Thứ hai Tuần III MC
Tiên tri quê hương mình
Thánh Luca cho ta thấy sự đố kỵ và hiềm thù của người do thái là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Đức Giêsu hiểu rõ điều đó. Ngài biết nên tuyên bố: không ai làm tiên tri ở quê hương mình. Ngài đi vào đường khổ nạn một cách hoàn toàn tự nguyện: khi nào đến giờ mà Chúa Cha định sẵn, Ngài sẽ phó mình trong tay họ, nhưng trong thời gian trước khi giờ ấy đến, Ngài quan tâm cứu độ những ai tiếp nhận Ngài.
Đoạn tin mừng hôm nay làm ta suy nghĩ. Chúng ta là những người đã lãnh nhận ơn thanh tẩy, thuộc về một gia đình kitô, một cộng đoàn kitô, chúng ta là những người sống trong một quốc gia vẫn còn nhạy cảm với Tin Mừng, chúng ta có đủ khiêm tốn và niềm tin để tiếp nhận Đức Giêsu không? Chúng ta không mở lòng đủ cho Chúa Thánh Thần giúp ta chiến thắng tội lỗi. Chỉ Thánh Thần mới có thể giúp ta ý thức cách đúng đắn về tội của mình. Ngài không hề ép buộc chúng ta, nhưng trái lại, giúp ta nhận được ơn tha thứ của Đức Giêsu, sự chữa lành và ơn cứu độ.
Thứ ba Tuần III MC
Mãi mãi thứ tha
Một lần nữa Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc tha thứ, là đặc tính riêng của các môn đệ Ngài. Cần phải tha thứ không ngừng, dù có thể chúng ta bị yêu sách nhiều. Thường thường chúng ta chỉ đạt đến mức độ vừa đủ khi tha thứ cho anh chị em mình, bằng cách ngầm cho họ hiểu rằng sẽ không có lần thứ hai đâu. Thật khó tha thứ luôn luôn, tha thứ như thể đây là lần đầu tiên họ phạm lỗi; khó có đủ kiên nhẫn và yêu thương để giữ mãi tin tưởng nơi người anh em cần được tha thứ, hai lần, mười lần, ngàn lần. Con tim của chúng ta là như thế: chúng ta luôn đặt giới hạn cho tình yêu của mình!
Tình yêu của Chúa Cha, ngược lại, thật vô biên. Chúa Cha mãi mãi thứ tha, và chúng ta biết rằng Ngài đã làm thế hàng vạn lần! Ước mong của Ngài là chúng ta, ngay khi không ngừng lãnh nhận lòng nhân từ của Ngài, chúng ta hãy trở nên nhân từ đối với anh em mình. Những xúc phạm mà chúng ta tha thứ cho anh em mình sẽ luôn ít hơn nhiều so với những xúc phạm mà Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, không chút tính toán!
Thứ tư Tuần III MC
Định dạng cuộc đời theo luật Chúa
Trang tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hết sức trung thành tuân thủ luật Thiên Chúa, nghĩa là thánh ý của Ngài được tỏ bày qua lời của Ngài.
Đức Giêsu đến hoàn thiện luật cũ: Ngài không chỉ nhìn nhận tầm quan trọng của những giới răn trong Cựu Ước, mà còn thực hiện nơi chính bản thân Ngài điều mà các ngôn sứ tiên báo. Sau khi Thánh Gioan thuật lại việc khổ nạn… người ta rút thăm chia nhau áo choàng của Ngài, tên lính đâm ngọn giáo vào sườn của Ngài, thật cảm động khi đọc những lời sau đây: ‘Những điều ấy đã xảy ra để lời Kinh Thánh nên trọn’. Tôn kính và yêu mến đặc biệt dành cho Sách Thánh, được truyền lại cho chúng ta, nhưng xuất phát từ chính Chúa Cha.
Theo Giao Ước cũ, luật Môsê ban được liên kết chặt chẽ với các ngôn sứ, những người loan báo Đấng Messia: không phải là một bộ luật lạnh lùng và trừu tượng, nhưng là những huấn dụ đầy yêu thương mà Thiên Chúa ban cho dân của Ngài để họ sống.
Theo Giao Ước mới, các huấn dụ của Đức Giêsu trong tin mừng không thể tách rời khỏi sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội, và khỏi Chúa Thánh Thần, được thông ban cho các tâm hồn, Đấng làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy cầu xin cho được sự hoán cải: cho lòng chúng ta luôn quy hướng về Thiên Chúa, khi nghe những điều Ngài đòi hỏi; và nhờ đó, xin cho ta học cách ‘định dạng’ những ngày sống của mình theo tất cả những gì mà Ngài yêu cầu chúng ta qua lời của Ngài.
Thứ Năm Tuần III MC
Thời gian chiến đấu
Mùa Chay là thời gian sám hối trở về. Cũng là thời gian chiến đấu. Chiền đấu trên nhiều bình diện khác nhau: ta chiến đấu với chính mình, với cái tôi của mình, với tính kiêu căng của mình; ta chiến đấu với thần dữ và những cám dỗ của chúng; ta chiến đấu chống lại mọi thực tại kéo ta xa khỏi Đức Giêsu, chống lại mọi trở ngại ngăn cản ta cùng ở với Ngài.
‘Ai không đi với tôi là chống lại tôi’: những lời này mang một ý nghĩa hết sức sâu xa và có thể được dùng như chuẩn mực trong mọi sự. Ở cùng với Đức Giêsu phải là quan tâm hàng đầu và duy nhất của chúng ta. Như vậy, mỗi buổi sáng khi vừa thức giấc, việc làm đầu tiên của ta sẽ là hành vi thờ lạy: ta trình bày với Đức Giêsu mong ước của ta được ở với Ngài và đó sẽ là cách tốt nhất để ra khỏi tình trạng mê ngủ, vô thức mà ma quỷ giăng ra. Trong ngày sống, trước mỗi việc làm, ta lại trở về với Đức Giêsu, cố gắng tìm cách để mình được đồng hành với Ngài. Và như thế, ta ‘thu góp cùng với Chúa’ trong khi ma quỷ tìm mọi cách để ‘phân tán’ chúng ta, làm ta tiêu hao thời giờ, kéo ta ra khỏi điều chính yếu.
Thứ sáu Tuần III MC
Yêu và được Yêu
Thánh Marcô cho ta được nghe tự miệng Đức Giêsu nói về điều răn trọng nhất, là tâm điểm và tóm tắt cả tin mừng và toàn bộ dự phóng cuộc sống chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta do tình yêu. Ngài đã thực hiện bằng cách cho tất cả chúng ta, thân xác và linh hồn, tình cảm và ý chí, toàn thể con người chúng ta, khả năng yêu thương. Tóm lại, Ngài đã thực hiện bằng cách cho chúng ta sinh ra trần gian này như là sinh vật bé bỏng không thể tự vệ, không những chỉ cần được nuôi dưỡng mà còn cần được mẹ yêu, một sinh vật bé nhỏ chỉ có thể lớn lên và đạt tầm vóc trưởng thành như là một con người trong và nhờ những mối dây yêu thương.
Nhưng càng tiến xa trong cuộc đời, chúng ta càng cảm nghiệm quả thật khó khăn thực hành yêu thương, yêu thương đích thật và vô vị lợi, yêu thật sự Thiên Chúa và anh em. Điều này đòi hỏi sự thanh luyện, và chắc chắn điều này không thể học được qua sách vở đâu! Cách duy nhất để học biết yêu là hãy để cho Chúa yêu mình, bởi lẽ người ta không thể yêu nếu không được yêu, và không có ai khác yêu chúng ta thật sự ngoài Thiên Chúa, vì Ngài là Chúa duy nhất và là Tình Yêu.
Thứ bảy Tuần III MC
Xin thương xót con là kẻ có tội
Nếu thành thật với chính mình, chúng ta phải nhìn nhận là tất cả chúng ta đều có khuynh hướng muốn tôn vinh mình. Có lẽ vì chúng ta thực hành đạo cách trung thành, giống như người Pharisêu đạo đức kia, nên cứ nghĩ là ai cũng phải nhìn nhận mình là người xứng đáng.
Chúng ta chưa hiểu những lời Thiên Chúa phán qua ngôn sứ Hôsê: ‘Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ’ (Hs 6,6). Thay vì ca tụng Thiên Chúa như chính Ngài là, lời cảm tạ của chúng ta thường lại quy về điều chúng ta là, hoặc tệ hơn nữa, còn tự cho mình hơn kẻ khác.
Suốt Mùa Chay này, chúng ta xin Đức Giêsu thay đổi tận căn tấm lòng chúng ta, ban cho ta sự khiêm tốn của người thu thuế, đã có thái độ và lời cầu nguyện đúng đắn trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta chắc sẽ chẳng bao giờ hiểu cách đầy đủ mức độ khắng khít chặt chẽ giữa tình yêu và lòng khiêm tốn. Điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm được trước mặt Chúa, dù ta có cho mình thánh thiện đến mức nào đi chăng nữa, đó là khiêm tốn trước mặt Ngài.
Có những lúc chúng ta không tài nào cảm tạ Thiên Chúa cách thành thật được; ta có thể cầu nguyện như người thu thuế, lợi dụng tình trạng đáng thương của mình để thưa với Đức Giêsu: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. Đức Giêsu sẽ luôn nhậm lời chúng ta.
Sự khiêm tốn chẳng có liên quan gì với mặc cảm tội lỗi hoặc mặc cảm tự ti nào đâu. Là một thái độ tâm hồn sẵn sàng yêu thương; điều này giả thiết chúng ta đã biết được nhờ trải nghiệm tình trạng tội lỗi của mình, khiến Chúa Cha thương đoái nhìn đến, vì ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Như thế chúng ta đi vào tinh thần của lời kinh Magnificat.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê