Thứ hai Tuần XI Tn
Nghịch lý đời tông đồ
Trong bài đọc 1 ta thấy rõ ràng tính khí của thánh Phaolô, một tính khí thích đối nghịch, vì ngài là con người chiến đấu và siêu nhạy cảm. Thường thường các thư của Ngài khó hiểu chính bởi vì khía cạnh đối nghịch này, nhưng lại giúp làm nổi bật bộ mặt ‘gây vấn nạn’ của mầu nhiệm Đức Kitô và ngay cả của cuộc đời vị Tông Đồ. Gợi lên những đối nghịch: ‘Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;…coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả’. Tất cả đó là những bộ mặt của đời sống tông đồ. Thiên Chúa đã chọn một con người như Phaolô để hoàn cảnh của vị Tông đồ và của mọi kitô hữu, mỗi người một hoàn cảnh riêng biệt, chứa đầy những nghịch lý, minh họa những lời Kinh Thánh một cách sống động hơn.
Trong tin mừng hôm nay, ngay Đức Giêsu cũng sai các môn đệ ra đi để sống một cách khác thường. Thay vì đáp trả sự dữ bằng sự dữ, như thường thấy tự phát nơi người đời và như Cựu Ước quy định (mắt đền mắt, răng đền răng), các môn đệ phải chiến đấu chống lại sự dữ bằng sự thiện; và chính đây là điều nghịch lý căn bản nhất. Nếu ‘bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa’. Xem chừng như là một việc làm ngu ngốc nhưng thực ra lại là thái độ mang tính kitô cao độ nhất; thánh Phaolô xem điều đó như mang dấu ấn của Thiên Chúa.
Chúng ta không lấy sự giàu sang của chúng ta để ban cho kẻ khác, điều dễ khiến ta kiêu căng, nhưng chúng ta múc lấy từ sự nghèo nàn của chúng ta và nhờ ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta giúp cho nhiều người. Đó là cái nghịch lý của cuộc đời tông đồ, và đời sống thiêng liêng: Thiên Chúa để chúng ta nghèo, để chúng ta gặp nghịch cảnh, vì chính trong những hoàn cảnh như thế mà ơn sủng của Ngài được hiển hiện, tình yêu của Ngài chói sáng. ‘Coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có’, nếu trong sự nghèo khó chúng ta để cho Thiên Chúa hành động. Nghèo khó trong tất cả mọi sự, chúng ta sẽ nhận được sự giàu sang của Thiên Chúa, thuộc một trật tự khác, để thông truyền cho những kẻ khác.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa thêm niềm vui cho chúng ta những con người nghèo khó, bị đàn áp, không được người đời thông cảm, để chúng ta trở nên giàu có bằng ân huệ của Thiên Chúa.
+++
Tình yêu vượt lên trên sự công bằng
Luật ‘mắt đền mắt, răng đền răng’ ngày xưa và bây giờ vẫn còn là tiêu chuẩn nền tảng cho sự công bằng, thiết lập một mức ngang bằng giữa người xúc phạm và sự đáp trả của người bị tổn thương. Một tiêu chuẩn công bằng loại trừ mọi nguyên tắc tha thứ và tình yêu huynh đệ. Đức Kitô đã đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm cho nên trọn, tuyên bố nguyên tắc mới xuất phát từ chính bản thân Người và từ lời loan báo lòng thương xót của Người. ‘Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa’. Đây là một hệ luận tình yêu, một kết quả xuất phát từ việc Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và Đức Kitô đã đến giữa chúng ta không phải để xét đoán thế gian, nhưng để thế gian được cứu độ. Tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa, dành cho ta, trong khi chúng ta còn là thù địch với Người do tội của ta, phải dẫn chúng ta không phải đến việc đối đầu với kẻ dữ đang mưu hại ta, mà để sẵn lòng giơ cả má kia nữa. Nếu ta không có gương sáng của Đức Kitô, đấng đã chịu khổ nhục trong cuộc thương khó như con chiên hiền lành chấp nhận mọi hình khổ, và đáp trả việc chết treo thập giá bằng sự tha thứ, ta sẽ cho rằng đó là một điều vượt quá sức và đề nghị của Người không thể thực hiện được. Người bảo ta: ‘Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con’. Trạng từ ‘như’ đáng ta lưu tâm. Ta phải yêu và tha thứ như Chúa Giêsu đã làm như thế cho ta. Phúc cho ta những người có niềm tin không chỉ vào bổn phận phải yêu mến Chúa và tha nhân mà còn tin rằng tất cả chúng ta đều được Người yêu thương nữa. ‘Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con’ và còn thêm ‘Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy’. Đây là tình trạng hạnh phúc làm cho điều xem ra không thể thực hiện được trở nên nguyên do đưa chúng ta đến chiến thắng.
Thứ ba Tuần XI Tn
Lòng quảng đại kitô giáo
Cách thức thánh Phaolô mở đầu bài diễn từ của mình, mà hôm nay Phụng vụ trình bày cho chúng ta, thật đáng quan tâm.
Ngài viết: ‘Thưa anh em, chúng tôi xin báo cho anh em biết ân huệ Thiên Chúa đã ban cho các Hội Thánh ở Macêđônia’. Ân sủng mà Thiên Chúa ban là chính lòng quảng đại của họ. Thoạt đầu chúng ta sẽ nói: ‘Không phải do Thiên Chúa ban cho, nhưng là chính họ, những kitô hữu ấy, tuy nghèo khó, đã ban phát rất quảng đại để nâng đỡ các kitô hữu khác’. Thánh Phaolô, trái lại, đã gọi sự cố gắng lớn lao của lòng quảng đại ấy là ân huệ Chúa ban, một cách nào đó làm thay đổi hoàn cảnh. Và chính việc đọc lại cách sâu xa nghĩa cử này, cũng như mọi hành động quảng đại khác, ta nhận ra hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất: điều mà họ tặng ban cho, họ đã nhận từ nơi Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ban cho họ cái khả năng quảng đại, bằng cách trao ban cho người khác những gì mà họ đã nhận từ Thiên Chúa. Trao ban là một ân huệ của Thiên Chúa; lòng sốt sắng tặng ban cũng là một ân huệ của Thiên Chúa. Yếu tố thứ hai, sâu xa hơn, là khi trao ban với tình yêu vô vị lợi, họ sẽ nhận được thực sự ân sủng của Thiên Chúa.
Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất: ‘Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được’ (1 Ga 3,17). Lòng quảng đại là điều kiện thiết yếu để tình yêu Thiên Chúa ở trong chúng ta, để ta lưu lại trong tình yêu của Ngài.
Ân ban to lớn của Thiên Chúa cho các Hội Thánh ở Macêđônia là: sống trong tình yêu Thiên Chúa, đón nhận tình yêu Thiên Chúa, tham dự cách tích cực vào tình yêu của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa không thể nhận được nếu không trao ban; ai trao ban thì sống thực sự trong ân sủng đó và sẽ lãnh nhận được thêm nữa.
Đó là ý nghĩa kitô của lòng quảng đại: kết hợp với tình yêu Thiên Chúa, điều kiện để tình yêu ấy được trao ban cho chúng ta luôn luôn với lòng quảng đại lớn hơn, lòng quảng đại mà Đức Giêsu nói trong tin mừng, ‘làm mặt trời mọc lên cho kẻ dữ người lành và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính’.
Khi nghĩ đến tình yêu không ngừng tuôn chảy xuống từ Chúa Cha trên trời, chúng ta mở lòng ra cách quảng đại đối với người đang túng quẩn: cần cơm bánh nuôi sống, cần một lời huynh đệ, cần được nâng đỡ để lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa.
+++
Vua Akháp nói với ông Êlia: Hỡi kẻ thù của ta, ngươi đã bắt được ta. Ông đáp: Tôi đã bắt được ngài làm điều dữ trái mắt Thiên Chúa.
Vị ngôn sứ được sai đến cho Akháp để nhắc nhở ông về điều dữ mà ông đã làm: ông đã để cho người ta đưa vào trong vương quốc những thần linh ngoại giáo, chính ông đã khấu đầu trước các tượng thần ấy, còn cho phép bà vợ giết các ngôn sứ. Bị bà vợ xúi giục, ông đã phạm tội sát hại Nabot để chiếm đoạt vườn nho của ông này.
Khi ông loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình, đương nhiên ông đã làm nô lệ các ngẫu thần: tham lam quyền lực, thỏa mãn thú vui, chiếm hữu. Việc tôn thờ các ngẫu thần còn dẫn ông đến việc sát hại không chút ngại ngùng người bên cạnh như người anh em cần phải yêu thương
Thiên Chúa đấng hay thương xót, đã can thiệp bằng cách nhắc nhở qua các ngôn sứ lời loan báo hình phạt, hầu giúp tội nhân sửa chữa để hối cải và không phải hư mất.
Nơi con người giúp sửa lỗi, không phải lúc nào cũng được nhìn thấy khuôn mặt của một bạn hữu giúp tránh xa nguy hiểm đang gặp, nhưng thường chỉ thấy như một địch thù quấy rầy mình. Êlia có trải nghiệm này suốt cả cuộc đời ông, nhưng ông không nín lặng: ông can đảm tố cáo điều dữ. Đó là bổn phận của ngôn sứ.
Qua bí tích thanh tẩy, mỗi người kitô hữu cũng được thánh hiến để làm ngôn sứ. Bổn phận của chúng ta hôm nay là không dễ dàng thỏa hiệp với điều dữ trong đời sống mình cũng như trong môi trường mình hiện sống.
Trong phút hồi tâm tôi cầu xin Chúa ban cho tôi Thần khí của Ngài, để trong ánh sáng tình yêu, tôi biết loại trừ những gì làm hại anh em tôi và biết can thiệp ngay cả khi phải hy sinh mạng sống.
Lạy Chúa, xin làm cho con nên người can đảm loan báo lòng thương xót, không sợ hãi chỉ ra điều dữ phải tránh, để khỏi làm hại con người và cộng đồng.
+++
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em
Mỗi ngày ta nói từ ‘yêu’ hết sức dễ dàng, có bao giờ tự hỏi mình xem từ đó thực sự có nghĩa là gì? Có lần cậu con trai nói với cô gái ‘em không yêu anh’, cô gái trả lời ‘anh muốn biết gì về điều em cảm thấy?
Đó là một bài học đơn giản nhưng thật ý nghĩa đáng suy nghĩ. Không phải là một định nghĩa chung chung về từ ‘yêu’, mỗi người có cách thế, những cảm xúc, những cung bậc riêng của mình. Cần nhớ rằng trong cuộc đời ta cần phải luôn tiến lên một bậc cao hơn trong những điều tích cực, từ văn hóa đến thể thao, từ vị thế cha mẹ đến những liên hệ với bạn bè, từ yêu thương đến tha thứ. Tiếc thay nhiều người lớn cảm thấy mình đã đến đích rồi, họ nghĩ rằng mình đã đến đỉnh, và họ dừng lại không đi tìm chân lý nữa, không đi tìm một bậc cao hơn nữa, đánh mất khả năng có được một cuộc sống thanh thản hơn, những tương quan thoải mái hơn và thú vị hơn.
Hãy nghĩ đến việc lặn sâu xuống mười mét. Phong cảnh ở độ sâu này thật đẹp và ta thích thư giản ở độ sâu này. Có thể khám phá nhiều loại cá, nhiều khe đá tuyệt đẹp ở độ sâu khác nhau. Cần có gắng để xuống đến mười lăm, hai mươi mét hoặc hơn nữa vì ta có thể làm tốt hơn nữa mà.
Trong tình yêu cũng thế, cần phải phát triển hơn, phải hiểu rằng càng yêu nhiều thì đời sống của ta và của kẻ khác sẽ tốt hơn.
Chúa cho ta biết đâu là điểm hoàn thiện cần đạt đến, đó là yêu tất cả mọi người, bạn hữu và địch thù, người công chính và kẻ tội lỗi, trẻ nhỏ và người lớn. Ai tin vào Thiên Chúa, vào những lời dạy của Đức Giêsu là những kẻ chân thực. Thật dễ hiểu bởi vì nếu tất cả mọi người đều yêu thương nhau, thì đâu còn chiến tranh, cách mạng, giết người, bạo lực dưới mọi hình thức nữa. Nếu đối diện với một con người hành động xấu mà chúng ta thấy ghét bỏ hắn, thì làm sao ta có thể dạy cho con cái mình yêu thương, và nếu chúng nó, tương lai của thế giới, không học để cảm nhận tình yêu và tha thứ đối với tha nhân, làm sao có thể hy vọng giảm bớt được bạo lực?
Hiện trạng thế giới đang càng ngày càng sử dụng bạo lực trong những tương quan nhân vị. Ta có thể và phải làm thay đổi chiều hướng này, hãy bắt tay vào ngay, hãy luôn yêu thương nhau, tha thứ những lỗi lầm của người anh em mình. Như thế ta là những nhà cách mạng, trong tình yêu.
Thứ tư Tuần XI Tn
Ý hướng ngay lành
Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu tỏ cho thấy Ngài mong ước đưa chúng ta sống thông hiệp với Chúa Cha, là ao ước đã thúc đẩy Ngài tự hiến mình qua bí tích Thánh Thể. Nếu Ngài đã thiết lập bí tích Thánh Thể, là chính vì để chúng ta có thể thông hiệp với Ngài và với Chúa Cha, như thư thứ nhất thánh Gioan đã viết, và để cho niềm vui của chúng ta nên trọn hảo. Hôm nay Đức Giêsu chỉ cho ta biết điều kiện để sống mối hiệp thông lạ lùng này và để có được niềm vui sâu thẳm và tinh tuyền: cần làm việc lành, không chút hậu ý nào. Đó là điều chúng ta gọi là sự ngay lành trong ý hướng, hay tính trung thực trong tình yêu.
Đức Giêsu biết rõ lòng con người, biết rằng khi chúng ta làm điều lành, chúng ta hay bị cám dỗ tìm lợi ích riêng, thỏa mãn lòng tự ái và tính ích kỷ, và Ngài dạy chúng ta biết rằng khi chạy theo những cám dỗ đó, chúng ta làm mọi việc lành trở thành rỗng tếch.
Cần lựa chọn giữa việc thỏa mãn tính tự ái, ích kỷ và phần thưởng Chúa Cha dành trên trời.
Đức Giêsu khuyến khích chúng ta tìm ích lợi đích thực của mình, nghĩa là phần thưởng của Cha trên trời. Quên chính mình để sống trong tình yêu, chúng ta sẽ có phần thưởng đó, chính là việc sống thông hiệp với Thiên Chúa, ở trong tình yêu như Thiên Chúa ở trong tình yêu, vì Ngài chính là tình yêu.
Chúng ta phải vui thích tìm sống hiệp thông với Thiên Chúa, và duy chỉ với Ngài; làm việc lành vì Thiên Chúa yêu thích điều lành và bởi vì khi làm việc lành chúng ta sống thông hiệp với Ngài. Càng ít được trần gian khen thưởng, thì càng lớn lao phần thưởng sống thân tình với Thiên Chúa.
Mỗi lần chúng ta đọc đoạn tin mừng này, chúng ta bị đánh động bởi sự quan tâm của Đức Giêsu. Lẽ ra Ngài có thể diễn tả cách khô khan hơn nhiều, giống như nhiều lần các nhà giảng thuyết đã làm? Cần để ý đến những ý hướng của chúng ta, giữ sự thẳng thắng trong ý hướng. Ngược lại Đức Giêsu đã chọn một hình thức cụ thể hơn và sống động hơn. Ngài đã sử dụng cách thức mà ta thường gặp thấy trong Kinh Thánh, Ngài đã dùng những hình ảnh hơi phóng đại, để gây chú ý. Ví dụ: ‘Khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn…’ Việc này sự thường đâu có xảy ra khi người ta bố thí! Hoặc một cách khác hết sức trau chuốt cho dù hơi cường điệu: ‘Đừng để tay trái biết việc tay phải làm’. Đây là một loại văn phong hết sức sống động: cả hai tay đều được nhân cách hóa, giống như hai con người sống bên cạnh nhau, và bên này không được biết điều bên kia làm. Chúng ta hiểu rõ ràng điều Đức Giêsu muốn nói: khi người ta làm điều thiện, cần phải quên nó đi, để tránh sự phô trương. Cũng vậy, Ngài mô tả hết sức cụ thể những người ‘thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy’. Và ngược lại: ‘Còn anh khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại’ vì Cha của anh thấu suốt mọi bí ẩn.
Ba ví dụ được xây dựng cách hài hòa, với cách song đối, một thế quân bình văn chương làm thỏa mãn lý trí chúng ta. Mỗi ví dụ đều có một phản đề: Đức Giêsu diễn tả những người chiều theo cám dỗ của hư danh và của lòng yêu mình và, ngược lại, thái độ tốt lành của những người sống hiệp thông với Thiên Chúa. Mỗi ví dụ ta đọc thấy những lời được lập đi lập lại như điệp khúc, giúp khắc sâu giáo huấn mà Đức Giêsu muốn dạy. Cách tiêu cực: ‘Họ đã nhận phần thưởng rồi’; cách tích cực: ‘Và Cha ngươi, đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công cho ngươi’. Đức Giêsu diễn tả giáo huấn của Ngài một cách sống động, thú vị và minh bạch (‘không có ai nói như ông ta’: những người đến nghe đã phát biểu như thế). Việc này khuyến khích chúng ta nên quan tâm đến những hình thức mà chúng ta làm cho Chúa, về điều mà chúng ta làm trong việc rao giảng tin mừng, nhất là khi chúng ta nói về Ngài.
Cảm tạ Chúa về những lời giáo huấn quý báu và cả hình thức Ngài dùng để diễn đạt, biến Tin Mừng thành quyển sách vô tận và vô song.
+++
Khi đã qua, ông Êlia nói với ông Êlisa: Anh cứ xin đi, thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh? Ông Êlisa nói: Xin cho con được hai phần thần khí của thầy. Ông Êlia đáp: Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không thì không được.
Thật khó để cho những con người quan trọng trong hành trình cuộc sống và đức tin của ta ra đi.
Thật khó chia lìa nhau bởi vì hình như một mình ta không thể làm điều đó: ta không biết phải hỏi ý kiến ai nữa, phải đến với ai để được thông cảm và chia sẻ. Êlisa cảm thấy tất cả sức nặng tình cảm trước cuộc ra đi của Êlia, là người cha tinh thần của ông, đã sinh ra ơn gọi ngôn sứ của ông, đã giúp ông khám phá căn tính sâu xa của mình là sứ mạng đến với dân tộc. Êlia đã dạy ông không được sống cho chính mình.
Êlisa không dừng lại nơi nỗi đau và nhất là không khép kín lòng mình: ông xin cho được hai phần thần trí của vị đại ngôn sứ và điều ấy đã xảy ra.
Ông đã lãnh nhận và giờ đây sẵn sàng để trao ban. Có được sức mạnh và lòng can đảm của người hiểu rằng đã đến giờ mình phải hành động.
Nước rẽ ra hai bên, và ông Êlisa đi qua: Êlisa đi qua sông, đi qua bên kia bờ, không chỉ có ý nghĩa địa lý thôi mà còn có ý nghĩa nội tâm nữa. Là bờ của sự trưởng thành, từ nay ông phải tự mình hành động, cậy dựa vào niềm tin của mình chứ không phải niềm tin của kẻ khác.
Êlia với gương sống, lòng nhiệt thành, những lời nói giờ đây đã được nội tâm hóa bên trong người môn đệ. Những chọn lựa của người môn đệ, dù vẫn còn kín đáo, luôn quy hướng về người thầy của mình.
Êlisa đã vạch ra con đường cho ta để biết sống tách rời khỏi những người đã nuôi dưỡng giáo dục ta trong đức tin và niềm hy vọng: nhận ra biết bao điều ta đã nhận lãnh, cùng đồng hành với họ cho đến khi còn có thể, và cầu xin Thiên Chúa ban cho ta hai phần thần trí của họ. Ta có thể yêu cầu điều đó vì nếu Chúa đã cho ta những thầy dạy như thế, thì ta không thể bỏ rơi bất cứ điều gì ta đã lãnh nhận. Ta cần làm cho nó phát sinh hoa quả, để làm vinh danh Thiên Chúa và cảm tạ bằng cuộc sống mình những ai đã ban cho ta cuộc sống của họ.
Tạ ơn Chúa vì những người cha người mẹ tinh thần mà Ngài đã ban cho con cái của Ngài. Đừng để chúng con mất đi bất cứ người nào, để đến lượt chúng con, chúng con cũng trở nên cha mẹ cho những người khác.
Thứ năm Tuần XI Tn
Chúa dạy cầu nguyện
Đức Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào, Ngài mời gọi chúng ta canh tân việc cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta trước hết đừng giống như dân ngoại, họ tưởng rằng cần phải nói nhiều khi cầu nguyện. Hành động của Thiên Chúa thì muôn phần hữu hiệu hơn việc làm của chúng ta, do đó điều quan trọng là cần sống mật thiết với Thiên Chúa. Lời nói, không quan trọng, những tư tưởng hay, không đáng kể; và thực là ảo tưởng khi tin rằng càng có nhiều tư tưởng phù hợp với lời cầu nguyện thì lời cầu nguyện càng có giá trị. Điều đáng kể không phải là điều chúng ta thực hiện mà là điều Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta.
Đức Giêsu dạy cho ta một kinh nguyện thật sự làm thay đổi tận căn việc cầu nguyện của chúng ta và như thế chúng ta đáng được Thiên Chúa nhậm lời. Khi cầu nguyện chúng ta cầu xin Thiên Chúa nhận lời, nhưng trước hết, ta cũng phải biết đón nhận lời Thiên Chúa, Đấng mong muốn biến đổi chúng ta, nếu chúng ta để cho Ngài hành động. Nếu chúng ta cầu nguyện như Đức Giêsu đã dạy, chúng ta đón nhận lời Thiên Chúa và lời nguyện của ta thực sự có khả năng biến đổi cuộc sống.
Đây là một giáo huấn về việc cầu nguyện, chính Đức Giêsu đã khởi đầu bằng những lời cầu quy về Thiên Chúa: ‘Xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện’. Với bản năng vị kỷ của mình, chúng ta sẽ không bao giờ bắt đầu cầu nguyện như thế. Trước mặt Thiên Chúa, ta chiêm ngắm Ngài và mong ước rằng Ngài được mọi người nhận biết, yêu mến; xin cho các dự tính của Ngài được thực hiện chứ không phải những toan tính của chúng ta, đầy hạn chế và không có tương lai.
Đức Giêsu làm mẫu gương cho ta về một việc cầu nguyện như thế: trong cảnh thống khổ, lời nguyện trước tiên của Ngài được thốt lên là: ‘Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha’. Đúng hơn nên nói rằng đó là lời nguyện thứ hai, vì Ngài đã khởi đầu bằng lời xin: ‘Bây giờ linh hồn con xao xuyến; con biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này’ nhưng rồi Ngài đã từ chối cầu nguyện theo lối đó, để cuối cùng thốt lên: ‘Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha’ (Ga 12,27-28 ).
Ngay cả những lời cầu xin liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta cũng được Ngài chỉ dạy. ‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’. Là một lời cầu xin vừa mang tính phó thác vừa bị hạn chế. Không xin giàu sang, hoặc được bảo đảm suốt cả cuộc đời: chỉ xin cơm bánh của ngày hôm nay mà thôi. Trong bản văn hy lạp có một tĩnh từ mà người ta không biết làm sao dịch cho đúng và cuối cùng người ta thường dịch ‘cơm bánh hằng ngày’, liên hệ đến từ ‘hôm nay’. Nhưng chắc Đức Giêsu, khi đề cập đến cơm bánh mà ngài bảo chúng ta xin, đã không chỉ nghĩ đến cơm bánh cần thiết cho sự sống thể lý, mà còn cho cả sự sống thiêng liêng nữa.
‘Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha những kẻ mắc nợ chúng con’. Đức Giêsu tiếp tục dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách chỉ cho ta biết rằng tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta là một với tình yêu chúng ta dành cho người anh em. Và ngay sau đó Ngài nhấn mạnh: ‘Nếu các ngươi không tha cho người ta, Cha các ngươi cũng sẽ chẳng tha cho các ngươi’. ‘Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ’. Những lời cầu cuối cùng là xin cho chúng ta luôn vững vàng trong đời sống thiêng liêng. Không xin được giải thoát khỏi đau khổ, nhưng khỏi sự dữ (thần dữ). Quả thật đau khổ cũng được xem như là một sự dữ, nhưng không đồng nghĩa như nhau. Trong mức độ đau khổ là một sự dữ, chúng ta xin cho được giải thoát, nhưng chúng ta chấp nhận đau khổ thể lý nếu chúng đem lại lợi ích cho ta. Điều quan trọng là chúng ta được giải thoát khỏi tội, khỏi tất cả những gì làm nguy hại mối liên hệ chúng ta với Thiên Chúa.
Cảm tạ Chúa vì đã dạy chúng ta cầu nguyện và chúng ta hãy luôn trung thành với giáo huấn của Ngài, để lớn lên trong tình yêu đối với Ngài và đối với anh em.
+++
Kinh Lạy Cha, phần thứ nhất liên quan đến Thiên Chúa và phần thứ hai liên quan đến chúng ta, cô đọng mọi kinh nguyện quá khứ, hiện tại và tương lai, và lời ‘Xin vâng’ tóm gọn mọi thái độ kitô trước những cảnh huống cuộc đời.
Khi cầu xin cho ý Chúa được thể hiện, ta cần phải hiểu rằng ý muốn này không thể được thực hiện trong trừu tượng, hoặc duy nhất qua việc làm của kẻ khác. Phải được thực hiện bởi chính chúng ta, trong mỗi người chúng ta, với mỗi người chúng ta.
Tất cả chúng ta mong muốn Thiên Chúa nhận lời ta cầu xin. Có lẽ ta muốn thưa với Ngài rằng: ‘Lạy Chúa, xin cho ý con được thực hiện. Con đã ăn chay, con đã thắp bao nhiêu ngọn nến, con đã làm tuần cửu nhật, con đã bố thí, con đã làm bất cứ điều gì, hầu để Ngài nhận lời cầu xin của con. Chúa đã hứa với con rằng bất cứ điều gì chúng con xin nhân danh Chúa, thì Chúa sẽ nhận lời mà, phải không?
Chúng ta đừng quên rằng cầu nguyện hoặc cầu xin nhân danh Đức Giêsu, trước tiên là cầu xin cho mình có một con tim giống như Ngài, để dù trong vui buồn sướng khổ, ngay cả khi cái chết gần kề, ta có thể thưa với một lòng phó thác vô vàn, cùng với tình yêu vô biên: ‘Xin cho ý Chúa được thể hiện’. Hạnh phúc cho ta biết bao được gọi Thiên Chúa là Cha. Người yêu ta vô cùng, biết tất cả và có thể làm được tất cả. Nên Người sẽ thỏa mãn mọi yêu cầu của tôi, nếu con tim phụ tử của Người và sự khôn ngoan của Người thấy rằng điều ấy mang lại tốt lành cho tôi, nghĩa là hạnh phúc cho tôi.
Tình yêu đích thực của tôi đối với chính mình hệ tại trong lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, bởi lẽ tôi không thể tưởng tượng được có một con tim nào đầy dịu dàng và ấm áp hơn để bảo vệ tôi, hiểu được tôi và làm cho tôi hạnh phúc. Khi ta hiểu lời kinh nguyện này, khi nó trở thành như chính đời sống của tôi. Ta biết rằng, không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng cả con người mình rằng Thiên Chúa luôn nhận lời chúng ta, cho dầu không luôn luôn nắm được cách thức Ngài chăm sóc chúng ta.
Một bệnh nhân cầu xin cho khỏe mạnh và này Thiên Chúa ban cho sức chịu đựng. Ta xin điều ta thích còn Người ban cho ta điều ta đang cần.
Thứ Sáu Tuần XI Tn
Mắt sáng
Mới nhìn thoáng qua ta không thấy có mối liên kết thực sự giữa phần 1 với phần hai của bài tin mừng; thực sự có và có liên kết trực tiếp nữa.
‘Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh tốt, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối’.
Bệnh của con mắt là sự ganh tị. chúng ta không còn thấy được nữa: ta bước vào một hướng sai lạc, bằng cách tìm kiếm tư lợi và không phải là những giá trị thực, chúng ta ngộp thở phía sau tất cả những gì ta có thể sở hữu và ta thấy được cái gì khác: ta đang bị chìm ngập trong bóng tối.
Trái lại Chúa muốn con mắt ta sáng tỏ và thân thể ta trong ánh sáng. Con mắt sáng là ý hướng ngay lành, không vị kỷ: và chính sự ngay thẳng đó dẫn ta vào ánh sáng. Không phải dễ, cần một cố gắng liên tục, một ân huệ mà ta phải cầu xin luôn với Chúa.
Hãy xin Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt ta, nếu ta nhận thấy chúng có một chút đau bệnh. Ta hãy xin Ngài ban cho ta một cái nhìn trong sáng, biết nhận ra con đường ngay chính để đạt đến mục đích cuộc đời mình: chiếm lấy kho tàng là chính Chúa, ánh sáng thực của đôi mắt và niềm vui của tâm hồn.
+++
Nước Brazil có một giai thoại sau đây về một người rất giàu có tên là Mataraso. Ngày kia anh đến trước cửa thiên đàng. Anh ta muốn đi vào ngay như bất cứ nơi nào. Thánh Phêrô không phản đối nhưng chỉ yêu cầu anh trình vé vào cổng, chỉ đáng giá 1000 lire. Mataraso cười nói: Này, thánh Phêrô ơi, Ngài đùa à! 1000 lire sao? Cứ lấy hết cả gia sản của tôi đi. Hãy lấy các xí nghiệp của tôi, các khách sạn của tôi, các lâu đài của tôi, các xe ôtô của tôi, các tài khoản trong ngân hàng của tôi, vàng bạc của tôi…Tôi chẳng cần nữa. Ngài cứ lấy hết đi và để cho tôi vào. Thánh Phêrô trả lời: Ta cũng chẳng cần. Ta chỉ yêu cầu trả 1000 lire, không hơn không kém’. Mataraso lục lọi hết các túi…Vô ích, vì chẳng có gì.
Nên trong dân gian mới có câu: Mataraso không thể vào thiên đàng vì thiếu 1000 lire.
Không biết những hậu duệ của Matarasso có nhớ đến ông không, nếu có hãy dâng một thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ông. Ta không biết gì khác về ông ta ngoài việc ông ta rất giàu có.
Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta chẳng có gì hết, nhưng chúng ta có thể để lại một gia tài thiêng liêng hết sức phong phú. Tôi nghĩ đến thánh Phanxicô Assidi, đến thánh Têrêxa, thánh Phanxicô Salêsiô, thánh Luy Grignon de Monfort, thánh Inhaxiô Loyola, thánh Đaminh, thánh Augustinô, thánh Antôn tu viện trưởng và thánh Antôn Pađôva, đã lôi kéo biết bao nhiêu con người sẵn sàng tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Những con người nghèo này đã biết khám phá ra kho tàng đích thực, bất diệt và vô giá mà họ đã chia sẻ và tiếp tục chia sẻ với tất cả những ai đặt tin tưởng và sự giàu sang của mình nơi Thiên Chúa. Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu vắng những vĩ nhân đức tin ấy?
+++
Athangia, thân mẫu vua Acagia, thấy con mình đã chết, thì đứng lên tiêu diệt tất cả hoàng tộc.
Dòng tộc Đavít đã bị mưu hại do thân mẫu của nhà vua Acagia. Lòng tham đã thúc đẩy bà tiêu diệt chính con cháu của bà. Đứa bé nhất là Gioát trốn thoát được nhờ sự can thiệp của bà dì Giơhôsêva, ẩn giấu và nuôi dưỡng cháu trong Đền thờ. Sau những năm loạn lạc, tư tế Giơhôgiađa đã hiến thánh Gioát làm vua.
Một câu chuyện lịch sử. Các triều đại, các đảng phái, biết bao ý thức hệ đối nghịch nhau và tìm cách lấn át nhau trong một thời gian quyền lực và vinh quang. Người ta chẳng nhìn thấy gì cả, người ta sẵn sàng làm tất cả. Tha nhân không còn là người anh em để phục vụ yêu thuơng nhưng là đối thủ cần phải tiêu diệt bằng bất cứ giá nào.
Thiên Chúa tối cao và chương trình tình yêu của Người vượt trội tất cả. Người nhỏ nhất, không đáng kể, phải chạy trốn trước sự tìm giết của người bà nham hiểm, đã trở thánh mắc xích nối kết lại chuỗi dòng tộc Đavít: không gì và không ai có thể làm cho Thiên Chúa phải thất bại vì lời trung thành Người đã hứa.
Kẻ biết đọc ra những nếp gấp của lịch sử, sẽ khám phá ra sự can thiệp bất ngờ của Thiên Chúa, đấng cứu chuộc, tái lập lại dự tính của mình, bằng những khí cụ mà ta cho là chẳng chút tương hợp tí nào. Đã xảy ra như thế thời thánh Phanxicô, thánh Catarina và biết bao thánh nhân khác, chỉ bằng sức mạnh của tình yêu, họ đã ghi dấu ấn một dòng chảy mới vào trong lịch sử.
Trong phút hồi tâm, tôi cố gắng nhìn lịch sử ngày nay với đôi mắt mới để nhận ra dấu ấn của Thiên Chúa và lời mời gọi của Người để trở nên khí cụ ngoan ngùy trong tay Người.
Thứ Bảy Tuần XI Tn
Nếu ta học ở trường lớp của Mẹ Maria, Mẹ sẽ dạy ta lòng khiêm nhượng và sự từ bỏ. Mẹ Maria đã làm cách hoàn hảo bao điều mà Phaolô nói về sự yếu đuối của ngài: ‘Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi’. Mẹ Maria đã chấp nhận thân phận yếu hèn của mình, bé nhỏ và mẹ cảm thấy hạnh phúc vì nhận ra đó là nguyên do cái nhìn cúi xuống của Thiên Chúa: ‘Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới’.
Nhưng thông thường bằng lòng với số phận khiêm tốn và bé nhỏ, thật khó biết bao! Thật khó khiêm tốn biết bao khi có nhiều lý do để vênh vang! Thánh Phaolô cảnh giác nguy hiểm của sự tự hào ‘vì sự cao cả của những mạc khải Chúa đã ban’; Mẹ Maria được sứ thần chào là đấng đầy ân phúc, luôn bình lặng, vui lòng, hoàn toàn buông mình vào thánh ý Thiên Chúa, chỉ quan tâm một mình Ngài. Và khi Thiên Chúa muốn mẹ làm mẹ của một người con bị kết án thập giá như kẻ phạm thượng, sự đau khổ không làm thay đổi thái độ nội tâm của mẹ: mẹ dõi theo Đức Giêsu, hoàn toàn gắn bó với chương trình của Thiên Chúa, trong bình an, phó thác, cho đến đồi Calvê.
Xin Mẹ giúp ta biết sống khiêm nhu, phó thác, vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cụ thể.
+++
Đức Kiô không ngần ngại đặt Thiên Chúa và tiền bạc bên cạnh nhau, điều làm ta ngạc nhiên.
