CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên năm B nêu bật quyền chủ tể của Thiên Chúa trên thiên nhiên, nhất là trên phong ba bão tố, biểu tượng các thế lực sự Dữ.
G 38: 1, 8-11
Trong Bài Đọc I, trích từ sách Gióp, Thiên Chúa trả lời những chất vấn của ông Gióp về những khốn khổ mà ông phải chịu bằng cách giúp cho ông hiểu quyền năng của Ngài. Chính Ngài đã dựng nên đại dương, một sức mạnh hung dữ của thiên nhiên, và cũng chỉ mình Ngài mới chế ngự được phong ba bão tố.
2Cr 5: 14-17
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô tiếp tục biện minh sứ vụ tông đồ của mình.
Mc 4: 35-41
Tin Mừng tường thuật Đức Giê-su dẹp yên phong ba bão tố để con thuyền của các môn đệ Ngài đến bến bờ bình an.
BÀI ĐỌC I (G 38: 1, 8-11)
Đoạn trích sách Gióp nầy có thể được xem như dẫn nhập cho câu chuyện Tin Mừng tường thuật việc Đức Giê-su dẹp yên trận cuồng phong nổi lên trên biển hồ Ghê-nê-sa-rét: Đức Giê-su sở hữu cùng một quyền năng thần linh như Thiên Chúa. Khi sáng tạo thế giới, Thiên Chúa đã ấn định những giới hạn cho biển cả bằng “lời quyền năng” của Ngài (St 1: 6-10). Không phải Ngôi Lời đã dự phần vào công trình sáng tạo sao?
Theo thể thi ca đối thoại, tác giả sách Gióp phác họa chân dung ông Gióp, một người công chính phải hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh. Ông than thân trách phận với bốn người bạn thân. Những người bạn nầy một mực trung thành với lời giải thích truyền thống: ác giả ác báo, sự đau khổ của một ai đó cho thấy kẻ ấy đã phạm tội; hay nếu người đó được xem là công chính mà phải chịu đau khổ, chính vì Thiên Chúa muốn ngăn ngừa người ấy khỏi sa vào tính tự cao tự đại.
Lúc đó, Gióp nỗi trận lôi đình; ông kêu gào mình vô tội và xin Thiên Chúa chứng giám sự vô tội của ông. Thiên Chúa trả lời cho ông “giữa cơn bão táp” (38: 1), như khi xưa Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông Mô-sê trên núi Xi-nai. Đây là câu trả lời uy nghi của Đấng sáng tạo vũ trụ. Đức Chúa mô tả công việc của Ngài như nhà kiến trúc tự hào về công trình sáng tạo của mình: Ngài công bố quyền tối thượng của Ngài trên toàn cõi thế, trên đại dương (đây là đoạn trích dẫn hôm nay), trên ánh sáng và bóng tối, trên gió bão và mây trời, trên muôn loài muôn vật…
Đây đích thực là bài thơ ca ngợi công trình sáng tạo. Bài thơ nầy là một trong những lý do khiến nhiều người nghĩ rằng công trình biên soạn sách Gióp được định vị vào thời lưu đày Ba-by-lon.
1.Khung cảnh lịch sử:
Quả thật, hằng năm, ở Ba-by-lon vào ngày lễ Tân Niên, người ta ngâm thiên hùng ca về cuộc sáng tạo để tôn vinh cuộc chiến thắng khải hoàn của thần Mác-đút trên thủy thần Ti-a-mát. Như để đáp trả sự tán dương của một vị thần dân ngoại và các nghi lễ hằng năm nầy trong bối cảnh đa thần, những người Do thái lưu đày sáng tác những bài thi ca chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Ngài là Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, chỉ mình Ngài thật sự sáng tạo vũ trụ và an bài mọi sự. Chuyện tích về công trình sáng tạo trong sáu ngày ở đầu bộ Kinh Thánh làm chứng điều nầy (St 1: 1-2: 4a). Đoạn trích sách Gióp từ chương 38 nầy cũng làm chứng như vậy, trong đó những ám chỉ bản văn Ba-by-lon thật rõ ràng.
Bài thơ Ba-by-lon kể như thế nầy: sau khi đã chiến thắng thủy thần Ti-a-mát, hiện thân của vị thần vực thẳm nước nguyên thủy, thần Mác-đút liền phân đôi tử thi của ác thần nầy. Với phân nữa tử thi nầy, thần Mác-đút bao phủ bầu trời… Thần đóng cửa vực thẳm và đặt ngay tại chỗ những người canh cửa, rồi thần truyền lệnh cho họ không được để nước phun trào ra ngoài. Những cách diễn tả tương tự với những hình tượng của bản văn Ba-by-lon được gặp lại trong vài Thánh Vịnh, như Tv 89: 10-11:
“Chính Ngài (Đức Chúa) chế ngự trùng dương ngạo nghễ,
dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.
Chính Ngài giày xéo thủy thần Ra-háp, như giày xéo tử thi,
tay mạnh mẽ đập tan quân thù”.
Hay Thánh Vịnh 74: 12-13:
“Thế mà lạy Chúa, Vua chúng con từ muôn thuở,
Đấng từng chiến thắng trên mặt địa cầu,
chính Ngài đã ra oai sẻ đôi lòng biển, trên làn nước biếc,
Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng”.
2.Quyền năng của Thiên Chúa:
Trong sách Gióp, việc Thiên Chúa nhắc nhớ quyền năng của Ngài trên đại dương được diễn tả bằng những từ ngữ cao vời:
“Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,
khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tả che thân?
Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;
rồi Ta phán: ‘Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa,
đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (38: 8-11).
Tác giả hướng phần cuối tác phẩm mình về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Chúa dạy cho ông Gióp một bài học: ai có thể tự cho mình vô tội? Ai có thể khoác lác khi đòi chất vấn Thiên Chúa và tính sổ với Ngài? Thiên Chúa không phải phân minh với bất cứ ai; Ngài siêu vượt trên muôn loài muôn vật.
BÀI ĐỌC II ( 2Cr 5: 14-17)
Trong đoạn trích thư nầy, thánh Phao-lô tiếp tục biện minh sứ vụ tông đồ của mình. Sau khi đã nêu lên những gian truân và những niềm hy vọng của sứ vụ tông đồ, thánh Phao-lô vén mở cho thấy ngọn lửa nào đã hun đúc lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh nhân, đó chính là “tình yêu Đức Ki tô”.
Kiểu nói: “Tình yêu Đức Ki tô”, vừa diễn tả tình yêu của thánh Phao-lô đối với Đức Ki-tô, vừa diễn tả tình yêu của Đức Ki-tô đối với nhân loại. Chính nghĩa thứ hai nầy: tình yêu Đức Ki tô đối với nhân loại đã nung nấu lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh nhân.
1. “Nếu một người đã chết thay cho mọi người”:
Khi nghĩ đến hy tế của Đức Ki-tô đã đem lại ơn cứu độ cho muôn người, thánh Phao-lô đã xúc động một cách sâu xa. Niềm cảm mến nầy dâng lên từ cuộc tử nạn của Đức Ki-tô. Cuộc tử nạn của Ngài không thể nào khơi dậy những hình ảnh hung bạo được. Sự kiện các sách Tin Mừng mô tả chừng mực cuộc tử nạn của Chúa Giê-su đã duy trì tính khách quan của các bài trình thuật đầy cảm xúc bao nhiêu, thì các bức thư với cung giọng cá nhân, như những bức thư của thánh Phao-lô, đã khơi dậy biết bao tâm tư tình cảm dạt dào bấy nhiêu.
Tuy nhiên, tâm tư tình cảm của thánh Phao-lô sống động một cách đặc biệt khi thánh nhân gợi lên sự liên đới của Đức Giê-su đau khổ với nhân loại tội lỗi. Ơn cứu độ không được đem đến cho một mình dân Ít-ra-en, nhưng cho toàn thể nhân loại. Tâm hồn Do thái của thánh Phao-lô xúc động sâu xa về điều nầy. Thánh nhân sẽ khai triển sâu xa khía cạnh đạo lý về mặc khải nầy trong thư gởi tín hữu Rô-ma.
2. “Mọi người đều chết”:
Tư tưởng rất ngắn gọn; từ ngữ rất giản dị chắc chắn âm vang giáo huấn của thánh Phao-lô. Để hiểu đoạn trích nầy, tốt nhất nên quy chiếu đến chương 6 thư gởi tín hữu Rô-ma. “Mọi người đều chết”, nghĩa là, chết đối với tội lỗi. Chính “con người xưa cũ” của chúng ta đã bị đóng đinh với Đức Ki-tô. Chính vì chết đối với tội mà việc dìm mình vào trong nước thánh tẩy là dấu chỉ: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6: 8) và “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ” (Rm 6: 10).
3.“Để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”:
Đây là suy tư khái quát, nhưng đặc biệt nhắm đến các Ki-tô hữu Cô-rin-tô và những chia rẽ giữa họ, vì thánh nhân đặt trọng tâm phần trình bày nầy chung quanh khía cạnh sứ vụ hòa giải. Sống trong Đức Ki-tô, chính là không còn nhìn tha nhân “theo quan điểm của loài người”, nhưng “theo quan điểm của Thiên Chúa”.
4.“Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”:
Khi phát biểu: “Chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người”, phải chăng thánh Phao-lô muốn nói rằng trước kia thánh nhân đã biết Đức Giê-su trần thế, hay ít ra đã thấy Ngài và đã nghe Ngài nói; tuy nhiên, vào lúc đó, thánh nhân đã thuộc về số người không tin vào sứ điệp của Đức? Hay đúng hơn phải chăng thánh Phao-lô muốn ám chỉ đến thời thánh nhân đã là kẻ bách hại, thời thánh nhân đã khảo sát Đức Ki-tô “theo quan điểm loài người”?
Để có thể nắm bắt tư tưởng của thánh nhân ở đây, chúng ta phải đọc đoạn văn này trong quan điểm bút chiến, đó có thể là chìa khóa của bản văn nầy. Thánh Phao-lô đã viết không bao lâu sau cái chết của Đức Giê-su. Trong đám thính giả của thánh nhân và trong những người nhận thư của thánh nhân, thánh nhân là một trong số họ đã biết Đức Ki-tô. Vài người trong số họ kiêu hãnh vì mình thuộc “nguồn gốc Do thái”; thậm chí họ còn dựa trên sự kiện Đức Giê-su đã thực hành luật Do thái để áp đặt luật nầy trên những Ki-tô hữu gốc lương dân. Dường như trong số những đối thủ của thánh nhân ở Cô-rin-tô có những người Ki-tô hữu gốc Do thái thuộc loại nầy. Họ đã đưa ra những lập luận dựa trên một quan niệm về Đức Ki tô “theo xác thịt” để đòi hỏi áp dụng những yêu sách của họ.
Thánh Phao-lô công bố rằng quan niệm nầy đã lỗi thời. Chính không còn ở nơi cuộc sống “theo xác thịt” nhưng ở nơi cuộc sống “theo Thần Khí” mà người Ki tô hữu được mời gọi dự phần vào: họ đã trở thành “một thụ tạo mới”. “Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (5: 17). Thánh Phao-lô hướng tầm nhìn về tương lai. Đối với thánh Phao-lô, không có gì có thể kiềm chế niềm hưng phấn lao về phía trước, về Đức Ki-tô quang vinh… Khi viết cho tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô dùng động từ ở thì hiện tại: “Người cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giê-su Ki-tô trên cõi trời rồi” (Ep 2: 6); ấy vậy “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki tô” là chuyện tương lai (Rm 6: 3-11), tuy nhiên qua việc hiệp thông với Đức Ki tô, ngay từ bây giờ chúng ta thật sự đã được cùng sống lại và cùng ngự trị với Ngài trên cõi trời rồi.
TIN MỪNG (Mc 4: 35-41)
Đây là một trong những bài trình thuật sống động nhất và ý vị nhất của Tin Mừng Mác-cô. Bài trình thuật này cho thấy thánh Mác-cô quả là một người kể chuyện bậc thầy. Trong cùng một câu chuyện, hai bài trình thuật của Mt 8: 23-27 và của Lc 8: 22-26 không cung cấp những chi tiết sống động đến như thế và cũng không tường thuật với giọng điệu rất thân quen đến như vậy.
Câu chuyện này được dàn dựng như sau:
A-Đức Giê-su và các môn đệ trước trận cuồng phong (4: 35-37).
B-Đức Giê-su và các môn đệ trong trận cuồng phong (4: 38-39).
C-Đức Giê-su và các môn đệ sau trận cuồng phong (4: 40-41).
A-Đức Giê-su và các môn đệ trước trận cuồng phong (4: 35-37):
35.“Hôm ấy, khi chiều đến”: Thánh Má-cô quen dùng hai diễn ngữ chỉ thời gian đi liền nhau trong đó diễn ngữ thứ hai: “Khi chiều đến”, xác định diễn ngữ thứ nhất: “Hôm ấy” (x. 1: 32, 35). Diễn ngữ thời gian kép này được dùng để nối kết câu chuyện trước đó với câu chuyện theo sau: Sau khi Chúa Giê-su giảng dạy bằng dụ ngôn suốt ngày, thì chiều dần buông, đêm đang tới. Trong não trạng thời xưa, đây là thời điểm thuận tiện cho quỷ thần xông ra quấy phá. Đối với những người quen sống trên đất liền và ngán sợ biển cả thì dòng nước sâu thẳm là nơi quyền lực ma quỷ rất thích cư ngụ.
-“Chúng ta sang bờ bên kia”: Nghĩa là sang bờ phía đông Biển Hồ Ga-li-lê, đây là vùng đất dân ngoại sinh sống. Tại sao Người muốn đi sang đó để thoát khỏi sự chống đối hay để gặp thấy một vùng đất mới mà rao giảng? Chúng ta không rõ, nhưng một điều chắc chắn đây là sáng kiến của Đức Giê-su. Dù thế nào, cuộc hành trình trên Biển Hồ vào lúc chiều hôm buông xuống và đêm đang tới là một cuộc hải trình thử thách đầy cam go.
36.“Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền”: Câu nầy nhắc nhớ đến khung cảnh Đức Giê-su rao giảng bằng dụ ngôn như đã được chỉ rõ trước đó: “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều” (4: 1-2).
-“Có những thuyền khác cùng theo Người”: Trong khi câu chuyện diễn tiến, những thuyền khác nầy biến mất khỏi hoạt cảnh. Vài nhà chú giải gặp thấy một ám chỉ đến Tv 107, phác họa chân dung của Thiên Chúa, Đấng cứu các thương thuyền trong phong ba bão tố:
“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa,
Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,
sóng đang gầm bổng đâu im tiếng,
họ vui sướng vì trời êm bể lặng
và Chúa dẫn đưa họ về bờ bến mong chờ” (Tv 107: 28-30).
37.“Một trận cuồng phong nổi lên”: Trận cuồng phong thường xảy đến trên Biển Hồ Ga-li-lê do cuộc gặp gỡ giữa luồng gió từ Địa Trung Hải (phía Tây) và luồng gió từ hoang địa Xy-ri-a (phía Đông) tạo nên. Trong khi giảng dạy cho dân chúng bằng dụ ngôn, Đức Giê-su đã gợi lên rằng Nước Trời đến một cách quyền năng. Bây giờ, Đức Giê-su sắp chứng minh cho các môn đệ bằng hành động. Đối với các đối thủ của Người, những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Đức Giê-su luôn từ chối yêu sách của họ là thực hiện một dấu lạ ngoạn mục để cho thấy uy quyền Thiên Sai của Người. Riêng đối với các môn đệ của Người, Đức Giê-su sắp ban cho họ dấu lạ quyền năng nầy.
B-Đức Giê-su và các môn đệ trong trận cuồng phong (4: 38-39):
38.“Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”: Giữa trận cuồng phong, Đức Giê-su “dựa đầu vào gối mà ngủ” cách bình an tự tại. Sự thanh thản bình an của Đức Giê-su tương phản với trận cuồng phong.
Phải chăng Người quá mệt nhọc sau một ngày rao giảng nên Người “đang ở đằng lái, dựa đầu vào gối mà ngủ”? Chỗ đằng lái là chỗ dành cho tài công. Dường như người lái thuyền nhường chỗ đằng lái này cho Đức Giê-su để Người ngủ cho lại sức sau một ngày giảng dạy cho dân chúng. Chi tiết này cho thấy Đức Giê-su thật sự là một con người, nhưng câu chuyện tiếp theo cho thấy Người không đơn thuần là một con người khi Người chế ngự sức công phá của thiên nhiên. Sự đối lập giữa sự mệt mõi thể lý và sức mạnh thần linh mặc khải mầu nhiệm của Đức Giê-su, Đấng làm chủ mọi yếu tố thiên nhiên.
Thật ra, Đức Giê-su ngủ thế nào được khi mà sóng to gió lớn làm chao đảo con thuyền dữ dội? Dù thế nào, hình ảnh Đức Giê-su vẫn thản nhiên nằm ngủ trong phong ba bão tố cho thấy Người vừa đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Tv 4: 9; 3: 24-26) vừa chứng tỏ Người luôn luôn làm chủ mọi tình huống. Việc mô tả Đức Giê-su thản nhiên nằm ngủ ở đây giống như người gieo giống ngủ (cùng một động từ) cách yên lành trước mầu nhiệm “hạt giống tự nẩy mầm, đơm bông kết trái” cho đến ngày mùa (4: 26-29).
-“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”: Trong đêm tối, các ông ra sức chèo chống con thuyền trước những đợt sóng to gió lớn. Khi thấy “nước ập vào thuyền”, các môn đệ kinh hãi đánh thức Người. Độc giả như nghe tiếng kêu trối chết của các môn đệ trong cơn hoảng loạn, tiếng kêu cứu của họ pha lẫn niềm tin tưởng với lời trách cứ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy vẫn cứ ngủ và nghỉ sao?”. Chúng ta lưu ý đại từ xưng hô ở đây không là “chúng con” nhưng là “chúng ta”. Qua đại từ “chúng ta”, các môn đệ liên kết số phận của họ với số phận của Thầy: “Đồng hội đồng thuyền, đồng sinh đồng tử”, thế mà Đức Giê-su chẳng quan tâm gì đến tình cảnh thập tử nhất sinh này. Trong cùng một câu chuyện, thánh Lu-ca giảm nhẹ đáng kể tiếng kêu cứu này: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất” (Lc 8: 24), còn thánh Mát-thêu thì chuyển tiếng kêu cứu này thành lời khẩn nguyện trong phụng vụ: “Thưa Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất” (Mt 8: 25).
39.“Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển”: Sự kiện Đức Giê-su chế ngự phong ba bão tố minh nhiên cho thấy quyền năng thần linh của Người, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền năng ngự trị trên sức mạnh hung dữ của biển cả:
“Chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển,
trên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng;
chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long,
vứt nó làm mồi cho thủy quái” (Tv 74: 13-14; x. 89: 10-12).
- “Im đi! Câm đi!”: Đức Giê-su truyền lệnh cho biển như một quyền lực được nhân cách hóa. Cũng bằng lệnh truyền đầy uy quyền như vậy, Đức Giê-su đã buộc quyền lực của quỷ ở trong người bị quỷ ám phải xuất khỏi người này (Mc 1: 25-26). Đức Giê-su là Đấng làm cho quyền lực của quỷ dữ phải khuất phục. Những yếu tố thiên nhiên đang điên cuồng gào thét biểu tượng sức tàn phá khủng khiếp của thế lực sự dữ. Lời Đức Chúa Giê-su có hiệu lực trên thế lực của sự dữ ngay lập tức như Lời quyền năng của Thiên Chúa trong Cựu Ước.
- “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”: Nét đặc trưng nầy nêu bật tính hiệu quả của Lời Đức Giê-su và quyền năng của Người trong việc chế ngự quyền lực của sự Dữ.
C-Đức Giê-su và các môn đệ sau trận cuồng phong (4: 40-41):
40.“Rồi Người bảo các ông: ‘Sao nhát thế?’”: Nhiều lần các tác giả Tân Ước đã cảnh giác về sự nhát đảm (x. 2Tm 1: 7; Ga 14: 1). Kh 21: 8 kể ra những người nhát đảm cùng với những người không tin.
-“Làm sao anh em vẫn chưa có lòng tin?”: Lời quở trách nầy là lời quở trách nặng nhất trực chỉ nhắm đến các môn đệ (x. 8: 14-21). Các môn đệ bị trách cứ vì thiếu niềm tin vào Thiên Chúa hay vào Đức Giê-su? Nếu vào Thiên Chúa, các ông bị quở trách vì không theo mẫu gương của Đức Giê-su tín thác vào Thiên Chúa (4: 38). Nếu vào Đức Giê-su, lời trách cứ muốn nói phải tin tưởng tuyệt đối vào sự hiện diện của Đức Giê-su. Cho dù phong ba bão tố có dữ dội đến đâu, con thuyền không thể bị nhận chìm được vì có Đức Giê-su đang ở trong con thuyền, ngay cả khi Người đang ngủ. Như vậy, trong Tin Mừng Mác-cô, đức tin không đơn thuần chỉ là xác tín về mặt tri thức mà thôi, mà còn phải tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Đức Giê-su, dù gặp phải những thách đố trong cuộc sống (5: 34, 36; 9: 23-24).
41.“Các ông hoảng sợ”: Ở câu 40, Đức Giê-su trách cứ các môn đệ là nhát sợ. Ở đây, các môn đệ “hoảng sợ”. Tuy nhiên, ở câu 40, các ngài sợ phong ba bão tố, còn ở đây, các ngài kính sợ quyền năng của Đức Giê-su. Trình thuật kết thúc bằng nỗi kinh hoàng linh thánh của các chứng nhân trước việc Đức Giê-su biểu lộ quyền năng trên hoàn vũ của Người. Bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự phong ba bão tố: biểu tượng sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa, nên câu hỏi của các môn đệ: “Vậy người này là ai mà cả đến gió và biển cùng tuân lệnh?”, mặc lấy một lời tuyên xưng mặc nhiên về thần tính của Đức Giê-su, ít ra đến mức Người thực hiện những công việc thường được xác nhận thuộc về Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Trong sách Mác-cô, chúng ta thường gặp những sự việc như vậy: lời Đức Giê-su nói và việc Người làm buộc người ta phải tự hỏi: “Người này là ai?” (1: 27; 2: 7; 4: 41; vân vân). Toàn bộ câu chuyện được nâng đỡ bằng sự căng thẳng liên tục nhắm đến mục tiêu cuối cùng nhằm làm nổi bật câu hỏi chung cuộc này: Vậy ông Giê-su này là ai? Do đâu ông có được quyền năng trấn áp trận cuồng phong để cứu vớt những môn đệ trong một con thuyền thập tử nhất sinh? Các câu hỏi ấy dần dần dẫn người đọc đến tận Thập Giá, ở đó mới gặp thấy câu trả lời ở nơi lời tuyên xưng của viên quan ngoại giáo: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).
D-Ý nghĩa thần học của câu chuyện:
Câu chuyện “Đức Giê-su dẹp yên phong ba bão tố” không đơn thuần là một trình thuật về phép lạ. Về phương diện biểu tượng, biến cố này giống như một tường thuật cô đọng về định mệnh của Chúa Giê-su. Nếu Đức Giê-su lôi kéo các môn đệ vào trận cuồng phong thì đó đâu phải là chuyện tình cờ! Cả cuộc đời của Đức Giê-su là một cuộc chiến gian khổ chống lại thế lực của sự Dữ mà Người phải đương đầu cách hung dữ nhất bằng chính cái chết của Người. Sự kiện Chúa nằm ngủ, dáng vẻ bình an tự tại trong một con thuyền giữa phong ba bão tố chứa đựng biết bao ý nghĩa.
Câu chuyện này đầy những từ ngữ biểu tượng khiến gợi lên trong tâm trí chúng ta rằng giấc ngủ ở đây tượng trưng một tình trạng “vắng mặt”, hoặc tượng trưng cho “cái chết” (x. Mc 5: 39). Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su như đang diễn ra trước trong câu chuyện này. Khi thấy Đức Giê-su chết và mai táng trong mồ, các môn đệ hoàn toàn mất niềm tin vào Ngài. Tuy nhiên, “Sau khi chỗi dậy”, Đức Giê-su biểu lộ quyền năng chiến thắng của Người trên sức mạnh của sự Dữ và sự Chết. Quyền tối thượng này đã khiến các môn đệ thắc mắc và tự hỏi một câu hỏi quan trọng: “Người này là ai mà lại có quyền lực siêu nhiên đến như vậy?”. Trong Kinh Thánh, chỉ Thiên Chúa mới có quyền chế ngự sóng nước của tử thần.
Trong khi dựng lại bức tranh hiện thực này, thánh Mác-cô nhắm đến hai mục đích. Trước hết, Đức Giê-su thật sự là một con người, nhưng cũng thật sự là Thiên Chúa, Đấng có quyền năng tuyệt đối trên sự Dữ và sự Chết. Thứ nữa, tác giả nhằm đáp ứng nhu cầu hiện thực của Giáo Hội đương thời. Trong Tân Ước, “con thuyền” biểu tượng Giáo Hội đang lữ hành trong thế gian trên đường tiến về Quê Trời. Trong hoàn cảnh đương thời, các Ki-tô hữu Rô-ma đang bị bách hại khủng khiếp. Như các môn đệ trong con thuyền giữa trận cuồng phong, các tín hữu vô cùng sợ hãi. Trong cơn bách hại dữ dội nầy, dường như Đức Giê-su đang ngủ. Việc Đức Giê-su ngủ cách thanh thản bình an trong khi họ phải đương đầu với biết bao nỗi truân chuyên, khiến họ nghi nan ngờ vực. Chúa sẽ làm gì để cứu họ khỏi cái chết đang cầm chắc nầy? Câu chuyện nầy là câu trả lời của thánh Mác-cô gởi đến cho họ.
Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng trận cuồng phong xuất hiện khi Chúa Giê-su quyết định đưa các bạn hữu vượt Biển Hồ đến vùng đất dân ngoại để thi hành sứ mạng. Người ta có thể tự hỏi liệu các Ki-tô hữu Rô-ma tiên khởi đã không từng cảm thấy việc loan truyền Tin Mừng cho những người đương thời với họ là một công việc đáng sợ sao?