NHỮNG GÌ CỦA CON LÀ CỦA MẸ
DẪN
“Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”. Anh chị em Legio Mariae noi gương Đức Mẹ luôn vâng theo thánh ý Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1, 28). Lời chào này là âm vang của lời ngôn sứ Dacaria kêu gọi dân Do Thái hãy vui mừng vì Đấng Cứu Độ sắp đến: “Hãy nhiệt liệt nhảy mừng, nữ tử Sion! Reo hò lên nữ tử Giêrusalem, này vua ngươi sắp đến” (Dcr 9, 9; Xp 3,14). Đức Mẹ có một bí quyết tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, đó là Đức Mẹ đã khiêm tốn nói lời xin vâng và mở toang lòng mình để đón nhận thánh ý Chúa.
Đức Mẹ đã đón nhận thánh ý Chúa và quyết liệt theo thánh ý Ngài đến cùng. Hôm nay, chúng ta cũng quyết liệt như Đức Mẹ, qua lời hứa theo thánh ý Chúa, như Đức Giáo Hoàng mời gọi, nhân dịp năm thánh của hy vọng, năm 2025, Người nói rằng: “điểm đến của người hành hương là gặp Chúa Giêsu, để biết Người một cách cá nhân và lắng nghe Lời Người”. Người nói tiếp, trong mạng lười cầu nguyện rằng: “các Kitô hữu giúp nhau khám phá cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng ban sự sống cho chúng ta, và hãy lên đường như những người hành hương của hy vọng để cử hành sự sống đó. Mỗi ngày, hãy làm cho cuộc sống của chúng ta đầy ắp món quà hy vọng mà Thiên Chúa trao ban, và ước mong sao qua chúng ta, món quà đó sẽ đến với tất cả những ai đang tìm kiếm".
Trong dịp trọng đại, Lễ A-ci-es, hội viên của Đạo Binh Đức Mẹ hăm hở lặp lại lời hứa để tiếp tục sức mạnh ân sủng đón nhận từ Chúa, qua Đức Mẹ, chúng ta tiếp tục sứ mạng của Legio Mariae trong môi trường sống và truyền giáo của mình. Nội dung cuộc gặp gỡ hôm nay nhấn mạnh đến sự phó thác cho Đức Mẹ, để từ đó kín múc sức mạnh truyền giáo và năng động trong việc truyền giáo qua việc gặp gỡ anh chị em của các hội viên Lêgio Mariae.
NỘI DUNG
1. Sự phó thác
Dâng mình cho Chúa là chết con người cũ, trở thành con người mới, để con người thuộc về Chúa, được Chúa thánh hiến, thánh hóa, chúc lành. Nói như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng: “Totus tuus” - “Trọn thân con thuộc về Mẹ”, một sự phó thác mẫu mực cho mỗi người chúng ta.
Một khi chúng ta gọi Mẹ là Nữ Tướng uy quyền, nhưng uy quyền ấy, không phải là loại quyền lực của thế gian, quyền lực của kẻ thống trị, quyền lực của đồng tiền, quyền lực của quyền lực; nhưng lại là quyền lực bởi lòng khiêm nhượng tuyệt đối, vâng phục tuyệt đối, yêu thương tuyệt đối và thi hành thánh ý của Thiên Chúa cách tuyệt đối.
Những chiến sĩ của Mẹ cũng được Mẹ thông ban cho cái uy quyền ấy, nếu đã tận hiến cho Mẹ và biết “nhờ Mẹ, với Mẹ” để sống được như Mẹ đã sống: khiêm nhượng, vâng phục, yêu thương và thi hành thánh ý Thiên Chúa cách tuyệt đối. Đây cũng là nội dung của Con Mẹ, Chúa Giê-su đã khiêm nhượng, vâng phục, yêu thương và thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối. Như vậy, “toàn thân con thuộc về Mẹ” đồng nghĩa với “toàn thân con thuộc về Đức Giê-su, Con của Mẹ”. Phó thác cho Mẹ là phó thác cho Chúa hoàn toàn.
Chúng ta phó thác để chúng ta tháp nhập vào sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta phó thác để chúng ta được thánh hoá và đón nhận ân sủng. Chúng ta phó thác để chúng ta năng động đời sống của chúng ta trong ân sủng và sự sống của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã thôi thúc đời sống đức tin của chúng ta năng động trong sự phó thác vào Chúa, trong năm thánh của niềm hy vọng, người nói rằng:
“Trong trái tim của mỗi người, hy vọng ngự trị như một khát khao và kỳ vọng về những điều tốt đẹp sẽ đến, mặc dù chúng ta không biết tương lai sẽ mang lại điều gì … Chúng ta thường gặp những người nản lòng, bi quan và hoài nghi về tương lai, như thể không có gì có thể mang lại cho họ hạnh phúc … Trong một thế giới lúc nào cũng hối hả, chúng ta đã quen với việc muốn có mọi thứ ngay lập tức. Chúng ta không còn thời gian để gặp nhau và thường thì việc gặp gỡ và bình tâm nói chuyện với nhau, ngay cả trong gia đình, cũng trở nên khó khăn. Tính nóng vội làm mất kiên nhẫn, gây nguy hại nghiêm trọng cho con người. Thật vậy, điều đó gây ra bất khoan dung, căng thẳng, đôi khi cả bạo lực vô cớ, dẫn đến bất mãn và khép kín”.
Như vậy, phó thác cho Mẹ để thuộc về Chúa, chúng ta mới thật sự làm mới lại đời sống đầy ấp hy vọng và tiếp tục lữ hành đời sống trong hy vọng, vì lẽ nơi Chúa, chúng ta thoả mãn mọi khát vọng và điểm đến của hy vọng.
2. Kín múc sức mạnh truyền giáo
Thủ bản của Legio Mariae có viết: “Với ý nghĩa một đạo binh sẵn sàng vào trận, các hội viên lặp lại lời hứa trung thành với Đức Maria, nữ vương của Legio, và để nhận lãnh nơi Đức Mẹ sức mạnh và phúc lành giúp giao tranh với quyền lực tội ác trong một năm mới”.
Đức Bênêđictô XVI trong Thông điệp Spe Salvi đã minh định:
“Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân hướng về những điều sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: đức tin còn đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một ‘bằng chứng’ về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó ‘chưa đến’. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai”.
Những hướng dẫn trên đây của Giáo Hội đang lữ hành hy vọng thôi thúc mỗi chiến binh của Đức Mẹ hăm hở phó dâng đời sống mình cho Đức Mẹ để làm năng động đời sống truyền giáo bằng đời sống linh đạo Legio Mariae. Nếu Chúa Giê-su thôi thúc các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), “Anh em hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20), thì lời mời gọi truyền giáo của Chúa Giê-su rất sống động trong lời phó thác toàn thân cho Mẹ ngày hôm nay của chúng ta, để chúng ta trở về và thực hiện sứ vụ Legio Mariae trong môi trường mình đang sống.
3. Thăm viếng: một năng động truyền giáo
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã gợi lên mối ưu tư mà mỗi người chúng ta cảm thấy ưu tư cho công việc truyền giáo ngang qua việc thăm viếng của các hội viên Legio Mariae, trong công tác hàng ngày và hàng tuần. Ngài nói:
“Mỗi người chúng ta đều cần hy vọng trong cuộc sống của mình, đôi khi rất mệt mỏi và tổn thương, trái tim chúng ta khao khát sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp, và những giấc mơ mà không bóng tối nào có thể xua tan. Mọi thứ, bên trong và bên ngoài chúng ta, đều kêu gào hy vọng và tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi của Chúa, ngay cả khi không biết điều đó”.
Theo nguyên tắc, Praesidium nào cũng phải có vài loại công tác đáng gọi là anh hùng. Dù là Praesidium mới thành lập vẫn tìm được hai hội viên đủ can đảm dám mạo hiểm; hãy giao công tác này cho họ, và gương sáng của hai người tiền phong sẽ tự nhiên lôi cuốn các hội viên khác tiến lên cho kịp. Khi phần đông đã đến mức anh dũng thứ nhất, ta hãy nhờ hai người tiền phong kia tiếp tục công tác mạo hiểm khác. Người tiền phong tiến tới hoài, là mức anh dũng của toàn bộ sẽ lên mãi. Đừng theo tính tự nhiên, mà hạn chế việc thiêng liêng; vì ta càng đi sâu vào Chúa, là chân trời mới càng mở rộng, và khả năng càng tăng.
Cuộc sống đích thực của người tín hữu là phải thiết tha quan tâm đến sứ vụ Truyền giáo. Sứ vụ đó gồm có việc cầu nguyện, trợ giúp thích đáng và nuôi dưỡng ơn kêu gọi thừa sai phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người.
Chẳng hạn, hội viên Legio nên tổ chức Hội Chúa Hài Đồng để làm hạt nhân cho nhiều em khác, và nhờ họ, các em khác được linh hướng để mến yêu sứ vụ truyền giáo. Ngoài ra, họ có thể qui tụ những em chưa đủ khả năng làm hội viên Legio (có thể tổ chức các em ấy trên nền tảng bậc Tán trợ) và giao công tác may khâu, đan lát v.v… Sau đây là 3 công việc mỗi em làm: (a) Thánh hóa bản thân; (b) Nêu gương thánh hóa cho tha nhân; (c) Giúp việc Truyền giáo cách thực tế.
Trong tập san của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Garland Texas, có một đề nghị cho nghệ thuật thăm viếng, được mượn cho kết thúc bài chia sẻ hôm nay rằng:
Trước hết là cầu nguyện xin ơn can đảm và bình an. Trên xe không nên nói chuyện riêng.
1. Phải hết sức dịu hiền vì linh hồn là vô giá
2. Đi thăm từng 2 nguời - bảo vệ kỷ luật Legio.
3. Tính cách âm thầm của Legio phải được bảo vệ. Giữ bí mật những điều tai nghe mắt thấy khi đi công tác hay trong khi họp.
4. Không viện trợ vật chất và cũng không nhận quà.
5. Bí quyết gây ảnh hưởng là Tình Thương: “Yêu đi rồi muốn làm gì cứ làm …”
6. Hội viên nhìn thấy cùng phục vụ Chúa Kitô trong mỗi người mà họ gặp.
7. Các cửa đều mở cho người Lêgiô khiêm nhường và lễ độ. Cần ăn nói hết sức dịu hiền.
8. Hội viên đừng làm quan toà.
9. Vui khi thành công nhưng thất bại là mẹ thành công.
Cần:
1. Có thái độ : tôn trọng, thân thiện, cởi mở, không thành kiến.
2. Có cung cách chú tâm lắng nghe, nói thật ít, đồng cảm chân thành, bình tĩnh trả lời, khiêm tốn nhận mình chưa biết.
3. Có tâm tình cầu nguyện thường trực.
Tránh:
1. Đề cập chuyện tôn giáo, chính trị.
2. Tranh luận đúng sai, kể lể kiến thức, lên án chỉ trích gần xa, dọ hỏi chuyện đời tư, kể chuyện nhà mình, con cháu; lạm bàn về y khoa; phê bình gia đình cách chăm sóc bệnh nhân; can thiệp vào các tranh chấp trong gia đình
KẾT
Đức Phanxicô mong muốn Giáo Hội, người lữ hành của niềm hy vọng, phải làm cho thế giới này tìm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống, để mọi người chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, tràn ngập ánh sáng tình yêu của Chúa, để mọi người hưởng được cuộc sống hạnh phúc đích thật, cho dẫu phải đối diện với bao nhiều thách đố Giáo Hội không bỏ cuộc trong hành trình mang lại niềm hy vọng cho người thời đại, bởi “không lẽ chúng ta không nhìn thấy lần nữa, trong ánh sáng của lịch sử hiện nay, là không có một trật tự thế giới tích cực nào có thể vươn lên nơi những tâm hồn đã quá chai đá?”
Legio Mariae vẫn rất sống động đối với đời sống của mọi người và rất thời sự cho xã hội của chúng ta trong công tác hàng ngày.
Tâm tình của một hội viên Legioa Mariae đã bộc bạch:
Con cùng đồng đội về đây
Dâng mình cho Mẹ đong đầy phúc ân
Xác hồn tận hiến phó dâng
Mẹ thương nhận lãnh con hân hoan cười.
Dâng lên Mẹ bó hoa tươi
Cõi lòng thanh thoát cuộc đời ngát hương
Là người lính lúc lên đường
Con theo chân Mẹ Nữ Vương uy quyền.
Mẹ ơi! Những lúc ưu phiền
Con cùng đồng đội một niềm cậy trông
Noi gương như Mẹ xin vâng
Vâng theo ý Chúa dấn thân vào đời.
Lm. Hà Văn Minh đã viết: “Hy vọng cần thiết cho Giáo Hội, để khi cảm thấy mệt mỏi vì những nỗ lực của mình và gánh nặng bởi sự yếu đuối của mình, Giáo Hội sẽ luôn nhớ rằng, với tư cách là cô dâu của Chúa Kitô, Giáo Hội được yêu thương bằng tình yêu vĩnh cửu và trung thành, được kêu gọi để giơ cao ánh sáng của Phúc Âm và được sai đi để mang đến cho tất cả mọi người ngọn lửa mà Chúa Giêsu đã mang đến cho thế giới một cách dứt khoát”.
Tất cả chúng ta hãy cất bước đời sống, như là những người lữ hành của hy vọng, trước mặt Mẹ Maria là Nữ Vương của chúng ta, để chúng ta phó thác toàn thân cho Mẹ và xin Mẹ dồng hành với chúng ta.
ĐTC Phan-xi-cô, Bài phát biểu khi gặp gỡ những người mù ở Ý, thứ sáu, ngày 03/01/2025. Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-01/duc-thanh-cha-lien-minh-nguoi-mu-khiem-thi-y.html
Nguồn: https://gphaiphong.org/chi-tiet/tro-thanh-nhung-nguoi-hanh-huong-cua-hy-vong
Đức Phanxicô, bài giảng trong buổi cầu nguyện buổi tối tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Năm, ngày 09/5/2024, lễ Thăng Thiên. Buổi lễ được bắt đầu bằng một buổi lễ trang trọng tại tiền sảnh bằng đá cẩm thạch trước Cửa Thánh của vương cung thánh đường, trong đó Đức Giáo hoàng đã công bố "sắc lệnh" công bố Năm Thánh 2025. Nguồn: https://todayscatholic.org/pope-proclaims-2025-holy-year-saying-people-need-truth-goodness-hope/
[2] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Rôma, số 7, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551
Thủ Bản Legio Mariae, số lề 288.
ĐTC Bê-nê-dic-tô, Spe Salvi, số 7.
ĐTC Phan-xi-cô, Bài giảng buổi tối cầu nguyện tại vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào thứ Năm, ngày 09/5/2024.
Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, ban hành ngày 30/11/2007, tại Rôma, số 315, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-spe-salvi-ve-niem-hy-vong-kito-giao-18551
Gioan Long Vân, Legio Mariae Nhân Hòa.
Lm. Antôn Hà Văn Minh, Giáo Hội - Người Lữ Hành Của Niềm Hy Vọng. Nguồn:
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi---nguoi-lu-hanh-cua-niem-hy-vong