Chúa Nhật 4 MV: Tv 79
Suy Niệm Thánh Vịnh 79
1 Phần ca trưởng. Điệu : Bông huệ chứng tri. Của ông A-xáp. Thánh vịnh.
2 Lạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giu-se n
hư chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe !
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,
3 xin giãi sáng hiển linh cho dòng dõi Ép-ra-im,
Ben-gia-min và Mơ-na-se được thấy.
Xin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.
4 Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
5 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
đến khi nao Chúa còn nóng giận,
chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu ?
6 Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ,
nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan.
7 Ngài đã khiến chúng con thành cớ
cho lân bang cãi cọ tranh giành,
cho thù địch nhạo cười chế giễu.
8 Lạy Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
9 Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
10 Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng,
cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.
11 Bóng um tùm phủ xanh đầu núi,
cành sum sê rợp bá hương thần,
12 nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
13 Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn !
14 Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.
15 Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
16 bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
17 Những người đã hoả thiêu chặt phá,
Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.
18 Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.
19 Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
20 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
Đoàn chiên của Thiên Chúa kêu cầu ‘chủ chăn’: xin hãy lắng tai nghe… xin giãi sáng hiển linh… đến cùng chúng con… xin phục hồi chúng con. Tại sao Chúa không nghe lời chúng con kêu cầu nữa? Tại sao cơm con ăn là châu lụy, nước con uống là suối lệ? Tại sao địch thù chúng con vui mừng vì chúng con quỵ ngã?
Vườn nho của Thiên Chúa trước đây là đối tượng chăm sóc của Ngài...nhớ lại những điều thiện hảo của ngày xưa giúp gợi lên lòng tín thác trong lời cầu nguyện. Giờ đây, bị bỏ hoang tàn. Xin trở lại… xin ngó xuống mà xem… xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng… cúi xin Ngài ban cho được sống… để chúng con được ơn cứu độ!
Cùng Đọc Với Dân Israel
‘Lạy Mục Tử nhà Israel, xin hãy đến cứu độ đoàn chiên Ngài…’ Hình ảnh thật đẹp của người mục tử chăm sóc những con chiên và dẫn đưa đến đồng cỏ xanh tươi. Vị Vua tuyệt vời của Israel chính là Vua Đavít, cậu bé chăn chiên ở Bêlem. Nhưng này đây, chính Thiên Chúa đích thân được gọi là Mục Tử như biết bao nhiêu ngôn sứ đã loan báo (Gr 31,10; Is 40,11; Ed 34).
‘Cây Nho mà tay Ngài đã trồng’. Một hình ảnh nữa cũng thật đẹp trong truyền thống: cây nho là một trong những cây trồng đòi hỏi nhiều chăm bón nhất. Tình yêu của người trồng nho dành cho vườn nho của mình là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa (Is 5,1-7; Gr 2,21; 5,10; 12,10; Ed 15,1-8; Hs 10,1).
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Ta chính là mục tử nhân lành. Ta biết chiên của Ta (Ga 10,14). Thầy là cây nho, anh em là cành (Ga 15,5). Điệp khúc của Thánh vịnh:
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ
Chính Đức Giêsu là lời đáp trả của Thiên Chúa cho lời nguyện xin trên. Danh ‘Giêsu’ có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Và Đức Giêsu chính là khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt duy nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy. ‘Thiên Chúa không bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết’ (Ga 1,18). ‘Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời…Đức Giêsu là khuôn mặt tươi cười của Thiên Chúa với những tội nhân, là khuôn mặt cứu độ. ‘Vì Tôi không đến để để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’ (Mt 9,12).
Cùng Đọc Với Người thời Nay
Thánh vịnh này là một lời khẩn xin mang tính cộng đoàn. Lạy Chúa, chúng con đang sầu khổ, xin cứu thoát chúng con! Nên cầu nguyện thánh vịnh này ở số nhiều, nhân danh tất cả những ai đang phải trong cảnh ‘cơm ăn là châu lụy’.
Cho đến khi nào. Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,/ đến khi nao Chúa còn nóng giận,/ chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu? Quả là những câu hỏi bạo dạn! Thiên Chúa không chỉ ngạc nhiên trước những thắc mắc của chúng ta, nhưng chính Ngài còn là Đấng khơi gợi lên những điều ấy. Những câu hỏi tại sao? Tại sao tất cả những điều dữ xảy ra trong thế giới? Lạy Chúa, xin khơi dậy uy dũng của Ngài và đến cứu độ chúng con. Chúng ta còn nhớ một bài thánh ca Mùa Vọng: Lạy Chúa, xin hãy đến! Thế giới vắng bóng Thiên Chúa là một thế giới buồn. Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta sắp cử hành dịp Giáng Sinh là việc Thiên Chúa đến, việc Tình Yêu đến trong thế giới này. Noël không chỉ là mừng ngày sinh nhật của một trẻ thơ. Đó là hiện thực hóa trong thế giới hôm nay, việc Thiên Chúa đến, Đấng luôn luôn muốn sinh ra nơi đây.
Khủng hoảng thế giới…khủng hoảng Giáo Hội… Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang. Có bịt mắt lại cũng chẳng ích gì. Không phải chỉ thời nay dân Chúa mới rơi vào tình cảnh khủng hoảng. Ngày xưa, nơi dân tộc Israel, đã có thời chia rẽ giữa những chi tộc miền Bắc và miền Nam: hầu như luôn luôn có tranh chấp giữa Nam-Bắc, giữa giàu-nghèo…cuộc tranh chấp giữa các tầng lớp xã hội, giữa những quan điểm tôn giáo đối lập, giữa các sắc dân, giữa cha mẹ và con cái…Không còn gì được bảo vệ nữa: tường rào đã bị ngã đổ, và người ta đến phá hoại.
Đứng trước thực tế đó, tác giả thánh vịnh, dầu đau khổ nhưng không thất vọng, ông cầu nguyện. Ông thưa lên Chúa: Lạy Chúa…xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời…xin tươi cười nhìn đến chúng con. Và chắc chắn lời cầu nguyện sẽ được nhậm lời, vì ông đoan hứa: Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
Lễ Đêm: Tv 95
Suy Niệm Thánh Vịnh 95
1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu !
2 Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh !
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
4 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng,
khả tôn khả uý hơn chư thần,
5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
6 Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
7 Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
8 hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
9 và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
10 Hãy nói với chư dân : CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
12 ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
13 hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
Cùng Đọc Với Israel
Đây là thánh vịnh trong lễ đêm Giáng Sinh. Mời gọi ta hãy hát lên. Được lập lại ba lần ở đầu ba câu đầu tiên: ‘Hát lên mừng Chúa’.
Ai được mời gọi? Trước tiên là dân Thiên Chúa, Israel. Và Israel mới. Nhưng chúng ta lưu ý điều này là các tín hữu không có quyền giữ cho riêng mình ‘tin mừng cứu độ’. Noel phải được mừng với toàn thế giới. ‘Kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người’. Giáo hội, dân ca tụng Thiên Chúa, phải mang tính truyền giáo, nghĩa là có sứ vụ mời gọi mọi người đến mừng lễ Thiên Chúa, lễ mang tính phổ quát, thực sự công giáo. Nhưng không chỉ Israel mới có nhiệm vụ phải ca tụng. Các dân các nước…được mời gọi đến Đền thánh: ‘Hãy bưng lễ vật bước vào tiền đường’. Thánh điện của Thiên Chúa rộng mở cho mọi người. Không dành riêng cho người thanh sạch, cho các tín hữu. Thiên Chúa đến với tất cả mọi người. Trong niềm hứng khởi tác giả trong khi kêu mời Israel và toàn thể nhân loại, lập tức quay sang thiên nhiên và vũ trụ: trời, đất, biển, ruộng đồng, cây cối. Người ta trang hoàng mừng Noel với cây thông, với các ngôi sao, toàn thể tạo thành được dựng nên để đón tiếp Thiên Chúa. Tất cả dành cho Thiên Chúa. Và tác giả qua ngòi bút của mình đã phác họa một loại ‘thần lý học’, một loại kinh cầu tình yêu về những thuộc tính của Thiên Chúa: Người vĩ đại, duy nhất (chư thần các nước chỉ là hư ảo), sáng tạo, uy phong, huy hoàng, quyền lực, thánh thiện…
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Phải đọc thánh vịnh này như một kinh nguyện có cùng một ý nghĩa như ‘lời kinh Chúa dạy’: Nước Cha trị đến! Đó là kinh nguyện của Đức Giêsu. Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện.
Phải đọc thánh vịnh này với tâm hồn truyền giáo của Đức Giêsu: ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm cho muôn dân trở thành môn đệ’. Đừng giữ ‘tin mừng cho chính mình’. Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng! (1Cr 9,16).
Phải đọc thánh vịnh này cùng với các sứ thần ngày Giáng sinh đã hát vang trong đêm: ‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế’. Và cùng chung lời với các vị ta cùng ca lên: Trời hân hoan, đất vui mừng…
Phải đọc thánh vịnh này cùng với Đức Giêsu đấng tự xưng là vua: Ông là vua sao?... Chính ngài nói đó. Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến’. Vâng chúng ta hãy vui mừng vì ‘Ngài ngự đến’.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Vinh danh Thiên Chúa! Hãy thờ lạy Thiên Chúa. Chúa là Vua. Ước gì lời kinh nguyện của ta không quên tầm cao này. Tôn thờ, tâm tình thánh phục trước sự khám phá Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vượt lên trên mọi tư tưởng của con người. Và mạc khải Thiên Chúa nên gần gủi, trở thành một con người như chúng ta, trở nên một trẻ thơ, không làm mất đi tâm tình thờ lạy này: sự vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ hết mức trong tình yêu hạ sinh trong máng bò lừa.
Chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao. Hãy tiếp nhận từ do thái giáo bài học độc thần này. Duy chỉ mình Thiên Chúa là Đức Chúa. Tất cả còn lại, tất cả những gì mà ta bị cám dỗ thờ lạy, hoặc là mặt trời, mặt trăng, tinh tú hoặc bạc vàng hay khoa học… tất cả chư thần các nước đều chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa, con người trở thành nô lệ cho những điều đó. Khi tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, Ngài giải thoát chúng ta. Không có gì tuyệt đối ngoài Thiên Chúa. Thế giới hiện đại đang cần sự giải thoát này biết bao, con người ngày nay tự cho mình là chủ tể: ý thức hệ, đảng phái, xe cộ, nhà cửa, nghề nghiệp, bạc tiền…ta có nguy cơ hy sinh tất cả cho những thứ ấy!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ …cho mọi nước hay những kỳ công của Người. Có lẽ ta đánh mất nhiệt thành khi ta mang trong mình tin mừng cần loan báo. Tác giả thánh vịnh mời gọi ta hãy làm cho cả không gian nhận biết sứ điệp này (Trái đất, con người, mọi nền văn hóa) và cả thời gian (ngày qua ngày). Mỗi kitô hữu, bất cứ nơi nào họ sống, là một người loan báo tin mừng. Và nếu ta thấy ngại khi loan báo tin mừng, phải chăng ta không thấy đó là tin vui, tìn tốt lành cho chính mình? Nếu ta cảm thấy niềm tin của mình trước hết như là những lề luật, bó buộc phải làm, tốt hơn hết nên thinh lặng! Nhưng nếu đó là tin tốt lành cho ta, hãy loan báo trên nóc nhà!
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA…Diễn tả niềm hân hoan, như là lời mời gọi đối với ta. Theo thánh Tôma Aquinô, buồn là một tật xấu. Sự buồn phiền, nét mặt cau có làm cho người khác phải chịu đựng sự khó chịu của ta, đối nghịch lại Thiên Chúa. Cách thức đầu tiên để yêu thương là hãy mỉm cười.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
Lễ Rạng Đông: Tv 96
Suy Niệm Thánh Vịnh 96
1 CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !
2 Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.
3 Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
4 Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
địa cầu trông thấy mà run sợ ;
5 núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
vị Chúa Tể hoàn cầu.
6 Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
7 Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
huênh hoang vì những vật hư vô này.
Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi !
8 Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ ;
thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng
vì những phán quyết của Ngài, lạy CHÚA.
9 Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.
10 Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác,
Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung,
giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ.
11 Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.
12 Trước nhan thánh CHÚA, người công chính hãy vui mừng
tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ.
Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh về vương quyền của Thiên Chúa. Một lần nữa, Israel mời gọi ‘toàn thể trái đất’ gồm ‘các hải đảo xa xăm’ (đối với người do thái, sống trên đất liền là điều tốt nhất, còn các đảo là biểu tượng cho những gì ở xa, mất hút trong biển cả). Sự mời gọi này là lời hiệu triệu đến tham dự một lễ hội mừng vương quyền của Thiên Chúa.
Sự vĩ đại của Thiên Chúa được tuyên bố bằng những danh xưng: Chúa là vua, Chúa tể hoàn cầu, Đấng cao cả trên khắp địa cầu, Đấng Chí Thánh. Sự vĩ đại của Thiên Chúa biểu lộ trong một cuộc thần hiện như xưa ở Sinai: bão tố, mây phủ, lửa, ánh chớp, núi non rung chuyển và tan chảy như sáp! Sự biểu lộ cảm nhận được bằng giác quan về Thiên Chúa, xuất hiện giữa lòng những sức mạnh bất khả chế ngự của vũ trụ, gây nên hai hiệu quả đối nghịch nhau: - những ngẫu thần tan biến trước nhan Thiên Chúa đích thực duy nhất. ‘Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!’ – Những tín hữu, những kẻ công chính, vui mừng hoan hỉ, nhưng với một điều kiện là từ bỏ sự gian ác. ‘Hãy ghét điều gian ác!’ Do thái giáo không phải là một tôn giáo dạy những điều lừng khừng, nửa vời: phải chọn lựa lập trường.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
‘Chúa là vua’. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đó là ý muốn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Cả cuộc đời ngài sống chết vì Nước Cha.
Tuy nhiên, Đức Giêsu dù thân phận là Con Thiên Chúa, đã trút bỏ mọi vinh quang thần linh trong thời gian nhập thể: người do thái thời Đức Giêsu rất háo hức những cuộc thần hiện, Đức Giêsu đã từ chối: ‘Họ xin Ngài cho thấy một dấu lạ từ trời cao. Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giona. Rồi Người bỏ họ mà đi’(Mt 16 1-4). So với Cựu ước, Tin mừng hết sức cẩn trọng. Trong biến cố biến hình, một dấu chỉ của việc thần hiện được các thánh sử thuật lại: ‘bỗng có một đám mây bao phủ các ông’. Cũng thế khi loan báo vinh quang của mình khi bị đem ra xét xử trước tòa công nghị, Đức Giêsu cũng sử dụng ngôn ngữ kinh thánh: ‘Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến’(Mt 26,64; Kh 1,7).
Thánh Phaolô đã trích dẫn thánh vịnh này khi nói về việc nhập thể như một cuộc đăng quang: ‘Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người (Dt 1,6).
Nhất là ngày tận cùng khi Đức Giêsu đến trong vinh quang, thật gần với những gì được diễn tả trong thánh vịnh: ‘Khi Con Người đến trong vinh quang của Người…các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người…Vì như chớp lóe từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy’ (Mt 24,27.31).
Khi ấy, những kẻ công chính sẽ được hưởng vinh quang. Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: ‘Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái…’(Cl 1,11.12). Trong bản văn sách Công vụ nói về ngày Thánh Thần hiện xuống cũng dùng những hình ảnh: gió mạnh, lửa (Cv 2,2.3).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Trước nhan Thiên Chúa. Con đứng trước nhan Thiên Chúa hằng sống.
Năm lần, trong thánh vịnh, chúng ta được mời gọi đến trước nhan Thiên Chúa. Con người tự bản chất, không thể tự mình hiện hữu thật sự: sự hiện hữu của ta là nhờ vào Đấng Hiện Hữu. Người là Đấng Tự Hữu. Và tôi, tôi chỉ hiện hữu nhờ đứng trước nhan thánh Người.
Lửa như biểu tượng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong, đốt tiêu tan địch thù tứ phía. Ánh chớp của Người soi sáng thế gian, địa cầu trông thấy mà run sợ; núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan, vị Chúa Tể hoàn cầu. Con người thế kỷ XXI nhìn những hình ảnh ấy như có vẻ trẻ con. Nhắc ta nhớ đến bối cảnh câu chuyện thần thoại (về thần Prométhée, đã chiến thắng nhờ cách biết chế ngự lửa trời). Tuy nhiên, khoa học ngày nay, nếu có giúp ta cách chế ngự lửa một chút, thì cũng cho ta biết là ta đang sống trên những lò lửa khổng lồ: trung tâm trái đất là một lò lửa, thỉnh thoảng nổ tung lên thành núi lửa. Mặt trời là một khối cầu lửa, không gì đến gần mà không bị thiêu hủy. Trong cái lò lửa khổng lồ đó, bàn tay tạo hóa đã làm nên một nơi ấm áp để con người có thể sống, trái đất. Vâng, Thiên Chúa cho phép ta được hiện diện trước nhan Người. Người ban cho ta một không gian, một thời gian…để hiện hữu. Vậy thì quả là đáng buồn cười khi con người dám làm những điều xấu xa trước mặt Người.
Hãy ghét điều gian ác. Con người hiện đại thường sử dụng ngôn ngữ chiến tranh. Thánh kinh cũng vậy. Trong tôi và chung quanh tôi, tôi phải đấu tranh chống lại gian ác. Tôi phải kéo mình ra khỏi quyền lực của sự ác, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Đối với người công chính, một ánh sáng và một niềm vui được gieo xuống. Hình ảnh gieo hạt giống thường được Đức Giêsu sử dụng. Khác với lóe sáng của ánh chớp, Nước Thiên Chúa được ví như hạt giống được gieo vào đất, từ từ mọc lên. Ánh sáng và niềm vui của Thiên Chúa, được gieo vào trong lòng nhân loại, phải tin tưởng rằng nó sẽ lớn dần. Nhờ các dân ngoại xung quanh, Israel mới có thể tin rằng mình chính là ‘ánh sáng được gieo vào lòng thế giới’.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
Lễ Ban Ngày: Tv 97
Suy Niệm Thánh Vịnh 97
1 Thánh vịnh.
Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
vì Người đã thực hiện bao kỳ công.
Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh,
nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 CHÚA đã biểu dương ơn Người cứu độ,
mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ;
3 Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
mừng vui lên, reo hò đàn hát.
5 Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương !
7 Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
địa cầu với toàn thể dân cư !
8 Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào,
đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA.
9 Vì Người ngự đến xét xử trần gian,
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo lẽ công bình.
Cùng Đọc Với Dân Israel
Đừng bao giờ quên rằng các Thánh vịnh chính là khát vọng và lời nguyện cầu của dân Israel. Đây là một Thánh vịnh vương quyền: mỗi năm một lần, vào dịp Lễ Lều (nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc), tại Giêrusalem, người ta tổ chức Lễ hội trọng thể, không chỉ nơi Đền Thờ nhưng còn cả thành phố, vì người ta kết các ‘lều’ khắp nơi bằng những nhánh cây… Giêrusalem mừng Vua của mình. Điểm đặc biệt là Vị Vua không phải là một người nào đó trong dân, vì dòng tộc Đavít đã sụp đổ từ lâu, nhưng chính là Thiên Chúa. Thánh vịnh này là lời mời tham dự lễ hội với đỉnh cao là việc ‘tôn vinh đức vua’: Chúa ngự đến! tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương! Từ “Terouah” nguyên ngữ là tiếng hò la xung trận vào thời mà Đức Chúa dẫn đầu các đạo quân Israel chiến thắng địch thù…giờ đây là tiếng hò reo hân hoan hoà vang tiếng kèn, tiếng tù và, tiếng vỗ tay của đoàn dân phấn khởi.
Vì sao vui thế? Sáu động từ diễn tả hành động của Thiên Chúa. Năm động từ ở thời quá khứ hoàn thành, (vì trong ngôn ngữ do thái chỉ có hai thì, thì hoàn thành và thì chưa hoàn thành): vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh. CHÚA đã mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân ; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Vì Người ngự đến. Và ở câu kết một động từ Người ngự đến xét xử trần gian ở thì chưa hoàn thành, được dịch sang thời tương lai trong tiếng pháp (hành động sau cùng này Thiên Chúa đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành). Đừng quên ý tưởng về phổ quát tính của Israel: ơn cứu độ (ân tình và tín nghĩa) mà chính Israel đã được ân ban…cũng sẽ nhằm cho muôn dân nước: Đức Vua mà dân Israel tung hô là Vua của mình cũng sẽ là Vua thống trị toàn thể nhân loại. Không phải quá đáng khi Thánh vịnh mời gọi toàn thể vũ trụ, sông núi biển khơi hãy hát lên mừng Thiên Chúa.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Trước tiên đọc Thánh vịnh theo nghĩa đen như dân Israel đã làm, sau đó đọc Thánh vịnh dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô…và ta có thể nói, đọc nhân danh Đức Giêsu Kitô, với những tình cảm và kinh nguyện như chính Ngài đã có trong sứ mạng thực thi thánh ý Chúa Cha.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội thánh đọc Thánh vịnh này vào dịp Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày 8 tháng 12, giữa Mùa Vọng, bởi vì sự kiện Trinh Thai là khởi đầu của tiến trình dẫn đến Noёl, Thiên Chúa cứu độ đến ở với con người. Vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, ta hát Thánh vịnh của Isaia có cùng một chủ đề như Thánh vịnh này. “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi…Hãy tạ ơn Đức Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người loan báo giữa muôn dân, và nhắc nhở: danh Người siêu việt. Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó phải cho toàn cõi đất được tường. Dân Xion hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ítraen quả thật là vĩ đại!” (Isaia 12)
Chúa đến! Israel có lẽ không ngờ rằng việc Thiên Chúa đến lại được thực hiện theo cách thức như thế này. Noёl, lễ mừng Con Thiên Chúa đến gian trần trong thân phận con người. Ý tưởng của Thánh vịnh này cũng có trong Thánh vịnh 95, được hát mừng vào dịp lễ đêm Noёl.
Mạc khải Thiên Chúa tình yêu tín trung. Ngôi Lời nhập thể là biến cố lịch sử mạc khải cho thấy tình thương Thiên Chúa dành cho Israel và trải rộng trên mọi dân nước, nơi Đức Giêsu.
Giao Ước mới, giải thoát mới! Phải hát một ‘bài ca mới’ vì Thiên Chúa tái lập giao ước của Ngài: cử hành việc Thiên Chúa đến là một dấu chỉ, một bí tích. Khi người ta tôn vinh Thiên Chúa là Vua, không phải nhờ vậy mà ngài được mang tước vị Vua (bởi vì Ngài là vua từ muôn thuở) nhưng người ta hiện tại hóa vương quyền của ngài. Mừng lễ Noёl là làm cho việc Chúa đến được thực hiện ngay hôm nay.
Ơn cứu độ Ngài đã dành sẵn cho chư dân! Cụ già Simêon cũng đã ca tụng bằng những lời này… ‘vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân’ (Lc 2,30) và chính Đức Giêsu khi gần đến lễ Vượt Qua của Ngài cũng đã nói: ‘Tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi’ (Ga 12,32)…Và Đức Giêsu không phải chỉ chết thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (Ga 11,52). Viễn ảnh mang tính phổ quát kia sẽ được thực hiện trong Đức Kitô, giờ đây được loan báo trước trong niềm hy vọng của một dân tộc, đã dám lên tiếng mời gọi “toàn cõi đất…toàn thể địa cầu…toàn thể dân cư…cùng họp tiếng reo mừng Terouah: lễ hội hoàn vũ! Chúng ta cùng với mọi người hân hoan ca hát đến dự lễ hội, cùng chung một ngày, cùng một Thiên Chúa, cùng một Tình Yêu cứu độ mọi người.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Đến lượt ta, đừng ngần ngại chi! Hãy mang các nhạc cụ đến và hãy trổi lên khúc tán tụng ca cùng với tiếng vỗ tay tung hô. Sao lại có những người đôi lúc ngạc nhiên vì giới trẻ ngày nay khi cử hành lễ hội diễn tả niềm vui bằng những tiếng động ồn ào? Có thời gian dành cho sự cầu nguyện trong thinh lặng. Có thời gian dành cho việc chiêm niệm. Nhưng cũng cần có thời gian cầu nguyện trong tiếng hoan ca tưng bừng.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch