Suy niệm Chúa nhật Truyền Giáo - Lm GB Phạm Hồng Thái

Thứ ba - 15/10/2024 21:40  106

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 2024

Việc rao giảng Tin Mừng hay nói khác đi việc truyền giáo xuất phát từ chính lệnh truyền của Chúa Giêsu khi Chúa nói: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”, trong Tin Mừng Matthêô thì Chúa nói: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ … (Mt 28,19). Vậy nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa Giêsu tất nhiên chúng ta không thể không đáp lại lời Chúa dạy. Người theo đạo Chúa có thể có nhiều người sống không tốt hơn người ngoại do những yếu đuối của họ nhưng Chúa dạy chúng ta như vậy thì chúng ta phải làm và làm theo ý Chúa bao giờ cũng tốt cho chúng ta cũng như cho những người được chúng ta rao giảng Tin Mừng.

Trong lệnh truyền này, trước hết Chúa dạy ta: “Hãy Đi”, tương tự như khi Chúa nói với các tông đồ: “Các con hãy chèo thuyền ra khơi và thả lưới bắt cá”: Phải ra đi, phải chèo tới chỗ nước sâu chứ không được ở lì một chỗ.  Đức Giáo hoàng Fanxicô cũng nhắc nhở chúng ta hãy đi tới vùng ngoại biên, vùng ven vùng xa:  Giáo hội khi ra đi sẽ bị lấm bụi bẩn và có thể bị thương tích nữa nhưng điều đó tốt hơn là cứ muốn an toàn ở nhà.

Chúng ta noi gương Chúa Giêsu khi rao giảng Tin Mừng, Chúa không ngừng ra đi. Có lần ông Phêrô và các bạn muốn giữ Chúa ở lại Capharnaum, nhưng Chúa đáp: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc xung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38). Chúa sẵn sàng ra đi dù có khi  gặp phải sự dửng dưng hoặc cả khi người ta chống đối khước từ không muốn đón nhận Tin Mừng nữa.

     Cho muôn dân, cho mọi tạo vật tức là không loại trừ ai: những người tội lỗi, những người bệnh tật, người ngoại giáo, người nghèo khổ… tất cả đều là đối tượng cần được rao giảng Tin Mừng.

          Làm phép Rửa cho họ: Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được gia nhập Hội Thánh Chúa, trở nên môn đệ của Chúa và đó là điều kiện để chúng ta được hưởng ơn Cứu độ.

          Ông Thomas Merton trong cuốn sách suy niệm “Không ai là một hòn đảo” có lời đáng ghi nhớ như sau: “Chúng ta không ai lên thiên đàng một mình, cũng không ai xuống hoả ngục một mình”. Vậy muốn lên Thiên đàng, chúng ta hãy lên thiên đàng với người khác và điều này thúc đẩy chúng ta phải tích cực truyền giáo.

          Việc Truyền giáo chính là thước đo đức tin của mọi tín hữu và Đức tin càng  vững mạnh khi biết chia sẻ cho tha nhân. Ông Gandhi cho biết bí quyết của truyền giáo được ví như bông hoa hồng phải vừa đẹp lại vừa thơm vì thế đức tin Công giáo chỉ có thể loan truyền mạnh khi người Kitô hữu tin và sống đúng Tin mừng Chúa dạy.

Đức Mẹ Maria được Giáo hội gọi là “Ngôi Sao Sáng của việc Truyền giáo” vì Truyền giáo là đem Chúa Giêsu đến cho tha nhân, trong ý nghĩa đó Đức Mẹ khi đi thăm bà Elisabeth đã đem Chúa Giêsu Mẹ đang cưu mang đến cho gia đình này khiến cho thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng bà Elisabeth và bà được đầy Chúa Thánh Thần đã kêu lớn tiếng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa đến thăm tôi! (Lc 1, 43)”. Đức Mẹ cũng công bố Tin Mừng khi nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại (Lc 1, 49)”.  Đàng khác Đức Mẹ luôn ghi nhớ lời Chúa và những kỉ niệm Chúa cho xảy ra bên lề cuộc đời Đức Mẹ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Ước chi từ nay chúng ta quan tâm tới việc truyền giáo hơn để làm cho Nước Chúa trị đến, gia tăng số người nhận biết Chúa và đón nhận Tin Mừng. Hãy kết thân với một người hoặc một gia đình ngoại  giáo và giúp họ tìm hiểu về đạo Chúa.

Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho việc Truyền giáo khi Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Lc 10,2)”. Vì thế hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng nơi các dân tộc là đáp lại lời Chúa kêu gọi, cũng như mỗi kitô hữu hãy gia tăng cầu nguyện cho việc Phúc âm hoá nơi các dân tộc trên thế giới, cụ thể cho anh em bên lương còn chiếm đa số chung quanh chúng ta. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam năm 2024 với đề tài “Cùng nhau Loan báo Tin Mừng” có ý hướng tất cả người công giáo chúng ta vào việc truyền giáo cho mọi thành phần trên quê hương đất nước chúng ta.

 Giáo lí xưa thường có câu hỏi: “Chúng ta sống ở đời này làm gì? Thưa để nhận biết yêu mến Chúa hầu được hưởng hạnh phúc đời đời”. Đức Giáo hoàng Fanxicô nói thưa như vậy là chưa đủ mà phải thêm câu này nữa: “và cũng để giúp người khác nhận biết Chúa để họ cũng được hưởng hạnh phúc đời đời với chúng ta”.

Câu chuyện: Chị y tá truyền giáo: Có một ông đã kể lại lý do và động lực thúc đẩy ông theo đạo như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đưa tôi vào bệnh viện, không ai chăm sóc tôi cả ngoài một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và tận tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế?”. Chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ông”. Chỉ mấy tiếng đó thôi đủ làm cho tôi bấy lâu không biết Chúa, bây giờ được biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi người chị y tá ấy. Giữa những đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa”.

Chúng ta nguyện góp phần bé nhỏ của mình vào việc truyền giáo để đem ánh sáng đức tin đến cho tha nhân và nhờ vậy mỗi người chúng ta cũng được gia tăng lòng tin kính mến yêu Chúa hầu được hưởng sự sống đời đời cùng Chúa. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay25,750
  • Tháng hiện tại482,408
  • Tổng lượt truy cập51,813,743

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây