Suy Niệm Thánh Vịnh 96 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 02/08/2017 05:27  2025
Suy Niệm Thánh Vịnh 96
1          CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
            vui đi nào, ngàn muôn hải đảo !
2          Mây u ám bao phủ quanh Người,
            bệ ngai rồng là công minh chính trực.
3          Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong,
            đốt tiêu tan địch thù tứ phía.
4          Ánh chớp của Người soi sáng thế gian,
            địa cầu trông thấy mà run sợ ;
5          núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan
            vị Chúa Tể hoàn cầu.
6          Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
            hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
 
7          Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng,
            huênh hoang vì những vật hư vô này.
            Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi !
8          Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ ;
            thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng
            vì những phán quyết của Ngài, lạy CHÚA.
9          Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
            là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
            Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.
 
10        Kẻ yêu CHÚA, hãy ghét điều gian ác,
            Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung,
            giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ.
11        Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính,
            niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay.
12        Trước nhan thánh CHÚA, người công chính hãy vui mừng
            tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ.
 
Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh về vương quyền của Thiên Chúa. Một lần nữa, Israel mời gọi ‘toàn thể trái đất’ gồm ‘các hải đảo xa xăm’ (đối với người do thái, sống trên đất liền là điều tốt nhất, còn các đảo là biểu tượng cho những gì ở xa, mất hút trong biển cả). Sự mời gọi này là lời hiệu triệu đến tham dự một lễ hội mừng vương quyền của Thiên Chúa.
Sự vĩ đại của Thiên Chúa được tuyên bố bằng những danh xưng: Chúa là vua, Chúa tể hoàn cầu, Đấng cao cả trên khắp địa cầu, Đấng Chí Thánh. Sự vĩ đại của Thiên Chúa biểu lộ trong một cuộc thần hiện như xưa ở Sinai: bão tố, mây phủ, lửa, ánh chớp, núi nonrung chuyển và tan chảy như sáp! Sự biểu lộ cảm nhận được bằng giác quan về Thiên Chúa, xuất hiện giữa lòng những sức mạnh bất khả chế ngự của vũ trụ, gây nên hai hiệu quả đối nghịch nhau: - những ngẫu thần tan biến trước nhan Thiên Chúa đích thực duy nhất. ‘Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!’ – Những tín hữu, những kẻ công chính, vui mừng hoan hỉ, nhưng với một điều kiện là từ bỏ sự gian ác. ‘Hãy ghét điều gian ác!’ Do thái giáo không phải là một tôn giáo dạy những điều lừng khừng, nửa vời: phải chọn lựa lập trường.
 
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
‘Chúa là vua’. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Đó là ý muốn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Cả cuộc đời ngài sống chết vì Nước Cha.
Tuy nhiên, Đức Giêsu dù thân phận là Con Thiên Chúa, đã trút bỏ mọi vinh quang thần linh trong thời gian nhập thể: người do thái thời Đức Giêsu rất háo hức những cuộc thần hiện, Đức Giêsu đã từ chối: ‘Họ xin Ngài cho thấy một dấu lạ từ trời cao. Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giona. Rồi Người bỏ họ mà đi’(Mt 16 1-4). So với Cựu ước, Tin mừng hết sức cẩn trọng. Trong biến cố biến hình, một dấu chỉ của việc thần hiện được các thánh sử thuật lại: ‘bỗng có một đám mây bao phủ các ông’. Cũng thế khi loan báo vinh quang của mình khi bị đem ra xét xử trước tòa công nghị, Đức Giêsu cũng sử dụng ngôn ngữ kinh thánh: ‘Các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến’(Mt 26,64; Kh 1,7).
Thánh Phaolô đã trích dẫn thánh vịnh này khi nói về việc nhập thể như một cuộc đăng quang: ‘Còn khi đưa Trưởng Tử vào thế giới loài người, Thiên Chúa lại nói: mọi thiên thần của Thiên Chúa, phải thờ lạy Người (Dt 1,6).
Nhất là ngày tận cùng khi Đức Giêsu đến trong vinh quang, thật gần với những gì được diễn tả trong thánh vịnh: ‘Khi Con Người đến trong vinh quang của Người…các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người…Vì như chớp lóe từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy’ (Mt 24,27.31).
Khi ấy, những kẻ công chính sẽ được hưởng vinh quang. Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: ‘Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái…’(Cl 1,11.12). Trong bản văn sách Công vụ nói về ngày Thánh Thần hiện xuống cũng dùng những hình ảnh: gió mạnh, lửa (Cv 2,2.3).
 
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Trước nhan Thiên Chúa. Con đứng trước nhan Thiên Chúa hằng sống.
Năm lần, trong thánh vịnh, chúng ta được mời gọi đến trước nhan Thiên Chúa. Con người tự bản chất, không thể tự mình hiện hữu thật sự: sự hiện hữu của ta là nhờ vào Đấng Hiện Hữu. Người là Đấng Tự Hữu. Và tôi, tôi chỉ hiện hữu nhờ đứng trước nhan thánh Người.
Lửa như biểu tượng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong, đốt tiêu tan địch thù tứ phía.Ánh chớp của Người soi sáng thế gian, địa cầu trông thấy mà run sợ;núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan, vị Chúa Tể hoàn cầu. Con người thế kỷ XXI nhìn những hình ảnh ấy như có vẻ trẻ con. Nhắc ta nhớ đến bối cảnh câu chuyện thần thoại (về thần Prométhée, đã chiến thắng nhờ cách biết chế ngự lửa trời). Tuy nhiên, khoa học ngày nay, nếu có giúp ta cách chế ngự lửa một chút, thì cũng cho ta biết là ta đang sống trên những lò lửa khổng lồ: trung tâm trái đất là một lò lửa, thỉnh thoảng nổ tung lên thành núi lửa. Mặt trời là một khối cầu lửa, không gì đến gần mà không bị thiêu hủy. Trong cái lò lửa khổng lồ đó, bàn tay tạo hóa đã  làm nên một nơi ấm áp để con người có thể sống, trái đất. Vâng, Thiên Chúa cho phép ta được hiện diện trước nhan Người. Người ban cho ta một không gian, một thời gian…để hiện hữu. Vậy thì quả là đáng buồn cười khi con người dám làm những điều xấu xa trước mặt Người.
Hãy ghét điều gian ác. Con người hiện đại thường sử dụng ngôn ngữ chiến tranh. Thánh kinh cũng vậy. Trong tôi và chung quanh tôi, tôi phải đấu tranh chống lại gian ác. Tôi phải kéo mình ra khỏi quyền lực của sự ác, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Đối với người công chính, một ánh sáng và một niềm vui được gieo xuống. Hình ảnh gieo hạt giống thường được Đức Giêsu sử dụng. Khác với lóe sáng của ánh chớp, Nước Thiên Chúa được ví như hạt giống được gieo vào đất, từ từ mọc lên. Ánh sáng và niềm vui của Thiên Chúa, được gieo vào trong lòng nhân loại, phải tin tưởng rằng nó sẽ lớn dần. Nhờ các dân ngoại xung quanh, Israel mới có thể tin rằng mình chính là ‘ánh sáng được gieo vào lòng thế giới’.

 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
           
 
 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay16,480
  • Tháng hiện tại670,994
  • Tổng lượt truy cập52,839,942

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây