ÁNH SÁNG ĐANG Ở ĐÂU GIỮA CUỘC XUNG ĐỘT?
Victor Cancino , SJ
Chúa nhật IV Mùa Chay Năm B
2 Sb 36,14-23, Tv 137, Ep 2,4-10, Ga 3,14-21
Các bài đọc Chúa nhật tuần IV mùa Chay gợi lại thời gian khao khát hồi hương sau thất bại nặng nề trước những kẻ thù đang bao vây vương quốc Giuđa ở phía nam. Trước tiên, bài đọc I có ý nhắc nhở cộng đoàn đức tin rằng Thiên Chúa có thể can thiệp vào lịch sử nhân loại kể cả khi dùng các thế lực hùng mạnh bên ngoài dân tộc mình. Đây là trường hợp của vua Cyrô, nhà cầm quyền Ba Tư, người đã cho phép những người Do Thái bị lưu đày quay về Giuđa vào cuối thế kỷ VI trước công nguyên. Hành trình từ Babylon trở về Giêrusalem được vua Cyrô đảm bảo là một chuyến hồi hương an toàn. Sách Sử biên niên thuật lại: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên” (2Sb 36,23). Biến cố này rất quan trọng trong Cựu Ước đến nỗi chúng ta nhận thấy vết tích của nó xuyên suốt Kinh Thánh – chẳng hạn, trong phần II của Sách Isaia cũng như trong thánh vịnh đáp ca tuần này.
Bài Thánh vịnh tiếp tục chủ đề về cuộc lưu đày lịch sử ở Babylon. Vịnh gia xác định kẻ thù trực tiếp của dân tộc là những lính canh người Babylon, những kẻ đã xua đuổi dân Giuđa khỏi núi Sion. Một câu hát nổi tiếng: “Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion” (Tv 137,1).
Ngoài ra vẫn còn có những địch thù khác. Người Êđôm sống ở biên giới cửa ngõ phía nam miền Giuđa. Tâm trí toàn dân Israel đều nuôi dưỡng mối thù đối với các nước láng giềng phía nam, là những người đã cho phép người Babylon tiến vào Giêrusalem. Điều này cũng được ghi lại trong thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin nhớ lại, ngày Giêrusalem thất thủ, để trừng phạt con cái Êđôm, ngày ấy chúng reo hò: “Phá nó đi, phá cho bình địa!”’ (Tv 137,7).
Điều đáng lưu tâm là nỗi nhớ về Sion. Lòng khao khát núi thánh Chúa được nhắc đến trong thánh vịnh mãnh liệt đến nổi vịnh gia lấy cả lưỡi và tay mình mà thề, đây vốn là những bộ phận quan trọng quý giá với một nhạc sĩ, để họ không quên mất Sion. Vịnh gia thốt rằng: “Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người?” (Tv 137,4).
Trong sách Thánh vịnh, người ta nhận thấy niềm khao khát nơi dân Xion cũng tương đương với nỗi mong chờ sự xuất hiện của Đấng được xức dầu, là Đấng sẽ giải quyết ổn thỏa mọi việc. Tuy nhiên, vào thời điểm Đấng được xức dầu xuất hiện, các quốc gia toa rập với nhau chống lại người để tiêu diệt những người được Chúa chọn. Chẳng hạn, như Thánh vịnh 2,2: “Các Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương”. Điều này trở nên mẫu thuẫn với Đấng được xức dầu, Đấng vừa mang hy vọng vừa mang lấy khổ đau. Việc nhấn mạnh đến sự hiện diện đồng thời của đau khổ và hy vọng là một trong những lý do tại sao truyền thống Kitô giáo thường xuyên sử dụng các thánh vịnh trong Phụng vụ các Giờ kinh và cử hành bí tích.
Trong bài Tin mừng, thánh sử Gioan gắn niềm hy vọng đặc biệt vào một người thay vì một nơi chốn. Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, bị treo lên như một dấu hiệu chống lại những kẻ âm mưu chống đối Người. Giống như truyền thống của các Thánh vịnh, đoạn Tin Mừng hôm nay đặt âm mưu chống lại Chúa Giêsu như một phương tiện để cứu chuộc thế giới. Thánh Gioan nói: “Và đây án phạt là sự sáng đến thế gian và người đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng” (Ga 3,19). Việc con người chuộng bóng tối không làm lu mờ hành động hy tế như Tin Mừng thứ tư giải thích: “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Chúa Giêsu chính là người đảm nhận sứ mạng đó.
Đức tin Kitô giáo là đức tin tìm thấy sự bình an trong sự mâu thuẫn. Các nhà thờ ở Haiti chật cứng người khi tình cảnh trở nên tồi tệ hơn. Người hoài nghi đức tin xem đây là một hành động tuyệt vọng. Tuy nhiên, đối với người có đức tin, đó là niềm tin được bén rễ sâu trong Kinh Thánh: “Vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,17).
CẦU NGUYỆN
Đôi khi chúng ta có nhận thấy chính mình quay lưng với Đức Kitô chịu đóng đinh không?
Thập giá có đang tiếp tục nói với cộng đoàn đức tin của chúng ta không?
Trong tuần này, làm thế nào chúng ta có thể tạo không gian để thấu cảm với nỗi thống khổ của mọi người?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (5/3/2024)