Thứ Hai Tuần II TN
Năm Chẵn
Việc ăn chay theo Kinh thánh có nguyên do từ những hoàn cảnh khác nhau. Trong vài trường hợp, việc ăn chay trình bày đức tin của người ăn chay nhằm làm lớn mạnh lên trong cuộc gặp gỡ Thiên Chúa. Đôi lúc người tín hữu phải đối mặt với những thất sủng hoặc đau khổ, họ ăn chay để chứng tỏ mình đang chấp nhận hành động của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đặt nền tảng cho việc ăn chay đích thực. Mục đích là thực hành sự công chính mà lề luật và các tiên tri đã loan báo. Việc ăn chay trong tinh thần vị luật thì giống như chiếc bình da cũ, sẽ nứt vỡ khi đổ rượu mới vào. Việc ăn chay và hy sinh chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa nếu không đặt trên nền tảng tình huynh đệ. Thiên Chúa yêu thương người biết sống hòa hợp giữa tình yêu vị kỷ và tình yêu tha nhân. Đây là sự công chính mới được Đức Giêsu thiết lập.
Giáo hội mời gọi chúng ta ăn chay. Không phải với những tấm lòng khép kín, không có tình liên đới, vị kỷ nhưng là với những tấm lòng khởi đầu thời đại mới. Là những con người lột bỏ chính mình, kiến tạo tình liên đới và mở đường cho tình hợp nhất mọi người mong đợi trong niềm vui Đấng Phu Quân đến để khởi đầu một nhân loại mới, và sẽ đạt đến đỉnh hoàn thiện trong ngày Người tái lâm.
Năm Lẻ
Biến cuộc đời thành hy lễ
Tin Mừng hôm nay làm nỗi bật nét mới mẻ của kitô giáo, của một cuộc sống kết hiệp với Đức Kitô. Chính Ngài khơi mở điều mới mẻ này bằng việc dâng lên Thiên Chúa không phải những lễ vật theo luật quy định, mà là chính cuộc sống của Ngài, như ta đọc thấy trong thư gởi Do thái. ‘Các môn đệ của Gioan và các biệt phái ăn chay’: họ quan tâm đến những cái thêm vào cuộc sống chẳng hạn như những việc đền tội để tôn vinh Thiên Chúa. Và họ nghĩ rằng đó là những việc tối quan trọng. Cuộc sống của Đức Giêsu chứng tỏ điều ngược lại, điều quan trọng nhất là chính cuộc sống của mình chứ không phải những cái vỏ bọc bên ngoài. Là thượng tế, Đức Kitô không dâng những lễ vật theo luật định nhưng dâng chính mình Ngài: ‘Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện’. Từng giây phút xuyên suốt cuộc sống đời Ngài đã biến thành hy lễ dâng tiến Chúa Cha.
Việc biến đổi này đòi hỏi cầu nguyện không ngừng, không chỉ được thực hiện đơn thuần bằng ý muốn, nhưng bằng cuộc chiến đấu liên lỉ, như được viết trong thư gởi Do Thái. Đức Giêsu đã chiến đấu trước những khó khăn của cuộc sống, trước sự cần thiết của việc khổ nạn, trong kinh nguyện để tất cả được biến đổi thành của lễ tràn đầy Thánh Thần, đẹp lòng Thiên Chúa.
Và điều Đức Giêsu mong đợi nơi chúng ta: biến đổi cuộc đời chúng ta nên hy lễ, chứ không phải là những cái vỏ bao quanh cuộc sống chúng ta. Quả thật là cần thiết những việc như luyện tập cầu nguyện và khổ chế, giúp ta biến đổi cuộc sống, nhưng điều quan trọng là biến chính cuộc sống ta thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa (Rm 12).
Khi chúng ta tham dự thánh lễ hãy nhớ việc quan trọng là dâng cuộc sống ta hợp cùng với hy tế và vinh quang của Đức Kitô. Chính cuộc sống cụ thể của chúng ta với niềm vui, khó nhọc, với những cám dỗ, với những ước muốn và hy vọng. Đây chính là hy lễ mà Đức Giêsu mong muốn: hy lễ đời sống được biến đổi do chính Thánh Thần của Đức Giêsu thực hiện, nếu chúng ta sẵn sàng để Ngài tác động.
+++
‘Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu’ (1Sm 15,22b).
Có một vị vua như những dân tộc khác, đó là điều mong ước từ lâu của dân Israel. Vua Saul đã không làm tròn bổn phận, điều mà ông chưa được chuẩn bị. Nhất là ông đã không biết lắng nghe những lời khuyên của các ngôn sứ, theo lệnh truyền của Thiên Chúa ngỏ lời với ông. Những lời khuyên ấy đối với ông hình như vô lý, ít thích hợp với lẽ ứng xử bình thường của con người, luôn đầy những trả thù, chiến tranh và tham vọng cá nhân làm mờ nhạt đi lợi ích của dân…Vua Saul đi vào con đường đó; ông tưởng rằng ông đã làm tốt những phận vụ được giao cho; ông cho rằng mình có quyền thay đổi lệnh truyền dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo cách thức của ông, chứ không theo như lệnh Thiên Chúa truyền dạy.
Chương trình cứu độ của Chúa cho dân hoàn toàn khác với một chút hy lễ dâng tiến. Những hy lễ này chẳng khác gì những mảnh vải mới may vào chiếc áo cũ, hoặc giống như rượu mới đổ vào bầu da cũ (Mc 2,18-22). Điều mà Thiên Chúa yêu sách mỗi người chúng ta đó là lòng vâng phục. Lòng vâng phục không phải là tuân theo các quy định cách mù quáng, nhưng là một tâm hồn hiền dịu biết hướng dẫn mọi suy tư và hành động và sẵn sàng thực thi theo sự chính trực mọi lúc và mọi nơi. Ai đi trong chính lộ, ta chỉ cho biết ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Thứ Ba Tuần II TN
Thánh Anê
Chứng nhân của tình yêu chiến thắng hận thù
Kho tàng mà mỗi kitô hữu phải biết bán tất cả để mua lấy chính là tình yêu của Thiên Chúa: như Thánh Phaolô, chúng ta cũng chắc chắn rằng không có gì tách được chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa. Nữ Thánh Anê là bằng chứng sự chiến thắng của tình yêu. Chiến thắng nào? Tình yêu của Thiên Chúa, theo thánh Phaolô, là tình yêu kitô nghĩa là không bao giờ tách rời khỏi tình yêu đối với người anh em và điều đó thật đẹp khi nhìn vào gương các thánh tử vì đạo. Dù bách hại trăm chiều tình yêu ấy vẫn trung kiên vượt trên mọi hận thù. Cách đặc biệt các ngài là những chứng nhân của tình yêu chiến thắng hận thù, yêu những kẻ bách hại mình.
Lá thư của một chủng sinh 22 tuổi đoán trước mình có thể chết, viết cho những người thân của mình: Con chỉ xin một điều: hãy tha thứ cho tất cả những ai giết chết con; hãy cùng con khẩn xin cho máu của con đổ ra nên như giá cứu quốc gia Liban, như hy lễ mang lại hòa bình và tình yêu, đang vắng bóng trong đất nước chúng ta và trên thế giới. Ước chi cái chết của con sẽ dạy cho mọi người biết yêu thương….Chúa sẽ an ủi tất cả. Con không oán trách thế giới này nhưng nỗi buồn của mọi người sẽ làm cho con buồn thật đó. Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện và yêu thương kẻ thù.
Là chứng từ sống động của chiến thắng tình yêu kitô giáo. Ta hãy tạ ơn Chúa đã cho ta biết rằng ngay hôm nay vẫn còn biết bao kitô hữu đang chết như Đức Giêsu, tha thứ cho những kẻ giết hại mình; chúng ta hãy cầu nguyện cho các kitô hữu đang bị bách hại để họ có thể trở nên người cổ xúy cho việc hiệp nhất trong tình yêu chiến thắng hận thù.
Năm Chẵn
Việc thực thi luật ngày Sabát thấy xuất hiện trong những bản thảo cổ xưa của Kinh Thánh. Sau sáu ngày tạo dựng thì ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. Đối với do thái giáo đây là một ngày rất quan trọng. Vì vậy luật buộc nhặt phải tôn trọng việc nghỉ ngơi trong ngày này; Cấm lượm củi, cấm nấu ăn, cấm đốt lửa, cấm đi xa…Người biệt phái lấy làm gai chướng khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu bứt gié lúa vò mà ăn trong ngày Sabát.
Đức Giêsu giữ luật Sabát khi Người đến Hội đường và đọc sách Thánh; Người không từ chối ngày Sabát. Đúng ra là Người lên án tính cứng rắn thái quá của luật Sabát. Người khẳng định lòng mến vượt trên mọi hình thức tuân thủ luật ngày Sabát.
Cũng là điều nhắc nhở cho chúng ta ngày nay. Tính tôn giáo hình thức không có giá trị tôn giáo đích thực. Những phẩm tính của người loan báo tin mừng phát xuất từ tình yêu cụ thể dành cho bất cứ ai. Con người không phải là một đồ vật để ai cũng có thể nhào nắn ra sao tùy ý; ngày Sabát không thể áp chế con người, nó chỉ có giá trị trong mức độ tôn trọng con người.
Năm Lẻ
Giữ vững niềm hy vọng
Bài đọc 1 có vẻ phức tạp nhưng ý tưởng chính lại đơn sơ và quan trọng, giữ vững niềm hy vọng: 'Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng'. Niềm hy vọng tạo sức tươi trẻ, ban năng lực; không có hy vọng người ta cảm thấy già nua cho dù đang độ tuổi đôi mươi, hoặc tệ hơn nữa, giống như Thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Rôma về những lương dân, là những người không có mục đích trong cuộc sống, nên thả mình đi vào con đường tội lỗi.
Nhằm củng cố niềm hy vọng của chúng ta, Thiên Chúa đã theo cách thức của con người: Ngài đã hứa, với Abraham và với chúng ta…và đã ban cho chúng ta vị Thượng Tế tối cao là Đức Kitô. Sự vinh thăng của Ngài cũng sẽ là sự vinh thăng của mỗi người chúng ta, vì ngài thay mặt cho chúng ta và do đó niềm hy vọng của chúng ta như là 'một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta'.
Ngoài những lý do trên, trong cuộc đời trần thế, Đức Giêsu còn cho ta nhiều lý do khác (dù nhỏ) nhưng thật ý nghĩa. Trong Tin Mừng hôm nay, ta nhận thấy sự tế nhị của Ngài khi bào chữa cho các môn đệ bị tố cáo vi phạm luật ngày sabat. Trong trường hợp khác, ngài quan tâm đến sự mỏi mệt của các ông: 'Các con hãy vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút'; ngài gọi họ là bạn hữu; ngài thương xót đám đông theo ngài; ngài đề cao nghĩa cử của bà góa nghèo bỏ tiền dâng cúng vào thùng tiền đền thờ; khóc thương Lazaro…Tất cả đều chứng tỏ tình yêu của ngài, tình bạn hết sức tinh tế, sự thông cảm của ngài.
Trong việc bào chữa các môn đệ chống lại lời buộc tội của các biệt phái, Đức Giêsu đưa ra nguyên tắc mới mẽ: Ngày sabat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày sabat. Một lời xác quyết bất ngờ: Vị Thầy Rabbi Nagiarét tương đối hóa luật ngày sabat. Trong Cựu Ước, luật ngày sabat có giá trị tuyệt đối và Môsê theo lệnh Chúa, đã truyền tử hình những ai vi phạm; Đức Giêsu đặt giá trị con người, các quyền căn bản của con người, trên cái tiêu chuẩn mà dân Ítraen từ xa xưa xem là bất di bất dịch.
Tin Mừng chống lại mọi hình thức cứng nhắc mù quáng, mọi chủ nghĩa quá khích; đòi hỏi hy sinh chính mình nhưng luôn luôn phải ở trong ánh sáng của lòng thương xót Chúa. Thánh Phaolô viết trong thư 1 gởi tín hữu Corintô: 'Giả như tôi có nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi'.
Theo ý hướng đó chúng ta hoạt động xây dựng sự hiệp nhất các kitô hữu. Cũng như bất cứ cộng đồng tôn giáo nào, Hội Thánh công giáo có lẽ cũng có khuynh hướng muốn tuyệt đối hóa tất cả, nhưng đã ý thức được điều nói trên nên đã để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên nẻo đường của lòng thương xót.
+++
‘Đức Chúa phán với ông Samuel: Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: ngườoi phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng’ (1Sm 16,7)
Thiên Chúa đã thấy Đavít, một cậu bé chăn cừu đơn sơ. Trong khi con người nhìn dáng vẻ bên ngoài thì Thiên Chúa thấy tận đáy lòng, nơi đan xen cách huyền nhiệm những ý nghĩa và những tương quan với mọi sự, với người khác và với Thiên Chúa. Saul thì mạnh mẽ nhưng cứng rắn, còn Đavít thì trẻ trung và mỏng manh, nhưng có tấm lòng trong trắng.
Quyển sách ‘Nền văn minh của sự dịu hiền’, đã nói về loài khủng long. Chúng bị tiêu diệt vì quá cứng nhắc, không thích nghi được với những đổi thay khí hậu. Sự thường hễ ai tự cho mình là ‘nhất’ xem thường kẻ khác, thì trước sau gì cũng lãnh lấy kết cục giống loài khủng long: khép kín mình và sẽ chết, không phát sinh ra sự sống cho mình cũng như cho môi trường quanh mình.
Saul và Đavít chính là hai khuôn mặt của chúng ta: chúng ta được mời gọi đối diện mỗi ngày để chọn lấy cho mình vị thế. Một xung đột bên trong giữa sức mạnh-vĩ đại và sự yếu đuối-bé nhỏ. Không phải để đề cao mình là số một, nhưng để phục vụ và xem mình thứ yếu. Sự lựa chọn này không phải chỉ làm một lần cho tất cả, nhưng mỗi lần mà tâm hồn ta biến chuyển thành hành động. Chính Đavít, được tuyển chọn vì bé nhỏ, mảnh mai và thanh sạch, sẽ phải đối diện với tận thâm tâm mình!
Hôm nay, trong lúc hồi tâm, tôi dừng lại nơi hình ảnh của loài khủng long và tôi duyệt lại đời mình. Lạy Chúa xin ban cho con một quả tim trong sạch
Thứ Tư Tuần II Thường Niên
Lại một lần nữa các Pharisêu, là những người giữ luật cách nghiêm nhặt, không cần biết đến phẩm giá con người, rình xem Đức Giêsu có vi phạm luật ngày Sabát không để tố cáo Người. Một vài người trong số họ đã nghe theo lời Người mà hoán cải đời sống; một số khác trái lại, chống đối Người và giáo huấn của Người.
Sự thân mật của Đức Giêsu Kitô thật lạ lùng, Người liều mạng sống vì con người, và tin mừng hôm nay nhấn mạnh điểm này. Người không sợ cái chết cũng như sự lên án của những người mà Người gọi là ‘mồ mả tô vôi’ (Mt 23,27), cứng nhắc trong việc giữ luật hình thức bề ngoài còn trong lòng thì đầy nhơ bẩn.
Chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Người Con dấu ái. Chúng ta có trước mặt mình khuôn mẫu duy nhất mời gọi ta hủy bỏ mọi ràng buộc của luật lệ giả tạo. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
+++
Bài đọc thứ nhất trình bày khuôn mặt huyền nhiệm của Menkisêđê, và ta tự hỏi phải chăng Đức Giêsu là tư tế, giống theo kiểu mẫu Menkisêđê hoặc Menkisêđê giống theo khuôn mẫu Đức Giêsu. Thực tế trong bản văn có cả hai viễn ảnh này: đoạn văn nói về một tư tế khác, nghĩa là Đức Kitô, tương tự như ông Menkisêđê và thánh vịnh còn viết: ‘Con là thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkisêđê’, tuy nhiên, giải thích bản văn này, tác giả viết rằng Menkisêđê được dựng nên giống như Con Thiên Chúa.
Đọc Kinh Thánh ta nhận thấy một tiền ảnh của Đức Kitô nơi ông Menkisêđê, không có cha, không có mẹ. Nói cách khác, Kinh Thánh không nói về họ và điều này thật lạ lùng đối với một tư tế, bởi lẽ trong Cựu Ước để làm tư tế cần phải thuộc về một gia đình tư tế, nên cần phải nhắc đến cha mẹ. Nhưng khi nói về Menkisêđê, không thấy đề cập vấn đề này: không thấy đề cập đến cha mẹ của ông, cũng không thấy nhắc đến gia phả và cũng không thấy nói đến ngày sinh, ngày chết của ông.
Nơi hình ảnh huyền nhiệm này, tác giả nhận ra hình ảnh của Đức Kitô phục sinh, không có cha có mẹ trần gian: tính mới mẽ của đời sống phục sinh không bắt nguồn từ trần thế này. Đức Giêsu phục sinh là Con Thiên Chúa ngay cả trong bản tính nhân loại của mình và như thế là tư tế muôn đời.
Ta thấy trong cách diễn tả này thái độ của các kitô hữu tiên khởi đối với việc đọc Kinh Thánh Cựu ước. Với niềm vui, đôi khi ngay cả với sự kinh ngạc, họ nhận ra nơi Cựu ước những đường nét phác họa hình ảnh của Đức Kitô và đó chính là nguyên do niềm vui mừng lớn lao của họ vì biết rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị mạc khải về Đức Kitô từ rất lâu. Tân Ước ẩn tàng trong Cựu ước, như lời thánh Augustinô nói, và Đức Kitô chiếu sáng cả Cựu ước. Những điều xem chừng là huyền nhiệm và không thể giải thích trở nên rõ ràng bởi vì chúng như lời tiên báo mặc khải về Đức Kitô.
Ta cũng được mời gọi để đọc Cựu ước trong luồng sáng kitô giáo này và tìm gặp một nguồn an ủi tinh thần lớn lao, vì niềm tin của ta được sâu sắc hơn và ý thức rằng Thiên Chúa luôn luôn chuẩn bị tất cả mọi sự nhằm tôn vinh Đức Giêsu Con của Ngài.
+++
Đavít bảo tên Philitinh: Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh (1Sm 17,45)
Một trận chiến đã xảy ra dưới triều vua Saul. Israel chống lại quân Philitinh xâm chiếm. Hai bên nghinh chiến nhưng không bên nào quyết định tấn công trước. Sau cùng, một cuộc thách đấu: Golíat, đại diện quân Philitinh. Vua Saul lo lắng: ‘Thần khí Chúa đã rời bỏ ông’, nên ông không biết phải giải quyết thế nào. Cậu bé Đavít xin được đi đánh Gôlíat. Một cuộc đấu đã thấy thất bại ngay từ đầu, theo cái nhìn của vua Saul, nhìn theo kiểu cách loài người. Chiến thắng sẽ đến với cậu bé vì biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Đavít nói với địch thủ mình: ‘Mi đến với tao bằng gươm giáo, còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh. Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao…Đấng ban chiến thắng không phải bằng gươm giáo, vì chiến đấu là việc của Đức Chúa’.
Thiên Chúa đã ban chiến thắng cho cậu bé chăn cừu, chỉ dùng chiếc dây phóng đá để hạ gục địch thủ kiêu căng của mình. Thiên Chúa mạnh mẽ hơn những kẻ quyền thế và đã tỏ quyền lực của Người qua những điều yếu đuối bé nhỏ của ta.
Hôm nay, trong phút hồi tâm, tôi quyết sẽ chiến đấu cùng với sức mạnh đến từ Thiên Chúa, khi tôi thấy trong lòng có điều đối nghịch lại tình yêu của Ngài. Tôi sẽ trói chặt địch thù bên trong của tôi bằng kinh nguyện: nhân danh Chúa, tôi sẽ chiến thắng.
Thứ Năm Tuần II TN
Năm chẵn
Saul ganh tị Đavít
Bài đọc I hôm nay được trích đọc trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu, cho ta nhiều gợi ý hay. Saul và Đavít là hai người được Thiên Chúa tuyển chọn để dẫn dắt dân Israel. Cả hai đã được thánh hiến và có Thần Khí ở với họ. Ngay từ đầu đã thấy sự hiệp nhất có dấu hiệu tan vỡ. Sự hiện diện của sự dữ mà sách Sáng Thế nói đến: ‘Tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi, nhưng ngươi phải chế ngự nó’ (St 4,7). Việc xức dầu thánh hiến không giải thoát cũng không miễn chuẩn cho họ khỏi những giới hạn, khỏi phạm tội. Và đây Saul tức giận vì lòng ganh tị với chiến thắng của Đavít, người đã liều mạng sống để cứu Israel. Ta thấy khởi đầu cho một chặng đường sai lạc của hai đấng được xức dầu: vị này truy đuổi vị kia. Dầu cả hai đều được ghi dấu nhân danh Thiên Chúa, đấng tự bản chất là hiệp thông.
Những gương xấu vẫn còn đó trong lịch sử. Là những người đã được rửa tội nhân danh một Thiên Chúa duy nhất, được ghi dấu của cùng một Thần Khí, là chi thể bị thuơng tích của cùng một Thân Thể duy nhất, ngày nay chúng ta, những kitô hữu, chúng ta hãy xem thử mình sống thân tình với nhau hay chia rẽ.
Trong phút hồi tâm, tôi tự hỏi xem tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các kitô hữu hôm nay có đánh động gì trong lòng tôi không. Tôi có xem mình như có trách nhiệm trong việc này không? Tôi có đau khổ như bị mũi đòng đâm thâu qua thân thể mầu nhiệm mà tôi là chi thể không? Tôi có tin chắc rằng cội rễ của sự phân ly nằm ngay trong lòng mình, trong chính con tim của tôi? Cùng với phong trào đại kết tôi cầu nguyện: Lạy Cha, là Chúa của hòa bình, xin hãy tha thứ tội chia rẽ trong Giáo hội của Chúa, thân thể của Đức Kitô, và xin ban cho chúng con can đảm tìm kiếm sự hiệp nhất là ân huệ và là thánh ý của Cha, để mang lại bình an cho chúng con.
+++
Hãy sẵn sàng để cho Đức Giêsu sử dụng chiếc thuyền đời mình để Người tiếp tục loan báo Lời cho những người không có hy vọng. Đức Giêsu cần đến chúng ta, Người muốn ta tham dự vào những dự tính, những chọn lựa của Người, của Nước Trời. Thật là mầu nhiệm và không thể hiểu thấu, một Thiên Chúa xin con người cộng tác trong việc thực hiện ơn cứu độ! Thiên Chúa không thất vọng trước những giới hạn của ta mà làm biến đổi chúng!
Chúa chỉ cần một chiếc ghe nhỏ, chứ không cần một chiếc du thuyền sang trọng, một chiếc ghe nhỏ bé là chính chúng ta, những tội nhân. Một chiếc ghe không xứng hợp, một chiếc ghe không đủ khả năng để chống chọi với sóng gió biển khơi…lạy Chúa, con biết, chúng con chẳng là gì cả, chúng con vô dụng, chúng con tội lỗi, nhưng những điều này đâu có ngăn cản được quyền năng của Chúa? Như thánh Phaolô tuyên xưng: lòng thương xót của Chúa được biểu hiện qua sự yếu hèn của con người chúng ta. Hôm nay, lạy Chúa, dù con là gì đi chăng nữa, con cũng xin dâng trí khôn con, tiếng nói của con, nụ cười của con cho Chúa để làm cho Người hiện diện, dù một chút xíu, cho những ai mà con gặp gỡ.
Đức Giêsu là trung tâm của sự hiệp nhất
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Đức Giêsu là trung tâm của sự hiệp nhất. Rất quan trọng khi ý thức về sức mạnh của Đức Kitô mang lại cho việc hiệp nhất bằng cách lôi kéo mọi người về với ngài, vì chỉ duy với niềm tin sống động vào khả năng này của ngài mà chúng ta, các môn đệ của ngài, có thể trở nên những người xây dựng hiệp nhất ngay trong môi trường mình đang sống, cho Hội Thánh và cho thế giới. Thánh Máccô diễn tả cho ta thấy đám đông dân chúng chen lấn Đức Giêsu nên ngài lên một chiếc thuyền để họ chèo đưa ngài ra xa. Ngài thu hút đám đông do sự tốt lành và quyền năng của ngài, và không chỉ từ Galilêa, Giuđêa và Giêrusalem nhưng từ Idumea, bên kia sông Giordanô, từ Tyro và Sidon, nghĩa là từ những vùng đất lương dân. Họ đem đến cho Ngài những người đau bệnh để ngài chữa lành, và với tất cả lòng khao khát họ cũng muốn tìm được bình an của Thiên Chúa.
Thư Do Thái viết về Ngài: 'Ngài là vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời'. Vị Thượng tế là trung tâm của sự hiệp nhất, vị trung gian của sự hiệp nhất, như ta đọc thấy ở cuối bài đọc 1. Đức Kitô là vị trung gian chính vì ngài hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa trong sự thánh thiện hoàn hảo, trong sự tinh khiết duy nhất, nhưng cũng là vị tư tế luôn cứu giúp ta: chúng ta cần một vị tư tế hoàn hảo như thế để có thể tìm gặp được sự hiệp nhất trong chính Thiên Chúa. Tuy nhiên trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Đức Giêsu nghiêm khắc chống lại điều người ta loan báo về sự cao cả của ngài. Tại sao? Vì ngài biết rằng công việc của ngài đòi phải hy sinh bản thân và tước vị Con Thiên Chúa chỉ có thể thực sự được mặc khải nhờ qua thập giá. Bài đọc 1 viết: Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Đức Kitô đã thực hiện việc phụng thờ hoàn hảo, không chỉ là dấu biểu trưng như việc phụng thờ trước đây của các tư tế do thái, chỉ là hình bóng của những thực tại trên trời; ngài đã nhận một tác vụ cao cả là thực thi chương trình của Thiên Chúa qua việc hy sinh chính mình. Trong kinh nguyện linh mục (Ga 17) Đức Giêsu ý thức về việc hiệp nhất mà ngài phải thực hiện bằng cách hy sinh mạng sống mình. Con Thiên Chúa không mặc lấy bản tính nhân loại chỉ để chữa lành các tật bệnh của chúng ta bằng quyền năng thần thiêng, nhưng chính yếu là để biến đổi bản tính của chúng ta và tái lập lại mối liên kết giữa Thiên Chúa với chúng ta, nếu không có mối liên kết này mọi dự định hiệp nhất sẽ không thành. Đức Kitô đã nhận lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.
Trong mỗi thánh lễ chúng ta đến gần Đức Kitô và sẽ gần gủi với nhau giống như dân chúng thời Đức Giêsu bao quanh ngài để được ngài chữa lành và biến đổi, cùng với niềm tin chắc chắn rằng ngài sẽ biến đổi chúng ta và biến chúng ta nên khí cụ của sự hiệp nhất. Đức Kitô đã dâng hy lễ một lần duy nhất cho tất cả: là Đấng trung gian của chúng ta luôn luôn bầu cử cho chúng ta và ở giữa chúng ta để ban cho ta những ơn cần thiết để đời sống chúng ta, nhờ ngài, với ngài và trong ngài, trở nên của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa.
Thứ Sáu Tuần II TN
Thánh Phanxicô De Sales
Thánh Phanxicô De Sales đã làm cho Giáo hội được yêu mến trong một giai đoạn đánh dấu bằng những xung đột; ngài là gương mẫu sự dịu hiền và biết chứng tỏ rằng ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng, thu hút được nhiều tâm hồn.
Thật là một an bình cho tâm hồn khi chiêm ngưỡng thánh nhân và đọc các tác phẩm của ngài, chẳng hạn như về đức ái, đức kiên nhẫn, tính lạc quan. Đâu là nguồn cội sự hiền lành của ngài? Xuất phát từ niềm hy vọng lớn lao vào Thiên Chúa. Trong tiểu sử thánh Phanxicô de Sales lúc còn niên thiếu phải trải qua một thời kỳ đầy những thử thách khủng khiếp đến độ ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ và hầu như mất ơn cứu độ. Ngài đã cầu nguyện, được Thiên Chúa giải thoát và từ đó được thanh luyện khỏi tính kiêu căng và tự luyện cho mình tính dịu hiền để chống lại. Ngài không cậy vào sức mình: ngài hiểu rõ rằng tự sức riêng mình không thể tiến đến sự hoàn thiện, đến tình yêu, đến ơn cúu độ và ý thức ấy làm cho ngài nên hiền lành và ân cần với mọi người. Ngoài ra thử thách ấy còn dạy cho ngài biết lòng nhân lành của Chúa, rằng Chúa yêu thương ta và ban đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta.
Thánh Phanxicô de Sales vui mừng với ý nghĩ toàn thể lề luật đều quy tóm về giới luật yêu thương và trong tình yêu ta chẳng bao giờ sợ quá độ. Ngài đã viết một luận đề dài về tình yêu của Thiên Chúa và một quyển sách giản đơn hơn, nhưng thú vị: Dẫn nhập vào đời sống tận hiến. Sách này ngài viết từng chương một tựa bức thư gửi cho một phụ nữ yêu mến Thiên Chúa. Nói điều này cho thánh Gioan de Chantal, ngài cho biết đã khám phá một tâm hồn ‘vàng ròng’ và ngài tìm cách hướng dẫn trong đường thiêng liêng.
Thật diệu kỳ khi đọc thấy sự giản đơn trong văn phong nhưng giàu hình ảnh, vị giám mục hết sức quan tâm tìm thời giờ để diễn đạt chính mình để làm cho việc tận hiến được yêu mến hơn (‘sự tận hiến đích thực không làm thiệt hại gì và hoàn thiện tất cả’), để chứng tỏ rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ cứng rắn, nhưng là một người cha đầy lòng nhân hậu, khi gặp được một tâm hồn sẵn sàng thì Người đổ tràn bình an, niềm vui và êm dịu, dẫn đưa tâm hồn ấy đến xứ sở chảy sữa và mật như Kinh thánh viết. Đó chính là cảm nghĩ ta có được khi đọc về Thánh Phanxicô de Sales.
Sự hiền lành của ngài không phải là yếu đuối, thiếu năng lực: ngài luôn tự hiến bằng sức mạnh lạ thường. Trước khi làm Giám mục ngài đã thi hành tác vụ trong vùng Chablais hầu như đã theo Tin lành và ngài đã thành công, với biết bao nhọc nhằn cả thể xác và tinh thần, trong những lạnh lẽo mùa đông vùng núi Alpes, vượt qua mọi thử thách, đưa các cư dân về lại với Giáo hội công giáo: đây là một trong những niềm vui lớn nhất của đời ngài.
Ngài đã không thành công trong việc lan tỏa việc tông đồ của ngài theo như sở nguyện. Ngài không bao giờ cư ngụ tại Genevre thành phố giám mục của ngài, là thành lũy của phái Calvin cấm đoán ngài bước vào với hình phạt tử hình. Có một lần ngài đã thử nhưng thất bại. Có lẽ ngài đã cảm nghiệm sự khinh khi và cay đắng trước chướng ngại hầu như không thể vượt qua này, nhưng lòng phó thác và tình yêu của ngài giữ ngài kiên vững trong bình an của người thực hiện công việc của Thiên Chúa với hết khả năng của mình. Đấy cũng là một chiến thắng của tính nhẫn nại và khiêm nhường: không cứng cỏi cũng không lo âu trước khó khăn không thể vượt thắng nhưng tiếp tục nhận ra bất cứ đâu ân sủng của Chúa và làm cho lối sống của mình được yêu mến.
Ta hãy cầu xin Chúa làm cho ta giống thánh nhân trong tính kiên nhẫn, dịu dàng, đơn sơ, phó thác, biến ngài nên giống Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.
+++
Năm chẵn
Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm môn đệ Chúa nhưng không phải tất cả đều được mời gọi để làm tông đồ. Từ trên núi xuống (nơi mà Kinh thánh thường nói đến để chỉ nơi diễn ra những mạc khải của Thiên Chúa) Đức Giêsu đã chọn mười hai môn đệ để biến họ nên tông đồ.
Tông đồ có nghĩa là được Đức Giêsu Kitô sai đi, được mặc lấy quyền năng của Người. Các tông đồ có trách nhiệm xây dựng củng cố Giáo hội, nhân danh Đức Giêsu Kitô. Người đã chọn mười hai ông để họ ở với Người, để họ cũng như Người loan báo tin mừng và khu trừ các thần ô uế.
Con số mười hai tượng trưng mười hai chi tộc Israel. Chính họ củng cố dân mới của Thiên Chúa, được Đức Giêsu Kitô khai mào.
Giáo hội mang tính tông đồ vì đặt nền tảng trên các tông đồ. Tất cả các chi thể đều tham gia vào việc tông đồ, là ánh sáng và là hy vọng như men giữa mọi người.
Người tông đồ và người môn đệ có cùng chung một mục đích, cho dù tác vụ của họ có khác nhau. Họ làm cho Nước Thiên Chúa lan truyền cho mọi người qua muôn thế hệ.
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, các vị chủ chăn kêu gọi ta hăng say loan báo tin mừng. Nếu ta làm việc này cách nghiêm túc, thách đố này sẽ giúp cho nhiều người đang mong chờ một nền văn minh mới của tình thương và tình liên đới.
Năm lẻ
Đa dạng trong hiệp nhất
Hôm nay thư Do thái đề cập đến bản văn hay nhất của Giêrêmia nói về giao ước mới, công bố một sự thay đổi lớn lao: ‘Không phải như giao ước Ta đã ký kết với cha ông chúng, Thiên Chúa phán’. Giao ước cũ là một giao ước áp đặt từ bên ngoài. Thiên Chúa đã lập lề luật và những điều kiện của lề luật là việc tuân thủ trung thành. Nhưng vì nó chỉ nằm ở bên ngoài nên lề luật đúng hơn chỉ là trở ngại cho nhiều người, nhất là khi áp đặt một lề luật, phản ứng đầu tiên của con người là chống lại: là một cái ách mà chúng ta không kham nỗi. Người Do thái tôn kính lề luật, nhưng thực tế ít người thực sự tuân giữ luật; vì vậy tiên tri Giêrêmia đề cập đến lời Thiên Chúa hứa vào thời kỳ mà, vì vi phạm lề luật, Thiên Chúa đã nghiêm phạt dân ngài: đền thờ bị phá hủy, dân bị lưu đày.
Thế nhưng khi mà tất cả tưởng chừng như vô vọng, Thiên Chúa đã thực hiện những việc mới lạ, còn tốt hơn những việc xưa kia. ‘Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng’. Nghĩa là con người sẽ thuận theo ý Thiên Chúa, sẽ yêu mến và ước ao thực thi huấn lệnh của ngài. ‘Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: "Hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta’: một sự nhận biết riêng tư, sâu kín, không áp đặt từ bên ngoài.
Đó chính là giao ước mà Đức Giêsu thiết lập qua hy tế của ngài. Chính Ngài trở nên luật lệ cho ta trong đức mến phổ quát. Chúng ta tuyên xưng điều đó mỗi lần tham dự tiệc Thánh Thể: ‘Đây là chén máu Ta, máu giao ước mới và vĩnh cữu’. Từ ngữ ‘vĩnh cữu’ không gặp thấy trong Tin Mừng nhưng trong sách các tiên tri và chính xác hơn, bởi vì đây là giao ước chung cục và hoàn hảo; chúng ta kết hiệp với Thiên Chúa và cùng liên kết với nhau. Đó là nền tảng và suối nguồn của sự hiệp nhất.
Trong Tin Mừng hôm nay chúng ta còn gặp thấy một điều kiện khác nữa của sự hiệp nhất: việc tuyển chọn nhóm Mười Hai; việc thiết lập này nói lên sự đa dạng trong hiệp nhất, nhờ đó ta mới kết hiệp với Thiên Chúa. Tất cả mọi chia rẽ trong Hội Thánh đều do sự thiếu niềm tin và thiếu đính kết với những Đấng đại diện Thiên Chúa. Tuy họ là những con người yếu hèn, bất toàn, nhưng được Đức Kitô thiết định để gìn giữ sự hiệp nhất và do đó ta cần phải yêu mến và thông cảm với các vị: Đức Kitô luôn ở với họ! Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta và cho mọi người ơn sống kết hiệp với Chúa, trong tình yêu của Chúa, bằng cách tuân giữ lề luật mà ngài ghi khắc trong tim ta và dính kết với các Vị Đại Diện đã được ngài thiết lập, hầu chúng ta tất cả nên một thân thể.
+++
‘Saul òa lên khóc. Vua nói với ông Đavít: Con công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha, còn cha thì xử ác với con…’ (1Sm 24,17-18)
Cho dẫu Gionathan, Đavít và nhiều người khác khuyên can, Saul cứ tiếp tục mưu hại Đavít. Đường đi và cuộc sống của họ luôn cách xa nhau; nhưng khi có lúc gặp nhau, Đavít đã không lợi dụng để xử địch thù mình. Tôi sẽ không tra tay hại Đấng Đức Chúa đã xức dầu.
Saul nhìn nhận sức mạnh và sự công chính của Đavít; ông đã khóc, bày tỏ tình cảm của một người cha và hiểu rằng chính ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn để dẫn dắt dân tộc Israel. Đavít vuợt lên trên sự trả thù, cho thấy những hành vi chân thành, công bình…và hiếu thảo. Luôn tôn trọng Đấng Đức Chúa đã xức dầu, cho dẫu họ có những việc làm không tốt đối với ta.
Thứ bảy Tuần II TN
Thánh Phaolô trở lại
Hôm nay chúng ta nhận thấy quyền năng của Thiên Chúa nơi thánh Phaolô, từ một kẻ bách hại trở thành Tông đồ, tin vào Đức Kitô và loan báo Đức Kitô với lòng hăng say nhiệt thành. Chúng ta đang ở trong ngày cuối cùng của Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các kitô hữu, chúng ta cùng suy tư một vài điểm về việc trở lại của Phaolô có liên quan đến việc hiệp nhất.
Thánh Phaolô quan tâm đến sự hiệp nhất của dân Thiên Chúa. Chính đó là lý do đã thúc đẩy ông truy lùng các kitô hữu: như chính ông đã nói, được giáo dục phải nhiệt thành tuân giữ lề luật của cha ông, nên ông không thể chấp nhận có những người tự tách mình ra khỏi truyền thống đó. Ngài đã sánh ví sự nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa của Ngài trước đây cũng giống như những người Do thái: ‘Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay’. Nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa, nhưng một cách sai lạc. Thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Rôma: ‘Họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt’, theo quan niệm của loài người (Rm 10,2).
Trong khi Phaolô, nhiệt thành đối với Thiên Chúa, đã dùng mọi cách thức nhất là những cách tàn bạo để duy trì sự hiệp nhất dân Chúa, Thiên Chúa đã hoán cải ông hoàn toàn, cho ông ta biết đâu là sự hiệp nhất đích thực. ‘Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: Ta là Giêsu Nagiarét mà ngươi đang bắt bớ’. Trong bài tường thuật về việc trở lại của Phaolô, có nhiều chi tiết khác nhau: nhiều chi tiết được thêm vào và nhiều chi tiết khác bỏ đi, nhưng những lời trên đây luôn luôn được giữ lại, vì là những lời quan trọng. Lẽ đương nhiên Phaolô đã không ý thức rằng mình bách hại Đức Giêsu, khi đóng xiềng và tống ngục các kitô hữu, nhưng Chúa đã cho ông biết bách hại các kitô hữu là bách hại chính Ngài. Phaolô nhận được mạc khải đầu tiên về thân thể của Đức Kitô, mà Ngài còn trình bày trong các thư của Ngài. Tất cả chúng ta đều là chi thể của Đức Kitô nhờ lòng tin vào Ngài: đó chính là sự hiệp nhất của chúng ta.
Chính Đức Giêsu đã thiết lập giáo hội hữu hình. ‘Lạy Chúa, con phải làm gì? Phaolô thưa với Chúa, nhưng Chúa không trả lời trực tiếp cho ông: ‘Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó người ta sẽ chỉ cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa chỉ định cho anh phải làm’. Chúa sai ông đến với giáo hội, không muốn việc tông đồ của Phaolô chỉ là một việc mang tính cá nhân, chẳng có liên quan gì đến các môn đệ khác. Ông phải tháp nhập vào giáo hội, thân thể của Đức Kitô, để gắn bó và sống đức tin chân thật.
Sau cuộc trở lại, Phaolô vẫn còn giữ trong lòng khao khát được kết hiệp với dân Israel. Ngài viết điều đó trong thư Rôma, với những lời lẽ hết sức cảm động: ‘Có Đức Kitô làm chứng, tôi xin nói thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng. Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời’ (Rm 9,1-5).
Mỗi kitô hữu phải luôn có nỗi buồn này, nó ngăn cản chúng ta vui trong Đức Kitô, bởi vì đó là nỗi buồn theo cách của Thiên Chúa, Đấng liên kết chúng ta nên một trong trái tim của Đức Kitô. Là nỗi đau vì dân Israel không tin nhận Đức Kitô, vì các kitô hữu sống chia rẽ và không đạt đến sự hiệp nhất như Chúa mong muốn.
Timôthêô và Titô
Timôthêô và Titô là hai khuôn mặt nổi bật trong giáo hội tiên khởi. Đón nhận đức tin như những người con rất yêu dấu của Phaolô, đồng thời là những cộng sự viên đắc lực của Ngài. Đoạn thư của Phaolô hôm nay nhấn mạnh hai điểm: đức tin là nền tảng của đời sống và tình cảm sống động được diễn tả bằng những lời lẽ nồng ấm yêu thương. Phaolô gọi Timôthêô là ‘con yêu dấu’ vì Ngài đã sinh ra ông trong Đức Kitô qua việc rao giảng và phép thanh tẩy. Ngài luôn nhắc nhớ đến ông trong kinh nguyện, và trong nước mắt Ngài mong mỏi được gặp lại ông.
+++
Năm chẵn
Sự hiểu lầm thường ẩn giấu bên trong một vũ khí: sự vu khống. Đức Giêsu bị bao vây bởi sự chống đối từ phía những người do thái, do sự hiểu lầm. Ngay cả gia đình của Người cũng bất an vì nghe nói Người mất trí, họ muốn bảo vệ Người.
Ai không chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu Kitô thì không có lý chứng nào cả, lời đáp trả của họ chỉ là vu khống.
Ai quay lưng lại với sự thật thì sống trong gian dối và không hiểu rằng Đấng Cứu Thế đến mạc khải những chân lý ẩn giấu. Tệ hại hơn nữa, họ không hiểu rằng sự mới mẽ của kitô giáo nằm ở việc Đức Giêsu Kitô là Lời-Sự Thật mạc khải Chúa Cha, được Thánh Thần soi chiếu.
Số phận của Đức Giêsu cũng là số phận của những ai muốn bước theo Thầy. Chúng ta có bằng chứng này qua cuộc sống của các thánh. Những người đương thời của các ngài đã tố cáo các ngài là điên khùng. Nhiều người đã chết vì bị hành hình và Giáo hội tuyên xưng họ là các vị chứng nhân (tử đạo) đức tin nơi Đức Giêsu Kitô. Người liên kết với Đức Giêsu Kitô phải biết rằng họ sẽ uống cùng một chén với Người.
Năm lẻ
Gia đình cần mở ra hướng về đại gia đình
Tin mừng hôm nay thật ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn có 2 câu. Nêu lên hai điều: a) các sinh hoạt của Đức Giêsu khiến ngài không có thời giờ để ăn b) phản ứng của những người thân trong gia đình của Ngài, đến mức họ nghĩ rằng ngài hóa điên. Gia đình, đôi lúc nâng đỡ ngài nhưng có lúc lại gây cản trở cho công việc của ngài. Đã xảy ra cho Đức Giêsu, cũng xảy ra cho mỗi người chúng ta.
Mc 3,20: Sinh hoạt của Đức Giêsu. Đức Giêsu trở về nhà. Nhà của ngài lúc bấy giờ ở tại Caphanaum (Mc 2,1). Ngài không còn ở với gia đình tại Nagiaret. Biết ngài đang ở nhà, dân chúng kéo đến với ngài, vây quanh ngài đến độ ngài không có giờ rãnh để ăn uống.
Mc 3,20: Xung đột với gia đình. Khi những người thân của Đức Giêsu thấy ngài như vậy, liền nghĩ: Ngài đã mất trí! Có lẽ bởi vì Đức Giêsu không tuân theo cách xử sự thông thường. Có lẽ ngài làm hại thanh danh gia đình. Tóm lại, họ quyết định đưa ngài về Nagiaret. Trong đoạn Mc 3,31-35 thuật lại việc mẹ và anh chị em của ngài đến tìm ngài. Phản ứng của Đức Giêsu rất dứt khoát: ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Hướng về đám đông vây quanh, Ngài nói: 'Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em Ta, là mẹ Ta'. Ngài đã mở rộng giới hạn gia đình của mình. Đức Giêsu không để cho gia đình tách rời mình khỏi sứ vụ.
Nơi dân Ítraen ngày xưa, đại gia đình chi tộc là nền tảng cho việc chung sống xã hội. Cơ cấu đó bảo vệ cho các gia đình nhỏ và cá nhân, bảo đảm quyền tư hữu đất đai, là phương tiện kế thừa truyền thống, bảo vệ căn tính riêng. Đó cũng chính là cách thức thực tiễn của người dân thời ấy dùng để tháp nhập tình yêu của Thiên Chúa vào trong tình yêu tha nhân. Bảo vệ chi tộc là bảo vệ Giao Ước. Ở Galilea vào thời Đức Giêsu, do chính sách đô hộ của la-mã, tất cả những điều trên bị biến mất dần. Ý niệm về chi tộc suy giảm. Nộp thuế cho hoàng đế la-mã hay cho đền thờ, não trạng cá nhân của ý thức hệ hy lạp, những đàn áp thường xuyên của quân đội la-mã, việc bắt buộc phải đón nhận các binh lính…tất cả đưa đến việc các gia đình tự co cụm lại. Họ không còn thực hành việc hiếu khách, tính chia sẻ, việc thông hiệp quanh bàn ăn, đón tiếp những ai bị loại trừ. Việc khép kín này lại càng chặt chẽ hơn nữa do các lãnh đạo tôn giáo thời đó. Việc tuân thủ các luật phụng tự về nhơ-sạch là yếu tố đưa đến việc loại trừ nhiều người: phụ nữ, trẻ con, dân samaria, ngoại kiều, kẻ bị quỷ ám, người thu thuế, đau bệnh, bất toại. Thay vì cổ xúy lòng hiếu khách và tình hiệp thông, các luật lệ này tạo cơ hội cho sự chia rẽ và loại trừ, làm xói mòn những giá trị chính yếu của chi tộc, cộng đoàn.
Để cho nước Thiên Chúa có thể hiển trị, các cá nhân cần phải vượt lên trên những giới hạn của gia đình nhỏ bé và mở ra hướng về đại gia đình. Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Các gia đình không được phép tự khép kín mình lại. Những người bị loại trừ, gạt ra bên lề xã hội cần phải được đón nhận, có như thế họ mới cảm nhận được vòng tay của Thiên Chúa (x. Lc 14,12-14).
+++
Đavít nắm lấy áo mình mà xé ra; tất cả những người ở với ông cũng vậy.
Đavít khóc thương Saul chết, như một người con, như hai người bạn thân thiết. Bỏ qua những điều Saul gây ra cho mình, Đavít nhìn nhận sự cao trọng của con người này. Đối với ông, Saul luôn là người mà Đức Chúa đã xức dầu tuyển chọn.
Cũng thế, Giáo hội của Đức Kitô vừa có tính nhân loại vừa có tính thần linh, mang trong mình những chia rẽ nhưng đồng thời cũng mang dấu ấn của Thần Khí, đấng uốn nắn và soi chiếu. Chính Thần Khí này yêu sách chúng ta và thúc bách chúng ta tiến đến sự hiệp nhất. Thần Khí đòi chúng ta thanh luyện quá khứ và bảo vệ cho tốt đẹp, đấng hiện diện trong các giáo hội kitô. Những nút thắt đang còn nơi những tương quan giữa các Giáo hội kitô, chúng ta có thể xem chúng như sự khác biệt của các sắc hoa trong cùng một bó hoa. Ta cần có những đôi mắt trong sáng và tâm hồn biết thương cảm để cảm nhận vẻ đẹp này. Như đôi mắt của Đavít.
Hôm nay, trong phút hồi tâm, tôi muốn nhìn lòng mình, bên cạnh Chúa, Đấng đang trìu mến nhìn mỗi người con của Ngài: mỗi người đều khác biệt nhau, nhưng tất cả đều đẹp! Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần của Ngài soi sáng chúng con, để chúng con không bao giờ chống đối sự chính trực của Chúa bằng những xét đoán nghiêm khắc của chúng con, và để chúng con có thể nhận ra sự khôn ngoan của Chúa và tình yêu của Chúa trong mọi sự.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê