Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm B “Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó”
Trong những ngày tháng qua, giữa những cơn khủng hoảng, đau khổ và tang thương của đại dịch, câu hỏi luôn được nhiều người đặt ra: Thiên Chúa đang ở đâu? Tại sao Chúa lại để cho nó xảy ra? Tại sao Chúa không cứu giúp, ngăn cản và đẩy lùi dịch bệnh? Thực ra, vì thường ngày trong cuộc sống, khi Thiên Chúa quan phòng, an bài và để cho mọi sự xảy ra cách bình thường tốt đẹp; thì oái ăm thay, những lúc như vậy, con người lại cho rằng: Tin vào Thiên Chúa là sự mù quáng, là mê tín, là điên dại. Tôn giáo, Đạo Chúa là chỉ để dành riêng cho những ai chưa trưởng thành, những ai còn mê muội, còn nhẹ dạ. Con người trưởng thành-tự chủ thì phải loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của họ, cho nên, họ đã không còn đi nhà thờ, không đi lễ, đọc kinh, không đọc Kinh thánh, không còn treo ảnh-tượng Chúa và tôn thờ Chúa trong các gia đình, công sở và trường học…Con người đang muốn tự mình phải làm chủ cả vũ trụ này và muốn tự định đoạt cho cuộc sống theo cách của riêng mình. Tạ ơn Chúa, giờ đây, trong cơn khốn khó như thế này, con người lại nhớ đến Chúa là cứu cánh, là chỗ nương tựa, là Đấng duy nhất để con người chạy đến để kêu van, để xin Chúa cứu giúp. Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta dường như đang được an ủi, đỡ nâng và tìm lại được nguồn trợ giúp đích thực của mình là Thiên Chúa.
Trong cơn khốn khó của đại dịch như hiện nay, Thánh vịnh 106 trong Đáp ca như đang mời gọi chúng ta, trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh và trong mọi sự, tiên vàn hãy chúc tụng cảm tạ Chúa, vì đức từ bi của Chúa thì muôn đời, muôn thuở. “Họ đã kêu cầu Chúa trong cơn khốn khó, và Người đã giải thoát họ khỏi chỗ lo âu. Người biến đổi phong ba thành gió thổi hiu hiu và bao làn sóng biển đều im lặng.” Đây chính là kinh nghiệm sống đức tin của những con người tôn thờ, kính sợ Chúa, những con người này luôn nhận ra rằng: Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật, ngay cả cuộc sống của họ cũng chính là do ơn thánh Chúa ban tặng. Do đó, dầu phải trải qua biết bao gian nan, đau khổ, thử thách giữa sóng gió cuộc đời, những lúc như vậy, Chúa đều biết rõ, nên họ đã tìm đến Thiên Chúa để van xin, kêu cứu thì họ đều được Ngài nâng đỡ, phù trì và ra tay cứu giúp. Thế nhưng, điều quan trọng với mỗi người chúng ta hiện nay là: liệu chúng ta còn tin tưởng vào sự hiện diện, đồng hành và ban ơn cứu chữa của Chúa trong cuộc đời của chúng ta hay không?
Tin mừng theo Thánh Marcô thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu “dựa gối ở đằng lái mà ngủ” trên thuyền cùng với các môn đệ, sau khi Chúa đã hoàn tất một ngày với sứ vụ rao giảng Tin mừng. Marcô đã không nêu ra cho chúng ta biết lý do hay nguyên nhân vì sao mà Chúa lại thiếp ngủ, trong lúc con thuyền thì đang bị một “cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước”. Vậy thì, câu hỏi được đặt ra: Chúa có biết rõ con thuyền của Ngài và các môn đệ đang gặp nguy hiểm vì sóng to, gió lớn, nước đang tràn sắp đầy thuyền và các môn đệ của Ngài đang rất sợ hãi không? Là người có niềm tin vào Chúa, thì chúng ta sẽ trả lời, chắc chắn là Chúa biết rõ, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Ngài biết rõ mọi sự như vậy, nhưng tại sao Ngài vẫn đang ngủ, tại sao Ngài không hành động gì, tại sao Ngài không đi bước trước để cứu giúp các môn đệ? Đây là lúc, là thời khắc mà chúng ta gọi là hãy để cho “Thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa” được thực hiện; trong thánh ý Chúa, chúng ta không thể nào hiểu thấu bằng sự suy luận với khối óc và trí khôn của con người cả. Chúa đang ở đàng lái của con thuyền, mặc dầu là Ngài ngủ, nhưng Ngài đang là chủ của con thuyền, Ngài biết rõ con thuyền của Ngài và các môn đệ phải sang qua bờ bên kia bình an để Ngài còn tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin mừng.
Khi con người phải đối diện với những khó khăn, thử thách và sóng gió của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra được cung cách, cư xử và hành động của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với con người. Khi phải đối diện với cái chết, trong lúc mà sức-trí-tài của con người dường như không thể nào làm gì được, chắc chắn các môn đệ đã rất hoang mang, sợ hãi vì mạng sống của họ bị đe dọa. Nếu đặt vào hoàn cảnh của mỗi người chúng ta, thì chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Dẫu là môn đệ Chúa, được nghe Chúa giảng dạy, chỉ bảo và chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng đồng thời các ông vẫn là những con người bình thường, nên họ rất sợ hãi là chuyện đương nhiên, cho dù họ cũng đã làm hết với những khả năng của mình. Trước sự bất lực, vô vọng và sợ hãi của con người, may mắn thay, các ông đã biết đến để van xin, kêu cứu Chúa giúp. “Các ông đánh thức Người và nói: Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Còn với Chúa Giêsu, khi các môn đệ đến đánh thức kêu van: “Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ”. Qua việc Chúa Giêsu làm cho sóng yên, biển lặng, chúng ta nhận ra chính quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ, vì Ngài là chủ tể của mọi sự trong vũ trụ này. “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư”? Điều này mời gọi chúng ta, dù trong cơn khốn khó, hãy vững tin vào Chúa, tin vào sự hiện diện, đồng hành, ban ơn phù trì của Chúa, vì ngay cả mạng sống và mọi sự chúng ta đang có, tất cả là ơn thánh Chúa thương ban. Chúa đang có cách của Ngài và Chúa đang muốn mọi sự được tốt lành.
Lạy Chúa, tất cả mọi người chúng con đang lo sợ, vì cuộc sống đang gặp phải những lao đao, sóng gió của đại dịch, tệ hại hơn là đời sống đức tin của chúng con đang bị thử thách, yếu kém và đang bị đánh mất vì những thói hư, tật xấu và tội lỗi của chúng con. Chúng con đã quên Chúa, đã loại trừ Chúa ra khỏi cuộc sống của chúng con. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa hãy dủ lòng thương, đoái đến, nghe lời chúng con van xin mà thương tha thứ và cứu chữa chúng con. Xin gia tăng thêm cho chúng con lòng tin-cậy-mến vào Chúa, để chúng con luôn sống trọn vẹn cho Chúa qua đời sống bác ái, yêu thương và dấn thân phục vụ của chúng con. Amen.