Suy niệm chú giải Lời Chúa Lễ Thánh Gia - Lm. Inhaxio Hồ Thông
Thứ ba - 25/12/2018 21:55
1261
LỄ THÁNH GIA
Lễ Thánh Gia nhắc chúng ta nhớ những năm tháng thầm lặng của Đức Giê-su trong thời thơ ấu và niên thiếu, dưới mái ấm gia đình của thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a. Đây là một gia đình thánh mẫu gương của tất cả mọi gia đình.
Hc 3: 3-7, 14-17a
Hiền nhân Do thái, ông Si-rác, khuyên con cái phải có lòng thảo kính cha mẹ, nhất là khi các ngài già yếu.
Cl 3: 12-21
Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu Cô-lô-xê thực hành trong cộng đoàn, nhất là trong gia đình, các nhân đức như là lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, yêu thương. Đó là những mối dây liên kết tuyệt hảo.
Lc 2: 41-52
Tin Mừng Lu-ca tường thuật chuyện tích Đức Giê-su lên mười hai tuổi ngồi giữa các tiến sĩ Luật, trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
BÀI ĐỌC I (Hc 3: 3-7, 14-17a)
Vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, một hiền nhân Do thái, ông Si-rác, mở trường dạy học và ghi lại những thành quả của những kinh nghiệm và những suy tư của ông. Tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Híp-ri và được cháu của ông dịch sang Hy ngữ vào năm 150 trước Công Nguyên.
Tác phẩm này là “cẩm nang đạo đức thực hành” dành cho người Ít-ra-en nào muốn trung thành với đức tin của cha ông mình, không để cho mình bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa dân ngoại chung quanh, đặc biệt là sức lôi cuốn mãnh liệt của sự khôn ngoan Hy lạp. Trong sách ông bàn đến nhiều chủ đề rất đa dạng, được tô điểm bởi những thành ngữ rất dễ nhớ, và rất được Do thái giáo mến chuộng. Giáo Hội sử dụng sách này đến mức sách có biệt danh là “Giảng Viên”.
Tác giả cho thấy mình rất gắn bó với Lề Luật. Theo ông, việc thực hành Lề Luật là nguồn mạch của sự khôn ngoan. Trong chương 3, ông Si-rác khai triển một trong những huấn lệnh của Thập Giới, liên quan đến bổn phận của con cái đối với cha mẹ: “Ngươi hãy thờ kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20: 12; Đnl 5: 16).
1.Lòng hiếu thảo mang chiều kích phổ quát:
Bổn phận thảo kính cha mẹ thuộc vào những truyền thống rất lâu đời của các nền văn hóa, được các tôn giáo và triết học ca tụng. Những lời khuyến dụ của hiền nhân Ít-ra-en rất gần với những bản văn cổ của các nền văn hóa lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ và Hy-lạp. Ở Việt Nam, lòng thảo kính của con cái đối với cha mẹ được truyền tụng trong những thành ngữ cao dao, ví dụ như:
“Công cha như núi Thái Sơn;
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha;
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Như vậy lòng thảo kính của con cái đối với cha mẹ mang chiều kích phổ quát.
2.Lòng hiếu thảo mang chiều kích siêu việt:
Huấn lệnh của Thập Giới về lòng hiếu thảo không chỉ thuộc về trật tự tự nhiên, nhưng cũng là chương trình của Đấng Tạo Hóa. Đời sống gia đình ở Ít-ra-en không chỉ nhằm lưu truyền nòi giống của tổ phụ Áp-ra-ham, nhưng cũng truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ khác đức tin của cha ông vào một vị Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã tỏ mình ra. Chính vì Thiên Chúa “làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3: 2) nên Ngài ban những lời chúc phúc cho con cái có lòng thảo kính cha mẹ mình.
3.Những ân phúc của tấm lòng hiếu thảo:
“Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ”: Đây là lời chúc phúc truyền thống nhất, cuộc sống trường thọ được xem là quý giá nhất vào thời đó, thời mà những niềm hy vọng ở bên kia nấm mồ đã chưa được biết đến ở Ít-ra-en. Ngạc nhiên hơn, và thuộc trật tự khác, chính là lời hứa: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm”, cũng như “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (kho báu chứa đựng ơn tha thứ của Thiên Chúa). Cách diễn tả này tương tự với câu 14: “Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con”.
Trong Do thái giáo thời hậu lưu đày, người ta rất nhạy bén với khái niệm tội lỗi và rất bận tâm đến sự thanh sạch nội tâm. Ông Si-rác thuộc vào những thế hệ này, họ suy niệm giáo huấn của các ngôn sứ; vì thế, ông cũng đề cao việc thực hành các nhân đức hơn việc tế tự bên ngoài. Về phương diện này, ông còn đi xa hơn khi gán cho việc thực hành lòng hiếu thảo của Thập Giới một giá trị hy tế xá tội. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra một sự khác biệt: trong khi các ngôn sứ đặc biệt bận lòng đến ơn cứu độ tập thể, các hiền nhân quan tâm hơn đến ơn cứu độ cá nhân. Sau cùng, chúng ta cũng nên ghi nhận rằng hiền nhân này cẩn thận viện dẫn những nghĩa vụ không chỉ đối với cha mà còn đối với mẹ nữa. Phải nói rằng đây là một trường hợp họa hiếm trong Cựu Ước, ở đó thường là chỉ mình người cha được nêu lên.
BÀI ĐỌC II (Cl 3: 12-21)
Như thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thư gởi tín hữu Cô-lô-xê được thánh Phao-lô viết khi thánh nhân bị giam cầm giữa năm 61-63 Công Nguyên.
1.Bối cảnh:
Thành phố Cô-lô-xê, được định vị ở Tiểu Á, cách thành phố Ê-phê-xô 200 cây số về hướng đông, đã thấy xuất hiện một cộng đoàn Ki-tô hữu, cộng đoàn này được một người bạn đồng hành và cũng là môn đệ của thánh Phao-lô thiết lập. Những giáo lý sai lạc, những suy luận về các quyền năng của các thiên thần, những lối sống khắc khổ, cũng như những khuynh hướng Do thái giáo, gây nguy hiểm cho niềm tin của cộng đoàn non trẻ này. Thánh Phao-lô đang bị cầm tù nên không thể đích thân đến tận nơi được, vì thế ngài gởi một bức thư cho các tín hữu Cô-lô-xê. Trong thư này, thánh nhân tập trung giáo huấn của ngài vào Đức Ki-tô và quy chiếu cuộc đời Ki-tô hữu vào điểm cốt yếu: sống kết hiệp với Đức Ki-tô, noi gương Đức Ki-tô, thực hành đức ái và các nhân đức thường ngày.
Vào ngày lễ Thánh Gia hôm nay, đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-xê này mời gọi chúng ta suy gẫm về đời sống gia đình: “Hãy có lòng xót thương, nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau”.
2.Giáo Huấn:
Đức ái Ki-tô giáo là nguồn mạch của sự hiệp nhất và bình an trong cộng đoàn, huống chi trong cộng đoàn nhỏ bé của gia đình, ở đó tình yêu phải là “mối dây liên kết tuyệt hảo”. Theo thói quen của mình, thánh nhân mời gọi các tín hữu “để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng”.
Đoạn trích kết thúc với vài nguyên tắc đặc thù về những bổn phận giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, mà thánh Phao-lô khai triển trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô 5: 21-32. Chúng ta nên nhớ rằng lời khuyên “người làm vợ hãy phục tùng chồng” được đặt vào trong bối cảnh văn hóa thời đó, như trước đây nền văn hóa cổ truyền Việt Nam chúng ta: đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam trước đây được quy định bởi “tam tòng”: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
TIN MỪNG (Lc 2: 41-52)
Giai thoại mà thánh Lu-ca kể trong Tin Mừng hôm nay chiếu soi một luồng ánh sáng trên những năm tháng cuộc đời ẩn dật của Đức Giê-su, giữa việc cha mẹ dâng tiến Ngài trong Đền Thờ vào lúc Ngài được sáu tuần lễ và việc Ngài lãnh nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả vào lúc Ngài ba mươi tuổi.
1.Cách thức đào tạo tôn giáo ở Ít-ra-en:
Được đặt vào trong khung cảnh tôn giáo và văn hóa Do thái, dáng điệu Đức Giê-su ngồi giữa các tiến sĩ Luật, ở Giê-ru-sa-lem, khi Ngài lên mười hai tuổi, không có gì là lạ lùng cả. Tất cả những thiếu niên Ít-ra-en đến mười hai tuổi đều trở thành “con cái của Lề Luật”. Từ nay, các em được tham dự vào cộng đoàn phụng vụ và được dự phần vào buổi cầu nguyện chung.
Việc đào tạo tôn giáo cho con cái cốt yếu là bổn phận của cha mẹ trong gia đình, và được bổ túc bởi việc dạy dỗ ở hội đường, vào ngày sa-bát. Các kinh sư thường mở trường dạy học và người ta có thể nghĩ rằng họ quan tâm đến việc đào tạo những “con cái của Lề Luật” tương lai. Ở Giê-ru-sa-lem, các tiến sĩ Luật hình thành nên một loại hội đường ở bên trong Đền Thờ; họ dạy trên các hành lang. Theo truyền thống dạy dỗ kinh sư, để đối thoại với học viên, họ khuyến khích các học viên nêu lên những câu hỏi hay tự mình đặt ra những câu hỏi cho các học viên.
Ông Flavius Josephus, sử gia Do thái (35-95 AC) kể lại một kỷ niệm thời niên thiếu của ông, giúp soi sáng đặc biệt giai thoại của Tin Mừng Lu-ca. Khi cậu Flavius Josephus đến tuổi “con cái của Lề Luật”, cậu theo đuổi một năm đào tạo tôn giáo. Các kinh sư đòi cậu đến giữa họ để đặt câu hỏi cho cậu và tranh luận với cậu. Thật ra, cậu Flavius Josephus thuộc một gia đình danh giá chốn kinh thành Giê-ru-sa-lem, còn Đức Giê-su chỉ là một cậu thiếu niên khiêm tốn làng Na-da-rét; tuy nhiên, sự kiện chứng thực rằng các tiến sĩ Luật Giê-ru-sa-lem niềm nở tiếp đón mọi trẻ em, tôn trọng những suy nghĩ của chúng, lắng nghe và hướng dẫn chúng. Sau này, trong khi thi hành sứ vụ công khai, tinh thần đối thoại rất sinh động này được phản ảnh rõ nét nhất trong những cuộc tranh luận trong đó giai cấp lãnh đạo Do thái đặt ra những câu hỏi và Đức Giê-su trả lời. Qua những câu trả lời của Ngài, chúng ta nhận ra những nét đặc trưng của Ki-tô giáo so với Do thái giáo.
2.Ơn gọi được khẳng định:
Người ta có thể luôn luôn tự hỏi về mầu nhiệm ý thức mà Đức Giê-su có về ơn gọi của mình, về địa vị Con Thiên Chúa của mình: ý thức này được phát triển như thế nào? Ngài có thật sự hoàn toàn ý thức về sứ mạng của mình khi còn rất bé chứ? Dù sao ở Giê-ru-sa-lem vào lúc mười hai tuổi, Ngài vẫn cảm thấy thoải mái trong nhà của Cha Ngài như nhà của mình; Ngài bày tỏ trí thông minh và sự hiểu biết tôn giáo phi thường trước tuổi mình. “Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”, nghĩa là, không chỉ những tiến sĩ luật, nhưng những học viên, và ngay cả đám đông trong sân Đền Thờ cũng dừng lại để lắng nghe cậu thiếu niên Giê-su này đối đáp với các chuyên viên Lề Luật. Sau này, sự thông hiểu của Đức Giê-su, sự quán triệt Kinh Thánh của Ngài sẽ làm kinh ngạc những vị lãnh đạo Do thái giáo: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa như thế” (Ga 7: 15); còn dân chúng sửng sốt về lời dạy của Ngài: “Vì Người dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7: 28).
Giai thoại Đức Giê-su ngồi giữa các tiến sĩ Luật hàm chứa hai lời dạy: tinh thần siêu thoát đối với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se và dấu chỉ tiên báo mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm Thương Khó, đoạn mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài vào ngày thứ ba.
3.Tinh thần siêu thoát:
Phải chăng đây là cuộc hành trình đầu tiên của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem vào dịp cử hành một trong những đại lễ hằng năm? Người ta có thể tự hỏi điều này. Dù sao Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se vẫn để cho con trẻ nhiều tự do. Nghi lễ đã hoàn tất, đoàn hành hương đến từ Ga-li-lê lại lên đường trở về khoảng ba đến bốn ngày đường, theo từng nhóm.
Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se vất vả tìm kiếm Đức Giê-su ròng rả suốt hai ngày; đến ngày thứ ba họ mới tìm thấy Ngài. Mẹ Ngài nói với Ngài về những vất vả lo lắng trong khi tìm kiếm Ngài: “Con ơi, sao con lại cư xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” rốt cuộc để chỉ nghe được câu trả lời của Ngài bày tỏ khoảng cách giữa họ với Ngài: “Sao cha mẹ lại tìm con?”. Ngài nhắc lại bổn phận làm con đích thật của Ngài, bổn phận này nối kết bất khả phân giữa Ngài với Thiên Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Ngay từ lúc này, Ngài để cho thoáng thấy ý nghĩa cuộc đời Ngài: Ngài đến để mặc khải Chúa Cha; Ngài phải thi hành ý muốn của Cha Ngài. Đồng thời Đức Giê-su cũng ghi nhận những khoảng cách của Ngài đối với cha mẹ trần thế của Ngài: tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a, tình phụ tử của thánh Giu-se phải nhường bước trước sứ mạng cao cả và mầu nhiệm hơn của người con này mà Thiên Chúa đã trao gởi cho họ. Dù “ông bà không hiểu lời Ngài vừa nói”, tuy nhiên “riêng mẹ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Với câu ghi nhận này, thánh Lu-ca chỉ cho chúng ta một trong những nguồn sách Tin Mừng về Thời Thơ Ấu của Đức Giê-su mà thánh ký đã đón nhận, hoặc từ chính Đức Trinh Nữ, nếu thánh ký đã đích thân gặp gỡ Mẹ, hoặc qua thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu mà Mẹ đã sống cùng (Ga 19: 25-27) và chắc chắn đã thổ lộ một số lượng kỷ niệm với người môn đệ này.
4.Dấu chỉ:
Sau hai ngày tất tả tìm kiếm, “vào ngày thứ ba” họ mới tìm thấy Ngài. Không thể không đọc thấy ở nơi những sự kiện và những lời này, một dấu chỉ báo trước những đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu trong biến cố Tử Nạn và những lần gặp lại Ngài cũng vào ngày thứ ba sau khi Ngài sống lại. Không tác giả Tin Mừng nào tường thuật Đấng Phục Sinh hiện ra với Mẹ mình. Phải chăng người ta có thể nói rằng việc ghi nhận Đức Ma-ri-a gặp lại Ngài ở đây ẩn chứa một cuộc gặp gỡ của Mẹ Ngài với Ngài khi Ngài sống lại? Hơn nữa, việc ghi nhận này được định vị ngay sau lễ Vượt Qua mà Đức Giê-su vừa mừng lễ ở Giê-ru-sa-lem…