Chữ T viết hoa này thường được tôn thờ như một Thiên Chúa. Người ta tìm kiếm tiền, bị mê hoặc, bị ràng buộc, người ta nịnh bợ, người ta tôn thờ, vì nó mà giết nhau, gây chiến tranh, bán nhau vì nó. Đức Kitô yêu cầu chúng ta lựa chọn giữa Người với tiền bạc. Một số người theo Đức Kitô, một số khác chạy theo tiền bạc, còn một số khác nghĩ rằng để không mất mát gì cả, phục vụ cả hai cùng một lúc.
Nhưng Đức Kitô khẳng khái: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.
Một nhóm sinh viên đi lên núi thăm một cụ già được tiếng là khôn ngoan, hiền lành và hạnh phúc trong cảnh thanh bần. Họ hỏi ông: -Xin cụ hãy nói cho chúng cháu biết về tiền của. Cụ già mỉm cười trả lời: - Hãy nhìn qua cửa sổ của ta. Các cháu thấy gì? -Bầu trời, mặt trời, núi, cây cối, và người ta qua lại. Khi đó cụ già đưa cho họ một tấm gương soi nhỏ và hỏi: -Hãy nhìn vào chiếc gương nhỏ này. Các cháu thấy gì trong đó? –Dĩ nhiên là khuôn mặt của chúng cháu! Cụ già lấy chiếc gương và cạo đi lớp bạc phủ phía sau rồi đưa lại cho các bạn trẻ. Bây giờ, các cháu nhìn thấy gì nào? –Chiếc gương soi giờ chỉ là một tấm kính, chúng cháu không còn nhìn thấy chính mình nữa, nhưng là những người khác.
+++
Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với họ, để đưa họ quay về với Đức Chúa. Các vị ấy đã khuyến cáo, nhưng họ không thèm để tai.
Các ngôn sứ không bao giờ thiếu: là những người nam nữ mà Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ cảnh giác về tai họa đang xảy ra và họ đã bị bách hại và đàn áp. Không có trang lịch sử nào mà không có dấu máu của các vị. Ngay cả trong thế kỷ mới cũng ghi dấu sự hiện diện của các vị. Nếu người ta không thành công trong việc đàn áp thể lý các ngài, thì họ tìm cách làm cho lời của các vị nên vô ích để không còn ai tin theo nữa. Điều quan trọng là làm sao tắt được những tiếng nói quấy rầy lương tâm và mở rộng đôi mắt.
Lúc ấy người ta gặp hai nguy cơ: hoặc bị choáng váng vì rơi vào một tình trạng hổn độn hoặc bị đe dọa, tự nhốt mình trong sự thinh lặng đáng sợ. Đó là điều xảy ra khi người ta muốn bịt miệng sự thật. Không phải Thiên Chúa lìa xa con người, nhưng chính con người rời bỏ Thiên Chúa, không chỉ chà đạp luật đạo đức của mình, mà ngay cả những luật điều hướng dòng chảy bình thường của thiên nhiên nữa. Những tai họa xảy ra là hệ quả tất nhiên.
Trong phút hồi tâm, tôi cố gắng nhận ra những ngôn sứ mà Thiên Chúa đã và đang tiếp tục gởi đến với tôi. Có thể là một hoàn cảnh, một lời nói, một con người mà tôi đã không quan tâm , hoặc tôi đã xem như đáng ghét. Từ đây tôi sẽ biết lắng nghe những lời nhắc nhở của họ hơn.
Lạy Chúa xin giải thoát con khỏi cảnh điếc lác chủ ý, làm con không còn nghe được những lời nhắc nhủ của các ngôn sứ của Chúa. Xin ban cho con can đảm để không nín lặng khi Chúa khuyến khích con đứng về phía sự thật.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Luy Gonzaga
Tin mừng nói đến kho tàng chôn giấu mang lại niềm vui tràn đầy, kho tàng đây không phải là điều này điều kia, cũng chẳng phải là những ân sủng nhưng là một con người: Đức Giêsu. Liên hệ thân tình với Người. Thánh Phaolô cũng đã diễn tả niềm vui vì kho tàng mà ngài đành mất tất cả: ‘Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi’. Ngài đã bị Chúa Giêsu chiếm lấy và ngài đã chạy cho đến đích…
Thánh Luy Gonzaga cũng đã từ bỏ tất cả danh vọng, của cải để tìm gặp Đức Giêsu Kitô, và đã tìm gặp được Người trong cầu nguyện và trong bác ái.
Thánh Phaolô chỉ cho ta biết thửa ruộng nơi chôn giấu ‘kho tàng’: ‘Biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người’. Thửa ruộng ấy chính là sự thông phần vào mầu nhiệm Đức Kitô trong mọi chiều kích: chết, sống lại, liên quan mật thiết với Người.
Ta thường hay tìm những kho tàng khác: một chút thỏa mãn trong công việc, một chút được người ta nhận biết, một chút được người khác biết ơn, một chút sức khỏe…và trong những tìm kiếm hợp pháp đó, ta lại không tìm kho tàng duy nhất đáng công nhất.
Nếu ta tìm kho tàng đích thực, ta sẽ gặp được Người và ta sẽ được ở trong Người.