Hãy tìm kiếm thiên thần trong sa mạc tâm hồn của bạn
Jaime L. Waters
Chúa Nhật V Mùa Chay
Gr 31, 31-34; Dt 5, 7-9; Ga 12, 20-33
Vào Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, chúng ta đã nghe giao ước Noê diễn tả mối tương quan đặc biệt của Thiên Chúa với mọi loài sinh vật. Hôm nay, khi gần đến cuối Mùa Chay, chúng ta nghe trình bày một giao ước mật thiết hơn trong sách ngôn sứ Giêrêmia, đó chính là giao ước được ghi khắc trong tâm hồn. Bài đọc thứ nhất nhắc đến bản chất riêng tư trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, một ý tưởng cũng được nhắc lại trong bài Tin mừng ngày Chúa nhật này.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Giêrêmia nói về một mối tương quan mới sẽ được thiết lập giữa Thiên Chúa với dân Israel và Giuđa. Bối cảnh câu chuyện là cuộc xâm lược và hủy diệt Giuđa cùng những cuộc phát lưu trong thời kỳ lưu đày ở Babylon. Trong khi nhiều người chịu đau khổ thì Giêrêmia lại viết về niềm hi vọng vào tương lai. Ông thừa nhận những thất bại trong quá khứ, khi tổ tiên đã không triệt để giữ lời cam kết trong mối tương quan của họ với Thiên Chúa. Giêrêmia mô tả việc Thiên Chúa khắc ghi lề luật vào tâm hồn mỗi người bằng một hình ảnh ấn tượng: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm hồn chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” Trong tiếng Do Thái, từ “trái tim” (leb) không chỉ dùng cho một cơ phận thân thể mà còn dùng để chỉ tâm trí. Trái tim được coi là nơi của tư duy lý trí và ý thức, tương tự như cách chúng ta nghĩ về bộ não. Khi Thiên Chúa khắc ghi luật nơi trái tim mỗi người, Ngài làm cho những đòi hỏi được thấm nhuần nơi sâu kín ở bên trong trung tâm của trí hiểu để con người có thể hiểu cách đầy đủ hơn ý định của lề luật, để bồi dưỡng mối tương quan tốt đẹp của con người với Thiên Chúa và gữa con người với nhau.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu gặp lại một số môn đệ của mình, chuẩn bị cho họ về cái chết sắp xảy đến với Ngài. Đầu tiên, chúng ta nghe nói về việc mấy người Hy Lạp mong muốn được gặp Chúa Giêsu, có lẽ điều này cho thấy sức hấp dẫn rộng lớn của Chúa Giêsu và hoạt động Kitô giáo trong tương lai đối với dân ngoại. Khi các môn đệ trình với Chúa Giêsu về cuộc gặp gỡ tiềm năng này, Ngài đáp lại bằng cách ám chỉ đến cái chết sắp xảy đến với Ngài. Tương tự bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu nói về sự đau khổ và niềm hy vọng tương lai. Chúa Giêsu báo trước việc Ngài và các môn đệ sẽ phải chịu đau khổ, nhưng Ngài nhắc nhở họ rằng để liên kết với Cha trên trời, họ phải phục vụ và đi theo Ngài.
Trong lúc tiếp tục trò chuyện với các môn đệ, Chúa Giêsu mặc khải mối liên hệ mật thiết của Ngài với Chúa Cha và lý do cái chết của Ngài. Chúng ta nghe thấy những lo lắng hết sức con người của Chúa Giêsu về cái chết, về nỗi kinh hoàng trước đau khổ mà Ngài phải gánh chịu và lời quả quyết, “bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến” (dịch sát nghĩa “tâm hồn Thầy bị khuấy động”). Khác với các sách Tin mừng Nhất lãm, Thánh Gioan không tường thuật về cơn hấp hối trong vườn Ghếtsêmani, nơi đó Chúa Giêsu cầu nguyện xin khỏi phải uống chén, tức là cho khỏi sự đau khổ và cái chết mà Ngài sắp chịu (xem Mt 26,39;Mc 14,36; Lc 22,42). Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan miêu tả nỗi lo lắng của Chúa Giêsu về cái chết, mặc dù Ngài nhanh chóng nhắc nhở bản thân rằng Ngài không thể thoát khỏi nhiệm vụ này.
Chúa Giêsu thưa chuyện với Cha trên trời, và dân chúng không thể hiểu hết được điều đó, giải thích tiếng nói đó như là tiếng sấm hoặc tiếng một thiên thần. Thay vào đó, Chúa Giêsu khẳng định rằng tiếng nói từ trời đó là Chúa Cha, Đấng đang nói trực tiếp với những ai đi theo Ngài và khẳng định rằng Ngài tôn vinh Chúa Cha qua cái chết của mình. Hơn nữa, Chúa Giêsu tuyên bố rằng cái chết, sự phục sinh và lên trời của mình “kéo mọi người lên với Ngài”.
Khi bước vào những tuần cuối cùng của Mùa Chay, các bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta chú tâm suy ngẫm về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, kêu gọi chúng ta cầu nguyện, nhìn lại nội tâm và cảm tạ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ngôn sứ Giêrêmia mời gọi chúng ta nhận ra mối liên hệ gần gũi cũng như sự quan tâm của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta, và thánh Gioan thôi thúc chúng ta để kết hiệp với Thiên Chúa qua mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô.
Bài đọc: https://www.tonggiaophanhanoi.org/chua-nhat-v-mua-chay-nam-b/
Nguồn:https://www.americamagazine.org/faith/2021/02/18/fifth-sunday-lent-gospel-reflection-catholic-scripture-239999
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển