng cách “cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa”. Chính nhờ hướng về Ngài, người Ki-tô hữu sẽ thành toàn cuộc đời mình qua những gian nan thử thách của cuộc đời này.
TIN MỪNG (Lc 12: 49-53)
Giáo huấn của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ đạt tới cao điểm khi Ngài mặc khải rằng việc họ thuộc về các môn đệ Ngài sẽ đặt họ vào những cảnh ngộ không yên thân thoải mái đâu. Thực vậy, ý nghĩa sứ vụ của Chúa Giê-su được đề cập ở 12: 49-50 có những phản hồi trực tiếp đến các môn đệ ở 12: 51-53. Tin Mừng hôm nay có hai ý được gợi lên qua hai cặp hình ảnh: “lửa và phép rửa” (12: 49-50), “hòa bình và chia rẽ” (12: 51-53).
1.“Lửa và phép rửa” (12: 49-50)
Bằng cặp hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giê-su nói đến sứ mạng sắp đến của Ngài. Trước hết, “Thầy đã ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”: Trong Kinh Thánh, hình ảnh “lửa” thường mô tả tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa cho con người (x. Đnl 4: 24; Xh 13: 22; vân vân). Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Người tận mức ở nơi biến cố Nhập Thể của Con Ngài (Ga 3: 16). Qua hình ảnh “lửa”, Đức Giê-su tự nguyện hiến dâng mạng sống mình vì chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 13). Vì thế, Chúa Giê-su những ước cùng mong đến giờ thực hiện tình yêu tận mức của Ngài đối với con người được bừng cháy trên Thập Giá.
Tiếp đó, Đức Giê-su mô tả cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp đến của Ngài qua hình ảnh phép rửa: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”, nghĩa là Ngài sẽ dìm mình vào trong cái chết, nhưng từ cái chết Ngài sẽ sống lại trong vinh quang để không bao giờ chết nữa. Qua hình ảnh “phép rửa”, Đức Giê-su tha thiết ước mong được hiến dâng mạng sống mình vì yêu thương chúng ta. Cũng thế, chúng ta chịu phép rửa, nghĩa là chúng ta dìm mình vào trong cuộc Tử Nạn của Đức Ki tô, tức là chết cho tội lỗi mình, và được tái sinh vào một đời sống mới chan chứa muôn vàn ân phúc: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6: 4).
Qua cuộc sống mới này, chúng ta, những người Ki-tô hữu, phải bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu theo cùng cách thức như Đức Giê-su đã châm ngọn lửa ở nơi các môn đệ Ngài, như lời của thánh Phao-lô: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1: 24).
2.“Hòa bình và chia rẽ” (12: 51-53)
Con Thiên Chúa đã giáng trần với một sứ điệp hòa bình: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2: 14) và hòa giải: “Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5: 11). Các ngôn sứ cũng đã loan báo sứ mạng của Đấng Ki-tô là sứ mạng hòa bình (x. I s 9: 5tt; Dcr 9: 10) và thánh Phao-lô cũng xác quyết chính Đức Giê-su “là bình an của chúng ta” (Ep 2: 14-15). Tuy nhiên, vì cưỡng kháng lại công trình cứu độ của Đức Ki-tô do tội, con người trở thành những đối thủ của Ngài: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?”. Bất công và lầm lạc dẫn đến chia rẽ và chiến tranh: “Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Ki-tô đến. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người vượt thắng tội lỗi và cũng vượt thắng bạo động cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: ‘Họ sẽ rèn gươm thành lưỡi cày và giáo thánh lưỡi liềm. Các dân tộc sẽ không rút gươm đâm chém nhau và sẽ không tập luyện để chiến đấu’ (Is 2: 4)” (Vatican II, Gaudium et spes, 78).
Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên, dù rằng “Người đã đến loan Tin Mừng bình an” cho hết mọi người (Ep 2: 17-18), tuy nhiên, suốt cuộc đời tại thế, Đức Giê-su đã là dấu chỉ của sự mâu thuẫn (x. Lc 2: 34). Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ biết rằng sự bất đồng và chia rẽ đồng hành với công việc truyền bá Tin Mừng (x. Lc 6: 20-23; Mt 10: 24). Ngay cả trong gia đình vốn là nơi yêu thương và đùm bọc nhau, đôi khi vì niềm tin vào Ngài và vào Tin Mừng của Ngài lại trở thành cuộc bách hại ngay trong gia đình mình. Vì thế, Chúa Giê-su nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình theo kiểu thế gian, nghĩa là không có chiến tranh, bách hại, mà là hòa bình của Thiên Chúa, một thứ hòa bình ngự trị trong cõi thâm sâu của lòng người, đó là hòa bình mà thế gian không thể nào ban cho được.
“Lời Chúa Giê-su nói về sứ mạng của Người cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Người: Sự kiện Nước Thiên Chúa đến không phải để các môn đệ hưởng thụ một cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là một thứ bình an mà phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân không cùng niềm tin với mình. Thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng: ‘Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa’ (Cv 14: 22). Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng ‘chia rẻ’: a) Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác; b) Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau” (“Hạt Giống Nẩy Mầm”).