Chúa giáng sinh trong gia đình - Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Thứ hai - 24/12/2018 21:24
904
Chúa giáng sinh trong gia đình
(2019 : đồng hành với các gia đình gặp khó khăn)
Tại một sa mạc bên Phi Châu, tu sĩ Caretto, Dòng Tiểu đệ Chúa Giêsu, nghe biết có cô gái kia khoảng 14 tuổi mà đã được nhắm để gả cho một chàng trai cách trại bố mẹ cô khá xa. Trong thời gian chờ đợi ngày cưới đến, cô gái vẫn tiếp tục đi kín nước và làm việc nội trợ như thường. Bẵng một thời gian khoảng 2 năm sau, tình cờ tu sĩ Caretto gặp bố cô gái. Tu sĩ hỏi xem con gái của ông đã về nhà chồng chưa. Bố cô gái bối rối không muốn trả lời. Chiều đến khi đi kín nước tại lưu vực cách trại vài trăm mét, tu sĩ Caretto đã gạn hỏi người đầy tớ của bố cô gái. Người đầy tớ này cũng không dám lên tiếng trả lời, mà chỉ ra hiệu cho biết: cô gái ấy đã bị bóp cổ chết. (Châu Phi không có tục ném đá). Tại sao vậy ?
Vì người ta đã khám phá ra cô gái ấy có thai trong thời gian chờ ngày về nhà chồng, nên vì danh dự, người ta đòi buộc cô sự hy sinh vừa nói, cô bị bóp cổ chết. Một cái chết giết luôn hai sinh mạng: cô gái và thai nhi trong bụng.
Tại sao trong ngày lễ Giáng sinh mừng một hài nhi ra đời mà lại khởi đầu bằng chuyện chết chóc như vậy ? Thưa vì câu chuyện chết chóc đó làm nổi bật cho sự giáng sinh mà chúng ta mừng hôm nay.
Có một cái gì na ná ở bước khởi đầu giữa 2 sự việc : một ở Phi Châu, một ở Palestina, quê hương của Chúa Giêsu.
Ở Phi Châu thì : hứa hôn – có thai trước – bị bóp cổ chết.
Còn ở Palestina, với cô thôn nữ Maria : hứa hôn – có thai trước – sinh ra bình an.
Có nhiều thành tố để kết cục của 2 sự việc trên đây tuy bắt đầu giống nhau mà chung cuộc khác nhau. Hôm nay chỉ nêu lên một.
Giả như cô gái mà tiểu đệ Caretto quen biết kia không sống ở Phi Châu khắt khe, mà sống ở Âu Châu, Bắc Mỹ, hay ngay cả ở Việt-Nam – thì làm gì có chuyện vì danh dự mà phải bị bóp cổ chết như vậy.
Nhưng (đây là điều muốn nói) : Nếu cô gái đó vẫn ở Châu Phi khắt khe- rồi có thai trước khi về nhà chồng, mà có một người nào đó đứng ra nhận làm cha đứa bé, thì chắc cũng không dẫn đến kết cục bi thảm là bị bóp cổ cho chết cả mẹ lẫn con đâu. Nói như vậy là ta đã đi dần đến hoàn cảnh mà chúng ta muốn nói hôm nay: đó là vai trò của thánh Yuse trong mầu nhiệm Chúa làm người. Bởi vì theo luật Maisen, trong trường hợp tương tự như Maria thì phải bị ném đá chết. Ta nhắc đến thánh Yuse trong ngày Giáng sinh năm nay— điều mà ít ai lại giảng về Giuse trong ngày lễ Noel—là không nhắm đề cao vị Thánh Cả cho bằng suy gẫm về ý định của Thiên Chúa muốn Con của Ngài giáng sinh trong một gia đình có cha có mẹ.
Để xuống thế làm người, Thiên Chúa toàn năng làm gì mà chẳng được, Ngài có thể dùng hình thức như bé Maika từ trên trời rơi xuống, trở thành một con người quốc tế không cần mẹ và dĩ nhiên cũng chẳng cần cha, không gia đình mà cũng chẳng cần thân thích.
Nếu giải pháp Maika từ trời rơi xuống không thuyết phục, mà muốn thành người thực sự, tức 9 tháng trong bụng mẹ để rồi sinh ra làm người, thì chỉ cần một người mẹ là đủ: và Thiên Chúa sẽ làm đủ cách, đủ dấu lạ để người mẹ không chồng mà có thai này chẳng những không bị ném đá theo luật Maisen, mà còn trở nên nổi tiếng, kỳ diệu. Bởi lẽ trong dân gian, trong ước mơ của loài người được diễn tả bằng các câu chuyện thần thoại Hi lạp, La mã và ngay cả huyền thoại Việt-Nam ta, con người vẫn mơ ước được kết hôn với thần linh. Hình như Hercule là thành quả của mối tình giữa một nư trinh và một thần linh trong thần thoại Hi-Lạp. Truyên dân gian ta, thì Ăn quả thị, tức thì có thai, sinh ra công chúa. Nằm mơ, gặp thần, có bầu sinh ra thánh Gióng. Chính Phù Đổng Thiên Vương diệt giặc Ân cũng là người từ trời xuống. Thiên Chúa cũng có thể làm cho Đức Maria trở thành nổi tiếng như vậy. Nhưng chương trình của Thiên Chúa không muốn như vậy. Kế đồ của Người thật diệu kỳ nhưng bình dị làm sao: Người muốn Chúa Con làm người trong gia đình, như chính ba Ngôi vị cũng là một Gia đình. Nếu chỉ người mẹ, sinh ra người con, chưa thể gọi là gia đình. Cần có người cha. Con không cha như nhà không nóc. Có cha mới thành 2 mái của một gia đình.
Trong gia đình này, ta đặc biệt chú ý đến người cha đó là thánh Giuse.
Từ trước tới nay, trải bao thế kỷ, người ta vẫn thường giải thích bình dân và cảm động về người cha Yuse như sau : Yuse tự mình khám phá Maria mang thai. Ông nghi ngờ và vì có lòng nhân hậu, ông muốn lìa bỏ cách kín đáo người nữ mà ông coi là ngoại tình. Vì nếu tố cáo ra là sẽ bị ném đá chiếu luật.
Nhiều nhà giảng thuyết còn thêm vào lối giải thích trên những tiểu tiết rất đẹp rất cảm động: cứ xem cảnh thinh lặng tuyệt vời trong đoạn khai mào cho bộ phim “Tin mừng theo thánh Matthêu” thì rõ.
Nhưng phải nhận rằng lối giải thích cổ điển này không sát lắm với bản văn Phúc Âm và sa lầy vào ít là 2 điểm:
1. Phải chăng Giuse không biết ai là tác giả của bào thai trong bụng người yêu của mình. Theo lối giải thích cổ, Yuse tự khám phá ra Maria có thai nhưng không rõ nguyên do. (Maria truyền tin, đi vắng 3 tháng, trở về, thấy bụng đã lớn). Giuse thấy lớn sinh nghi. Thế mà ngay từ đầu trong PÂ Matthêu đã trình bày khác hẳn: Maria thụ thai bời phép Chúa Thánh Thần. Vây phải phỏng đoán là Maria cho Yuse biết. Một chuyện lớn như vậy lẽ nào Maria không nói cho Yuse biết. Hơn nữa có gì xấu đâu mà phải giấu.
2. Sự vô nghĩa của chữ “người công chính” trong câu Matthêu ghi lại: Yuse “vì là người công chính” nên định âm thầm lìa bỏ cách kín đáo. Nếu là người công chính, thì phải cứ luật, tức là chiếu theo sách Đệ nhị luật 22,23 Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà. Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, thì anh em sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại.
Luật là như thế. Nếu Giuse không biết tác giả của thai nhi, và nếu là người công chính thì đích thị, Giuse phải giữ trọn lề luật: tức phải tố cáo. Đàng này Phúc âm nói ngược lại, đến độ thánh Giêrôm khi dịch đến câu này từ Hi lạp qua La tinh đã phải thốt lên: “Làm sao Yuse lại được gọi là công chính khi anh che giấu tội của vợ mình ?”
Do đó muốn tránh 2 sa lầy trên và cộng với nhiều lý lẽ khác nữa, khiến ta phải hiểu thế này về người cha Yuse: Yuse đã biết Maria thụ thai bởi Chúa Thánh Thần (biết tác giả). Rồi vì là người công chính, nên điều gì của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa. Yuse chính trực không muốn giữ riêng làm vợ mình người mà Thiên Chúa đã thánh hiến bằng một sự can thiệp nhiệm lạ để dùng vào chương trình nhiệm lạ. Và rồi Yuse chính trực không muốn hưởng cái vinh dự không thuộc về mình: vinh dự làm cha đấng Thiên sai có gốc thần linh đó.
Đang bối rối như vậy thì Thiên thần bảo: “Đừng ngại nhận Maria làm vợ. Thật vậy dẫu con trẻ nơi lòng Maria là bởi Chúa Thánh Thần nhưng chính anh, Yuse, anh là người đặt tên cho trẻ” (vinh dự đặt tên thường dành cho người cha).
Ta nên nhớ lối giải thích mới này không phải là một sáng chế tùy hứng của các nhà giảng thuyết nhằm đưa ra những cắt nghĩa có tính đạo đức khuyến thiện, nhưng là lối giải thích của các nhà chuyên môn nổi tiếng mới đây, sau khi đã khảo sát tường tận ý nghĩa từng chữ, thể văn được dùng trong bản văn Tin Mừng và các thói tục địa phương thời Maria và Yuse.
Vì sao Yuse được tham dự vào chương trình của Thiên Chúa làm người, thay vì chỉ cần đến một người mẹ sinh một người con là đủ. Một trong những lý do thích đáng để trả lời câu hỏi đó là : vì Thiên Chúa muốn Chúa Con làm người trong một gia đình có cha có mẹ như hai mái chái của một căn nhà. Vì thế cho dù có sinh ra trong đêm khuya lạnh giá, nhưng sinh ra trong gia đình có cha có mẹ thì vẫn ấm áp tình thương.
Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho những gia đình sống tình yêu thương.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm