Suy Niệm Thánh Vịnh 127 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ tư - 26/12/2018 02:46
1181
Suy Niệm Thánh vịnh 127
1 Ca khúc lên Đền.
Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA,
ăn ở theo đường lối của Người.
2 Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,
bạn quả là lắm phúc nhiều may.
3 Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái ;
và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,
xúm xít tại bàn ăn.
4 Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người.
5 Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời
bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,
6 được sống lâu bên đàn con cháu.
Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình.
Cùng Đọc Với Israel
Thánh Vịnh này thuộc nhóm Thánh Vịnh lên đền, được hát khi các khách hành hương tiến lên đền thánh Giêrusalem. Từ năm 12 tuổi, hàng năm Đức Giêsu đều lên Giêrusalem để dự lễ và cũng đã hát thánh vịnh này. Đoạn kết là lời chúc lành mà các tư tế tuyên đọc trên những khách hành hương ngay khi họ đến: Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc, ước chi trong suốt cả cuộc đời…
Qua thánh vịnh này chúng ta có một ca khúc đồng quê thật giản dị và tươi mát. Đó là cảnh ‘hạnh phúc trong nhà’ một gia đình được diễn tả với nội thất giản dị: những con người trong đó sống đạo đức (tôn thờ Chúa, tuân giữ luật Chúa…) vui tươi trong sinh hoạt lao động (là một hạnh phúc, ngay cả với người làm việc trí óc, tự tay mình làm) và trong tình yêu hôn nhân và gia đình …
Đối với Israel là điều kinh điển khi nghĩ rằng người đạo đức và công chính chỉ hạnh phúc và được thưởng công ngay đời này qua sự thành đạt của họ. Đôi khi chúng ta xét đoán những hạnh phúc vật chất là tầm thường và xem chúng như thứ cấp. Chính bởi vì chúng ta được giáo dục xưa nay trong một chủ nghĩa rất duy tâm. Tư tưởng thánh kinh thực tế hơn nhiều: thánh kinh không ngừng quả quyết rằng Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để ta được hạnh phúc, và ngay từ đời này…Tại sao lại phật lòng khi thấy người khác hạnh phúc? Tại sao không tạ ơn Thiên Chúa và cầu mong sao mọi người đều được hạnh phúc như vậy?
Dĩ nhiên chúng ta đừng rơi vào thái cực đối nghịch, của những bạn hữu của ông Gióp, một quan niệm rõ ràng như hai với hai là bốn: đạo đức thì hạnh phúc, còn gian ác thì khốn khổ! Nhưng chúng ta biết rõ rằng cả những người công chính cũng có thể thất bại và đau khổ và những kẻ bất lương lại thành đạt. Đau khổ không phải là một hình phạt…là một sự kiện. Và sự thành đạt của con người chưa chắc là bằng chứng của nhân đức.
Nhưng từ trong thâm tâm, người công chính vẫn thấy mình là người hạnh phúc nhất, ít là trên bình diện thiêng liêng, ‘Hạnh phúc thay bạn nào tôn thờ Chúa’.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
‘Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người’. Đức Giêsu đã nói: ‘Phúc thay ai…Phúc thay ai…’ Đó là những mối phúc. Đức Giêsu cũng hứa ban hạnh phúc: ‘Phúc cho ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành’.
‘Hiền thê ngươi… và bầy con ngươi’. Một lý tưởng cho đôi bạn đời. ‘Sự gì Thiên Chúa đã liên kết con người không được phân ly’ (Mc 10, 2.16). Chúng ta cũng thấy Đức Giêsu yêu mến trẻ thơ, người đã chúc lành cho chúng.
Những so sánh mầu nhiệm: Đức Giêsu có một hiền thê là Giáo Hội (Kh 19,7-21,2); (Mt 9,15-25,1); (Ga 3,29); (2 Co 11,2) và con cái, ngài đã nuôi dưỡng xung quanh bàn tiệc Thánh Thể, chính do ‘tay ngài làm’, nhờ công trình tử nạn mà con cái được no nê và hạnh phúc.
Vườn nho cũng là hình ảnh về Giáo Hội, hình ảnh diễn tả mối liên kết tình yêu giữa Đức Giêsu và nhân loại: ‘Ta là cây nho, anh em là cành…để anh em sinh nhiều hoa trái’ (Ga 15). ‘Này con, hãy đi làm vườn nho cho cha’ (Mt 21,28).
‘Bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh’, Đức Giêsu đã khóc thương Giêrusalem, và cầu chúc cho Giêrusalem được hạnh phúc (Lc 19,41). Thánh Gioan loan báo một ‘thành thánh Giêrusalem mới’ từ trên trời mà xuống như người tân nương hạnh phúc (Kh 21,2.27).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
‘Kính sợ Chúa và ăn ở theo đường lối của Người’… Cha Teilhard de Chardin có viết một chương tuyệt vời về những nguyên tắc căn bản của hạnh phúc, mà cha tóm lại trong ba từ: hiện hữu, yêu thương, kính thờ.
Hiện hữu. Để được hạnh phúc, trước tiên phải hành động chống lại khuynh hướng buông xuôi, không muốn cố gắng một chút nào…Tinh thần được xây dựng cách miệt mài qua và vượt lên trên đời sống vật chất này. Đó là ý nghĩa của lao động, làm việc…
Yêu thương. Để được hạnh phúc, cần phải chống lại tính ích kỷ, đóng kín mình lại, hoặc thâu tóm người khác dưới sự thống trị của mình. Đó chính là hình ảnh ‘gia đình’.
Kính thờ. Để được hạnh phúc, hoàn toàn hạnh phúc, cần phải di chuyển từ cực hạn hẹp của cuộc sống đến cực lớn hơn, để đến được miền của những niềm vui trường cửu, khám phá ra Đấng Cao Cả tự hữu đang thu hút chúng ta…để tùy thuộc cuộc sống mình vào Sự Sống lớn lao hơn sự sống của chúng ta: đó là thái độ kính thờ. Chúng ta tháp nhập và tùy thuộc vào Toàn Thể (vũ trụ) rất trật tự, mà chúng ta chỉ là một phần bé nhỏ có ý thức. Một trật tự vượt trên chúng ta đón chờ chúng ta. Lý tưởng của con người trước hết là phát triển chính mình…rồi trao ban cho người khác ngang hàng với mình…và sau cùng quy phục và dâng hiến cả cuộc sống mình cho Đấng cao cả hơn mình: hiện hữu, yêu thương và kính thờ là những giai đoạn của hạnh phúc chúng ta.
Hôn lễ…tình yêu phu phụ…Những thực tại thần linh. Chúc lành của Thiên Chúa. Tình yêu con người là điều tốt, được tạo dựng bởi thiên Chúa, được Ngài ước muốn. Ta có thể cầu nguyện thánh vịnh này bằng cách nghĩ đến những người chúng ta yêu thương, bằng cách cầu nguyện cho họ được hạnh phúc, cho họ biết yêu nhau. Hai hình ảnh, cây nho và cây ô-liu gợi lên niềm vui: là những cây ăn quả đặc trưng của Đông Phương…tặng ban cho con người rượu và dầu. Hình ảnh ‘con cái xúm xít quanh bàn ăn’ có thể giúp ta cầu nguyện cho con cái chúng ta, để chúng biết yêu thương huynh đệ, để giảm bớt đi những chống đối giữa cha mẹ và con cái.
Công việc nghề nghiệp…thành phố …xã hội. Hạnh phúc của Giêrusalem là điều kiện cho hạnh phúc của các gia đình do thái. Mỗi người nam, nữ, mỗi gia đình, mỗi nhóm không thể xây dựng hạnh phúc cho mình chống lại hạnh phúc kẻ khác. Chiều kích xã hội của cuộc sống con người luôn được kinh thánh nhắc đến: tôi cầu nguyện cho đất nước của tôi, cho các tổ chức mà tôi đang dấn thân vào, cho thành phố nơi tôi sinh sống, cho những người đồng hương với tôi.
Hạnh phúc…Tiếc thay chúng ta thường hay có khuynh hướng chỉ nghĩ đến Thiên Chúa khi ‘có rắc rối, khi có điều không hay xảy ra, giống như Thiên Chúa là giải pháp ‘lấp chỗ trống’ cho những yếu đuối, thất bại của chúng ta. Ta đang trình bày một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa khi xem Người như ‘một động cơ phụ giúp’ cho những khả năng hạn hẹp của chúng ta. Cần phải biết dâng lời chúc tụng, lời cầu nguyện vui tươi, vui vì mọi sự đều tốt lành, và biết thưa tiếng ‘cám ơn’.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch