MÙA CHAY NHẮC TA NHỚ RẰNGCHÚNG TA KHÔNG
ĐƠN ĐỘC TRONG HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM SỰ HIỂU BIẾT
Jaime L. Waters
Chúa nhật II Mùa Chay
St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18; Rm 8, 31b-34; Mc 9, 2-10
Bài đọc thứ nhất và bài Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay gây tác động mạnh mẽ và khó hiểu. Cả hai bài đọc đều là những trình thuật quan trọng nhưng chúng thường đưa đến nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Các bài đọc này nhắc nhở chúng ta phải đọc và suy niệm dựa trên Kinh Thánh, cầu xin sự sáng tỏ và bằng lòng với sự vô tri về một số vấn đề.
Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta nghe câu chuyện ông Abraham sẵn sàng hiến tế người con trai của mình là Isaac, một hành động thường được hiểu là dấu chỉ của đức tin. Sau khi ban cho Abraham và Sara một người con trai là Isaac khi ông bà đã già, Thiên Chúa lại ra lệnh cho ông hiến tế người con của mình. Yêu cầu này có vẻ đi ngược lại với trình thuật Kinh Thánh vì Isaac là người con của giao ước.
Hơn nữa và thậm chí đáng báo động hơn, điều này ngược lại với trách nhiệm bảo vệ con cái của cha mẹ và cho thấy Thiên Chúa mong muốn sự hy sinh của con người. Thế nhưng, Abraham lại ưng thuận mà không hề chất vấn chương trình của Thiên Chúa. Điều này cho thấy sự cam kết của Abraham với Thiên Chúa và sự hiểu biết của ông rằng Isaac là ân huệ của Thiên Chúa, hoặc nó cũng có thể cho thấy sự thiếu quan tâm của ông về mạng sống của Isaac. Tương tự như vậy, điều này có vẻ giống như một thử thách đức tin vô lý mà Thiên Chúa dành cho Abraham. Khi Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac, Thiên Chúa liền can thiệp và thay thế bằng một con cừu đực, một hành động thường được hiểu như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa không chấp nhận hy lễ của con người. Nhiều cuộc tranh luận về tính chất phức tạp về mặt thần học và triết học đã kéo dài qua hàng thế kỷ và tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Mặc dù Abraham thể hiện một đức tin mạnh mẽ và sự tin cậy vững vàng nơi Thiên Chúa thế nhưng những hành động của ông chắc chắn không nên bắt chước. Trình thuật có thể cho thấy một yêu cầu đầy thử thách như thế để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dâng hiến và vâng phục. Thiên sứ khẳng định điều này khi tuyên bố: “Giờ đây ta biết ngươi hết lòng với Thiên Chúa vì ngươi đã không tiếc dâng hiến đứa con yêu dấu của ngươi cho Ta.”
Trình thuật cũng là một lời nhắc nhở hãy luôn rộng mở và chú ý đến Thiên Chúa. Trong ba lần, Abraham đều thưa “Hineni” (này con đây) khi trả lời Thiên Chúa, Isaac và thiên sứ. Điều này gợi nhớ lại câu chuyện về lời kêu gọi tiên tri với Samuel (được đọc vào Chúa nhật thứ hai Thường niên năm nay) và những lần cậu đáp trả “này con đây”. Có thể Abraham không phải là một hình mẫu về trách nhiệm làm cha mẹ nhưng ông là hình mẫu cho sự sẵn sàng và chấp nhận quyền năng Thiên Chúa. Câu chuyện đồng thời đưa ra những song đối đáng chú ý về việc Thiên Chúa hiến tế Chúa Giêsu, Người Con duy nhất của Ngài, hai biến cố đặt liền nhau đáng để cầu nguyện và suy niệm nhất là trong mùa Chay thánh.
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta lắng nghe câu chuyện về cuộc biến hình, trong đó thân hình Chúa Giêsu được biến đổi cũng như mối liên hệ của Ngài với tiên tri Môsê và Êlia được xác nhận qua một thị kiến. Sự hiện ra của Êlia là đặt biệt quan trọng vì sự trở lại của ông được mong đợi để báo trước về Đấng Messia. Cũng vậy, theo truyền thống, Êlia đã không chết nhưng được đưa lên trời bằng một cơn lốc lửa (2V 2,1-12), một tham chiếu để giúp các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu về sự phục sinh.
Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến cuộc hiển dung và đã sửng sốt, kinh hãi. Phêrô đề nghị xây ba cái lều, điều này cho thấy ông muốn ghi nhớ vị trí này với những đền thờ di chuyển được. Các môn đệ cũng nghe thấy lời tuyên bố từ trời rằng Chúa Giêsu chính là Người Con yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng mà họ phải lắng nghe, một lời vang vọng từ biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa. Cuối cuộc hiển dung, Chúa Giêsu yêu cầu các ông không được tiết lộ sự kiện này cho đến sau cuộc phục sinh nhưng các môn đệ bối rối “tự hỏi việc sống lại từ cõi chết có nghĩa là gì.” Việc các môn đệ không biết chắc là điều thú vị vì những sự kiện mà các ông chứng kiến thì rất khó nà hiểu trọn vẹn được. Khi tiếp tục hành trình mùa Chay, các bài đọc có thể gợi hứng cho chúng ta, nhắc nhớ rằng chúng ta không đơn độc trong hành trình tìm kiếm hiểu biết và làm sáng tỏ, cũng như chúng ta nên dành thời gian nghiêm túc học hỏi và cầu nguyện.
Bài đọc: https://www.tonggiaophanhanoi.org/chua-nhat-ii-mua-chay-nam-b/
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2021/01/21/second-sunday-lent-gospel-reflection-catholic-scripture-239721
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển