HÃY ĐỂ SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH GIOAN TẨY GIẢ HƯỚNG DẪN CHÚNG TA TRONG MÙA VỌNG NÀY
Các bài đọc của Chúa nhật II Mùa Vọng năm nay mời gọi các tín hữu từ bỏ những giải đáp thần học dễ dãi và sự an toàn giả tạo để đạt được một nhận thức bao quát hơn về Nước Trời.
Chẳng hạn, sự nghịch lý trong lời buộc tội của thánh Gioan Tẩy Giả chống lại người Pharisêu và người Xađốc trong bài Tin mừng theo thánh Matthêu. Những lời của vị ngôn sứ gây nhức nhối như liều thuốc mạnh, là một loại dầu chữa trị những suy nghĩ ngây ngô. Với kiểu mẫu đặc sủng ngôn sứ, thánh Gioan Tẩy Giả, vị Tiền hô của Chúa Giêsu trong sứ vụ kêu gọi sám hối, nói với những bậc thầy trong Do Thái giáo: “Ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi” (Mt 3,7)? Những bậc thầy uyên thâm đạo đức này muốn lãnh nhận phép rửa thống hối của Gioan, nhưng vị Tiền hô thách thức cách họ hiểu về phép rửa.
Thánh Gioan Tẩy Giả phá vỡ sự an toàn giả tạo khi nhiều người Do Thái nhận mình là con cháu của tổ phụ Abraham, hậu duệ của một nhóm ưu tuyển khép kín. Họ tự nhận thức về sự công chính của mình là do quyền lợi tự nhiên khi sinh ra và do lòng trung thành với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập trước tiên với tổ phụ Abraham. Gioan Tẩy Giả bác bỏ nhận thức của họ: “Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham” (Mt 3,9). Loại dầu chữa trị của Gioan Tẩy giả bắt đầu một quá trình chữa lành khi mời gọi người biệt phái và Xađốc hãy suy gẫm sâu sắc hơn lối suy nghĩ giả hình cũng như biết hoán cải triệt để hơn so với việc được sinh ra trong một nhóm đặc biệt. Các tín hữu ngày nay cũng cần làm như vậy.
Thánh Gioan Tẩy Giả cảnh báo thính giả của ngài hãy suy nghĩ vượt lên trên những ràng buộc của sự an toàn giả tạo. Ngài hướng thách đố này đặc biệt đến các lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giêsu, là những người mà ngài cho rằng họ đã suy nghĩ cách sai lầm. Thỏa mãn với những quyền lợi và sự giả dối có thể là một vấn đề đối với các tín hữu ở mọi thời.
Ngay cả ngày nay, thật dễ dàng huỷ hoại đức tin của mình bằng những câu như: “Đây là cách làm của thế giới.” hoặc “Nghĩa vụ ngày Chúa nhật của tôi đã đủ rồi.” hoặc “Tôi chỉ có thể tin vào việc được cứu độ nhân danh Chúa Kitô.” hoặc “Người nghèo sẽ luôn tồn tại và tôi không có trách nhiệm với số phận của họ.”
Trong bài đọc I của Chúa nhật II Mùa vọng này, ngôn sứ Isaia đưa ra một bản văn đầy thi vị của cùng một thách đố: Hãy ngừng tìm kiếm sự an toàn giả tạo và hãy mở rộng tâm trí để đón nhận lòng thương xót dư tràn của Thiên Chúa. Xuyên suốt sách Isaia, vị ngôn sứ nói nhiều về việc thiếu công bằng đối với người nghèo. Nơi bài đọc I, ngôn sứ Isaia tái hiện một hình ảnh trữ tình về vương quốc hòa bình, một thực tại đã được mong đợi nhưng chưa bao giờ đạt được. Theo Joseph Blenkinsopp: “Một trật tự đúng nghĩa là nơi người nghèo và người yếu thế có thể hưởng quyền bình đẳng với người giàu có và quyền lực” (Isaiah 1-39 [Anchor Yale Bible 19, 2008] 263). Ngôn sứ Isaia nói chỉ khi đó, sói sẽ là khách của chiên con, con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy (Is 11,6).
Vương quốc hòa bình vẫn chưa đến, và sự an toàn trống rỗng của những điều dối trá mang lại quá nhiều niềm vui và khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Vì những lý do này, Mùa Vọng là thời gian để áp dụng việc chữa trị đã nêu lên, và để hoán cải những nhận thức về quyền lợi hay tầm nhìn hạn hẹp. Nước Trời chỉ gần đến khi vương quốc này được tái hiện qua lăng kính cuộc xuất hiện của Hoàng Tử Bình An (Mt 3,2).
Cầu nguyện
Lãnh vực nào trong những suy nghĩ của bạn cần “dầu chữa trị” của thánh Gioan Tẩy Giả?
Bạn đã từng thích dựa vào những nhận thức sai lầm của sự an toàn hay chưa?
Bạn có thể dùng phương cách nào để vương quốc bình an trở thành thực tế hiện nay?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (30/11/2022)