Suy niệm chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XVIII Thường Niên (C) - Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Chủ nhật - 28/07/2019 21:39
1130
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta đừng để hết tâm trí vào việc thu tích của cải mà quên làm giàu trước nhan Thiên Chúa, vì đó mới là “kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá”.
Gv 1: 2; 2: 21-23
Sách Giảng Viên vạch trần cho thấy những công lao khó nhọc của con người và sự giàu sang phú quý ở đời này chỉ là phù vân.
Cl 3: 1-5, 9-11
Trong thư gởi cho các tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng người Ki-tô hữu phải siêu thoát khỏi mọi sự thế này mà chú tâm tìm kiếm những thực tại trên trời. Nhờ phép Rửa, người Ki-tô hữu được dự phần vào sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô, họ trở thành một tạo vật mới.
Lc 12: 13-21
Trong Tin Mừng, thánh Lu-ca tường thuật dụ ngôn người phú hộ dại khờ, ông chỉ biết thu tích của cải cho thật nhiều để vui hưởng cuộc đời cho riêng mình. Cái chết bất ngờ đến nội trong đêm đó, lúc đó ông không có của cải trường tồn “trước nhan Thiên Chúa”.
BÀI ĐỌC I (Gv 1: 2; 2: 21-23)
Câu mở đầu sách Giảng Viên: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”, đã trở thành tục ngữ. Chữ “phù vân” theo ngôn ngữ Híp-ri có nghĩa “làn gió thoảng”, “hơi sương khói”, vì thế được dùng như hình ảnh để chỉ những gì chóng qua, không bền lâu. Câu mở đầu này theo nguyên văn: “phù vân của những phù vân”, diển tả sự so sánh ở bậc cao nhất, có nghĩa, phù vân nhất, phù vân hết mức, không có gì phù vân hơn nữa.
1.Tác giả và tác phẩm:
Giảng Viên là một cuốn sách rất đặc thù, không như những cuốn sách khác trong toàn bộ Kinh Thánh. Tuy nhiên, cái nhìn bi quan về cuộc đời của sách rất gần với sách Gióp. Cả hai cuốn sách này đều chạm đến mầu nhiệm Thiên Chúa và ý định mầu nhiệm của Ngài trên nhân loại.
Nhan đề của sách: “Giảng Viên”, có nghĩa người chủ trì cộng đoàn hay người lên tiếng trong cộng đoàn. Tác giả đặt những diễn từ bi quan yếm thế của mình trên môi miệng của vua Sa-lô-môn, vị vua được truyền tụng là khôn ngoan bậc nhất. Đây là hình thức rất phổ biến vào thời xưa nhằm tạo uy tín và thế giá cho những bình phẩm của mình. Niên biểu tác phẩm có lẽ vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, chắc chắn phải trước hai sách Ma-ca-bê, bởi vì trong hai sách này niềm hy vọng vào sự sống lại ở bên kia nấm mồ được chứng thực. Đối với tác giả sách Giảng Viên, sau khi chết, người khôn và kẻ dại đều cùng chung một số phận như nhau, trong cõi âm ty tăm tối và buồn phiền (2: 14-16).
2.Công lao khó nhọc chỉ là phù vân:
Sau câu mở, vừa tóm tắt tinh thần vừa hình thành nên điệp khúc của tác phẩm, phụng vụ đề nghị cho chúng ta một đoạn văn rất gần với dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Trong đoạn văn này, tác giả phác họa bức tranh tăm tối về sinh hoạt của con người, vì hai lý do: Trước hết, toàn bộ sự nghiệp do công lao khó nhọc của mình làm nên đều phải trao lại cho người khác, việc thừa kế quả là một đại họa; thứ nữa, bao công lao khó nhọc chỉ đem lại ưu phiền cả ngày lẫn đêm.
-Việc thừa kế quả là một đại họa:
Khi viết: “Tôi đã chán ghét mọi gian lao vất vả tôi phải chịu dưới ánh mặt trời, những gì tôi để lại cho người đến sau tôi. Nào ai biết được người ấy khôn hay dại? Nhưng người ấy lại là kẻ có thẩm quyền trên những gì tôi đã phải vất vả và khôn khéo mới làm ra dưới ánh mặt trời. Chuyện đó cũng chỉ là phù vân!” (2: 18-19), tác giả nhắm đến một con người đơn độc một mình, không gia đình, không con cái, không bạn bè, chỉ biết thu tích của cải cho riêng mình, không bao giờ biết chia sẻ, biết cho, biết sử dụng thành quả công lao khó nhọc của mình để phục vụ tha nhân. Đó là lý do tại sao nỗi xao xuyến về ngày mai đã gậm nhấm lòng mình và chỉ thấy bất công khi để lại cho tha nhân niềm vui hưởng của cải mà mình đã đổ bao công lao khó nhọc làm nên. Vì thế, sự nghiệp mà con người phải vất vả làm nên trong cõi đời này chỉ là công dã tràng.
-Bao công lao khó nhọc chỉ đem lại ưu phiền:
“Phải đối với người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!”. Đây quả thật là cái phi lý của cuộc đời mà tác giả sách Giảng Viên muốn vạch trần. Khi biết sự nghiệp mà mình phải đổ bao công sức khó nhọc mới làm nên chỉ là chuyện phù vân, người ấy sinh lòng chán chường thất vọng.
Tư tưởng sau cùng của tác giả chính là cuộc đời con người là một mầu nhiệm mà chỉ mình Thiên Chúa mới biết được: “Tôi nhận ra tất cả là việc Chúa làm. Quả thật, con người không thể khám phá những gì được thực hiện dưới ánh mặt trời” (8: 17). Vì thế, phải phó thác vào Người. Lời kết của tác phẩm thì rõ ràng và giản dị: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (12: 13).
BÀI ĐỌC II (Cl 3: 1-5, 9-11)
Bản văn sách Giảng Viên là lời dẫn nhập tuyệt vời vào đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-lô-xê. Lời khuyên của thánh nhân: hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, là câu trả lời cho nỗi bận lòng của tác giả sách Giảng Viên. Lời khuyên này được viết trong khi thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma giữa những năm 60 và 63.
1.Lập luận của thánh Phao-lô:
Trước đó, thánh Phao-lô đã trình bày thần học về phép Rửa (Chúa Nhật tuần trước); giờ đây thánh nhân khai triển những hậu quả của nó khi dựa vào ý nghĩa của các nghi thức thánh tẩy: chết và sống lại, cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới.
Lập luận của thánh nhân xem ra tự nó mâu thuẫn. Trước tiên, thánh nhân nói: “Anh em đã được sống lại cùng Đức Ki-tô”, tiếp đó: “Anh em đã chết với Chúa Ki-tô” (nghĩa là chết cho tội lỗi). Thật ra, đây là một trong những phương thức thánh nhân thường dùng để đặt lên hàng đầu thực tại tinh thần và tiếp đó cho thấy những hệ lụy liên quan đến con người và những đòi hỏi luân lý phát xuất từ đó.
2.Thực tại tinh thần:
Phép Rửa hiệp nhất người Ki-tô hữu với Đức Ki-tô Phục Sinh, Đức Ki-tô thiên giới ngự trị bên hữu Chúa Cha rồi, theo cách diễn tả của thánh vịnh gia: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị” (Tv 110). Nhờ phép Rửa, người tín hữu trở thành công dân Nước Trời, họ “phải hướng lòng trí mình về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.
3.Con người mới:
Mầu nhiệm hiệp nhất này đem lại kết quả ngay lập tức, sự biến đổi nội tâm: “sự sống mới của anh em đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa”. Về phương diện bên ngoài, không có gì thay đổi, nhưng một năng lực thần linh ở trong người Ki-tô hữu mà ánh vinh quang sẽ chỉ được tỏ lộ viên mãn vào ngày tận thế. Sống theo Đức Ki-tô đảm bảo cho chúng ta vinh quang tương lai.
4.Mặc lấy Đức Ki-tô:
Cuộc đổi mới nội tâm này giúp người Ki-tô hữu vượt thắng những vị kỷ, những đam mê, những thói hư tật xấu. Phải trở nên người Ki-tô hữu chính danh. Phép Rửa cho chúng ta năng lực biến đổi này. Ở nơi khác, thánh Phao-lô nói rằng nhờ phép Rửa, người Ki-tô hữu được đóng ấn Thánh Thần (Ep 1: 13; 3: 16; 4: 30). Ở đây, thánh nhân diễn tả hùng hồn hơn: “Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa”. Không còn cách diễn tả nào có thể gợi lên tác động của ân sủng tốt hơn nữa.
“Con người cũ” sẽ nhường chỗ cho “con người mới” như thế nào, thì người chịu phép Rửa cũng trở nên một thụ tạo mới như vậy, khi bước ra khỏi nước thánh tẩy, mặc lấy y phục mới, trắng tinh. Thánh Phao-lô là văn sĩ Tân Ước duy nhất sử dụng ngôn từ này; thánh nhân còn dùng nhiều lần khác (Rm 6: 6; Ep 4: 22-24). Y phục mới trắng tinh không là vật trang điểm bên ngoài, nhưng đích thật “mặc lấy Đức Ki-tô”, nghĩa là, để cho con người của Đức Ki-tô thấm nhuần con người của mình, sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô đã giải thích điều này cho các tín hữu Ga-lát: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gl 2: 27).
5.Ơn thông hiểu:
“Anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu”. Một trong những khía cạnh đặc trưng của các thư được viết trong tù đó là điểm nhấn được đặt trên ơn thông hiểu. Ngay từ đầu thư gởi cho các tín hữu Cô-lô-xê này, thánh Phao-lô đã thông báo Mặc Khải Ki-tô giáo đã khai lòng mở trí cho chúng ta như thế nào. Ngỏ lời với các tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân viết: “Quả thật, tôi muốn anh em biết tôi phải chiến đấu gay go thế nào vì anh em, vì những người Lao-đi-ki-a, và vì bao người khác chưa thấy tôi tận mắt; như vậy là để họ được phấn khởi trong tâm hồn, và được liên kết chặc chẽ với nhau trong tình thương, họ đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Ki-tô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2: 1-3).
Thánh Phao-lô đối lập sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự dại khờ của con người. Những suy gẫm của thánh nhân trong cảnh tù đày đã khiến thánh nhân nhấn mạnh hơn nữa ơn thông hiểu Ki-tô giáo đánh dấu mức độ hiểu biết cao hơn, giúp khai mở mầu nhiệm con người và thoáng thấy mầu nhiệm Thiên Chúa.
TIN MỪNG (Lc 12: 13-21)
Trong phân đoạn Tin Mừng này, thánh Lu-ca kết tập nhiều lời dạy của Chúa Giê-su về tinh thần siêu thoát khỏi những của cải trần thế; vài lời dạy trong số này cũng được gặp thấy tại thánh Mát-thêu. Tuy nhiên, câu chuyện mở đầu (12: 13-15) và dụ ngôn người phú hộ dại khờ (12: 16-21) thuộc nguồn riêng của thánh Lu-ca. Đoạn Tin Mừng hôm nay thuộc vào những lời cảnh giác về sự giàu có như chướng ngại trên con đường dẫn đến Nước Trời.
1.Đức Giê-su từ chối lời thỉnh cầu:
“Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Theo phong tục thời đó, khi gặp phải vấn nạn trong cuộc sống, người ta thường đến gặp thầy thông luật để xin ông một lời khuyên, thậm chí để xin ông đứng ra phân xử một sự bất đồng hay giải hòa đôi bên. Chúa Giê-su nổi tiếng là một bậc thầy đưa ra những nhận định thích đáng và khôn ngoan. Thật chính đáng khi chàng thanh niên này đến gặp Chúa Giê-su để xin Ngài đứng ra phân xử cho anh về vấn đề chia gia tài. Theo Luật Do thái, con trai trưởng có quyền ưu tiên thừa kế hai phần sản nghiệp (Đnl 21: 17). Có lẽ người này bị người anh cả lấy hết phần gia tài.
Chúa Giê-su từ chối lời thỉnh cầu của anh: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người phân xử hay người chia gia tài cho các anh?”. Chúa Giê-su cũng sẽ từ chối như vậy đối với tất cả những lời cầu xin xa lạ với sứ mạng của Ngài. Ngài đến không để giải quyết những tranh chấp về của cải vật chất, nhưng quan tâm đến của cải tinh thần. Thiết tưởng chúng ta cần nhắc lại phản ứng quyết liệt của thánh Phao-lô trong những trường hợp tương tự: những tín hữu Cô-rin-tô khi có những tranh chấp giữa nhau, đem nhau ra tòa để kiện cáo nhau, thánh nhân viết cho họ: “Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi?” (1Cr 6: 6-8).
2.Sự giàu có đích thật:
Chúa Giê-su chẳng những từ chối lời thỉnh cầu của anh mà còn cảnh giác đám đông về vấn đề của cải nữa: “Anh em phải coi chừng, phải tránh xa mọi thứ tham lam, vì dẫu có được dư giả, thì mạng sống con người cũng không nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. Để minh họa cho lời dạy của mình, Ngài kể một dụ ngôn về người phú hộ dại khờ.
Một phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới tự nhủ rằng “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc đó ta sẽ tự nhủ lòng: hồn tôi ơi, bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”. Nổi bận lòng duy nhất của người phú hộ là làm thế nào thu tích cho thật nhiều của cải như sự đảm bảo duy nhất cho cuộc sống của mình và chỉ nghĩ đến vui hưởng một cách ích kỷ những thành quả do công lao khó nhọc của mình.
Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, Ta đòi lại mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. “Đồ ngốc”, từ ngữ Kinh Thánh chỉ những ai chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa: “Kẻ ngu si tự nhũ: Làm chi có Chúa Trời!” (Tv 13: 1). Ở đây, Chúa Giê-su có chung tư tưởng của sách Giảng Viên, nhưng vượt qua ngay lập tức: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không trở nên giàu có trước nhan Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy”. Lời kết này muốn nói rằng cái chết trên cõi thế không thật sự là bi thảm, chính cái chết mai hậu mới là bi thảm. Người phú hộ bị cho là dại khờ bởi vì ông đã đổ hết công sức vào việc thu tích cho thật nhiều của cải trần thế như một sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai của mình, mà không trở nên giàu có trước nhan Thiên Chúa. “Trở nên giàu có trước nhan Thiên Chúa”, nghĩa là thu tích kho tàng trên trời, được nhắc đến nhiều lần trong Tân Ước, như: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12: 33).
Một người phú hộ chỉ biết thu tích của cải trần thế và vui hưởng thành quả do công lao khó nhọc của mình một cách ích kỷ mà còn bị khiển trách đến như vậy, huống gì những kẻ làm giàu bất chính và thụ hưởng trên xương máu, mồ hôi đồng loại thì thật đáng bị khiển trách đến mức nào.