Hãy hân hoan vì lòng thương xót và ân ban nhưng không của Thiên Chúa

Thứ bảy - 29/03/2025 03:59  90
HÃY HÂN HOAN VUI MỪNG VÌ LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ ÂN BAN NHƯNG KHÔNG CỦA THIÊN CHÚA
 
Nicholas M. Collalella
Chúa nhật IV mùa Chay năm C

Gs 5,9a.10-12; Tv 34,2-3.4-5.6-7; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ
hprweb.com
 

Cách đây vài năm, tôi nhớ có người hỏi tôi đâu là công việc yêu thích nhất của một linh mục. Gần  như ngay lập tức, tôi trả lời: ngồi tòa “nghe tín hữu xưng tội.” Thật ngạc nhiên, các linh mục khác đi cùng tôi cũng đưa ra câu trả lời tương tự. Có điều gì đó trong bí tích Hòa giải chạm đến cốt lõi đời sống Kitô hữu. Từ góc nhìn của linh mục, tôi có thể nói rằng việc nghe hối nhân xưng tội là một vinh dự lớn lao, vì được đặc biệt chứng kiến ân ban hoàn toàn trọn vẹn. Thật khiêm nhường biết bao khi ngồi trước một hối nhân tội lỗi mở lòng đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa được rộng ban cho tất cả con cái khi họ kêu cầu sự chở che của Ngài. Ân sủng của lòng thương xót được ban cho hối nhân qua vị linh mục – người cũng chỉ là một tội nhân – thể hiện lòng nhân lành vô bờ của Thiên Chúa và nhấn mạnh bản chất của ân sủng như một quà tặng nhưng không. Không ai có thể làm bất việc gì hay xứng đáng để nhận lãnh ân ban ấy.
 

Chính bản chất lòng thương xót của Thiên Chúa như một quà tặng nhưng không khiến câu chuyện người con hoang đàng trong bài Tin mừng Chúa nhật IV mùa Chay năm C có tác động mạnh mẽ. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa hành động của người cha trong dụ ngôn này, chúng ta hãy nhìn vào tình trạng của người con thứ đã tiêu tán hết gia tài. Theo luật Do Thái, trưởng nam có quyền thừa hưởng gấp đôi phần tài sản của cha mình. Vì thế, theo luật, người con trưởng người theo huyết thống được hưởng phần lớn nhất trong tài sản của cha. Phần còn lại sẽ được chia cho những người con khác. Tuy nhiên, Kinh thánh Do Thái thường đảo lộn quy tắc này. Trong một bài giảng về lòng thương xót của Thiên Chúa, linh mục người Anh Ronald Knox nói rằng trong Cựu ước, người em trai thường được ưu ái hơn. Cha Knox giải thích:

 

“Isaac là đứa con của lời hứa, chứ không phải Itmaen; Giacóp, chứ không phải Êsau. Giuse có quyền trên mười người anh của mình, và khi ông đưa các con mình đến để được Giacóp chúc lành, Giacóp cố ý chúc phúc cho Épraim trước, dù cậu là người trẻ tuổi hơn, bất chấp sự phản đối của người cha [Giuse]. Và tất cả chúng ta đều biết câu chuyện về vua Đavít, người em út trong mười một anh em, nhưng ông lại được chọn làm vua; Salômôn cũng được ưu ái hơn anh là Ađônigiahu... Thiên Chúa chọn người con thứ để cho thấy rằng sự tuyển chọn của Ngài hoàn toàn là ân sủng nhưng không, chứ không phải dựa trên quyền lợi.”

 

Câu chuyện người con hoang đàng cũng vậy. Người con thứ, vì hành xử của mình nên không còn quyền thừa hưởng tài sản của cha. Phần thừa kế đã bị tiêu tán hết; theo luật, chẳng còn gì để cho người con thứ nữa. Chính anh cũng thừa nhận điều này khi nói với cha mình: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa.” Người con thứ đã đúng khi than trách về tương quan đã rạn nứt với cha mình. Tuy nhiên, phản ứng của người cha vượt trên cả việc người con thứ không còn quyền thừa kế tài sản theo pháp lý. Xuất phát từ tình yêu và lòng quảng đại hoàn toàn, không cần quan tâm đến những quy định pháp lý, người cha vẫn tiếp tục chia tài sản của mình cho người con thứ.
 

Lòng thương xót của người cha trong câu chuyện giống như lòng thương xót của Thiên Chúa, là một ân ban nhưng không. Chúng ta không thể làm gì để xứng đáng có được hay có quyền nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Đây là một điểm quan trọng trong một nền văn hóa dạy chúng ta điều ngược lại. Nếu chúng ta làm việc chăm chỉ, chúng ta xứng đáng được hưởng thành quả; nếu chúng ta đầu tư thời gian và công sức vào một việc gì đó, chúng ta có quyền nhận lại những gì tốt đẹp. Dĩ nhiên, tự bản chất điều này không có gì sai trái. Nhưng ân sủng của Thiên Chúa thì không vận hành theo cách đó. Như Thiên Chúa đã từng phán qua ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8). Nơi nhiều câu chuyện trong Cựu ước, việc người con thứ trở thành người hùng, hay nhận được nhiều hơn người con cả, nhấn mạnh bản chất ân sủng của Thiên Chúa như một quà tặng nhưng không. Trong dụ ngôn của Tin mừng Luca, người con cả chống lại lối lý luận này của Thiên Chúa, thay vào đó, anh đại diện cho một quan niệm về ân sủng theo kiểu hợp đồng: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó.”

 

Thú thật, tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều có thể cảm thông với người con cả. Tại sao lại dành phần tốt nhất cho kẻ không xứng đáng? Chẳng phải nên dành phần thưởng cho người đã luôn chăm chỉ làm việc và hằng vâng lời hay sao? Tuy nhiên, ở điểm này, chúng ta đang suy nghĩ theo cách của con người, chứ không phải theo cách của Thiên Chúa. Một lần nữa, lòng thương xót, tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa được ban tặng cách nhưng không. Đó là ân ban dành cho tất cả mọi người - không ai trong chúng ta thực sự xứng đáng hay có thể làm gì để đạt được điều đó. Vì vậy, hành động cứu chuộc chỉ là công việc của một mình Chúa.

 

Câu chuyện người con hoang đàng mời gọi chúng ta hãy kính phục lòng thương xót và ân sủng nhưng không của Thiên Chúa. Dù chúng ta chẳng có thể làm gì để đạt được hay xứng đáng, nhưng chúng ta vẫn cần sẵn lòng để đón nhận ân sủng ấy. Trong bài Tin mừng, người con thứ “hồi tâm lại,” hiểu theo nghĩa đen là “trở về với chính mình”, nhận ra tội lỗi và mong muốn quay về với cha. Điều anh không ngờ là tình yêu và lòng thương xót mà người cha dành cho mình, anh đã đón nhận bằng cả tấm lòng ăn năn và hối cải. Khi tiếp tục hành trình mùa Chay, đưa tất cả chúng ta, những người con lạc lối trở về với Chúa Cha, nguyện xin cho chúng ta ngày càng cảm nghiệm sâu sắc hơn món quà lòng thương xót mà Thiên Chúa ban tặng, đặc biệt qua bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Và nguyện xin cho chúng ta, những người đã đón nhận được món quà lòng thương xót vô biên của Chúa, dù là những tội nhân, cũng có thể “ăn mừng và hoan hỷ”, cùng với Giacóp, Giuse, Épraim, Đavít, Salômôn, và người con hoang đàng.

 

Cầu nguyện

Đâu là lần cuối cùng đức tin khiến chúng ta đến việc hân hoan vui mừng như trong bài Tin mừng?
 

Có bao giờ chúng ta cảm thấy tự xa cách chính mình như người anh cả trong dụ ngôn không?
 

Đâu là lãnh vực cộng đoàn Giáo hội hôm nay cần hoà giải nhiều nhất?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay15,804
  • Tháng hiện tại15,804
  • Tổng lượt truy cập56,803,837

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây