Suy Niệm Thánh Vịnh 106 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 16/06/2021 04:27  994
Suy Niệm Thánh Vịnh 106
1          Ha-lê-lui-a.
            Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ,
            muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2          Họ sẽ cùng nói lên như vậy,
            những người được CHÚA thương giải thoát ;
            giải thoát cho khỏi tay địch thù,
3          triệu tập về từ bao viễn xứ,
            khắp miền nam bắc, khắp ngả đông tây.
 
4          Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi,
            không thấy đường về chốn thành thị để định cư,
5          vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn.
            Khi gặp bước ngặt nghèo,
6          họ kêu lên cùng CHÚA,
            Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân,
7          dắt họ đi thẳng đường ngay lối
            về chốn thành thị để định cư.
8          Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
            và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
9          Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình,
            bụng đói lả, Người cho ăn thoả thích.
 
10        Họ phải sống trong cảnh tối tăm mù mịt,
            kiếp lầm than xiềng xích gông cùm ;
11        vì họ chống cưỡng lời Thiên Chúa,
            dám khinh nhờn lệnh Đấng Tối Cao,
12        Người bắt họ nếm mùi gian khổ,
            phải lao đao mà không kẻ đỡ nâng.
13        Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
            Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân :
14        đưa ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt
            và đập tan xiềng xích gông cùm.
15        Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
            và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
16        Cửa đồng kia, Chúa đã phá tung,
            then sắt nọ, tay Người bẻ gãy.
 
17        Họ hoá điên trong cuộc đời lầm lỗi,
            gánh tội tình đè nặng tấm thân,
18        mọi thức ăn, họ đều chê chán,
            và tiến gần tới cửa âm ty.
19        Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
            Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân.
20        Sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh,
            cứu họ khỏi sa vào hố sâu.
21        Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
            và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
22        Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
            cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm.
23        Họ vượt biển ngược xuôi nghề thương mãi,
            giữa trùng dương lèo lái con tàu,
24        mắt đã tường việc CHÚA làm nên
            và kỳ công Người thực hiện giữa dòng nước lũ.
25        Chúa truyền lệnh khiến bùng lên bão táp,
            lớp sóng xô cuồn cuộn dập dồn.
26        Họ nhô lên tận trời, nhào xuống vực sâu,
            lúc nguy hiểm, hồn xiêu phách lạc,
27        bị quay cuồng, lảo đảo như say,
            khéo cùng khôn đã chìm đâu mất.
28        Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
            Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
29        Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
            sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,
30        họ vui sướng, vì trời yên bể lặng
            và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.
31        Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
            và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
32        Ước chi họ tán dương Người nơi nhóm họp toàn dân
            và ca tụng giữa hội đồng bô lão.
33        Chúa khiến sông ngòi cạn đi thành sa mạc,
            đổi suối nguồn ra hoang địa khô khan,
34        đất mầu mỡ hoá đồng chua nước mặn,
            vì dân cư độc ác gian tà.
35        Người lại biến sa mạc thành hồ ao
            và hoang địa khô khan nên nguồn suối.
36        Kẻ nghèo đói, Người cho đến ở,
            họ lập nên thành thị để định cư.
37        Gieo lúa ngoài ruộng, trồng nho trong vườn,
            họ thu hoạch hoa màu lợi tức.
 
38        Chúa chúc lành, họ sinh sôi nảy nở,
            bầy gia súc, Người không để giảm đi.
39        Nhưng rồi họ phải tiêu hao lụn bại,
            điêu đứng vì tai hoạ với khổ đau.
 
40        Chúa đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền thế,
            bắt phiêu bạt giữa chốn hoang vu,
            không đường ra lối vào.
41        Nhưng Chúa lại cất nhắc
            kẻ nghèo hèn thoát cảnh lầm than,
            ban cho cả giống dòng
            như chiên cừu sinh năm đẻ bảy.
 
42        Người chính trực thấy thế mà mừng rỡ,
            bọn gian tà chẳng dám hé môi.
43        Ai kẻ hiền nhân, hãy để tâm suy nghĩ,              
thì sẽ am tường lòng CHÚA thương yêu.

Cùng Đọc Với Israel
Dàn bài của thánh vịnh Tạ Ơn này thật rõ ràng. Ta thấy cách cụ thể một cảnh sống động đang diễn ra. Vào ngày đại lễ, tại Giêrusalem, có nhiều khách hành hương, tất cả đều mong muốn tạ ơn Thiên Chúa về một lời mà họ đã hứa với Ngài khi họ đang ở trong một tình trạng nguy hiểm.
Đám đông đứng quanh bàn thờ, nơi đó tế vật làm hy lễ Tạ ơn đã chuẩn bị sẵn. Các tư tế mời bốn nhóm tín hữu quy tụ với nhau để thực hiện một hy lễ chung. Đó là điều đã xảy ra cho thánh Phaolô, đã dâng hy lễ trong Đền Thờ ‘với bốn người khác’ (Cv 21,24).
Nghi lễ bắt đầu với lời mời gọi các ‘người tế lễ’: ‘Hãy tạ ơn Chúa’. Đáp lại lời mời gọi đó, cộng đoàn tham dự đáp: ‘Vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’. Sau đó các thầy Lêvi tập họp ‘những người được Chúa giải thoát’, những người có lời tạ ơn cần diễn đạt.
Bốn nhóm người tạ ơn đến tham dự vào lễ tế: những người đi đường (c.4)…những tù nhân (c.10)...những bệnh nhân (c.17)…những người đi ghe tàu (c.23)…tất cả đều ở trong nguy hiểm chết người. Trong từng trường hợp nghi thức diễn ra đều giống nhau: a) nêu lên nguy hiểm họ có thể gặp…b) lời họ kêu cứu và sự can thiệp giải thoát của Thiên Chúa…c) lập lại điệp khúc tạ ơn…
Như các bài ca hiện nay của ta, ta lưu ý điều này là thánh vịnh này gồm có hai Điệp khúc, được lập đi lập lại bốn lần. Điệp khúc 1: Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,
Người ra tay cứu họ thoát ngàn nỗi gian truân
(trong câu điệp khúc này ta nghe thấy tiếng kêu cầu và sự đáp trả của Thiên Chúa được đặt trong cùng một câu, để điễn tả Thiên Chúa mau chóng đáp lời); Điệp khúc 2: Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần…

Thánh vịnh chấm dứt bằng một đoạn kết khôn ngoan, mở rộng viễn ảnh, rút ra những bài học sâu sắc từ bốn tình cảnh cụ thể được cứu thoát: vâng, Thiên Chúa có khả năng thay đổi hoàn cảnh…vâng, Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc…vâng, Thiên Chúa chê ghét sự kiêu căng của tội lỗi, là cái hủy diệt hạnh phúc…Và câu cuối tóm gọn tất cả: Ai kẻ hiền nhân, hãy để tâm suy nghĩ, thì sẽ am tường lòng CHÚA thương yêu, kẻ khôn ngoan cần tập nhận ra trong mọi sự Tình Yêu của Thiên Chúa. Lòng Yêu Thương của Chúa, đó là lời cuối của thánh vịnh.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Thánh vịnh này, dĩ nhiên được viết để trả lời cho những hoàn cảnh cụ thể của những người nam nữ do thái, đã mang ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu. Có ai ngoài Ngài ‘đã giải thoát khỏi bóng tối tử thần’? Ai ngoài Ngài ‘đã đập tan cửa đồng’ âm phủ? Phía sau lời ca của những người được giải thoát khỏi hiểm nguy chết người, ta nghe thấy lời tạ ơn của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Vượt qua của Ngài: Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,
và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần.
Nên nhớ rằng mỗi Thánh lễ là một việc tạ ơn Thiên Chúa: lời tạ ơn ‘rối rít’ của những kẻ được giải thoát. Thánh vịnh này là một thánh vịnh vượt qua tuyệt vời. Những hoàn cảnh đau khổ cụ thể được diễn tả chỉ là một lời loan báo xa về cái nguy hiểm ngặt nghèo là ‘cái chết’, mà chỉ có sự phục sinh mới giải thoát được chúng ta.

Thánh vịnh viết ‘Sai lời Người đến, chữa cho lành mạnh’. Ngày nay ta biết rằng từ Đức Giêsu, phải viết hoa từ ngữ ‘Lời’: Thiên Chúa đã sai Lời làm người để chữa lành chúng ta, Lời hằng hữu của Người đã đến trong thời gian để giải thoát chúng ta. Thánh vịnh còn viết: ‘Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình, bụng đói lả, Người cho ăn thoả thích. Và ta biết rằng Đức Giêsu tự giới thiệu mình như đấng thỏa mãn cơn đói khát của con người: ‘Ai ăn thịt và uống máu tôi…’(Ga 6).
Thánh vịnh loan báo việc triệu tập hoàn vũ của những người được cứu: ‘triệu tập về từ bao viễn xứ, khắp miền nam bắc, khắp ngả đông tây. Và Đức Giêsu đã đảm nhận vai trò làm đấng quy tụ này: ‘Đã bao lần ta muốn tập họp con cái người lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh’ (Mt 23,37)… ‘Người sẽ sai các thiên sứ của Người…tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương’ (Mt 24,31)… ‘Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa’ (Lc 13,29). Đó cũng chính là những lời của Thánh vịnh mà Đức Giêsu áp dụng cho chính mình.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Hoàn cảnh tha hóa, và giải thoát! Đừng chỉ dừng lại nơi bốn tình cảnh được mô tả trong thánh vịnh. Mỗi người chúng ta hiện tại hóa thánh vịnh này. Đàng sau những người bộ hành lang thang trên những con đường dẫn đến hủy diệt, người ta sẽ chẳng chút khó khăn nhận ra biết bao người đương thời, biết bao bạn trẻ tuyên bố rằng cuộc sống của họ chẳng có ý nghĩa gì và chẳng đi đến đâu cả…Đàng sau những người bị tù đày, nêu lên cho ta hình ảnh  những người anh em thật sự bị xiềng xích bởi những thói quen hoặc những cơ cấu xã hội tha hóa…Đàng sau những bệnh nhân mà ‘mọi thức ăn đều chê chán’, chúng ta có thể mường tượng ra những con người đã chán sống và thất vọng…Đàng sau những người bị nguy hiểm đắm tàu, ta có thể liệt kê ra những con người ở trong những hoàn cảnh khó thoát ra do số phận, do tai nạn, do những tai họa thể lý bất ưng…Nếu ta thực sự muốn cầu nguyện thánh vịnh này ngay giữa lòng thế giới hôm nay, chỉ cần mở tờ nhật báo, hoặc xem truyền hình, để làm vang lên Thiên Chúa những lời kêu cứu của những người đau khổ. ‘Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa’. Có lẽ nhiều người đã quên làm điều này, hoặc không có sức làm: ta có phải là tiếng nói cho những người không có tiếng nói không?
Đức Giêsu làm im gió bão. Sự diễn tả cơn giông bão ngay giữa thánh vịnh thật đẹp, cả về mặt văn chương. Là một biểu tượng. Đối với người do thái sống trên đất liền, nhìn người thủy thủ lênh đênh trên biển cả như là một người gan dạ, chế ngự sức mạnh của thiên nhiên (con người ngày nay tưởng rằng mình làm chủ tất cả). Nhưng đây, chính con người đó ‘bị quay cuồng, lảo đảo như say’, chỉ cần biển dâng cao sóng thì cái khôn ngoan kia sẽ bị nuốt chìm trong làn sóng nước. Cơn bão là biểu tượng sự đoán xét của Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, lỗi lầm nặng nề và đáng nực cười nhất là, như thánh vịnh nói, ‘vì họ chống cưỡng lời Thiên Chúa, dám khinh nhờn lệnh Ðấng Tối Cao’. Thánh vịnh xác quyết rằng ‘Chúa đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền thế, bắt phiêu bạt giữa chốn hoang vu, không đường ra lối vào’. Nhà vua Pharaon kia tưởng rằng mình mạnh mẽ, cuối cùng chìm giữa lòng Biển Đỏ. Là ảo tưởng cho kẻ kiêu căng, muốn vượt lên trên Thiên Chúa, nhưng thực ra chỉ nhào xuống vực sâu. Nhưng Đức Giêsu là đấng đứng lên đối mặt với những cơn giông bão, Ngài làm lặng im gió bão (Mc 4,39).
Thành thị nơi định cư. Hai lần trong thánh vịnh, ta thấy lập lại công thức này, tượng trưng sự an toàn. Đối với người du mục, luôn đối mặt với những bất ngờ của cuộc sống rày đây mai đó, thành thị với những tường lũy chắc chắn là niềm mơ ước định cư và an bình. Thế giới ngày nay là một thế giới thành thị hóa nên chúng ta không còn có được cái tình cảm đó nữa. Trái lại, những đô thị lớn càng ngày càng trở thành nơi (mà người ta sống) vô danh và bất ổn. Nhưng lời cầu nguyện xưa vẫn luôn hiện thực: ước gì các thành thị của chúng con thành nơi định cư, nơi con người cư ngụ an bình. Thành đô mà người ta đang mơ ước đó là Giêrusalem cứu thế. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền, đã thấy ‘thành Thánh Giêrusalem từ trời xuống’, là Giêrusalem mới, là Giáo hội (Kh 21,2). Ta có thể cầu xin và nỗ lực kiến tạo để các thành thị của chúng ta nơi trần thế này giống với thành thánh hơn.
Nhận biết Tình Yêu của Chúa…dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa. Mục đích của việc kiểm điểm đời sống, qua những biến cố thăng trầm của cuộc sống, là biết nhận ra Thiên Chúa đang hoạt động. Thánh vịnh này mời gọi ta trong đời sống hôm nay, đọc lại những biến cố dưới ánh sáng của tình yêu Chúa. Trong điều xảy ra cho tôi, cho thế giới, làm thế nào tôi có thể khám phá rằng Thiên Chúa là đấng cứu độ, đấng giải thoát, đấng quy tụ?
Giải thoát và thông hiệp. Trong khổ thơ thứ hai, thánh vịnh tóm gọn cách tài tình cả hai bình diện không thể tách rời nhau của mọi ‘giải cứu’. Ơn cứu độ có hai mặt, trước hết được giải cứu khỏi một hoàn cảnh áp bức…nhưng để sống sự hiệp thông…Người được cứu vừa là người được cứu thoát khỏi tay kẻ đàn áp, vừa là người được quy tụ về với những kẻ khác. Không có sự giải thoát đích thực nếu không có tình liên đới. Sự sống của Thiên Chúa là hiệp thông giữa Ba Ngôi. Nước Trời được hứa ban cho ta cũng chính là điều đó: sống trong một tình yêu thương hoàn toàn triển nở. Đó là chương trình của Thiên Chúa, là dự định của Người. Tất cả những gì trong cuộc sống hiện nay của ta đi theo hướng đó, đã là sự tham dự vào công trình mà Thiên Chúa đang thực hiện.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay23,369
  • Tháng hiện tại652,214
  • Tổng lượt truy cập52,821,162

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây