Suy Niệm Thánh Vịnh 84
Thánh vịnh 84 – Xin ơn bình an và cứu độ
1 Phần nhạc trưởng. Của con cái ông Cô-rắc. Thánh vịnh.
2 Lạy CHÚA, Ngài đã tỏ lòng thương thánh địa,
tù nhân nhà Gia-cóp, Ngài dẫn đưa về.
3 Tội vạ dân Ngài, Ngài tha thứ, mọi lỗi lầm, cũng phủ lấp đi.
4 Ngài dẹp trận lôi đình và nguôi cơn thịnh nộ.
5 Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con,
xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa.
6 Phải chăng Ngài giận mãi không thôi,
đời lại đời cứ nuôi cơn thịnh nộ ?
7 Nào chẳng phải chính Ngài
sẽ lại làm cho chúng con được sống
để dân riêng được hoan hỷ trong Ngài ?
8 Lạy CHÚA, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa,
và ban ơn cứu độ cho chúng con.
9 Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán,
điều CHÚA phán là lời chúc bình an
cho dân Người, cho kẻ trung hiếu
và những ai hướng lòng trí về Người.
10 Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa,
để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta.
11 Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ,
hoà bình công lý đã giao duyên.
12 Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp,
công lý nhìn xuống tự trời cao.
13 Vâng, chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
14 Công lý đi tiền phong trước mặt Người,
mở lối cho Người đặt bước chân.
Cùng Đọc Với Israel
Một động từ được lập lại 5 lần: dẫn về! Thánh vịnh này hoàn toàn được ghi dấu bằng chủ đề ‘đưa về, dẫn về’ này. Rõ ràng tình cảnh làm phát sinh lời cầu nguyện này chính là việc những người lưu đày được trở về từ Babylon. Người ta dựa trên một biến cố lịch sử, được xem như một hành động tha thứ của Thiên Chúa, để cầu xin Ngài một ân huệ mới. Sau niềm hân hoan của việc đoàn người tù nhân đầu tiên được giải thoát trở về, người ta lại nhanh chóng rơi vào nỗi thất vọng của cái ‘thường ngày’: việc tái thiết Đền Thờ bị trì hoãn và các địch thù không ngừng quấy phá những người mới hồi hương (Es 4,4).
Dàn bài của Thánh vịnh rất rõ ràng:
Khổ thơ thứ nhất nhắc lại những can thiệp của Thiên Chúa trong quá khứ: 6 động từ ở thời quá khứ (hoàn thành trong tiếng do thái) tất cả đều có chủ từ là Thiên Chúa.
Hai khổ thơ tiếp theo diễn tả lời cầu nguyện cho hiện tại, được tóm gọn trong hai lời thỉnh cầu: ‘dẫn chúng con về…(trở) lại làm cho chúng con…’
Sau cùng, tác giả thánh vịnh hồi tâm để lắng nghelời đáp trả của Thiên Chúa dưới hình thức một sấm ngôn: Vâng, Thiên Chúa hứa sẽ trở lại mang theo ân phúc.
Trên bình diện văn chương, ta có thể ngưỡng mộ cách chơi chữ bằng những điệp ngữ. Mười một từ được lập đi lập lại: trở lại, ơn cứu độ, tình thương, tín nghĩa, công lý, cơn giận, ban cho, trái đất, dân, phán…hòa bình…
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu, khi đọc thánh vịnh này, chắc phải nghĩ rằng chính ngài là đấng thực hiện cách hoàn hảo điều mà con người khao khát đợi chờ. Con người thưa: ‘Lạy Chúa, Ngài có trở lại không? Họ đâu biết rằng Thiên Chúa đã quyết định ‘trở lại’ thật sự. Và Đức Giêsu, biết rằng Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa, là ‘hạt mầm của trái đất’ qua mẹ Maria, nhưng cũng ‘nhìn xuống từ trời cao’ do nguồn gốc thần linh của Ngài.
Ta lưu ý bốn lần thực hiện thánh vịnh này trong Tin Mừng:
‘Điều Chúa phán là lời chúc bình an’. Ngay khi Đức Giêsu vừa sinh hạ, sứ điệp bình an đã được các sứ thần hát lên nhân danh Thiên Chúa (x.Lc 2,14).
‘Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ’. Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ (x. Mt 1,21)
‘Vinh quang của Ngài hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta’ (x. Lc2,32; Ga 1,14).
‘Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ’. Ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có (Ga 1,17).
Sau cùng, ngay trung tâm của thánh vịnh có một từ ngữ được nêu bật: ‘Tôi lắng nghe’ điều Thiên Chúa phán. Không ngạc nhiên sao khi nghĩ rằng chính Đức Giêsu được thánh Gioan trình bày như là Ngôi Lời, Lời, nơi Thiên Chúa muốn nói với ta tất cả những gì Người muốn nói (x.Ga 1,1-14).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Quá khứ, hiện tại, tương lai. Như dân Israel đã nhớ lại những kỳ công trong quá khứ (Thiên Chúa đã làm) để tự nhủ rằng Thiên Chúa không bỏ rơi họ, thật ích lợi cho ta trong những ngày gặp thử thách, để nhớ lại những ân huệ đi theo ta từ thời niên thiếu đến tuổi trưởng thành, quá khứ của ta. Trong ý nghĩa đó ta có thể hiện tại hóa khổ thơ đầu của thánh vịnh: ‘Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con điều này…Ngài đã làm cho con điều kia…Ngài cũng đã tha thứ cho con…’
Trái đất đáp lại trời cao, trời cao đáp lại trái đất. Lời khẳng định ‘Tín nghĩa mọc lên từ trái đất, công lý nhìn xuống từ trời cao’, không phải chỉ là một hình ảnh đẹp, nhưng còn là một định nghĩa của ‘tôn giáo’ nữa: nối kết, đặt mối tương quan, trái đất và trời cao, con người và Thiên Chúa. Các tháp chuông cũng như các hình nghệ thuật tôn giáo trên thế giới đều hướng lên trời cao như dấu chỉ biểu tượng. Ta lưu ý sự táo bạo của thành ngữ này: ‘Tín nghĩa mọc lên từ trái đất’. Đã từng có thời người ta có khuynh hướng hạ thấp con người, như thể con người hoàn toàn không có khả năng khám phá ra chân lý. Thánh kinh thì lạc quan hơn và hiện đại hơn, nói cho ta biết về cuộc hội ngộ này: trái đất tìm kiếm trời cao và trời cao tìm kiếm trái đất…Thiên Chúa và con người hướng về nhau, tìm kiếm nhau. Ta xem một trong những vòm hình cung nhọn (kiến trúc) của các vương cung thánh đường: ta thấy hai đường gân cung tìm gặp nhau, cái này tựa lên cái kia và không thể đứng vững một mình. Ân sủng và tự do rất cần thiết. Ân sủng mà không có đáp trả của con người hóa thành khô cằn. Nỗ lực của con người mà không có ân sủng chỉ dẫn đến thất bại. Vâng, lạy Chúa, xin nghiêng mình về bên con đang khi con cố gắng làm phát triển cuộc đời của con.
Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên. Có sự bình đẳng nào trong cuộc gặp gỡ và ‘hôn nhau’ này. Ta luôn đặt đối nghịch nhau các thực tại này. Ví dụ, ta nhấn mạnh về đức ái và ta rơi vào một loại chủ nghĩa chủ quan làm ta bỏ qua những chân lý thiết yếu. Hoặc là khi ta quá bảo vệ chân lý mà ta quên đi đức ái hết sức đơn sơ cụ thể nhất làm cho những địch thù mà ta không đồng thuận. Cần phải nối kết nơi ta cả hai ‘chân lý và tình yêu’ để chúng ta không rơi vào óc bè phái cũng không ngã vào thói đa cảm nhu nhược. Ta nghi ngờ những kẻ có chân lý nhưng thiếu tình yêu. Ta cũng phiền trách những kẻ chỉ nói đến tình yêu nhưng lại thiếu cứng rắn trong việc phân định những chân lý trong những tình cảnh hoặc đạo lý.
Cũng thế, cần phải hòa hợp ‘công lý’ và ‘hòa bình’. Thế giới hiện nay nói nhiều về những cuộc chiến, tranh đấu, cho công lý, là điều tốt. Nhưng cũng cần phải xây dựng hòa bình, sự đối thoại, sự hòa hợp…Đàng sau các từ của thánh vịnh này, chúng ta nghĩ đến bối cảnh những xung đột xã hội làm rúng động thế giới, gia đình, nhà máy, Giáo hội chúng ta.
Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán? Hãy để những từ ấy vang lên trong tâm hồn chúng ta. Lắng nghe Thiên Chúa. Ta thường than phiền về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Nhưng ta có để cho Ngài lên tiếng không? Ta có chấp nhận cho Ngài phê phán những quan điểm của ta và không đồng thuận với ta không? Khi ấy, ta có sẵn sàng lắng nghe Ngài không? Ta có sẵn sàng cùng với Ngài xây dựng thế giới hòa bình-yêu thương-sự thật-công lý, điều mà Ngài phán dạy cho ta làm không?
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch