CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
Chủ đề của Chúa Nhật hôm nay là nhu cầu thiết yếu của cầu nguyện. Bài Đọc I và Tin Mừng nêu bật sự kiện Thiên Chúa vui thích lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, sự kiện này được mặc khải cả trong Cựu Ước lần trong Tân Ước.
St 18: 20-32
Sách Sáng Thế thuật lại lời cầu bầu thật cảm động của tổ phụ Áp-ra-ham cho dân thành Xơ-đôm tội lỗi. Thiên Chúa lắng nghe lời khẩn nguyện của người công chính.
Cl 2: 12-14
Đoạn trích Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô đề cập đến thành quả của Phép Rửa là đem lại cho chúng ta ơn tha thứ tội lỗi và sự sống đời đời, vì bí tích này được tháp nhập vào cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô.
Lc 11: 1-13
Tin Mừng Lu-ca thuật lại giáo huấn của Chúa Giê-su về cầu nguyện: cầu nguyện chính là thân thưa với Thiên Chúa là Cha. Đừng ngại quấy rầy Thiên Chúa, vì Người là Cha đầy lòng yêu thương và chúng ta là con cái của Người.
BÀI ĐỌC I (St 18: 20-32)
Chuyện tích Kinh Thánh nổi tiếng này tiếp nối chuyện tích Kinh Thánh tuần trước thuật lại việc ba nhân vật mầu nhiệm viếng thăm ông Áp-ra-ham dưới cụm sồi Mam-rê, không xa thành Khép-rôn.
1.Bối cảnh:
Bản văn ở đây nói rõ cho chúng ta biết rằng một trong ba vị khách là chính Đức Chúa. Đức Chúa đã thân hành đến trần gian không chỉ để báo tin vui cho ông Áp-ra-ham biết rằng vào độ này sang năm bà Xa-ra sẽ sinh hạ một quý tử cho ông, nhưng còn có một mục đích khác nữa là trừng phạt hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra tội lỗi. Tuy nhiên, hai thành nầy ở cách xa cụm sồi Mam-rê, vì thế Đức Chúa sai hai người bạn đồng hành của Ngài đến hai thành đó trong khi Ngài còn đứng nán lại chuyện trò với ông Áp-ra-ham.
Tuy nhiên, Đức Chúa xem ra chưa quyết định dứt khoát: “Ta phải xuống xem thực sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết”, vì thế vẫn còn dành chỗ cho lời cầu bầu của ông Áp-ra-ham. Ông Áp-ra-ham là một con người quảng đại, thường hằng quan tâm đến những người khác. Ông đã cảm nghiệm tấm lòng từ bi nhân hậu của Đức Chúa. Ông cũng biết rằng ơn gọi của ông có tầm mức phổ quát: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (12: 3). Vì thế, ông thu hết cam đảm cầu bầu cho hai thành ngoại quốc đó.
2.Vai trò cầu bầu của người công chính:
Tiến trình mặc cả của ông Áp-ra-ham với Đức Chúa mang tính chất rất Đông Phương, nhưng nó dâng hiến một chiều kích tinh thần với một cung giọng đặc biệt, nhất là nếu chúng ta nghĩ đến niên biểu rất cổ xưa của chuyện tích này (có thể vào thế kỷ thứ mười trước Công Nguyên, vào triều đại vua Sa-lô-môn). Chuyện tích này âm vang lời phản kháng đầu tiên chống lại khái niệm trừng phạt tập thể, khái niệm này dần dần nhường chỗ cho lời khẳng định về trách nhiệm cá nhân vào những thế kỷ sau này: “Cha sẽ không bị xử tử vì con, và con sẽ không bị xử tử vì cha: mỗi người sẽ bị xử tử về tội của mình” (Đnl 24: 16).
Ngoài ra, lời cầu bầu trên môi miệng của ông Áp-ra-ham khơi nguồn cảm hứng cho các ngôn sứ. Ông Áp-ra-ham không dám mặc cả với Đức Chúa xuống dưới con số mười người công chính: “Xin Chúa Thượng đừng giận, cho con nói một lần nữa thôi: giả như tìm được mười người thì sao?”. Rồi sẽ đến một ngày, viễn cảnh của ơn cứu độ được dự kiến đạt được nhờ chỉ một người công chính duy nhất, như ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo: “Hãy rảo quanh đường phố Giê-ru-sa-lem mà xem cho biết. Trên các quảng trường thành phố ấy, hãy tìm xem có gặp được một người, một người biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thật, Ta sẽ dung tha cả thành” (Gr 5: 1). Và chẳng bao lâu sau, một vị ngôn sứ khác, I-sai-a đệ nhị, sẽ mô tả dung mạo Người Tôi Trung, nhờ nỗi thống khổ của chính bản thân mình “sẽ làm cho muôn người nên công chính” (I s 53: 11). Đức Ki-tô sẽ thực hiện những sấm ngôn này; Ngài sẽ là Người Công Chính thập toàn, vì thế lời cầu bầu của Ngài sẽ là độc nhất vô nhị và khôn sánh.
3.Thiêu hủy thành Xơ-đôm:
Đoạn trích dẫn hôm nay không nói cho chúng ta biết phần tiếp theo, vì không gặp thấy mười người công chính ở thành Xơ-đôm nên thành Xơ-đôm cũng như thành Gô-mô-ra bị thiêu hủy. Chỉ ông Lót và gia đình ông thoát nạn nhờ hai sứ thần của Đức Chúa can thiệp. Tác giả đặt việc ông Lót và gia đình ông được cứu thoát trong mối liên hệ với lời cầu bầu của ông Áp-ra-ham: “Khi Thiên Chúa phá hủy các thành trong cả Vùng, Thiên Chúa đã nhớ đến đến ông Áp-ra-ham và đã cứu ông Lót khỏi cuộc tàn phá, khi Người phá đổ các thành nơi ông Lót ở” (St 19: 29).
BÀI ĐỌC II (Cl 2: 12-14)
Trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, thánh Phao-lô ngỏ lời với cộng đoàn Ki-tô hữu hiện đang hoang mang trước những đạo lý sai lạc làm lu mờ đi đức tin chính truyền và đặc biệt làm giảm thiểu vai trò cứu độ của Đức Ki-tô. Vì thế, sứ điệp cốt yếu của Thư này nhắm đến tính ưu việt của Đức Ki-tô và phẩm tính trung gian duy nhất của Ngài.
Bấy giờ, thánh Phao-lô khai mở cuộc bút chiến quyết liệt: “Hãy coi chừng chớ để ai gày bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô” (Cl 2: 8). Trong số những đạo lý sai lạc mà Thư nêu lên là phép cắt bì và vai trò trung gian của ơn cứu độ được ban cho các thiên thần. Trong đoạn trích Thư hôm nay, thánh Phao-lô minh chứng sự cao vời khôn ví của Phép Rửa so với phép cắt bì, vì Phép Rửa là phép cắt bì trong tinh thần, nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
1.Phép Rửa, chính là cùng chết và sống lại với Đức Ki-tô:
Vào thời kỳ Giáo Hội tiên khởi, Phép Rửa được thực hành qua việc dìm mình vào trong nước. Người chịu phép rửa, cởi bỏ quần áo, bước vào trong bể nước thanh tẩy; sau đó, bước ra khỏi bể nước trong bộ áo quần mới. Đây là nghi thức mai táng theo đó tội nhân cởi bỏ con người xác thịt, tức là con người tội lỗi của mình để được tái sinh trong một đời sống ân sủng và trở thành một tạo vật mới. Cũng thế, người chịu Phép Rửa được mai táng với Đức Ki-tô và chết cho con người tội lỗi để được sống lại với Ngài, được tinh tuyền, được ban ơn tha thứ mọi tội lỗi nhờ quyền năng của Chúa Cha; cũng với quyền năng này, Chúa Cha đã phục sinh Con của Người từ cõi chết.
Thần học về Phép Rửa này cũng đã được thánh Phao-lô diễn tả như vậy trong Thư gởi tín hữu Rô-ma: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống… Chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6: 3-8). Tuy nhiên, chúng ta lưu ý đến nhịp điệu tăng dần trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê. Trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê thánh Phao-lô không còn đặt động từ “sống lại” ở thì tương lai như trong Thư gởi tín hữu Rô-ma, nhưng ở thì quá khứ: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được phục sinh với Ngài”; thậm chí thánh nhân còn khai triển xa hơn nữa trong Thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô… Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giê-su Ki-tô trên cõi trời” (Ep 3: 5-6). Vị thế Đức Ki-tô ngự trị bên cạnh Chúa Cha đó cũng là vị thế của chúng ta rồi cho dù chúng ta hiện nay đang sống trên cõi thế.
2.Đức tin:
Mặt khác, trong Thư gởi tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân nhấn mạnh sự tất yếu của đức tin, niềm tin vào Thiên Chúa phải là hàng đầu, vì Ngài là căn nguyên của ơn cứu độ: chính Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết, chính Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và chính Thiên Chúa đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta. Quả thật, niềm tin vào Đức Ki-tô phát xuất từ niềm tin vào Chúa Cha này, vì chính nhờ thập giá mà ơn tha thứ và sự sống đến với chúng ta.
Hình ảnh sau cùng thánh Phao-lô dùng thật thấm thía. Nếu Phi-la-tô đã cho đóng một tấm bảng trên đỉnh thập giá để chỉ bản án, thì Thiên Chúa đã đóng đinh vào chính thập giá này “các giới luật”: phép cắt bì, những điều khoản giam hãm chúng ta trong vòng tội lỗi, như những lời thánh Phao-lô ngỏ với các tín hữu Rô-ma (Rm 4: 15; 7: 7-25). Như vậy, Phép Rửa là ơn giải thoát, cuộc tái sinh, sự sống đời đời, được khởi sự rồi ngay cả hiện nay chúng ta đang sống tại thế này, vì Đức Ki-tô đã cho chúng ta được liên đới với vận mệnh Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.
TIN MỪNG (Lc 11: 1-13)
Khi Chúa Giê-su cầu nguyện chính là giờ phút Ngài gặp gỡ thân tình với Cha Ngài. Vì thế, việc Chúa Giê-su cầu nguyện nơi thanh vắng vào lúc sáng sớm tinh sương cũng như khi chiều hôm buông xuống là “chuyện hằng ngày”. Thánh Mát-thêu đặt giáo huấn này vào trong bối cảnh Diễn Từ Trên Núi, trong khi thánh Lu-ca đặt giáo huấn này ngay liền sau khi Ngài cầu nguyện xong. Chúng ta có thể nói, Chúa Giê-su dẫn đưa các môn đệ của Ngài vào trong chính lời cầu nguyện của Ngài; Ngài cho họ thân thưa với Thiên Chúa là “Cha” như Ngài.
1.Kinh Lạy Cha (11: 2-4)
Kinh Lạy Cha của thánh Lu-ca ngắn hơn bản văn của thánh Mát-thêu. Trong khi Kinh Lạy Chúa của thánh Mát-thêu có đến bảy lời nguyện, thì Kinh Lạy Cha của thánh Lu-ca thiếu lời nguyện thứ ba và thứ bảy chỉ còn lại năm lời nguyện, tuy nhiên dù bảy hay năm, thì các lời nguyện đều làm thành một tổng thể trọn vẹn, ôm trọn đời sống con người đang bị phân cực giữa hạ giới và thiên giới, giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự sống và sự chết. Trong hai bản văn này, thật khó mà biết chính xác hình thức nào cổ xưa nhất; chắc chắn có hai truyền thống.
“Thưa Thầy, xin dạy cho chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông”. Quả thật, thánh Lu-ca ám chỉ đến việc thánh Gioan Tẩy Giả huấn luyện các môn đệ của ông về việc cầu nguyện cùng với đời sống khổ hạnh của thánh nhân: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay và cầu nguyện” (Lc 5: 33). Ở thánh Lu-ca, Chúa Giê-su bảo các môn đệ là khi cầu nguyện, anh em hãy nói “Lạy Cha”, còn thánh Mát-thêu thì viết: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6: 9). Phải chăng thánh Lu-ca, vì ngỏ lời với người Ki-tô hữu gốc lương dân nên xem ra đã không muốn định vị Đấng Siêu Việt vào một nơi chốn nhất định nào?
Kinh Lạy Cha bao gồm hai phần: phần thứ nhất hướng về vinh quang của Thiên Chúa, phần thứ hai liên quan đến những nhu cầu phàm nhân của chúng ta.
A-Hướng về vinh quang của Thiên Chúa
a- “Xin làm cho danh Cha vinh hiển”:
Theo văn hóa Do thái, “Danh” được áp dụng cho Thiên Chúa là một trong cách thức tránh gọi “tên” cực thánh của Thiên Chúa. Ngoài ra, hình thức thụ động của động từ: “Xin danh Cha được vinh hiển” là cách thức kinh điển để nói đến hành động của Thiên Chúa mà không phải chỉ ra chủ từ là Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su ngỏ lời trực tiếp với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12: 28), nghĩa là “xin Cha làm thế nào sự thánh thiện của Cha được nhận biết, được công bố, được hiển lộ”.
Cung giọng của lời khẩn cầu hoàn toàn là cung giọng Kinh Thánh. Nhiều bản văn Cựu Ước nêu lên sự thánh thiện của Thiên Chúa và mời gọi con người noi gương sự thánh thiện của Người: “Các ngươi không được xúc phạm đến thánh danh Ta… Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hóa các ngươi” (Lv 22: 32), hay “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19: 2). Chúa Giê-su cũng sẽ nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5: 48). Vì thế, thay vì chúng ta nguyện xin Chúa Cha bày tỏ sự thánh thiện của Ngài, chúng ta phải có tấm lòng con thảo bằng góp phần vào sự bày tỏ này bằng đời sống thánh thiện của chúng ta.
b. “Triều đại Cha mau đến”:
Triều đại này là triều đại mà thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3: 2). Đó cũng là triều đại mà Chúa Giê-su đích thân công bố: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1: 15). Đó không gì khác hơn là ý định cứu độ của Thiên Chúa trên nhân loại.
Ở đây lời khẩn nguyện vẫn còn thuộc Kinh Thánh. Chúng ta đọc thấy lời khẩn nguyện này tại I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ đặt trên miệng của sứ giả loan báo Tin Mừng “Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” (Is 52: 7). Tại các thánh vịnh gia, Đức Chúa ngự đến, xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người (Tv 96, 97, 98, vân vân).
Chúa Giê-su bảo chúng ta cầu xin cho triều đại Cha mau đến, không loại trừ rằng lời khẩn nguyện này nhắm đến việc Nước Trời ngự đến một cách vĩnh viễn. Đây là điểm nhấn ở nơi lời cầu nguyện của các Ki-tô hữu tiên khởi: “Marana Tha!”, nghĩa là “Lạy Ngài, xin hãy đến” (1Cr 16: 22; Kh 22: 20).
B-Liên quan đến những nhu cầu phàm nhân của chúng ta:
a- “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”:
Lời khẩn nguyện của Tin Mừng Lu-ca hơi khác với lời khẩn nguyện của Tin Mừng Mát-thêu. Lời khẩn nguyện của Lu-ca này cầu xin cho ngày nào có đủ lương thực ngày ấy; không được tích trử như Đức Chúa đã căn dặn đối với bánh man-na trong sa mạc: “Đừng có ai để dành cho đến sáng” (Xh 16: 19). Có lẽ rất nhạy bén trước tiếng kêu của người nghèo, thánh Lu-ca diễn tả ở nơi lời khẩn nguyện này nỗi xao xuyến của ngày mai: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Chúng ta lưu ý rằng lời khẩn nguyện của thánh Mát-thêu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” chỉ một hành động tái diễn hằng ngày, trong khi lời khẩn nguyện của thánh Lu-ca chỉ một hành động đúng thời đúng buổi.
Vấn đề được đặt ra ở đây: lời khẩn nguyện này nhắm đến lương thực vật chất hay lương thực tinh thần?
Có hai cách giải thích. Theo cách giải thích thứ nhất, lương thực mà chúng ta cầu xin ở đây nhằm cuộc sống hằng ngày; cách giải thích này được tăng cường bởi sự hiện diện của đại từ ngôi thứ nhất số nhiều (chúng con), nghĩa là lương thực của con người. Theo cách giải thích thứ hai, lương thực chúng ta cầu xin ở đây là lương thực thần thiêng nhắm đến Nước Trời; cách giải thích này được ủng hộ bởi văn mạch của phần thứ hai Kinh Lạy Cha, trong đó rõ ràng những lời khẩn nguyện đều thuộc lãnh vực tinh thần: “xin tha tội cho chúng con”, “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”; vì thế, lời khẩn cầu này chỉ nhằm lương thực vật chất thì thật khó hòa hợp với toàn bộ bản văn. Cuối cùng, về phương diện lịch sử, các Giáo Phụ đã giải thích lương thực mà chúng ta cầu xin Chúa ban cho hằng ngày là Thánh Thể.
b- “Xin tha tội cho chúng con…”:
Chúa Giê-su đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ” (Lc 6: 36-38). Chính ở nơi thái độ này mà Ngài mời gọi chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa tha thứ.
Điều kiện để xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, chính là chúng ta phải tha thứ cho anh chị em mình: “Vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Ở đây, lời khẩn nguyện này của thánh Lu-ca hơi khác với lời khẩn nguyện của thánh Mát-thêu. Cả hai thánh ký đều sử dụng hình ảnh pháp lý:“mắc nợ”, nhưng thánh Lu-ca dùng từ “mắc lỗi” để nhấn mạnh việc tha thứ cách tổng quát.
c- “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”:
Trong bản văn Mát-thêu, lời khẩn nguyện này không chỉ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, nhưng còn chỉ ra cho biết chước cám dỗ này từ đâu đến: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6: 13). Ở tại vườn Ô-liu, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22: 46). Thánh Lu-ca xác định rằng chính Xa-tan là tác giả của những chước cắm dỗ này: “Si-mon, Si-mon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22: 31). Thánh Gia-cô-bê trong thư của ngài xem ra ám chỉ đến cách giải thích sai lạc về lời khẩn nguyện này của Kinh Lạy Cha: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu , và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1: 13).
2. ĐỪNG SỢ QUẤY RẦY THIÊN CHÚA (11: 5-13)
Tiếp liền theo sau lời dạy về Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su kể cho chúng ta dụ ngôn về người bạn quấy rầy để mời gọi chúng ta đừng sợ quấy rầy Thiên Chúa. Chắc chắn lời nguyện xin của chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe và nhận lời. Còn lời nào có thể thuyết phục chúng ta siêng năng cầu nguyện với Thiên Chúa cho bằng những lời này: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”, có nghĩa “Anh em cứ xin, Thiên Chúa sẽ ban cho; cứ tìm, Người sẽ cho thấy; cứ gõ cửa, Người sẽ mở cho”, bởi vì Đấng mà chúng ta cầu xin là Cha chúng ta ở trên trời, Ngài sẽ ban cho chúng ta điều thiện hảo nhất, đó là: “Thánh Thần”. Trong bản văn tương ứng, thánh Mát-thêu đơn giản nói về “những của tốt lành” mà Chúa Cha sẽ ban cho những ai cầu xin Người (Mt 7: 7-11), còn thánh Lu-ca thì kể ra “Thánh Thần”, mà thánh ký sẽ nêu bật nhiều lần tác động của Ngài trong Giáo Hội trong sách Công Vụ Tông Đồ. Thánh Phao-lô nói với các tín hữu Rô-ma về vai trò không thể thiếu của Thần Khí trong đời sống của mỗi người Ki-tô hữu: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhân Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8: 15) và “Thần khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8: 27).