Suy niệm hằng ngày tuần XX thường niên - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 20/08/2017 06:23  2598
Thứ Hai tuần XX Tn
Thánh Piô X

Giuse Sartro sinh năm 1835 tại Treviso (bắc Ý), chết tại Roma 20.08.1914. Giám Mục Mantova (1884) và Thượng Phụ Giáo Chủ Venezia (1893), lên ngôi Giáo Hoàng với danh hiệu Piô X. Ngài bảo vệ tính toàn vẹn của giáo lý đức tin (soạn quyển giáo lý mới), khuyến khích việc rước lễ của các em thiếu nhi, khởi đầu việc canh tân giáo luật, chú ý đến việc đào tạo các linh mục, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào thánh kinh, cổ vũ việc canh tân phụng vụ và thánh ca.
+++
Sống trung kiên
Ngay khởi đầu sách các Thủ lãnh ta thấy cách tổng quát lịch sử của dân được tuyển chọn trong suốt thời gian này. Như một lược đồ mang tính thần học, vừa làm buồn lòng vừa làm vững lòng người đọc. Tất cả bắt đầu bằng sự bất trung của con người, tuy nhiên cũng nhờ đó mà lòng trung tín của Thiên Chúa được tỏ hiện và chiến thắng.
Bất trung của con người. ‘Hồi ấy con cái Israel đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa’. Câu này được lập đi lập lại như một điệp khúc trong suốt quyển sách. Dân Israel vô ơn với Thiên Chúa, chạy theo các thần tượng khác hầu mong thỏa mãn những khát vọng ngay tức khắc của họ. Họ bỏ Chúa và muốn phục vụ thần Baal. Hậu quả là cơn giận và hình phạt của Chúa: ‘Đức Chúa nỗi cơn thịnh nộ với Israel và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột’. Israel lại rơi vào tình cảnh bị đàn áp, nô lệ, vì lỗi của họ. Họ khẩn cầu Chúa và Chúa động lòng thương vì những tiếng kêu rên xiết của dân Ngài và Ngài đã ban cho họ các ‘Thủ lãnh’, nghĩa là những đầu lĩnh, nắm vững tình hình và chiến thắng quân áp bức, vì Chúa ‘ở với vị thủ lãnh và Ngài cứu họ khỏi tay quân thù’. Đáng tiếc thay tình trạng bất trung lại tái diễn: sau khi vị thủ lãnh chết, dân Israel lại làm điều dữ trước mắt Thiên Chúa, và tình trạng lại càng tồi tệ hơn: lại bị đàn áp, rồi lại kêu van. Và Chúa lại chạnh lòng thương.
Thiên Chúa huấn luyện dân Ngài để họ hối cải, quay về tin tưởng vào Ngài trong mọi cảnh huống, tin tưởng vào Ngài cho dù bao tội lỗi đã phạm, quay về với Chúa nhân từ để gặp lại được sự sống viên mãn. Lòng trung thành của Thiên Chúa vượt trên sự bất trung của con người.
Bài tin mừng hôm nay thêm vào một bài học về lòng trung thành của con người, khi cần đến sự hổ trợ của Thiên Chúa. Anh chàng thanh niên muốn biết xem con đường nào tốt để được sự sống đời đời. Đức Giêsu trả lời: ‘Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn’. Cần lòng trung thành của con người, để đón nhận tất cả mọi ân sủng của Thiên Chúa. Chàng thanh niên vẫn luôn tuân giữ các điều răn, nên tiếp tục hỏi: ‘Tôi còn thiếu điều gì nữa không?’ Câu trả lời của Đức Giêsu thật nghịch lý, như vẫn thường thấy. Anh chẳng còn thiếu điều gì, anh có quá nhiều. Điều anh thiếu là tự làm cho mình nghèo đi những của cải trần gian để sẳn sàng cho tình yêu Thiên Chúa. ‘Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi’.
Phúc cho ai khó nghèo vì Nước Trời là của họ. Tách mình khỏi mọi dính bén là tạo khoảng trống cho kho tàng đích thực: đấy là bí quyết để được sống đời đời. Tách khỏi chính bản thân mình để nhận sự sống của Đức Kitô: ‘Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi’. Là một cuộc hành trình dài hơi, không chút dễ dàng, nhưng đầy hy vọng. Đức Giêsu muốn thông ban cho ta niềm vui của Ngài: ‘Để niềm vui của Thầy trong anh em và để niềm vui của anh em được tràn đầy’. Điều đó ta sẽ nhận được nếu biết tách khỏi dính bén vật chất để lãnh nhận tình yêu quảng đại của Đức Kitô.

Thứ Ba tuần XX Tn
Lễ Đức Maria Nữ Vương
Khi một dân tộc bị đàn áp hay bị một dân khác cai trị, tình trạng của họ như đang nằm trong bóng tối. Khắc khoải của một con người cũng là một loại bóng tối. Mỗi lần một dân tộc hay một người nằm trong bóng tối, họ đi tìm ánh sáng giải phóng, hy vọng mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng.
Khi một dân tộc bước đi trong bóng tối, thường hay suy nghĩ rằng Thiên Chúa bỏ rơi mình. Là một kết luận sai lầm, vì ngược lại điều suy nghĩ đó, chính dân tộc từ bỏ Thiên Chúa. Khi một dân tộc hối cải, tìm quay lại con đường ngay chính, họ có thể bước đi trong ánh sáng và có niềm hy vọng.
Đôi lúc niềm hy vọng này đặt trên việc sinh hạ một trẻ thơ. Đối với các dân tộc miền bắc Palestina, sự xâm lăng của quân Assiri là bóng tối và nỗi buồn, nhưng lời tiên báo của ngôn sứ Isaia về việc sinh hạ một trẻ thơ mang lại niềm hy vọng. Việc một trẻ thơ sinh hạ hướng nhìn về một vị vua tương lai, tràn đầy khôn ngoan và cẩn trọng, một vị chiến binh anh hùng dân tộc. Với quyền lực, Ngài sẽ mang lại hòa bình cho dân và như thế bóng tối sẽ biến thành ánh sáng.
Cộng đoàn kitô giáo hội sơ khai nhìn vào trẻ Giêsu Nagiarét như người mang lại niềm hy vọng. Đức Maria sinh hạ niềm hy vọng, được chúc tụng là Nữ Hoàng thiên quốc. Đức Giêsu không phải là vị chiến binh cũng chẳng phải là anh hùng. Tuy nhiên, Ngài dạy sự khôn ngoan. Hy sinh cho dân tộc. Tuyên bố một nền hòa bình mà thế gian không thể ban tặng được. Ngài không phải là vị vua theo trí tưởng tượng của dân tộc.
+++
Lời giáo huấn bổ túc này về điều các môn đệ phải làm giải thích cho đoạn tin mừng về chàng thanh niên giàu có.
Một câu cách ngôn do thái nói rằng không ai có thể thấy ngay cả trong giấc mơ một con voi chui qua lỗ kim. Đức Giêsu soạn lại câu cách ngôn ấy. Các môn đệ phản ứng làm thế nào có thể được, và Đức Giêsu nói với họ rằng những đòi hỏi của Ngài quả thật vượt quá sức của con người, nhưng không phải là điều không thể với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đấng đã sai Con Mình đến ‘loan báo tin mừng cho người nghèo’ (Lc 4,18).
Phêrô, ít là theo tin mừng thánh Matthêô, thưa: ‘Thưa Thầy, này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? Khi ấy Đức Giêsu nói về một thế giới mới được diễn tả theo thị kiến của Đaniel về việc Con Người ngự đến (Đn 7,9). Các Tông đồ được chia sẻ quyền năng mà Chúa Cha ban cho Đức Giêsu. Mathêô nhấn mạnh đến tính nhưng không trong việc tuyển chọn của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta được nên những người thừa hưởng bất xứng.
+++
Cách Chúa chọn
Qua ơn gọi của Ghêđêon (bài đọc 1) ta nhận ra cách thức lạ lùng Thiên Chúa chọn những khí cụ của Ngài để can thiệp vào trong lịch sử của dân Ngài. Ghêđêon không phải là một nhân vật nổi bật, chính ông đã nhắc nhớ Thiên Chúa về thân phận thấp bé của mình: ‘Thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này dòng họ con thấp kém nhất trong chi tộc Mơnassê, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con’.
Tại sao Thiên Chúa lại chọn một dụng cụ yếu hèn như thế, từ một gia đình đáng thương như thế? Cách thức Thiên Chúa làm, sau này ta sẽ còn thấy, khi Ghêđêon chiến đấu chống lại quân Mađian. Thấy họ mạnh mẽ nên ông đã tập họp toàn thể con cái Israel; và một số đông đã nghe lời ông sẳn sàng chiến đấu: ba mươi hai ngàn người. Thiên Chúa đã nói gì? ‘Đám dân ở với ngươi quá đông’. Tại sao lại quá đông? Quân Mađian hùng hậu hơn nhiều, có lẽ ba mươi hai ngàn người cũng không thể đánh lại! Nhưng Thiên Chúa đã nói không, vì có lẽ Israel sẽ huênh hoang tự đắc: ‘Chính tay tôi đã cứu tôi’. Thế nên Thiên Chúa đã bảo Ghêđêon ra lệnh cho những ai sợ hãi và run khiếp hãy trở về nhà. Chỉ còn lại mười ngàn người. ‘Dân này vẫn còn đông!’ Và Ngài đã đưa ra một thử thách: hãy nhìn xem cách thức những người uống nước. Ba trăm người đã uống nước cách khác thường, họ đã được tuyển chọn. Số người càng ít lại càng làm rạng rỡ quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa.
Thiên Chúa thường chọn các người cộng sự của Ngài theo kiểu này. Thánh Phaolô khi nói về ơn gọi của mình đã nhận xét: ‘Chúng tôi mang kho tàng ấy trong những bình sành để biết rằng quyền năng phi thường đến từ Thiên Chúa chứ không do chúng tôi’. Đây là điều quan trọng: con người không thể tự gán cho mình điều mà trong thực tế do bởi Thiên Chúa. Sẽ là án phạt cho chính bản thân, bởi vì con người tự khép mình trong kiêu căng, không sống trong dòng suối tình yêu của Thiên Chúa, tự tách mình ra khỏi nguồn mạch thiện hảo, không có niềm vui đích thực và tràn đầy. Trái lại, nếu con người chấp nhận tình trạng khiêm tốn, thì có thể lãnh nhận tất cả sự phong phú ân sủng của Thiên Chúa.Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều đó. Bị thử thách, Phaolô đã cầu xin Chúa giải cứu, nhưng được nghe câu trả lời: Ơn ta đủ cho con; quyền năng Ta được thể hiện trong sự yếu kém. Đó là quy luật cho mọi hành động của Thiên Chúa.
Thế nên ta đừng vội nản lòng khi thấy mình yếu đuối, bất tài, khi mà những phương tiện của ta xem ra không xứng hợp với công việc được giao phó, khi trăm ngàn gian khó ập đến mà với sức con người không làm sao vượt nỗi. Thay vì than van, chúng ta hãy tuyên xưng niềm cậy tin phó thác. Nếu ta tìm công việc của Thiên Chúa với tình yêu, Ngài sẽ tỏ ra cho chúng ta quyền năng và lòng nhân lành của Ngài, sẽ ban cho những nỗ lực khiêm tốn của ta những thành quả tông đồ thật phong phú.

Thứ Tư tuần XX Tn

Dụ ngôn này chỉ duy mình Matthêô thuật lại, khai triển chủ đề về người rốt hết thành người đứng đầu, trong bối cảnh quen thuộc về vườn nho là Israel, dân tuyển chọn của Thiên Chúa (Is 5,1).
Ông chủ muốn tìm thợ làm vườn nho cho mình, ông không sai một nhân viên đi làm việc đó nhưng chính ông ra ngoài quảng trường để tìm thợ và rồi trở ra trở lại nhiều lần cho công việc này.
Cho dù những kẻ đầu hết là người do thái, những kẻ rốt hết là dân ngoại, hoặc các dân tộc từ phương đông phương tây (Mt 8,11), điều quan trọng là phải hiểu rằng không có ai bị loại trừ ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa đi đến tận cùng người hèn kém nhất, để đón tiếp tất cả mọi người, ngay cả vào giờ thứ mười một: không có lý do gì mà than trách lòng quảng đại của Thiên Chúa.
Có lẽ Giona cần phải học bài học này liên quan đến dân thành Ninivê. Như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nói: ‘Làm cho Chúa Cha hiện diện như là tình yêu và lòng thương xót là, trong tâm tư của chính Đức Giêsu, sự xác minh nền tảng về sứ mạng của Đấng Cứu Thế’ (Thiên Chúa giàu lòng thương xót, 3).
+++
Sống khiêm tốn
Ta nhận thấy trong Kinh thánh không thiếu những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa hiện thực. Điều đó giúp ta không quá đề cao những thiết định của con người, bằng cách cung cấp những cái nhìn đối nghịch nhau, tránh rơi vào những phấn khích quá dễ dàng.
Trong bài đọc 1, câu chuyện ngụ ngôn của Giôtham trình bày việc thiết định nền quân chủ một cách xấu xa, mang tính mỉa mai châm chọc. Cây cối nói với Giôtham rằng chúng muốn đặt một vị vua. Dĩ nhiên để đặt lên làm vua, chúng phải tìm một cây có phẩm chất và khả năng, vì nhà vua phải là vị tối ưu. Chúng đề nghị với cây ô-liu, sinh ra dầu quý, dinh dưỡng, trị liệu, tỏa hương thơm và thắp sáng. Nhưng cây ôliu khước từ. Chúng lại đề nghị cây nho: ‘Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi’, nhưng cây nho cũng khước từ. Tại sao? Tại vì tất cả các cây này quan niệm quá thấp về vai trò của vị vua; chúng nói rằng vị vua ‘đu đưa trên cây cối’. Cây ôliu nói: ‘chẳng lẽ tôi lại bỏ dầu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời được tôn trọng, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao’? Như thế diễn tả vai trò của vị vua: đu đưa trên người khác. Cây vả cũng từ khước như thế.
Một bài học về sự khiêm tốn cho những con người tham vọng quyền lực để ‘ở trên đầu trên cổ’ người khác. Cần ý thức về sự thiếu thốn của mình. Cai trị tự nó không phải là hoạt động sinh hoa quả; nếu không có những người khác cộng tác, thì người lãnh đạo chẳng ích lợi gì. Đàng khác, là những người quản lý, điều khiển, thủ lãnh chính trị cần phải làm sao để những nỗ lực của những cộng sự viên góp phần vào việc chung chứ không tiêu hao đi vì chia năm xẻ bảy hoặc vì đối nghịch nhau. Quyền hành nhằm phục vụ, một phục vụ hiệu quả, chứ không phải là một loại đu đưa trên đầu kẻ khác, không phải là việc trục lợi ích kỷ những khả năng của kẻ khác, không phải là một sự thống trị vì kiêu căng. Quyền hành nhằm phục vụ. ‘Ai làm lớn giữa các ngươi, hãy làm người rốt hết và phục vụ mọi người’ (Lc 22,26). Sự cao cả đích thực hệ tại việc phục vụ cách khiêm tốn, bằng yêu thương. Đó là sự cao cả của Đức Kitô, Đấng không nghĩ phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết trên thập giá (x.Pl. 2,8tt). Tự hạ mình để phục vụ mọi người, hiến mạng sống cứu chuộc mọi người, trở nên người Tôi Tớ của Giavê, trở nên người anh em và Chúa của chúng ta nhờ vào việc phục vụ này.

Thứ Năm tuần XX Tn
Thánh Batôlômêô
Philíphê và Nathanaen là hai đồ đệ mới của Đức Giêsu. Người thứ nhất được gọi cách trực tiếp; người thứ hai, qua trung gian một bạn hữu. Cả hai đã gặp Đức Giêsu. Cuộc gặp gỡ này mang lại một kinh nghiệm đức tin, một đổi thay trong tư cách, một chiều kích mới khi nhìn mọi sự, mở ra cho họ nhiều khả năng khác. Nhưng cũng là một dứt khoát với quá khứ, bước vào một thế giới mới, một nẻo đường mới, bởi lẽ đi tìm Đức Giêsu chính là tìm chân lý, tìm ánh sáng. ‘Hãy đến mà xem’. Đi vào đời sống thân tình với Đức Giêsu nghĩa là khám phá lối sống của Ngài, bằng cách sống với Ngài…nghĩa là sống với mọi người anh em. Chỉ trong đời sống cộng đoàn, trong sự quan tâm đến cách sống của người khác, trong việc chung sống và liên đới với họ, mà chúng ta dần dần có được kinh nghiệm đức tin. ‘Các anh sẽ thấy trời mở ra’. Thiên Chúa liên hệ với con người qua Đức Kitô, Đấng muốn gần gũi với con người, là một người giữa họ, cắm lều giữa họ. Theo nhãn quan đó, trời cao đến giữa chúng ta nhờ Đức Giêsu, qua mức độ chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Thật nhiều điều kỳ diệu chúng ta sẽ thấy được và cảm nghiệm được nếu chúng ta thật lòng đi theo Đức Giêsu.
Gặp gỡ Đức Giêsu không hạn chế, không ép buộc đời sống của những ai đến với Ngài. Ngài mở mắt và mở lòng họ. Đưa ta ra khỏi óc cục bộ, địa phương chật hẹp để dẫn chúng ta vào một chân trời vô tận. Nơi đây cũng thấy hình thành một tình huynh đệ đặc biệt xoay quanh Đức Giêsu và việc này ngày nay vẫn còn tiếp diễn trên thế giới. Anrê, một trong hai môn đệ đã gặp Đức Giêsu, đi tìm em mình và đưa đến với vị Thầy mới. Đến lượt Philíphê cũng thế, kể lại cho Nathanaen cuộc gặp mặt thật ý nghĩa với Đức Giêsu. Lòng ngay thẳng của Nathanaen, dù được Đức Giêsu khen, không đủ để cứu ông. Chỉ có cuộc gặp mặt với vị ngôn sứ thành Nagiarét mới soi sáng lòng của con người chính trực này. Đức Giêsu hứa rằng ông sẽ được thấy những điều cao trọng hơn nữa.
+++
Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn tiệc cưới, được ghi lại trong tin mừng Mathêô và Luca, nhưng với cái nhìn khác. Bối cảnh tin mừng của hai vị thánh sử này là vấn đề chung sống giữa những người kitô gốc do thái và những người dân ngoại trở lại. Người do thái theo luật xưa không được đồng bàn với dân ngoại. Nên ngay sau khi đã gia nhập cộng đoàn kitô, nhiều người do thái vẫn còn giữ tập tục ấy. Thánh Phêrô cũng đã gặp chống đối trong cộng đoàn Giêrusalem, vì đã vào nhà Cornêliô, một người ngoại giáo và đồng bàn với ông (Cv 11,3). Trong cộng đoàn của thánh Mathêô và Luca, vấn đề trên có khác đôi chút. Trong cộng đoàn thánh Luca, tuy khác biệt về chủng tộc, địa vị xã hội, họ có một lý tưởng cao cả là chia xẻ và hiệp thông (Cv 2,42; 4,32; 5,12). Do đó trong tin mừng (Lc 14,15-24) dụ ngôn nhấn mạnh đến sự kiện là lời mời gọi dành cho mọi người. Ông chủ tiệc, nổi giận vì những người đầu tiên được mời không chịu đến, nên sai đầy tớ mời những người nghèo, què, đui mù, vào dự tiệc. Thế mà vẫn còn dư chỗ. Thế là ông chủ ra lệnh ‘ra các đường làng, ép người ta vào đầy nhà cho ta’. Trong tin mừng thánh Mathêô, phần đầu của dụ ngôn (Mt 22,1-10) có cùng một cái nhìn giống như Luca. Ông chủ ra lệnh mời mọi người bất luận tốt xấu (Mt 22,10). Nhưng phần cuối thêm vào một phần khác (Mt 22,11-14) về y phục lễ cưới, nhấn mạnh về điều riêng biệt của người do thái, sự cần thiết thanh sạch để có thể xuất hiện trước mặt Thiên Chúa.
Mt 22, 1-2: Mời gọi mọi người. Nhiều thủ bản cho rằng dụ ngôn được kể cho các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân. Việc xác quyết này có thể được dùng như chìa khóa cho việc đọc bản văn, vì nó giúp ta hiểu vài điểm trong chuyện kể của Đức Giêsu. Dụ ngôn bắt đầu: ‘Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình’. Gợi lên niềm hy vọng: ước mong của dân chúng muốn lưu lại với Thiên Chúa mãi mãi. Nhiều lần trong các tin mừng ám chỉ đến niềm hy vọng này, Đức Giêsu là con Vua, là chàng rễ đến chuẩn bị tiệc cưới (Mc 2,19; Kh 21,2; 19,9).
Mt 22,3-6: Những kẻ được mời không muốn đến dự. Nhà vua hết lòng mời, nhưng người được mời lại không đến. ‘Kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết’. Trong tin mừng Luca, chính các bận tâm công ăn việc làm ngăn trở họ đến. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm. Người thứ hai: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây. Người thứ ba: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được’ (x. Lc 14,18-20). Theo phong tục tập quán thời đó, những người này có quyền không chấp nhận lời mời (x. Đnl 20,5-7).
Mt 22,7: Một cuộc chiến khó hiểu. Phản ứng của nhà vua trước sự từ chối làm ta sửng sốt. ‘Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng’. Phải giải thích làm sao cái phản ứng đầy bạo lực của nhà vua? Dụ ngôn nói cho các thượng tế và kỳ mục trong dân, những người có trách nhiệm trong nước. Nhiều lần Đức Giêsu nói với họ về sự cần thiết phải cải hối. Ngài đã thương khóc thành Giêrusalem: ‘Phải chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngưoi được Thiên Chúa viếng thăm’ (Lc 19, 41-44). Phản ứng bạo lực của nhà vua trong dụ ngôn có lẽ liên hệ đến biến cố này theo lời tiên báo của Đức Giêsu. Bốn mươi năm sau, Giêrusalem bị phá hủy (Lc 21,6).
Mt 22,8-10: Tiệc cưới không bị hủy bỏ. Nhà vua cho mời đến lần thứ ba. Ngài sai các đầy tờ và nói: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai bất luận tốt xấu, cũng tập họp cả lại, nên phòng tiệc cưới dã đầy thực khách’. Những kẻ xấu, xem như là những kẻ ô uế, bị loại trừ không được tham dự phụng tự do thái, giờ đây cũng được nhà vua mời để dự tiệc. Theo ngữ cảnh lúc bấy giờ, những kẻ xấu là dân ngoại. Họ cũng được mời dự tiệc.
Mt 22,11-14: Y phục lễ cưới. Nhà vua vào phòng tiệc và thấy một người không mặc y phục lễ cưới. ‘Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới. Người ấy câm miệng không nói được gì’. Chuyện kể rằng người ta trói tay chân hắn và quăng vào chỗ tối tăm. Kết luận: ‘Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng đây là một dụ ngôn thứ hai được thêm vào để làm giảm nhẹ cái ấn tượng của dụ ngôn thứ nhất, trong đó nói đến những kẻ xấu và người tốt vào dự tiệc cưới. Cho dầu nhận rằng không phải việc tuân giữ lề luật chắc chắn sẽ mang lại ơn cứu độ, nhưng là niềm tin vào tình thương nhưng không của Thiên Chúa, vẫn cần thiết phải có lòng thanh sạch để có thể đến với Thiên Chúa.

Thứ Sáu tuần XX Tn

Trong lời đáp Đức Giêsu trích sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5) và sách Lêvi (Lv 18,18). Không ai có thể phản đối gì về tính chính thống của câu trả lời của Chúa, nhưng tầm quan trọng mà Chúa đặt ngang nhau cho hai giới răn này (yêu Chúa và yêu người) lại gây kinh ngạc nơi thính giả, chính là điều cốt lõi của kitô giáo. Để minh họa Đức Giêsu không chọn hình ảnh một người do thái mà lại là một người xứ Samaria. Điều này có hậu quả ngay cả về mặt phụng tự, bởi lẽ người kitô hữu cần phải giao hòa với anh em trước khi dâng lễ vật (Mt 5,24).
Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatican II rất rõ ràng về điểm này: ‘Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô’ (LG 42).
+++
Đức Giêsu đang ở tại Giêrusalem, chính xác là trong đền thờ nơi xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với các đối thủ là các thượng tế và ký lục (20,18; 21,15), với các thượng tế và kỳ mục trong dân (21,23) và với các thượng tế và biệt phái (21,45). Đề tài tranh luận: căn tính của Đức Giêsu, nguồn gốc căn tính của Ngài và từ đó vấn đề về bản chất triều đại Thiên Chúa. Thánh sử trình bày tổng họp các cuộc tranh luận theo nhịp điệu ngày càng gay gắt: việc nộp thuế cho Xêda (22,15-22), việc kẻ chết sống lại (22,23-33), điều răn trọng nhất (22,34-40), Đấng Cứu Thế, là con và Chúa của Đavít (22,41-46). Những nhân vật chính trong ba cuộc tranh luận đầu là những người đại diện cho do thái giáo chính thống tìm cách bắt bí Đức Giêsu. Họ xem Ngài như vị Thầy (Rabbi). Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để dẫn họ đến trước câu hỏi chính yếu: lập trường của họ về căn tính của Ngài (22,41-46).
Điều răn trọng nhất. Theo cách thức của các ký lục đi trước, các người biệt phái đặt câu hỏi cho Đức Giêsu về điều răn trọng nhất. Xét vì các biệt phái luôn nêu lên sự việc có quá nhiều điều luật nên họ đã đặt câu hỏi như thế. Tuy nhiên chính họ cũng sáng tạo một cách áp dụng nguyên tắc tổng quát vào trường hợp cụ thể để có thể giảm thiểu số lượng hết sức có thể: Đavit liệt kê 11 giới luật (Tv 15,2-5), Isaia 6 điều (Is 33,15), Mikêa 3 điều (Mk 6,8), Amos hai điều (Am 5,4), Khabacuc chỉ một điều (Kb 2,4). Nhưng trong ý hướng của những người biệt phái, vấn đề vượt lên trên việc giảm thiểu như thế. Họ muốn hỏi đến điều căn bản cốt yếu của các giới luật. Đức Giêsu đã liên kết tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, cả hai nên một. Đức Giêsu đã làm một việc giản lược: kẻ thực hành giới luật yêu thương không chỉ là đúng theo lề luật mà còn hợp với tinh thần các tiên tri nữa.
+++
Lời đáp trả của Đức Giêsu cho ông tiến sĩ luật về giới răn cao trọng nhất thật minh bạch, thật thỏa đáng. Giới răn cao trọng nhất là giới răn tình yêu: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi; ngươi phải yêu người thân cận như chính mình’.  Ta lưu ý một vài điều.
Điều thứ nhất là Đức Giêsu đã không chọn một điều trong Thập giới, một trong mười giới luật. Có lẽ sẽ bình thường hơn: theo sách Thánh mười giới răn đã được Thiên Chúa mạc khải cho, được khắc trên hai bia đá; đây chẳng phải là những điều quan trọng sao? Đức Giêsu đã không trích một giới luật nào, nhưng đã chọn một đoạn văn sách Đệ Nhị Luật và một đoạn từ sách Lêvi. Tại sao?
Ta có thể đoán ra điều đó nếu ta suy tư về bản chất của mười giới răn. Là một danh sách những điều luật cấm: không trộm cắp; không giết người, không làm chứng dối; không tham lam…Những chỉ dẫn: giữ ngày Sabát; phải thảo kính cha mẹ…diễn tả những điều kiện cần thiết để không đi ra ngoài tương quan với Thiên Chúa.
Trái lại Đức Giêsu đã chọn những chỉ dẫn tích cực, năng động, thúc giục chúng ta tiến tới trước: Ngươi phải yêu mến hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Yêu mến người thân cận không giới hạn…Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu chứng minh cho ta thấy Đức Giêsu hiểu người thân cận là ai: mỗi người phải là người cận thân của mọi người đang túng thiếu mà mình gặp.
Một điều lạ khác nữa là câu hỏi của người thông luật chỉ nhằm đến một điều luật thôi: Điều răn nào là điều răn trọng nhất và trong câu trả lời Đức Giêsu lại thêm vào một điều thứ hai: Ngươi phải yêu người thân cận. Và còn kinh ngạc hơn nữa, Đức Giêsu tuyên bố là điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất. Có ai dám nghĩ điều đó? Đối với chúng ta, chúng ta thấy hai điều hoàn toàn khác biệt nhau. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi: Thiên Chúa là chính sự toàn hảo, toàn thiện, không có bất cứ một khiếm khuyết nào, nên cần phải được mọi người yêu mến, điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Trái lại: Ngươi phải yêu người thân cận: con người đây khuyết điểm, đáng thương nhiều lúc còn chống đối nữa…Làm sao có thể nói được điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất được? Đức Giêsu đã tuyên bố như thế, toàn bộ tin mừng, toàn bộ Tân ước đều đi theo chiều hướng này: tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu ta dành cho Thiên Chúa. Yêu thương người cận thân, chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự; không yêu thương người cận thân chúng ta không thể nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa. Dòng suối yêu thương xuất phát từ Thiên Chúa, chúng ta không đón nhận cách thụ động cho chúng ta mà thôi. Nếu ta làm thế ta sẽ không nhận được thực sự tình yêu của Thiên Chúa. Ta phải đón nhận dòng suối ấy cách năng động, nghĩa là ta không thể yêu thực sự Thiên Chúa nếu ta không chấp nhận yêu thương cùng Thiên Chúa mọi sinh vật, mọi người mà Thiên Chúa yêu mến. Chỉ có như thế chúng ta mới ở trong tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu của Thiên Chúa mới nên tuyệt hảo nơi ta, như thánh Gioan đã nói.
Điều mạc khải này cho biết mục đích toàn bộ đời sống của ta. Nếu ta thực sự là kitô hữu, ta chẳng có chương trình nào khác là: tiến bước trong tình yêu. Mỗi người phải tìm hình thức tình yêu phù hợp với ơn gọi của mình, không có hai hình thức hoàn toàn giống hệt nhau trong tiến trình của tình yêu; tuy nhiên tất cả chúng ta đều hiệp nhất với nhau trong chính định hướng tình yêu này. Không có giới luật nào khác. Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa…Ngươi hãy yêu thương người cận thân của ngươi. Được hiệp nhất trong tình yêu đó là lý tưởng kitô giáo.
Bài đọc thứ nhất chuẩn bị một bài học tin mừng, vì chứng tỏ cho thấy làm sao một người phụ nữ dân ngoại (Rút là người đàn bà Móab), không thuộc dân tuyển chọn của Thiên Chúa, đã tỏ bày tình cảm trung thành và nhân hậu đối với người mẹ chồng góa bụa và đơn độc, nhờ vậy mà được đặc ân của Thiên Chúa, trở thành tổ mẫu theo dòng Đavít của Đức Kitô. Tình yêu đối với người cận thân và tình yêu đối với Thiên Chúa liên kết chặt chẽ với nhau.

Thứ Bảy tuần XX Tn

Có nguy cơ, chúng ta hãy trung thực. Là nguy cơ nơi mỗi trải nghiệm tôn giáo: nguy cơ trở nên khô khan, cứng rắn, quên mất điều thiết yếu và chỉ quan tâm đến điều không cần thiết. Như thế, Đức Giêsu xét đoán cách nghiêm khắc thái độ của các biệt phái, các tiến sĩ luật, các ký lục mà Ngài biết thẩm quyền của họ, bằng cách mời gọi hãy nghe theo các giáo huấn của họ nhưng đừng theo những việc làm của họ. Lý do mà nhiều người không tin vào Chúa không phải là chính sự bất nhất của chúng ta đó sao? Và chúng ta kitô hữu, nhiều lần, chúng ta đã không lừa dối bằng cuộc sống của ta những lời mà ta tuyên xưng đó sao? Tất cả chúng ta đã gặp những kitô hữu nhiệt thành mà trong thực tế những hoàn cảnh, lại cho thấy họ là những con người tồi tệ nhất! Họ rao giảng lòng nhân từ nhưng lại xét đoán cách nhẫn tâm. Họ nói phục vụ nhưng chỉ nhằm làm lợi cho riêng mình. Họ hy sinh thời giờ cho Chúa nhưng lại bất nhã và hà tiện với người.
Và Đức Giêsu dạy ta phải sống cách nhất quán như thế nào: đừng phô trương đức tin, đừng tự cho mình là thầy và là người chỉ đạo có khả năng giảm thiểu trong đời thường Lời Chúa nhắm cho ta và xét đoán ta, nhưng hãy sống phục vụ lẫn nhau. Hãy sống ngày sống của mình theo chân lý của tin mừng.
+++
Thánh Bênađô
Sinh tại Dijon, Pháp năm 1090. Chết tại Clairvaux 20.08.1153. Một trong những tổ phụ của Dòng Xitô. Vì vâng phục và lợi ích của Giáo Hội Ngài thường rời tu viện yên tỉnh để dấn thân vào những vấn đề chính trị tôn giáo của thời đó. Là thầy dạy đường thiêng liêng và huấn luyện nên nhiều thế hệ các vị thánh. Các bài giảng giải thích Kinh Thánh và phụng vụ là tư liệu thần học đời sống đan viện. Có lòng sùng kính đặc biệt với Đức Maria và nhân tính của Đức Kitô.
 
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập282
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm250
  • Hôm nay39,430
  • Tháng hiện tại497,386
  • Tổng lượt truy cập46,858,990

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây