SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A - LM. INHAXIO HỒ THÔNG
Thứ hai - 17/07/2017 22:11
1347
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN A
Bài Đọc I và Tin Mừng của Chúa Nhật này mời gọi chúng ta gẫm suy về tấm lòng kiên nhẫn đầy nhân ái của Thiên Chúa.
Kn 12: 13, 16-19
Tác giả sách Khôn Ngoan ca ngợi tấm lòng kiên nhẫn đầy nhân ái của Thiên Chúa, bởi vì với lòng kiên nhẫn đầy nhân ái này mà Ngài cai quản muôn loài muôn vật. Khi Thiên Chúa trì hoãn trừng phạt, Ngài muốn ban cho người tội lỗi một kỳ hạn để mà ăn năn sám hối.
Rm 8: 26-27
Đoạn trích thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma không hoàn toàn xa lạ với chủ đề này: Thiên Chúa thấy tận thâm tâm con người. Thánh Thần tác động và can thiệp để giúp đỡ người tín hữu ngỏ hầu Thiên Ý được thực hiện.
Mt 13: 24-43
Trong dụ ngôn “hạt giống và cỏ lùng” của Tin Mừng Mát-thêu, ông chủ ruộng yêu cầu cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Dụ ngôn này cũng đưa ra cùng một viễn cảnh như Bài Đọc I.
BÀI ĐỌC I (Kn 12: 13, 16-19)
Sách Khôn Ngoan là sách muộn thời nhất của bộ Kinh Thánh Cựu Ước; sách này được soạn thảo ở thành phố A-lê-xan-ri-a Ai-cập, vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên.
Vào lúc đó, thành phố A-lê-xan-ri-a là cái nôi rực rỡ nhất của nền văn hóa Hy-lạp. Do số lượng dân Do-thái định cư ở đây, thành phố này cũng là thành phố quan trọng bậc nhất của Kiều bào Do thái. Tác giả sách Khôn Ngoan, vô danh, viết tác phẩm bằng Hy ngữ của mình để gởi cho kiều bào Do thái của mình, họ không còn biết tiếng Hy-bá. Tác giả lo lắng khi thấy sức quyến rũ của nền văn hóa Hy-lạp tác động trên những đồng đạo của mình, vì thế ông muốn chứng minh cho họ thấy rằng sự Khôn Ngoan xuất phát từ Thiên Chúa vượt quá tất cả mọi khôn ngoan phàm nhân.
Đoạn trích này là một lời nguyện ngợi khen, trong đó tác giả ngỏ lời với Thiên Chúa về sự công minh chính trực mà Ngài cai quản muôn loài muôn vật.
1.Thiên Chúa là chủ tể thời gian:
Hiền nhân này khẳng định rằng sự công minh chính trực này xuất phát từ sự toàn năng của Ngài, bởi vì không sức mạnh ngoại tại nào khiến Thiên Chúa phải chậm trể, Ngài làm chủ thời gian. Trước đó, tác giả vừa mới gợi lên tấm lòng kiên nhẫn đầy nhân ái tột cùng của Thiên Chúa đối với dân Ca-na-an: tuy là những kẻ thù của dân Ngài, Ngài đã nương tay trừng phạt để cho chúng có cơ may hối cải.
2.Con người yếu đuối thường sử dụng bạo lực:
Con người đã không hành xử như thế. Vì yếu đuối, con người củng cố quyền hành của mình bằng bạo lực. Nó ra tay tiêu diệt những ai chống đối mình. Phải chăng tác giả nghĩ đến một bạo chúa nào đó hay nói một cách chung chung? Một trong những phương thức mà ông đắc ý là sự tương phản: tác giả muốn nêu bật sự khác biệt giữa Thiên Chúa với con người.
3.Đức điều độ của Thiên Chúa:
Dù đoạn văn này được gợi hứng từ Kinh Thánh, người ta có thể tự hỏi phải chăng tư tưởng của tác giả không chịu ảnh hưởng bởi quan niệm thần linh của Hy-lạp, chẳng hạn như “Đức điều độ là ưu phẩm của các thần linh và là giới hạn duy nhất mà họ tự ý đòi buộc cho quyền năng của mình” (Eschyle, Les Eumnides, v. 529-530), thì tác giả sách Khôn Ngoan viết:
“Vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài…
Chúa làm chủ được sức mạnh,
nên Chúa xét xử khoan hồng,
Chúa cai quản chúng con với lượng cả bao dung”.
Chúng ta cũng nên ghi nhận chiều kích phổ quát của những kiểu nói: “Thiên Chúa làm bá chủ vạn vật” (lập lại đến ba lần), “Chúa cai quản chúng con”, nghĩa là Đức Chúa không chỉ là Thiên Chúa của dân Do thái, nhưng còn là Thiên Chúa của mọi dân nước. Lịch Sử Cứu Độ làm chứng điều đó (tác giả dựa rất nhiều trên những chứng từ của Lịch Sử Cứu Độ); đó là một quan niệm thần học cốt yếu, vả lại quan niệm này hòa hợp một cách đáng chú ý với những trào lưu tư tưởng của thời đại: vì thế chiều kích phổ quát là nốt nhạc chủ đạo của các hệ thống triết học.
4.Lòng nhân ái:
Lời cầu nguyện tiếp tục với một lời ngợi khen Đức Chúa về lòng nhân ái của Ngài:
“Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng:
người công chính phải có lòng nhân ái”.
Từ ngữ “lòng nhân ái” là một đức tính rất thịnh hành. Đức tính này xuất phát từ ngôn ngữ Hy-lạp kinh điển, vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Vào thời kỳ Hy-lạp hóa, đức tính này đã có một tầm ảnh hưởng lớn lao. Tác giả sách Khôn Ngoan áp dụng đức tính cho Thiên Chúa (rất nhiều lần) và làm cho đức tính này thành một mẫu gương có tầm mức quan trọng: ai muốn là người công chính phải có lòng nhân ái, không chỉ đối với đồng bào mình, như Luật đã truyền lệnh, nhưng đối với hết mọi người. Lòng nhân ái đối với mọi người này chuẩn bị cho đoạn Tin Mừng hôm nay.
Ước muốn của Thiên Chúa là được thấy tội nhân hoán cải cũng là nét đặc trưng của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Đó là lý do cốt yếu tại sao Thiên Chúa nhẫn nại với tội nhân. Nếu Thiên Chúa trì hoãn trừng phạt, chính vì Ngài cho kẻ tội lỗi một kỳ hạn để mà ăn năn sám hối, đó là lòng nhân ái của Ngài. Tấm lòng nhân ái này rất gần với dụ ngôn cỏ lùng, đừng nhổ ngay, nhưng cứ để cỏ lùng mọc lên cùng với lúa tốt.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 26-27)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Chương 8 này vạch ra cuộc đời Ki-tô hữu sống theo Thần Khí. Đoạn trích này có liên hệ với lời cầu nguyện. Thánh Phao-lô đã là một nhà cầu nguyện vĩ đại; thánh nhân cầu nguyện luôn, trong mọi lúc, như ngài căn dặn nhiều lần.
Trong Cựu Ước, Thần Khí không là một ngôi vị, nhưng một năng lực thần linh. Trong Tân Ước, Thần Khí không chỉ là một năng lực thần linh, nhưng còn được mặc khải là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa; Ngài hoạt động một cách nội tại trong chúng ta.
Vốn thích những phản đề theo cách thức sê-mít, thánh Phao-lô nhấn mạnh sự yếu hèn của chúng ta khi đối diện với năng lực thần linh này. Trong các chương trước, thánh nhân đã nói đến sự yếu hèn của chúng ta khi đối diện với thế gian tội lỗi; còn ở đây, thánh nhân chủ yếu đề cập đến sự yếu hèn của chúng ta khi đối diện với thế giới thần linh mà chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho phải lẽ.
Vì thế, Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta để phù trợ chúng ta trong hành động như thế nào thì cũng phù trợ chúng ta trong cầu nguyện cũng như vậy. Ngài “cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả”, nghĩa là bằng những ngôn từ mà ngôn ngữ phàm nhân không thể nào diễn tả được. Ở đây, thánh Phao-lô không nhắm đến ơn nói tiếng lạ hay tiếng thì thầm đặc sủng nào đó: thánh nhân nhắc cho chúng ta nhớ rằng lối vào Thiên Chúa là một mầu nhiệm; chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể mở lối cho chúng ta vào trong mầu nhiệm cao với khôn ví này.
TIN MỪNG (Mt 13: 24-43)
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mát-thêu thuật lại cho chúng ta ba dụ ngôn: “cỏ lùng”, “hạt cải” và “men trong bột” để gợi lên sự phát triển của Nước Trời trong trần gian.
1.Dụ ngôn “cỏ lùng”:
Trong số các dụ ngôn mà Chúa Giê-su rao giảng, dụ ngôn “cỏ lùng” này làm cho các môn đệ rối trí nhất, bởi vì đây là dụ ngôn duy nhất mà họ hỏi Đức Giê-su. Quả thật, dụ ngôn “cỏ lùng” này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng: người lành và kẻ ác cùng sống chung với nhau trong công trình của Thiên Chúa.
Dụ ngôn “cỏ lùng” cho hiểu rằng ông chủ ruộng có một kẻ thù bí nhiệm, hắn hành động lén lút ban đêm như một người có quyền năng giới hạn. Khi đầy tớ báo cho ông biết hiện trạng của thuở ruộng, ông không hề xao động nhưng bình thản chờ đợi thời vụ, bởi vì ông biết rằng ông sẽ có lời phán quyết sau cùng. Cỏ lùng sẽ không ngăn cản được vụ mùa bội thu: công trình của Thiên Chúa sẽ không bao giờ thất bại cả.
Phần cuối dụ ngôn, ông chủ giải thích tại sao Thiên Chúa cứ để cả hai mọc lên cho tới mùa gặt, sau đó mới phân loại. Theo bản tính bộc phát của loài người cũng như theo kỷ thuật canh tác, đương nhiên là phải lập tức nhổ cỏ xấu đi để khỏi ăn bám chất đất màu mở và làm hại đến lúa tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện tại, có quá nhiều cỏ lùng và cũng rất dễ lầm với lúa còn non. Để khỏi làm hư toàn bộ, thì chi bằng chờ cho đến mùa thu hoạch rồi hãy hay.
Qua dụ ngôn cỏ lùng này, Đức Giê-su nói lên tấm lòng kiên nhẫn đầy nhân ái của Thiên Chúa đối với loài người: về phương diện thực vật, cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt, nhưng về bình diện thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng, tác động, để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban cho họ. Sứ vụ công khai của Chúa Giê-su cho chúng ta thấy điều đó. “Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh nhưng cũng một số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì có thể trở thành thánh thiện hơn. Các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta, còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta” (“Một Ngày Một Tin Vui”).
2.Dụ ngôn “hạt cải”:
Tại miền Pa-lét-tin, hạt cải là hạt giống nhỏ bé nhất trong các loại hạt giống. Ấy vậy, từ hạt giống nhỏ bé này, Chúa Giê-su miêu tả sự phát triển kỳ diệu: hạt cải nẩy mầm thành một cây con để rồi vươn mình thành một cây lớn xum xê cành lá đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành. Nước Trời rồi cũng sẽ lớn mạnh như vậy.
3.Dụ ngôn “men trong bột” (13: 33)
Dụ ngôn này được rút ra từ kinh nghiệm thường ngày: như nấm men làm dậy lên ba đấu bột như thế nào, thì Giáo Hội làm biến đổi mọi dân nước như vậy. Dụ ngôn “men trong bột” khá giống với dụ ngôn “hạt cải”, cả hai đều nói về sụ phát triển phi thường của Nước Trời; tuy nhiên, dụ ngôn “men trong bột” nêu bật sự biến đổi thế giới từ bên trong về chất lượng, còn dụ ngôn “hạt cải” nhấn mạnh sự tăng trưởng bên ngoài về số lượng.
Men cũng là biểu tượng mỗi người Ki-tô hữu. Sống giữa lòng thế giới và được nuôi dưỡng phẩm chất Ki-tô của mình, người Ki-tô hữu thu phục con người bằng đời sống gương mẫu của mình: “Ơn gọi của chúng ta là con cái Thiên Chúa giữa lòng thế giới, đòi hỏi chúng ta không chỉ tìm kiếm sự thánh thiện cho riêng mình, nhưng cũng phải lan tỏa hương thơm trên mọi lối sống trần thế, biến chúng thành những con đường dẫn đưa mọi người đến Đức Ki-tô. Khi chúng ta dự phần vào mọi sinh hoạt trần thế với tư cách người công dân bình thường, chúng ta phải trở nên men làm dậy ba đấu bột” (Bl. J. Exriva, Christ is passing by, 123).
4.Lý do Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói (13: 34-35)
Tại sao thánh Mát-thêu cắt ngang “Diễn Từ về Dụ Ngôn” để đưa vào đây lời giải thích của Chúa Giê-su về việc Ngài dùng dụ ngôn mà nói với đám đông? Chúng ta không hiểu rõ lý do bao nhiêu. Rất có thể tác giả đưa đoạn văn này vào đây để ngưng một chút trong bài diễn từ dài về các dụ ngôn và để đào sâu những nguyên do thần học đã đưa Đức Giê-su đến chỗ chuộng ngôn ngữ dụ ngôn hơn là ngôn ngữ thông thường.
Theo cách dàn dựng của tác giả, dụ ngôn “men trong bột” là dụ ngôn cuối cùng Đức Giê-su rao giảng cho dân chúng khi Ngài ngồi trên thuyền cách xa bờ một chút, rồi sau đó Ngài về nhà và tiếp tục “Diễn Từ về Dụ Ngôn” cho các môn đệ (13: 36). Cũng như ở 13: 14-15, ở đây lại xuất hiện mối bận tâm biện giáo của thánh Mát-thêu, đó là xác nhận việc Chúa Giê-su dùng dụ ngôn bằng một chứng từ Kinh Thánh. Lần này, thánh Mát-thêu trích dẫn Tv 78 trong đó mầu nhiệm tạo dựng được kể dưới dạng các câu bí hiểm. thánh Mát-thêu coi mọi bản văn Kinh Thánh Cựu Ước có một giá trị ngôn sứ. Rõ ràng Kinh Thánh đã tiên báo và được gặp thấy thành tựu ở nơi việc Chúa Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng.