Suy niệm Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời: Sự khác biệt - Lm. Anphongsô Nguyễn Công Minh

Thứ tư - 14/08/2019 11:37  1005
LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI : SỰ KHÁC BIỆT
Chủ đề của bài giảng hôm nay là "sự khác biệt".
Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giêsu lên trời cả hồn lẫn xác. Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ của Người, đức Maria lên trời cả xác lẫn hồn. Tuy cùng một động tác lên trời cả hồn lẫn xác, nhưng có cái khác rất lớn giữa Mẹ và Con. Khác cái gì ? Ta sẽ trả lời.
Rồi khi ta kính một vị thánh, ta hát mừng vị thánh đó về trời, chứ không phải xuống đất. Hôm nay ta mừng thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, về trời. Cùng một động tác về trời, nhưng có cái khác biệt giữa các thánh kia với thánh Maria. Khác thế nào? Ta sẽ giải đáp.
1. Khác biệt giữa thánh Maria lên trời
    và các thánh khác lên trời
Khác biệt nằm nơi chữ "xác". Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Các thánh khác chỉ về trời, nói nôm na dễ hiểu, phần hồn thôi. Còn xác thịt hư nát này phải chờ đợi đến ngày quang lâm vinh hiển mới được nhập lại với hồn mà cùng hưởng vinh quang Thiên quốc. Cho dẫu xác vị đó là xác của một vị đại thánh nào đi chăng nữa, cho dẫu xác vị thánh đó vẫn còn nguyên vẹn trải qua gần 750 năm như xác thánh Clara, thì xác đó đều phải chờ. Xác thánh Maria không chờ. Mà lên ngay. Về ngay trên thiên quốc cả xác lẫn hồn.
Niềm tin này đã có từ xa xưa, chứ không cần đợi đến ngày lễ các thánh 1-11-1950, khi ĐGH Pio 12  tuyên bố tín điều ĐM Hồn Xác về Trời, người ta mới tin. Dân chúng đã tin từ lâu, nên đã dệt nên một giai thoại mà chúng ta chắc đã nghe đến mòn tai. Giai thoại về ông Toma tông đồ cứng tin :
Lúc Đức Mẹ lên 64 tuổi, Đức Mẹ được Chúa cho biết ngày hội ngộ với Con trên Thiên đàng đã gần đến. Giáo dân càng bao quanh Mẹ vì sợ mất Mẹ, vì sợ giây phút chia ly. Các Tông đồ hay tin đã vội vã trở về, để được chiêm ngắm Mẹ lần cuối cùng.
Nhưng trong các Tông đồ có một vị chuyên môn lỡ hẹn là ông thánh Tôma. Lần này không phải lỗi ông, mà vì ông đi giảng xa quá về không kịp. Nghe nói xa nhất trong các tông đồ, tận miền Ấn Độ xa xôi. Khi về tới Ephêsô, nơi Đức Mẹ ở cùng Gioan trong những năm cuối đời, thì Đức Mẹ đã nằm xuống và được an táng trong một phần mộ khoét trong đá. Toma khóc lóc mong được thấy mặt mẹ của Thầy mình lần cuối, nên để làm vừa lòng Tôma, các Tông đồ và giáo dân đã đi ra phần mộ. Đến nơi, chỉ ngửi thấy phảng phất mùi hoa huệ thơm tho. Và khi mở hòn đá che huyệt ra thì không thấy xác Đức Mẹ Maria đâu cả.
Giai thoại thì thường không có thật, nhưng nó được xây dựng trên một niềm tin, trên một xác tín nào đó. Như giai thoại Âu Cơ lấy Lạc Long Quân đẻ ra bọc trứng 100 quả, nở thành 100 người con, nói lên niềm tin mọi người là đồng bào, cùng một bọc mà ra. Trong trường hợp giai thoại Toma này, xác tín đó là thánh Maria đã về trời cả hồn lẫn xác, khác với các vị thánh khác, chỉ mới về trời phần hồn, còn xác vẫn còn lưu lạc dưới đất. Mặc dầu thần học mới bây giờ không xem hồn xác tách biệt hoàn toàn sau khi chết, mà vẫn một cách nào đó liên kết với nhau, thì vẫn khác với xác vinh quang của thánh Maria, kết hợp hoàn toàn trọn vẹn với hồn và đang ở nơi Thiên Quốc. Đó là cái khác thứ nhất: thánh Maria khác với các thánh khác khi về trời. Khác nơi chứ "xác".
2. Khác biệt giữa Mẹ về trời cả hồn lẫn xác
    với Con của Mẹ về trời cả xác lẫn hồn.
Điểm khác biệt ở đây, nằm nơi "động tác". Mẹ được đưa về trời. Con của Mẹ tự mình lên trời. Nếu chúng ta gọi đơn giản cho nhanh, lễ Chúa lên trời, lễ Mẹ lên trời, thì ta chưa nói được cái khác. Ngôn ngữ chính thức bằng tiếng Latinh dùng hai chữ khác nhau cho Mẹ và Con. Cho Con, phụng vụ dùng chữ Ascentio, Ascension à Ascenseur thang máy. Cho Mẹ, phụng vụ dùng chữ khác hẳn: Assumptio(n) : sự đảm nhận, sự bảo lãnh. Ai bảo lãnh ai. Chúa bảo lãnh Mẹ. Dễ hiểu hơn, Con bảo lãnh Mẹ. Không có người con ở bên Mỹ bảo lãnh, làm sao mẹ qua được nước Hoa Kỳ. Có lẽ từ ngữ xưa, lễ Mông Triệu, nói được ý này hơn. Mẹ được triệu về nơi cao xa. Mông là cao xa: mông lung, mênh mông. Triệu là gọi về, gọi đến. Triệu tập. (*)
Chúa Giêsu không muốn Mẹ Ngài chịu một giây phút nào dưới quyền lực satan, nên Ngài đã ban cho Mẹ đặc ân vô nhiễm nguyên tội, ngay từ phút giây vào đời. Và đến giây phút lìa đời, Người Con này đã không muốn thân xác tinh tuyền của Mẹ phải chịu mục nát, nên Ngài bảo lãnh cho Mẹ được vào hưởng vinh quang thiên quốc cả xác lẫn hồn.
Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ bảo lãnh cho chúng ta, những Kitô hữu đây được vào hưởng vinh quang cả xác lẫn hồn như Mẹ Maria, chỉ khác với Mẹ, một chút thôi, tức là Chúa sẽ nói với ta “xác hãy chờ một chút.” just a moment. Một chút của Chúa có thể là giây lát, có thể là mười năm, mà cũng có thể là thế hệ này đến thế hệ khác. Nhưng khi ta đã lìa đời này rồi, thì ta đã sống ngoài thời gian, nên khái niệm ngày giờ năm tháng không còn nữa, nên một chút so với ngàn năm cũng chỉ là một. Chờ một chút.  Nhưng để đáng được Chúa nói chờ một chút với ta, ta hãy theo con đường Thánh Mẫu Maria Vô Nhiễm trọn đời đồng trinh đã đi để được lên trời cả hồn cả xác. Con đường đó là con đường Tin Mừng đã ghi tại: “còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” "Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng  (Lc 2,9-5). Mẹ hằng đón nhận Lời Chúa, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng, cho tới khi Lời Chúa thành máu thịt, thành hơi thở, thành sự sống cho mình. Mọi hành vi cử chỉ lời nói đều thấm nhuần Lời Chúa, Ý Chúa. Và lúc đó hồn xác Mẹ được thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, thuộc về Chúa từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân.
Con đường đưa lên trời cả hồn cả xác của Mẹ Maria được mở ra cho mọi người như Tin Mừng đã ghi lại. Tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi đi con đường Mẹ Maria đã đi, để đến nơi Mẹ đã đến, là được bảo lãnh về trời cả hồn lẫn xác, riêng xác, hãy đợi đấy, chờ một chút.
                                                  
                                                         Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
__________________________________________________
(*) có thể thêm một hay hai đoạn sau :
Trong một vài thành phố nhỏ quanh thủ đô Roma, nước Ý, vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời, người ta có một tục lệ rất quyến rũ. Tục lệ đó được gọi là Incinata, nghĩa là cuộc rước đón chào. Dân làng kiệu tượng Đức Mẹ theo đường phố chính – Đức Mẹ đang trên đường về trời. Từ  hướng đối diện, đoàn rước khác kiệu tượng Chúa Giêsu – Ngài đang tiến gần đến tượng Đức Mẹ. Hai đoàn rước gặp nhau dưới một khung vòm đầy cành phủ lá và hoa rực rỡ. Hai tượng sắp đặt để cúi chào nhau ba lần. Rồi người ta kiệu hai tượng đi song song vào nhà thờ giáo xứ – Chúa chúng ta dẫn mẹ Ngài lên ngai trên trời.
Nghi thức đơn giản, ngây thơ này là một phương cách gây ấn tượng sâu sắc để diễn tả chân lý cao cả và vinh quang mà chúng ta cử hành hôm nay, tức là sự kiện Đức Maria, sau khi qua đời được bảo lãnh về trời cả hồn lẫn xác.
Lễ Các Thánh ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, tại quảng trường Thánh Phêrô, Rôma, trước 40 Hồng y, 500 Tổng Giám mục và Giám mục, hàng trăm đại diện chính quyền quốc gia, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ và hơn 700.000 dân chúng dưới bầu trời tươi sáng, Đức Piô XII sốt sắng cất tiếng trong máy vi âm ngân vang khắp quảng trường Thánh Phêrô, vọng vang vào đền thờ chật ních hơn 80.000 dân chúng, vang xa khắp hoàn cầu, vang lên tới cung trời cao thẳm những lời trịnh trọng tuyên tín: "Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian này, đã được bảo lãnh hưởng phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự ý chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa."


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay13,544
  • Tháng hiện tại721,224
  • Tổng lượt truy cập52,890,172

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây