Suy Niệm Tuần XV Thường Niên - Năm C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Chủ nhật - 14/07/2019 04:17
1032
Thứ Hai tuần XV Tn
Phần thưởng theo Chúa
Bài đọc tin mừng trình bày, một đàng những đòi hỏi gắt gao, đàng khác những lời hứa ngọt ngào cho những ai theo Đức Giêsu. Có thể gợi lên trong chúng ta những lời thơ của Paul Claudel, qua đó thi sĩ tự hỏi làm thế nào mà ân sủng của Chúa đến với chúng ta. Và Ông trả lời: ân sủng đến một cách lôi cuốn, bình dị nhưng cũng mạnh mẽ như ngọn lửa đốt cháy. Một bài thơ Claudel viết tặng những bệnh nhân phong của một bệnh viện, với ý khích lệ họ: đau khổ có thể là một ân sủng, khắc nghiệt, tàn bạo nhưng xuyên thấu nội tâm, như mũi gươm.
Đức Giêsu nói: Thầy đem đến gươm giáo, sự chia rẽ, thập giá, mất mạng sống. Một tình yêu theo gương của Đấng bị đóng đinh. ‘Thầy không đến để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo…Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy; ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy’.
Nhưng phần thưởng thật tràn đầy: ai đón tiếp các môn dệ của Ngài, ai đón tiếp những kẻ bé nhỏ này, là đón tiếp chính Ngài, là đón tiếp Chúa Cha. Tin mừng thánh Gioan viết: ‘Chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy’. Không có gì mất mát: cho dù là một chén nước lã, trao ban vì tình yêu Chúa, cũng có phần thưởng.
Hai việc mà chúng ta cần đón nhận để trở nên môn đệ đích thật của Đức Giêsu: đau khổ và lời hứa ban niềm vui trong tâm hồn.
Thứ ba Tuần XV Tn
Giải pháp của Thiên Chúa
Bài đọc 1 cho ta một bài học khi gặp những đau khổ và nghịch cảnh, bài đọc 2 cho ta một bài học khi gặp thuận lợi.
Trong bài sách Xuất Hành mỗi bước đi đều gặp khó khăn. Người do thái, sống trong cảnh nô lệ, đang chịu cảnh diệt vong vì lệnh truyền giết các nam nhi: mất tất cả. Sau khi người mẹ không còn có thể giấu kín được đứa con trai mình nữa, đã thả nó trôi theo dòng nước sông Nil, và cái chết là chắc chắn. Thế nhưng, nó được cứu sống nhờ con gái của nhà vua Pharaon và được giáo dục như một đứa trẻ Aicập. Lớn lên, anh ta trở nên người bảo vệ cho anh em bị đàn áp của mình, hé mở bình minh cho niềm hy vọng, nhưng rồi lại phải trốn chạy: hình như Đức Chúa bỏ rơi dân tộc của Ngài. Việc Môsê sinh hạ là khởi điểm cho việc giải thoát. Lúc ấy chẳng ai biết gì về đứa trẻ cứu tinh này, dù nó sẽ là vị thủ lĩnh Thiên Chúa chọn để mang lại tự do cho dân ngài.
Trong mọi nghịch cảnh, Thiên Chúa đòi chúng ta phải có niềm tin phó thác vào Ngài, luôn hiện diện và hành động giữa chúng ta và chắc chắn ngài chuẩn bị để giải quyết những khó khăn, giải pháp luôn tích cực vì xuất phát từ tình yêu của Ngài. Thập giá của Đức Giêsu là khởi đầu cho cuộc sống mới.
Trong tin mừng, ngược lại, nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách lạ thường và hiển nhiên: Đức Giêsu đề cập đến các thành phố ‘nơi đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm’, nơi nhiều khó khăn lớn được giải quyết, nhưng họ vẫn không sám hối. Khi mà tất cả hình như tốt đẹp, an lành, không có đối nghịch, chúng ta cần tự hỏi phải chăng chúng ta đã đáp lại lòng Chúa mong muốn, phải chăng những ân huệ Chúa ban sinh ích lợi nơi chúng ta, phải chăng chúng ta biết lợi dụng chúng để sinh lợi ích cho anh em và cho vinh quang Thiên Chúa.
+++
Lời quở trách của Đức Giêsu bao gồm hai hình ảnh được đặt song song với nhau. Trước hết hai thành phố vùng Galilêa là Corôzain (các tin mừng không thấy nói đến phép lạ nào được thực hiện nơi đây) và Bétsaiđa (Đức Giêsu chữa lành người mù, kêu gọi các môn đệ đầu tiên) được sánh ví với hai thành phố ngoại giáo, Tirô và Siđon. Rồi đến Caphanaum (là sân khấu hoạt động của Đức Giêsu) được so sánh với Sôđôma, thành phố bị Thiên Chúa hủy diệt do đời sống vô luân của dân cư (St 18,16-19,29).
Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự chống đối giữa hai hình ảnh này: quả thực các thành phố mang tiếng xấu không hư hỏng giống như các thành phố không đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu và khước từ tin vào Ngài dù thấy các phép lạ của Ngài. Đức Giêsu chán ngán về các thành phố này vì chúng không muốn nhận biết những tỏ hiện quyền năng của Ngài như dấu chỉ từ Thiên Chúa. Chúng không muốn tin rằng Đức Giêsu là đấng cứu thế đã được hứa ban, Đấng Cứu Chuộc con người. Bởi lẽ họ đã từ chối tin, nên trong ngày phán xét họ sẽ bị liệt vào số tệ hại nhất trong số quân ngoại đạo. Điều này có nghĩa là, khi nước Thiên Chúa xuất hiện, vào ngày sau cùng, những kẻ không tin vào quyền năng Thiên Chúa đáng bị đoán phạt.
Mọi người đều có thể nhìn thấy nơi Đức Giêsu hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng họ đã không hoàn toàn tin vào Ngài, họ sẽ bị luận phạt. Nếu họ không biết lợi dụng thời gian hôm nay để có lựa chọn đúng đắn, họ sẽ chẳng thuộc về dân của Thiên Chúa trong ngày sau cùng.
+++
Tin vào Lời
Trước sự đe dọa xâm lăng của các dân xung quanh, Achaz, vua Giuđa khiếp đảm, lo sợ. Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia đến tỏ cho ông biết các âm mưu của quân địch chẳng là gì cả. Giêrusalem sẽ không bị chiếm, cho dù Éphraim đang liên minh chống lại Giuđa. Vị ngôn sứ kêu mời lòng tin vào những dự tính của Thiên Chúa, nếu không do bởi Thiên Chúa thì lời loan báo của ông sẽ chẳng có hiệu quả gì.
Đức Giêsu trong đoạn tin mừng cũng kêu mời dân các thành phố, nơi ngài thực hiện biết bao phép lạ chữa lành, phải có lòng tin. Sự cứng lòng tin của các cư dân làm cho họ chịu trách nhiệm trước lời của Thiên Chúa vang vọng vào tai của họ không như lời của một vị ngôn sứ, nhưng là lời của Ngôn Sứ, Đức Giêsu. Trước bao nhiêu công việc làm như thế, có lẽ các thành phố ngoại giáo Tirô và Siđon biết hối cải từ lâu rồi, vậy mà Caphanaum và những nơi khác vẫn cứng lòng tin.
Lời Chúa nói với ta hôm nay đang sống giữa lòng thế giới kitô và có lẽ ta không thể hiện trong đời sống sự phong phú thiêng liêng mà bí tích thanh tẩy ban cho ta, có lẽ ta chán ngán trước bao nhiêu ân sủng. Vì thế mà khi ta thấy một tân tòng sống nhiệt thành đời sống kitô, ta hầu như cảm thấy ghen tị và khó chịu. Đó là trường hợp thánh Phaolô bị nghi ngờ và cảm thấy sự lạnh nhạt của các anh em nghi ngại về sự trở lại của thánh nhân. Hãy cầu xin Chúa ban cho ta một tâm hồn rộng mở, quảng đại, có khả năng đón nhận ân huệ Thiên Chúa, và vui mừng trước sự trở lại của biết bao nhiêu người đang sống bên ngoài Giáo hội.
Thứ Tư Tuần XV Tn
Biết Chúa
Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải tất cả những điều đó cho những người bé mọn. Thiên Chúa không quan tâm đến sự vĩ đại, sự thông thái và khôn ngoan của con người. Ngài yêu thương những người bé mọn, những kẻ rốt cùng, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Đức Giêsu, trong cuộc đời trần thế, luôn đi tìm những kẻ rốt cùng, những người đau ốm để chữa lành, những người bị quỷ ám để giải thoát, những người ưu phiền để loan báo cho họ niềm hy vọng chính Ngài mang đến thế gian.
Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta muốn được gọi là kitô hữu đích thực, chúng ta cần phải cư xử giống như Chúa. Là điều không phải lúc nào cũng dễ dàng, do ảnh hưởng xã hội, ảnh hưởng của giáo dục, ảnh hưởng của những người xung quanh. Nhưng chính trong những lúc khó khăn đó, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta cách đặc biệt. Chúng ta cần phải cố gắng luôn để hiểu biết Ngài, cho dù, như tin mừng hôm nay nói đến, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu biết Ngài cách đầy đủ. Chỉ có Cha biết Con và Con biết Cha. Biết không phải chỉ nghe người khác nói về Ngài, nhưng bằng chính những trải nghiệm của riêng mình, bằng đời sống thân tình với Ngài. Ngài biết rõ mỗi một người trong chúng ta như người mục tử biết các con chiên của mình. Nếu chúng ta yêu mến Ngài, Ngài sẽ tỏ mình cho chúng ta vì Ngài luôn gần bên những ai tìm kiếm Ngài với lòng chân thành.
+++
Trong tâm tình cảm tạ, Đức Giêsu hướng về Cha mình, khác với cách thức trong kinh Lạy Cha. Ngài thưa với Đấng là Chúa Tể vũ trụ càn khôn bởi lẽ Người là đấng nắm trong tay định mệnh của thế giới. Người đã ban Đức Giêsu làm Đấng Cứu Thế cho nhân loại và trao cho Ngài quyền năng trên trời dưới đất.
Mọi sự, nghĩa là chương trình của Ngài, Ngài tỏ cho người này nhưng lại giấu cho người khác. Không phải những người thông thái và khôn ngoan –các nhà thần học và chuyên viên Kinh thánh, giáo sư nghĩ mình được đặc ân nắm giữ chân lý- là những người tin vào Thiên Chúa. Không, Chúa Cha tuyển chọn những con người vô nghĩa, những kẻ bé mọn, quy tụ quanh Đức Giêsu. Chính họ, được giải thoát khỏi gánh nặng của những giáo huấn nhân loại, mà ngài xét là có khả năng làm cho các lời nói và việc làm của Đức Giêsu sinh hoa trái, những sứ điệp mang lại sự giải thoát cho đời họ. Chính họ nhận biết căn tính của Đức Giêsu và làm chứng rằng Ngài thuộc về Thiên Chúa.
+++
Dân Israel sống xa cách Thiên Chúa. Người đã dùng dân Atsua để trị tội dân của Người. Nhưng quốc gia này kiêu căng như chính bởi sức mạnh của riêng họ mà họ của thể tiến hành cuộc xâm lăng trừng phạt. Thêm vào đó là sự hung bạo và ý muốn tiêu diệt của họ. Thiên Chúa không thích những tình cảm này và lệnh cho ngôn sứ tiên báo sự trừng phạt, ôn dịch sẽ tàn sát dân quân.
Lời Chúa giúp ta suy tư. Là lời cảnh báo cho những ai nắm giữ quyền hành và có trách nhiệm hướng dẫn người khác? Nếu quyền hành đến tự Thiên Chúa, quyền hành đó không được thi hành để khẳng định bản thân mình với tất cả những lầm lỗi và đam mê xấu, nhưng phải được thực hiện trong tinh thần phục vụ: người quản lý tốt xứng đáng lời ca tụng. Hiểu được chân lý này và hướng dẫn cuộc đời mình theo đó không phải là điều dễ. Chính ân sủng của Chúa cùng với lời cầu nguyện và lòng ước ao nhận biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Theo lời của tin mừng việc thấu hiểu này đòi hỏi phải từ bỏ tính kiêu căng để nên bé nhỏ không phải chỉ trước mặt người khác mà ngay chính trong lòng ta. Như thế ta sẽ đứng về số những người được Chúa soi sáng để thấu hiểu mầu nhiệm của Người, đấng tỏ mình cho kẻ bé mọn. Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ chúng con trong sự bé nhỏ để được Chúa mạc khải những điều cao trọng. Là điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, trí chưa từng tưởng tượng nổi, dành riêng trên trời cho những ai yêu mến Người.
Thứ Năm tuần XV Tn
Ta là Đấng Hiện Hữu
Bài đọc 1 mạc khải cho ta về mầu nhiệm Thiên Chúa, và các nhà chú giải không ngừng tìm hiểu ý nghĩa chính xác của thành ngữ này, họ tranh luận để biết câu tiếng do thái ‘éheye asher éheye’ có nghĩa là gì. ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’. Có nhiều cách dịch khác nhau, nhưng Thiên Chúa tự gọi tên mình như Đấng Hiện Hữu: Đấng Hiện Hữu nói với dân Ítrael, Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em. Quả thật đây là mạc khải sâu xa nhất về Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể được gọi tên như một vật; chính Ngài tự gọi tên mình trong cuộc sống chúng ta, chính Ngài làm cho chúng ta cảm nhận sự hiện diện của ngài, chính Ngài mạc khải hữu thể của ngài: Đấng Hiện Hữu. Người ta không thể nói về Thiên Chúa bằng cách khác, cần phải để Ngài nói về chính Ngài. Và xuyên suốt cuộc sống Ngài luôn nói với ta như đã nói với Môsê: Ta là Đấng Hiện Hữu.
Ta Hiện Hữu. Điều này đặt Thiên Chúa vừa gần lại vừa xa chúng ta. Thật xa vì xác quyết này : ‘Ta Hiện Hữu’ đi ngược lại với điều chúng ta có thể nói về chính mình chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nhận ra các giới hạn của hữu thể chúng ta và luôn được mời gọi để nói: tôi không hiện hữu. Thật lòng, chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta không hiện hữu. Chúng ta bị giới hạn, yếu kém, bất lực biết bao! Còn Thiên Chúa, ngược lại, luôn nói: Ta hiện hữu, không chút giới hạn nào. Đó là mạc khải của Ngài. Hoàn toàn khác chúng ta.
Đồng thời thật gần gũi chúng ta vì, Ta Hiện Hữu, Ta ở đây, Ta có mặt, Ta ở bên ngươi, Ta ở với ngươi. Thật vậy trong đoạn văn này Ngài tự mạc khải mình như Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Abraham, của Isaác, của Giacób, như Đấng giải phóng khỏi ách nô lệ, Đấng muốn đưa dân của Ngài ra khỏi Aicập, đến miền đất chảy sữa và mật. Sự hiện diện của Thiên Chúa là một sự hiện diện thân tình và cứu giúp. Ta Hiện Hữu. Chúng ta có thể nương tựa nơi Ngài, Ta hiện hữu vô giới hạn đồng thời Ta hiện diện với ngươi.
Câu nói mầu nhiệm này được Đức Giêsu lập lại để mạc khải Ngài chính là Thiên Chúa. Ngài nói với các đối thủ của Ngài: ‘Khi các ngươi giương cao Con Người, các ngươi sẽ biết rằng Ta Hiện Hữu (Ga 8,28 ) và còn nữa: ‘Nếu các ngươi không tin Ta Hiện Hữu, các ngươi sẽ chết trong tội các ngươi’. Gắn bó với lời mạc khải này chúng ta thoát khỏi tội lỗi của chúng ta, thoát khỏi những giới hạn nhân loại của chúng ta. Khi bị bắt Đức Giêsu cũng đã lập lại lời này. Trong tin mừng Gioan, người ta hiểu cách rõ ràng đấy là lời tuyên xưng thần tính của Ngài. ‘Đức Giêsu tiến ra và hỏi: Các anh tìm ai? Họ thưa: Tìm Giêsu Nagiarét. Ngài nói: Chính Ta đây! Như thường thấy trong tin mừng Gioan, những lời này có ý nghĩa thông thường: Giêsu Nagiarét chính là Ta và đồng thời mang một ý nghĩa sâu xa hơn: Ta Hiện Hữu, trong sự kết hiệp với Cha.
Đức Giêsu mạc khải chính mình cùng cách thức như Chúa Cha, và mạc khải cách nghịch lý, trong lúc mà Ngài cởi bỏ hết mọi thiên tính của mình để trở nên một con người chịu đau khổ. Nhưng như thế Ngài đã thực hiện một cách sâu thẳm sự hiện diện của Thiên Chúa ngay chính trong cuộc sống của nhân loại. Lời mời gọi của Ngài: ‘Hãy đến với Ta, hỡi những kẻ đang vất vả và mang gánh nặng nề, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng’.
Sao ách của Chúa Giêsu thì êm ái và gánh của Ngài lại nhẹ nhàng? Ta có thể trả lời: vì Ta Hiện Hữu, Đức Giêsu đã mang sự hiện diện của Thiên Chúa đến tận đáy vực thẳm khốn khổ của chúng ta, chết trên thập giá vì ta và với ta, nhận trên mình mọi đau khổ của chúng ta. Do đó ta có thể nghe lời Thiên Chúa: Ta Hiện Hữu, trong mọi hoàn cảnh sống. Dù bị đàn áp, ta có thể và phải cảm nhận Đức Giêsu nói với ta: Ta Hiện Hữu. Ta gần bên con, ở với con trong cơn túng ngặt này, trong cảnh cùng khốn này. Không có cùng khổ nhân loại làm ta xa lạ, vì Ngài hiện hữu luôn trong chính cảnh khốn cùng của nhân loại. Chính vì thế gánh của Chúa thì nhẹ nhàng: vì Ngài cùng vác với ta.
Ta Hiện Hữu. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa thật xa vời, Thiên Chúa thật khác biệt, đã trở nên thật gần, đã tự đồng hóa mình với chúng ta để có thể nói: Ta ở cùng con, Ta là Thiên Chúa, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến.
+++
Đức Giêsu không ngỏ lời với những con người tự phụ, cho rằng mình biết Thiên Chúa và ý muốn của Người, và những người tưởng rằng mình được kêu gọi và có quyền đặt ra những luật lệ đời sống phù hợp với Thiên Chúa. Đức Giêsu kêu mời những con người bị trở thành nô lệ và đang rên siết dưới gánh nặng của lề luật của thế giới này. Đầu gục xuống và mắt cúi xuống, họ bước đi dưới cái ách mà các tiến sĩ luật áp đặt cho họ. Từng bước một, họ ý thức về sự giới hạn của mình, trong niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương họ.
Hình ảnh ‘ách êm ái’ không xua đuổi con người, tượng trưng những chỉ thỉ đời sống mà Đức Giêsu ban cho, ngược lại với những điều của các tiến sĩ luật ngày xưa. Đức Giêsu biết Chúa Cha hơn bất cứ ai khác. Ngài biết Chúa Cha muốn họ là những con người thực sự. Đời sống của người học nơi Ngài, -đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng- được biến đổi tự bên trong: người ấy gặp được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.
+++
Hãy học cùng Ta
Phụng vụ lời Chúa hôm nay trình bày cho ta niềm hy vọng và phó thác nơi Chúa. Lời cầu nguyện của Isaia thật tuyệt đẹp, diễn tả nổi nhớ nhung của ông đối với Chúa, đấng mà ông mong đợi ơn cứu độ cho dẫu trong đời sống sự đau khổ luôn là bạn đồng hành bất khả phân ly, tựa như thai phụ lúc sinh con. Sống xa cách Thiên Chúa, thay vì sinh ra điều gì mới mẽ, chỉ sinh ra gió vì thiếu dấu ấn của Chúa. Nhưng niềm hy vọng ngự trị trên tất cả và vị ngôn sứ quả quyết rằng Đấng Tối Cao sẽ cho các kẻ nằm trong bụi đất chỗi dậy. Thánh vịnh đáp ca tái khẳng định lời ngôn sứ loan báo: Thiên Chúa sẽ phục hồi dân Israel, ban vinh quang cho các vua và dân chúng trên mặt đất: lời loan báo này được kiểm chứng nơi Giáo hội của Chúa rộng mở cho mọi dân tộc.
Đức Giêsu mở rộng lòng Ngài cho những ai đang bị quằn quại dưới gánh nặng của cuộc sống. Hãy đến với Ta! Nhiều lần ta sợ đến với Chúa, sợ rằng Ngài đòi hỏi ta nhiều quá…trái lại Ngài quả quyết ách của Ngài êm ái và gánh của Ngài nhẹ nhàng. Ta có thể cảm nếm niềm vui này bằng cách đáp trả lời mời gọi đến với Ngài, trong những lúc lo âu, hoặc trong thánh lễ Tạ ơn, lắng nghe hoặc đọc Lời Chúa như sương chiếu sáng mang lại nghỉ ngơi và bồi dưỡng trong hành trình gian khổ mỗi ngày.
Thứ sáu Tuần XV Tn
Ngày Sabát vì con người
Người ta thấy có một sự tương phản giữa những chỉ thị Xuất hành đề cập đến con chiên vượt qua và những lời của Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ’.
Nói thế, Đức Giêsu muốn nói lên tinh thần của Cựu Ước: tất cả đều là biểu tượng. Chẳng hạn, máu con chiên không có khả năng cứu thoát, nên các chỉ thị hy lễ không phải là những điều thiết yếu, nhưng nêu rõ ý nghĩa của biểu tượng. Chỉ thị cách ăn thịt chiên: ‘không được ăn sống, không đun sôi, nhưng phải được nướng trên lửa’. Ở đây ta có thể nhận thấy mối liên hệ giữa hy lễ và lòng nhân. Cái chết của Đức Giêsu là hoàn toàn tự hiến, hy lễ tuyệt đỉnh, hành vi của lòng nhân. Giờ đây, Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài, được biến đổi do quyền năng của Thánh Thần, ngọn lửa đích thực, lửa của tình yêu và lòng nhân. Thịt ‘nướng lửa’ gợi lên hy lễ đích thực này.
Đời sống kitô hữu không được tạo nên bằng những hy lễ mang tính nghi thức, nhưng là nhờ sự kết hiệp với Đức Giêsu. Khi chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta không hiện diện vì nhiệm vụ, nhưng chúng ta muốn kết hiệp với Đức Giêsu, dâng hiến cuộc sống chúng ta hòa vào trong cuộc sống của Chúa, để được thiêu đốt trong ngọn lửa tình yêu.
Ta muốn lòng nhân chứ đâu phải hy lễ. Đức Giêsu trưng dẫn câu thánh kinh này ở cuối cuộc tranh luận với những người biệt phái, đang phản ứng chống các môn đệ vì bứt vò gié lúa trong ngày Sabát cho đỡ đói. Các biệt phái chắc chắn rằng họ làm đúng và làm theo ý Chúa khi tuân thủ tỉ mỉ vô số những chỉ thị, những tiểu tiết chi li. Không phải đó là khôn ngoan của tin mừng. Thiên Chúa tỏ mình như đấng giải thoát và muốn chúng ta hăm hở đến với ngài trong tinh thần tuân phục của những người con tự do, vâng phục vì tự do, có khả năng xem xét các tình huống, xét đoán và quyết định đi theo sự lành. Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong tình bác ái và các chỉ thị phải lệ thuộc vào nguyên lý này: ‘Ngày Sabát làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát’. Như vậy cuộc sống chúng ta minh chứng về Ngài, Thiên Chúa dựng nên con người tự do.
Thứ Bảy Tuần XV Tn
Ơn cứu độ cho muôn dân
Thánh Luca trong ‘tin mừng thời thơ ấu’ cho ta biết Đức Giêsu vâng phục thánh Giuse và Mẹ Maria. Là con người, ngài đã học cho biết khiêm tốn, không bao giờ lớn tiếng, cất lên lời chỉ để ca tụng Thiên Chúa.
Hôm nay tin mừng trình bày Đức Giêsu như người tôi tớ hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Con Thiên Chúa hiền lành, đứng trước những người biệt phái đang bàn bạc để giết Ngài, không đối đầu, nhưng lánh xa đi nơi khác. Con Thiên Chúa hiền lành chữa lành hết tất cả. Ngài hoàn tất hình ảnh người tôi tớ của Thiên Chúa không kháng cự lại bằng bạo lực nhưng bằng sự hiền lành, mà Isaia đã nói: ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi; sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó, công bố sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm và cho người mù được thấy; trả lại tự do cho người bị áp bức’.
Nhưng cũng có một bộ mặt khác. Trong đoạn mà tin mừng hôm nay trích dẫn, hai lần Isaia nói đến ‘muôn dân’, nghĩa là dân ngoại, muôn dân nước: ‘loan báo công lý trước muôn dân’, ‘muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người’. Rõ ràng là ý định của Thiên Chúa muốn thông ban đến cho mọi người tình thương của Ngài, tình thương mãnh liệt và khiêm tốn. Như thế giải thích bài đọc 1. Thiên Chúa đã tuyển chọn và huấn luyện một dân tộc, sau khi đã giải phóng họ khỏi tay những người dân ngoại. Nhưng tất cả ân huệ Ngài ban phát cho dân này: ‘chọn làm con, vinh quang, giao ước, lề luật, phụng tự, lời hứa, các tổ phụ, như thư Roma nhắc đến (9,4), đã được ban cho họ là nhằm để cứu thoát muôn dân. Chính Phaolô, gốc do thái, đã được mời gọi để nên tông đồ cho muôn dân. Và thánh Phêrô cũng viết trong thư thứ nhất của Ngài, khi nói về các tiên tri: ‘Họ được mặc khải cho biết là các điều ấy, họ có sứ vụ dọn, không phải cho chính họ, mà là cho anh em, những điều mà nay đã được loan báo cho anh em’ (1 Pr 1, 12).
Tất cả mọi ân huệ Chúa ban cho chúng ta là nhằm ích lợi cho mọi người, như thánh Phêrô viết: ‘Mỗi người sống theo ân sủng lãnh nhận nhằm phục vụ mọi người’. Xin Chúa Giêsu mở tâm hồn chúng ta cho tình yêu phổ quát đang tràn đầy quả tim ngài, lò lửa bừng cháy tình yêu.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Lễ kính thánh Maria Mađalêna
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Đức Giêsu hiện ra cho Maria Mađalêna, mà hôm nay chúng ta mừng lễ. Cái chết của Đức Giêsu, người bạn thân nhất của bà, đã làm bà mất hết ý nghĩa của cuộc sống. Thế nhưng bà không ngừng tìm kiếm Ngài. Bà đến mộ tìm gặp người mà cái chết đã cướp đi mất. Có những phút giây trong cuộc sống mà tất cả hình như đều sụp đổ. Hình như là tận cùng. Chết chóc, tai ương, đau khổ, thất vọng, bội phản! Biết bao điều có thể làm cho đất sụp dưới chân ta và gây khủng hoảng nặng nề nơi lòng ta. Nhưng có điều này cũng có thể xảy ra: Một cách bất ngờ, gặp gỡ một người bạn mang lại cho ta ý nghĩa của cuộc đời và giúp ta tái khám phá ra tình yêu mãnh liệt hơn sự chết. Qua cách miêu tả cuộc Đức Giêsu hiện ra cho bà Maria, chúng ta nhận ra những giai đoạn, từ việc tìm kiếm trong đau khổ người bạn quá cố cho đến cuộc gặp gỡ Đấng phục sinh. Cũng chính là những chặng đường tất cả chúng ta phải trải qua, suốt cuộc đời đi tìm Thiên Chúa và sống tin mừng. Là tiến trình chết-sống lại được lập đi lập lại mỗi ngày.
Ga 20,1: Maria Mađalêna đi thăm mộ. Một tình yêu sâu đậm gắn bó Maria với Đức Giêsu. Bà là một trong những người có can đảm ở lại với Đức Giêsu cho đến giây phút Ngài trút hơi thở trên thập giá. Sau ngày nghỉ lễ buộc, bà trở lại mộ, để hiện diện tại nơi mà bà đã gặp lần sau hết Người mình quý mến. Nhưng thật bất ngờ, ngôi mộ trống!
Ga 20,11-13: Maria Mađalêna vừa tìm, vừa khóc. Vừa khóc, bà cúi mình nhìn vào trong mộ và thấy hai vị thiên sứ mặc đồ trắng, ngồi nơi đặt xác Chúa, một vị ngồi đàng đầu, một vị ngồi ở đàng chân. Các vị ấy hỏi: ‘Này Bà, sao bà khóc? Bà trả lời: Người ta lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu’! Maria tìm Đức Giêsu mà bà biết, là Đấng mà bà đã cùng kề cận ba năm qua.
Ga 20,14-15: Maria thưa với Đức Giêsu mà không hề nhận ra Ngài. Các môn đệ trên đường Emmaus thấy Đức Giêsu mà cũng không nhận ra Ngài (Lc 24,15-16). Maria Mađalêna cứ tưởng là người làm vườn. ‘Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?... Bà vẫn đi tìm Đức Giêsu của quá khứ, của ba ngày trước đây. Hình ảnh đó ngăn không cho bà nhận ra Đức Giêsu đang sống, hiện diện trước mặt bà.
Ga 20,16: Maria nhận ra Đức Giêsu. Đức Giêsu gọi: Maria! Đây là dấu chỉ nhận biết: cùng một cung giọng, cùng một cách gọi tên. Bà đáp: Lạy Thầy! Cảm tưởng đầu tiên là cái chết chỉ là một biến cố đau khổ, đã qua rồi, bây giờ mọi sự trở về như trước kia. Maria ôm chầm lấy Đức Giêsu. Chính là Đức Giêsu đã chết trên thập giá, mà bà đã biết và yêu mến. Trong dụ ngôn về người Mục Tử nhân lành, Đức Giêsu nói: Người ấy gọi tên từng con và dẫn chúng đi và các chiên nhận biết tiếng kẻ ấy. Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta (Ga 10,3.4.14).
Ga 20,17: Maria nhận sứ vụ loan báo sự sống lại cho các tông đồ. Thực vậy, chính là Đức Giêsu, nhưng cách thế Ngài ở với bà thì khác hẳn. Đức Giêsu nói với bà: ‘Đừng giữ Thầy lại! Vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha’. Đức Giêsu cùng hiển trị với Cha. Maria không được giữ Ngài nhưng phải hoàn thành sứ vụ được giao. ‘Đi nói anh em Thầy rằng: Thầy về cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em’. Ngài gọi các môn đệ là anh em. Lên cùng Cha, Đức Giêsu mở cho chúng ta con đường để được ở bên cạnh Chúa Cha. ‘ Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đó với Con’ (Ga 17,24; 14,3).
Ga 20,18: Phẩm giá và sứ vụ của Maria và các phụ nữ. Maria được gọi là người nữ môn đệ của Đức Giêsu (Lc 8,1-2); bà chứng kiến Chúa bị đóng đinh (Mc 15, 40-41; Mt 27, 55-56; Ga 19,25), việc chôn xác Ngài (Mc 15,47; Lc 23,55; Mt 27,61) và việc Ngài sống lại (Mc 16,1-8; Lc 24,1-10; Ga 20,1.11-18 ). Và giờ đây bà nhận mệnh lệnh đi gặp các Tông Đồ để báo tin Đức Giêsu đã sống lại. Không có tin vui sống lại này, bảy ngọn đèn của các bí tích sẽ tắt ngúm (Mt 28,10; Ga 20, 17-18 ).