CHÚA NHẬT V MÙA CHAY B
Việt nam chúng ta có câu: “Sông có khúc, người có lúc”. Câu tục ngữ này muốn nói lên rằng trong đời một người chỉ có thời điểm nào đó được coi là lúc thành đạt nhất, hay là lúc thiên thời địa lợi nhất! Trong Tin Mừng Gioan hôm nay, Chúa Giêsu dùng từ Giờ để chỉ cao điểm trong cuộc đời Chúa như sau: “Đã đến Giờ Con Người được tôn vinh…”. Vậy Giờ của Chúa Giêsu đây là Giờ nào?
Tại Cana, khi Tiệc cưới hết rượu, Đức Mẹ nói với Chúa: “Họ hết rượu rồi” để xin Chúa can thiệp. Chúa Giêsu đã trả lời Đức Mẹ: “Giờ của con chưa tới! (cf Ga 2, 1 -10)” nhưng hôm nay khi Tông đồ Philipphê và Anrê đến thưa Chúa về việc những người Hi lạp xin gặp Chúa - Những người Hi lạp này là lương dân, họ có lòng sùng mộ Thiên Chúa nên tới Giêrusalem dự lễ với người Do thái - Họ xin gặp Chúa Giêsu điều này nói lên họ bắt đầu có lòng tin Chúa. Nên Chúa Giêsu xúc động nói: “Đã đến Giờ Con Người được tôn vinh!”. Chúng ta biết Chúa Giêsu thường dùng từ Con Người như trong thị kiến của tiên tri Đaniel để chỉ về mình. Nhưng tại sao các người Hi lạp mới chỉ xin gặp Chúa thôi mà Chúa đã nói đã đến Giờ Con người được tôn vinh? Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết: “Ta còn có những chiên khác chưa thuộc về ràn này, Ta cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên (Ga 10,16)”. Nay những người Hi lạp biểu lộ lòng tin bằng việc xin đến gặp Chúa tức là Chúa Giêsu bắt đầu có những chiên mới là lương dân gia nhập đoàn chiên Chúa nên Chúa xúc động trong vui mừng và Chúa xác nhận là Giờ Chúa đã tới! vì sứ mạng của Chúa là trở nên ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân và đây chính là thành quả ban đầu qua những người Hi lạp này.
Nhưng Giờ của Chúa Giêsu bắt đầu từ lức nào trong cuộc đời Chúa?
Giờ Chúa Giêsu bắt đầu khi Chúa bước vào cuộc Thương khó nơi vườn Giêtsêmani qua cái chết trên Thánh Giá và sự Phục sinh cùng lên trời của Chúa, nói gọn lại là Giờ của Chúa là giờ Tử nạn và Phục sinh. Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh luôn đi liền với nhau.
Chúa Giêsu đã đi vào Giờ của Chúa bằng con đường: “Per Crucem ad Lucem: Qua Thánh Giá để đạt tới vinh quang Phục Sinh”. Khi phải đối diện với Thập Giá theo bản tính tự nhiên Chúa Giêsu cũng lo buồn đau đớn nên Chúa xin Chúa Cha cho Chúa khỏi phải chết tuy thế Chúa luôn đặt thánh ý Chúa Cha trên ý muốn riêng như lời Chúa cầu nguyện: “Xin đừng theo ý Con mà xin theo ý Cha (Mc 14, 36)” ý Chúa Cha là muốn Chúa Giêsu đi qua thánh giá, nên Chúa Giêsu vâng phục ý Chúa Cha và nhận lấy cái chết thập giá để đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Từ đó Chúa Giêsu được vinh quang nhờ sự Phục sinh vì đã vâng theo ý Chúa Cha. Nhưng không cần chờ tới lúc Phục sinh, Chúa Giêsu đã sớm nhận ra vinh quang ngay từ lúc bị treo trên cây Thập giá nên Chúa đã nói: “Khi nào Ta được treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta (Ga 12,32)”, cũng như Chúa đã tuyên bố với những kẻ muốn đóng đinh Chúa: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai (Ga 8, 27)”
Ngoài ra Chúa Giêsu còn dùng dụ ngôn hạt lúa mì: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”: Chúa Giêsu chính là hạt lúa mì gieo xuống đất chấp nhận thối đi qua cái chết trên Thánh Giá nên đã sinh ra được nhiều bông hạt là đem ơn cứu rỗi cho nhiều người. Vì thế mà tác giả thư Do thái đã nói: “Máu Chúa Kitô thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết (Dt 9,14)”
Câu chuyện: Đạo Công giáo được truyền vào Nhật bản từ thế ký 16 nhưng sau đó Đạo bị bách hại nặng nề đến nỗi không còn bóng dáng một vị linh mục nào trên đất nước mặt trời mọc này. Ai cũng tưởng đạo công giáo bị xóa sổ ở nơi đây vì suốt 300 năm không còn người nào dạy giáo lí cho giáo dân được. Sau thời gian kéo dài 3 thế kỉ đó, chính quyền mở cửa và cho phép các vị thừa sai truyền giáo có thể trở lại. Khi ấy các linh mục tìm xem còn có ai là người công giáo không và thật bất ngờ có ít người xưng mình là kitô hữu, nhưng khi hỏi giáo lí thì họ không biết gì hết, nên các cha hỏi: “Vậy anh chị em thờ ai?”. Họ đáp: “chúng tôi thờ ông đóng khố cởi trần treo cây thập tự”.
Chúng ta ghi nhớ và xác tín lời kinh đọc khi gẫm Đàng Thánh giá: “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô - Vì Chúa đã dùng cây Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ” và nói như thánh Phaolô: “Niềm vinh dự của tôi là Thập Giá Chúa Giêsu Kitô. Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô (Gal 6,14)”. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn