Suy Niệm Thánh vịnh 21 – Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
1 Phần nhạc trưởng. Điệu "Con nai hừng đông" Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
2 Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,
Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?
Dù con thảm thiết kêu gào,
nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời !
3 Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng,
đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.
4 Thế nhưng Chúa ngự nơi đền,
vinh quang của Ít-ra-en là Ngài.
5 Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa,
họ cậy trông, Ngài đã độ trì,
6 van nài liền được cứu nguy,
đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài.
7 Thân sâu bọ chứ người đâu phải,
con bị đời mắng chửi dể duôi,
8 thấy con ai cũng chê cười,
lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai:
9 "Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó!
Người có thương, giải gỡ đi nào!"
10 Đưa con ra khỏi thai bào,
vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn.
11 Chào đời con được dâng cho Chúa,
được Ngài là Chúa tự sơ sinh.
12 Xa con Ngài đứng sao đành,
nguy hiểm bên mình không kẻ giúp cho.
13 Quanh con cả đàn bò bao kín,
thú Ba-san ùa đến bủa vây:
14 Há mồm đe doạ gớm thay,
khác nào sư tử xé thây vang gầm.
15 Tưởng mình như tan dần ra nước,
toàn thân con xương cốt rã rời,
con tim đau đớn bồi hồi,
mềm như sáp chảy tơi bời ruột gan.
16 Nghe cổ họng khô ran như ngói,
lưỡi với hàm dính lại cùng nhau,
chốn tử vong Chúa đặt vào;
17 quanh con bầy chó đã bao chặt rồi.
Bọn ác đó trong ngoài vây bủa,
chúng đâm con thủng cả chân tay,
18 xương con đếm được vắn dài;
chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem.
19 Áo mặc ngoài chúng đem chia chác,
còn áo trong cũng bắt thăm luôn.
20 Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
21 Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
22 khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên.
23 Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa
cho anh em tất cả được hay,
và trong đại hội dân Ngài,
con xin dâng tiến một bài tán dương.
24 Hỡi những ai kính sợ ĐỨC CHÚA,
hãy ca tụng Người đi!
Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp,
nào hãy tôn vinh Người!
Dòng dõi Ít-ra-en tất cả,
nào một dạ khiếp oai!
25 Bởi vì Chúa đã chẳng coi thường,
chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ,
cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ,
nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.
26 Chịu ơn Người, tôi dâng lời ca tụng,
ngày đại hội toàn dân.
Điều khấn nguyền, tôi xin giữ trọn
trước mặt những ai kính sợ Người.
27 Kẻ nghèo hèn được ăn uống thoả thuê,
người tìm CHÚA sẽ dâng lời ca tụng.
Cầu chúc họ vui sống ngàn đời.
28 Toàn thế giới, muôn người nhớ lại
và trở về cùng CHÚA.
Mọi dân tộc dưới trần
phủ phục trước Tôn Nhan.
29 Bởi vì CHÚA nắm quyền vương đế,
Người thống trị chư dân.
30 Mọi kẻ ngủ yên trong lòng đất
sẽ đều bái lạy một mình Người,
phàm những ai trở về cát bụi
sẽ cùng phủ phục trước Thánh Nhan.
Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa,
31 con cháu tôi sẽ phụng sự Người.
Thiên hạ sẽ nói về Đức Chúa
cho thế hệ tương lai,
32 truyền tụng cho hậu sinh đức công chính của Người,
rằng : "Đức Chúa đã làm như vậy!"
Cùng Đọc Với Dân Israel
Chính những từ cuối của Thánh vịnh mang lại ý nghĩa chính: đây là một Thánh vịnh tạ ơn, cho dù có vẻ nghịch lý. Tác giả Thánh vịnh hát lên lời tạ ơn của Israel được hồi sinh sau khi lưu đày trở về. Nhưng điều làm cho chúng ta kinh ngạc là tác giả diễn tả sự giải phóng dân tộc bằng hình ảnh của một người bị đóng đinh, nay phục hồi sự sống.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Vâng, Đức Giêsu đã lập lại từng chi tiết mà tác giả Thánh vịnh gợi lên: cơn hấp hối, cơn khát, chi thể rã rời, máu chảy từ chân tay, ngọn giáo đâm là phát ân huệ, áo quần bị chia cho lý hình như phong tục thời đó, lời chưởi mắng của những kẻ tố cáo…
Trong phần đầu, lời than vãn, gợi lên một sự đau khổ đến tận cùng hầu như không thể chịu nỗi, ta có thể nhìn ngắm vẻ đẹp của “con người đau khổ”: khác với những lời than vãn của Ngôn sứ Giêrêmia, Đức Giêsu không nổi giận, không một lời chúc dữ cho những tên lý hình… Ngài than thở, vâng…Ngài bày tỏ sự đau khổ Ngài chịu trong một sự an bình sâu lắng và thoáng thấy được vài tia sáng của niềm hy vọng “Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Israel là Ngài. Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông Ngài đã độ trì…Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh.” Không quan tâm gì đến triết lý về sự đau khổ: Ngài đau khổ, thế thôi, và Ngài tha thiết khẩn nguyện.
Nhịp điệu của Thánh vịnh làm cho ta tiến sâu vào bên trong tâm hồn của Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin đừng đứng xa… Ngài đã thương nghe lời cầu cứu”. Sự phục sinh, vinh quang, lời chúc tụng đã có sẵn trong lòng Ngài, dù đang bị đóng đinh trên thập giá. Hãy chậm rãi đọc phần thứ ba của Thánh vịnh, đặt những lời đó trên môi miệng của Đức Giêsu trên thập giá: chính đây là lời cảm tạ. Trong bữa tối cuối cùng, Đức Giêsu đã diễn cái chết của Ngài một cách câm lặng bằng chính hành động cảm tạ. Ngài biết hoa quả phong nhiêu do chính sự hy sinh mình mang lại. Và Ngài đã mời các anh em đến dự tiệc của những người nghèo để chung lời tán dương Chúa Cha: Đức Chúa đã làm như vậy. Mỗi thánh lễ ngày nay đều thực hiện điều ước này.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con…? Đây cũng là lời nguyện của mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta phải đi cho đến cùng và hãy thưa: “Người tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng…Cầu chúc họ vui sống ngàn đời…Phần tôi, nguyện sẽ sống cho Chúa…Đức Chúa đã làm như vậy!”
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch