CN 17A TN : Kho Tàng ở đâu ?
Thứ bảy - 29/07/2017 09:35
3209
CN 17A TN : Kho Tàng ở đâu ?
Lm Bùi Quang Tuấn
Hẳn ai, người Việt ta, đã hơn một lần phải di tản, chắc hiểu được phần nào dụ ngôn Chúa Giêsu nói khi ví Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu. Người Do thái thời Chúa Giêsu cũng không xa lạ gì với khái niệm một kho tàng chôn trong lòng đất. Lịch sử nước Palestine từng ghi nhận nhiều bước xăm lăng của các đế quốc Babylon, Assyria, Ba tư, Hy lạp, Rôma và nhiều sắc tộc khác. Không những thế, nội chiến cũng thường xuyên xảy ra. Trên dải đất từng bị mất đi chiếm lại nhiều lần như thế, chuyện chôn giấu tài sản, khi không thể đem theo trên đường di tản, là việc đương nhiên đối với dân thời loạn.
Và khi chôn giấu như thế, làm sao tránh khỏi trường hợp chủ nhân không may mất mạng trên đường tản cư, ai biết được ông giấu chỗ nào. Hay có người không thể nhớ ra chỗ mình chôn giấu, vì lâu ngày mới trở lại được thì bụi tre mà mình chôn chum của xưa, nay trở thành một sân bóng đá, biết đào nơi nao. Hoặc vùng đất ta ở trước đây, bị kẻ thù chiếm đóng lâu năm lâu tháng không thể trở về, khiến kho tàng ta chôn giấu trước kia trở thành kho tàng bí mật. Điều này khiến cho không ít người thế hệ sau, tình cờ đào được những kho tàng quí báu ngay trên mảnh đất nhà mình. Và theo luật thời ấy, ai làm chủ vùng đất nào sẽ được quyền thủ đắc mọi thứ nằm trong vùng đất đó.
Đức Giêsu đã dùng chính khái niệm thông thường này để nói với người ta về Nước Trời. Ngài kể: “Có người kia may mắn đào trúng một kho tàng trên một thửa đất nọ; anh ta vội chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả thứ gì mình có để mua cho bằng được miếng đất ấy.”
Thoạt nghe dụ ngôn, ta có thể có 3 nhận xét sơ khởi này:
(1) Có lẽ anh này là một tay thợ làm công, đang cày thuê cuốc mướn để kiếm miếng ăn. Cũng có thể anh đang lang thang đào cua bắt rắn để sinh sống qua ngày. Như vậy, anh ta không phải là người giàu có gì.
(2) Kho tàng anh gặp thấy phải là lớn lắm, khó lòng đem đi mà không bị phát giác, nếu không, anh đã âm thầm mang về nhà chứ hơi đâu lấp đất phủ che.
(3) Rồi, chắc giá trị của tất cả những gì anh có cũng quá bé nhỏ so với kho tàng anh bắt gặp, chứ nếu tài sản anh đang có thật lớn thì anh đã chẳng dại gì bán hết mọi thứ để mua cho bằng được thủa ruộng cho dẫu có kho tàng gì đi nữa.
Nhưng có lẽ Chúa không có ý sánh ví những gì anh ta có nhỏ hơn so với những gì anh được nơi thửa ruộng, trên cùng một chủng loại, là của cải vật chất, cho bằng Chúa Giêsu muốn nhắn bảo với nhân loại rằng: không gì sánh được với giá trị của Nước Trời. Nó đáng vạn lần lớn hơn những gì người ta có. Dẫu là ta có xe hơi nhà lầu ngay tại đường Lê Lợi trung tâm. Nếu phải đánh đổi tất cả để chiếm Nước Trời cũng không đáng cho người ta phân vân hay lo buồn. Vì đó là một nguồn lợi vô cùng lớn, nguồn lợi làm nên nỗi vui mừng hân hoan khiến “anh vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng đó” (Mt 13,44). Lời thánh Phaolô còn vang vọng đâu đây: “Tôi coi mọi sự là thua lỗ bất lợi cả trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giê-su Chúa tôi, vì Người, tôi đành mất tất cả.” (Pl 3,8)
Nhưng để hiểu được điều như thánh Phaolô nói đây, không dễ. Cũng như một thửa ruộng có kho báu, và kho báu ấy được chôn sâu trong đất, không phải chỉ có đi qua bước lại mà thấy được kho báu. Đúng hơn, nhờ vất vả lao nhọc mưu sinh mà rồi người ta tình cờ khám phá. Đây cũng là một thách đố cho ai đang khao khát Nước Trời. Bởi vì không phải dễ dàng mà thấy được dưới lớp đất sinh lầy hay nứt nẻ kia có một kho tàng vô giá. Lắm khi người ta phải tận lực đào bới, bền chí thi hành bổn phận hàng ngày mới có thể gặp được Nước Trời.
Nhưng Nước Trời là gì?
Nước Trời không chi khác hơn chính là Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Thế nên “tìm kiếm Nước Trời", “gặp thấy” Nước Trời, và “mua được” Nước Trời, cũng chính là việc “chiếm hữu” được Đức Giêsu.
Nếu nói kho báu là Chúa Giêsu thì thửa ruộng chứa kho báu ấy sẽ là Giáo Hội, nơi đó, khi chịu khó lao công, bạn sẽ khám phá kho tàng. Nhưng trước hết, cần phải mua thửa ruộng ấy, tức là phải sở hữu Giáo hội bằng niềm tin và trung thành lao công trên mảnh đất Giáo hội, lúc ấy bạn mới có thể chiếm hữu trọn vẹn kho tàng Giêsu.
Thiên Chúa là Đấng quảng đại. Ngài biết “thửa ruộng” có “kho báu", nhưng Ngài vẫn sẵn lòng “bán” cho ai khát khao. Trong cuộc mua bán này, giá cả chênh lệch vô cùng, nhưng phần lời bao giờ cũng nghiêng về người mua.
Chuyện kể một phú ông kia chẳng may bị chết vợ trong ngày bà sinh hạ đứa con đầu lòng. Ông buồn phiền quá sức nhưng cũng phải kiếm vội người vú nuôi để chăm nom đứa bé và coi sóc cửa nhà.
Rủi thay, đứa bé kia lớn lên cũng thiệt mạng trong một tai nạn giao thông khi chưa tới tuổi trưởng thành. Người giàu có cũng chết sau đó vài năm vì một cơn đau tim bất ngờ.
Vì không có ai là họ hàng thân thích và bởi không tìm thấy một tờ di chúc nào nên người ta chẳng biết gia tài khổng lồ sẽ đi về đâu. Cuối cùng, toàn bộ gia sản được giao cho chính quyền giải quyết.
Theo lệ thường, người ta cho trưng bày và đấu giá trước một số vật dụng. Sau đó vài tháng sẽ cho đấu giá toàn bộ.
Ngày đấu giá sơ khởi diễn ra. Các con buôn tụ tập rất đông. Người vú nuôi ngày xưa cũng đến tham dự, không phải để được mua sắm với giá hời, nhưng vì lòng thương nhớ gia đình chủ xưa khiến bà tìm đến để nhìn lại lần cuối các vật dụng chứa đầy kỷ niệm.
Trong số các thứ được đem ra đấu giá, người vú nuôi chợt thấy tấm hình con ông chủ được lồng trong một khung kính đơn sơ. Bà chợt thương nhớ da diết cậu bé ngày xưa! Nước mắt bà rơi xuống. Thế rồi khi thấy chẳng ai thèm chú ý đến tấm hình, người vú nuôi liền giơ tay mua nó với giá sơ khởi là một đồng.
Bà mang tấm hình về, tháo khung ra, dự tính đặt ba tấm hình vợ chồng và đứa con của gia đình chủ xưa vào chung một chiếc khung lớn. Nhưng lúc vừa gỡ mặt sau tấm hình cậu bé, bà thấy có mấy tờ giấy rơi ra. Xem có vẻ quan trọng, bà bèn mang chúng đến một luật sự nhờ xem giúp.
Vị luật sư sau khi quan sát kỹ các giấy tờ đã tươi cười nói với bà: “Xin chúc mừng bà! Người chủ của bà đã viết rằng: ông ta muốn giao lại toàn bộ tài sản cho người nào yêu mến đứa con của ông đến nỗi chịu mua bức hình đó, và như thế, bà được quyền thừa hưởng di chúc này.”
Thật hạnh phúc muôn lần hơn cho những ai yêu mến người Con Một của Thiên Chúa, tức Đức Giêsu Kitô!
Yêu mến Đức Giêsu cũng có nghĩa là yêu mến ba (thành bốn) chữ “thánh”: Thánh Thể, Thánh Kinh, và yêu mến Thánh Mẫu. Điều “thánh” thứ ba này nghe có vẻ hơi lạ. Thế nhưng đâu có gì thái quá khi nói: trong “thửa ruộng Maria” có “kho tàng Giêsu” - trong cung lòng Đức Mẹ có Con Thiên Chúa. Mà truyền thống dạy rằng khi Thánh Kinh nói về Thánh Mẫu, thì cũng hiểu được nói về Hội Thánh; tức kho tàng Giêsu trong cung lòng Mẹ Maria, cũng là trong lòng Hội Thánh là mẹ. Ai ở lại trong Hội Thánh, người đó có kho tàng Giêsu, có Nước Trời.
Vậy ta có 4 nơi để gặp kho tàng : Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Mẫu, và Thánh Hội, tức Hội Thánh. Ai yêu mến cả bốn hay một trong bốn thôi cũng gặp được kho tàng Giêsu là Nước Trời.
Lm Bùi Quang Tuấn
(Anphong thêm một vài ý nhỏ khi kết)