CN 21A: Phêrô la Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.
Nếu ta nhìn vào Tivi cách đây hơn chục năm, hoặc xem băng hình ghi lại các chuyến đi của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong những năm cuối đời của ngài, hẳn ta sẽ nhìn thấy cây gậy của Đức Giáo Hoàng trở thành hữu dụng. Ngài chống và tựa trên chiếc gậy đó. Gậy không còn là biểu tượng cho quyền chăn chiên, quyền dẫn dắt, như ta thấy các giám mục vẫn thường dùng. Vị Giám mục Roma Gioan Phaolô II dùng gậy để chống đỡ chính mình.
Hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II về già chống và tựa cả thân mình trên chiếc gậy đó có diễn tả được điều mà Tin Mừng hôm nay nói về Phêrô mà ĐGH là người kế vị không : Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục không thể phá được.Nếu Phêrô là Đá Tảng, thì kẻ kế vị người, cũng là tảng đá. ĐGH là đá tảng.
Nếu tảng đá được ví như cái gì chắc chắn, cho người khác tựa nương vào, thì với hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô khi vượt qua ngưỡng cửa bát tuần, đã bết bát về sức khoẻ thể lý, lúc nào cũng phải tựa nương vào chiếc gậy, có còn là hình ảnh của tảng đá cho người khác tựa nương hay không ? Hẳn là khó hình dung tưởng tượng.
Nhưng tảng đá, ngoài ý nghĩa vững chắc, tựa nương, thì tảng đá còn có một ý nghĩa khác không kém phần quan yếu. Đó là : Tảng đá là nơi qui tụ. Tảng đá là nơi hợp nhất.
1. Tảng đá qui tụ
Tảng đá như nền nhà, quy tụ gạch xi măng, cát, sắt… để làm thành căn nhà. Căn nhà trong mạch ý Tin Mừng hôm nay chính là Hội Thánh.
Nếu Đức Gioan Phaolô không diễn được hình ảnh tảng đá cho người ta tựa vào, thì hình ảnh cụ già Wojtyla trên 80 tuổi vẫn và có khi còn hơn thế nữa, càng trở nên rõ nét hình ảnh của tảng đá quy tụ. Bởi tâm lý chung, nhất là tâm lý người Việt, người ta quy tụ về nhà người bô lão, chứ không tụ họp nơi nhà đám trẻ (giống như Tết nhất tới, người ta qui tụ về nhà ông bà để chúc thọ). Người bô lão là yếu tố thuận lợi để tụ hội, hợp nhất.
Chẳng thế mà, tuy tuổi đã cao, rất cao, lại yếu ớt, nhưng Đức Gioan Phaolô đi đến đâu là qui tụ cả rừng người đến đó (ta không nhắc đến ĐGH đương kim vì tuy đã bát tuần, nhưng còn mạnh khoẻ chưa phải “chống” gậy !). Chục nghìn, trăm nghìn, nghìn nghìn. Triệu này triệu kia. Điều này thật đúng khi giới trẻ ùn ùn kéo tới với ngài trong các đại hội giới trẻ. Mehico, St Louis, Compostella, và đặc biệt tại Đại Hội giới trẻ tại Paris, Pháp 1997. Đặc biệt không phải vì con số, mà vì sức lôi cuốn không ngờ. Trước ngày Đại Hội ít lâu, một nhà báo vô thần đã nhận xét về bầu khí xuống dốc của người Công giáo ở Pháp, và đoan chắc rằng đại hội sẽ rất ít người. Và với con số may ra được khoảng 100.000 người đến dự, thì bõ bèn gì để một vị giáo chủ già nua phải lần mò chống gậy sang tận Paris cho tốn công tốn sức. Nhưng rồi chuyện kinh ngạc đã xảy ra: Trên một triệu người trẻ tuốn về qui tụ tại Paris để gặp gỡ ĐGH, tảng đá qui tụ. Đại Hội sau đó 2000, con số bạn trẻ tụ họp tại Roma vượt xa con số này, trở thành kỉ lục với hơn 3 triệu người tham dự thánh lễ bế mạc. Ấy là ta chỉ kể tảng đá Phêrô qui tụ bạn trẻ, còn cả người lớn nữa, thì con số hẳn là hơn nhiều. Cụ thể, cụ già Wojtyla (tức ĐGH Gioan Phaolô 2) về thăm quê hương Balan lần thứ 9, qui tụ cả rừng người : hơn 3 triêu người tham dự thánh lễ tại Krakovia, giáo phận cũ của ngài trước khi về làm giám mục Roma. Một ông già qui tụ được bạn trẻ, nhiều người đến như thế, nghĩa là gì, nếu ngài không phải là tảng đá qui tụ.
Phát ngôn viên Tòa Thánh lúc đó, tiến sĩ Navaro Valls đã nhận xét : “Sức khỏe của ngài xuống hẳn, nhưng cảm ơn Chúa, điều đó không cản trở công việc của ngài. Tay bị run (vì bệnh Parkinson) phát âm nhiều chữ không rõ, nhưng đây có khi lại giúp ngài nói được với dân chúng hùng hồn hơn ở chiều kích mới.” “Cảm tưởng của tôi,” lời giáo sư Navaro Valls, “là khi người ta thấy tay ngài run, thì mọi thành quách bên trong của họ bị sụp đổ hết. Cánh tay run, đôi chân không vững phải tựa vào gậy lại có tác dụng mạnh hơn thân hình cường tráng của ngài cách đây hơn 20 năm khi mới lên nhận nhiệm vụ kế vị Phêrô tảng đá.” Phêrô là tảng đá, tảng đá quy tụ. Hình như càng già càng có khả năng quy tụ ! Nói thế không có nghĩa vị giáo hoàng trẻ tuổi thì ít có khả năng quy tụ hơn, nhưng muốn nói : đã là giáo hoàng, đấng kế vị Phêrô Tảng Đá, thì cũng là tảng đá quy tụ muôn người.
2. Tảng Đá Hợp nhất.
Qui tụ và hợp nhất có nét giống nhau, nhưng ta tạm phân biệt như sau: qui tụ là từ nhiều nơi trên khắp mặt địa cầu này hội tụ về một chỗ. Hợp nhất là cho dẫu phân tán ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng vẫn hướng về một người, một đích để hợp nhất. Phêrô là đá tảng hợp nhất.
Khi gọi Phêrô là Đá, trên nền đá này “tập kết” (quy tụ) gạch cát ximăng xây nhà Giáo Hội, Chúa Giêsu còn nói thêm: “quyền lực hỏa ngục không thể phá được.”
Phân tích có vẻ chú giải Kinh Thánh một chút, ta thấy trong hỏa ngục có ma quỷ. Hỏa ngục không thể phá đổ được, tức ma quỷ không thể lật nhào Hội Thánh được. Mà ma quỷ tiếng Hilạp là Diabolos (dia: xuyên qua; bolein=bolo=ném), tức kẻ gây chia rẽ, kẻ gây rối.
Trong ý hướng tảng đá hợp nhất, ta sẽ diễn dịch lại lời Chúa Giêsu như sau: Con là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Giáo Hội duy nhất, Kẻ Phá Rối, kẻ gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất ta xây dựng.
Thử điểm lại các tôn giáo trên thế giới, và cách riêng Kitô giáo thôi, ta thấy không có Hội thánh nào khác ngoài Hội Thánh Công Giáo Roma có sự hợp nhất hữu hình này.
Ví dụ Anh Giáo, với cơ cấu có 7 Bí Tích như công giáo (như về con số 7 chứ không phải như về tính thành sự), họ có 27 Giáo Hội khắp nơi. Nhưng họ đâu có một con người hữu hình, một điểm nhắm cụ thể để họ hướng về đâu. Anh Giáo tại Mỹ, đâu có lệ thuộc gì Anh Giáo tại Anh quốc là nơi phát sinh ra Anh Giáo. Anh Giáo tại Úc không liên hệ gì tới Mỹ, tới Anh. Họ toàn quyền tổ chức, họ phong chức giám mục cho cả người nữ nữa, điều mà Anh Giáo gốc tại Anh Quốc chưa dám (chỉ mới phong chức linh mục cho nữ thhôi).
Ví dụ như Chính Thống với 13 Lễ chế khác nhau, và ngay cả cùng một lễ chế, như lễ chế Byzantin mà ở 2 nước khác nhau thôi, thì Chính Thống Rumani chẳng cần hướng lòng mình về Chính Thống Nga. Chính Thống Nga chẳng cần ngó xem Chính Thống Constantinop (hiện ở Thổ Nhĩ Kì, nôi của Chính Thống Giáo) làm gì để noi theo. Mỗi nước có một giáo hội Chính Thống độc lập. Họ có liên kết với nhau cũng rất lỏng lẻo, và chỉ là liên kết trên phiên họp lâu lâu (mấy trăm năm…) một lần.
Còn Tin Lành thì càng khó thấy sự hợp nhất. Mấy trăm giáo phái khác nhau là mấy ngàn thế giới: nào là Lutheran, Presbyterian, Methodist, Baptist, Phục Lâm ngày thứ 7… Mỗi giáo phái là một thế giới, mà hơn thế nữa, mỗi giáo phái tại mỗi nước, lại không lệ thuộc gì, không hợp nhất gì với cùng một giáo phái đó, tại các nước khác. Ranh giới quôc gia phân chia luôn ranh giới đạo giáo. (Và còn nhỏ hơn, trong cùng một nước, mà tỉnh này khác tỉnh kia. Vd: Hội Thánh Tin Lành Vĩnh Phước và Hội Thánh Tin Lành Lê Thành Phương, đâu nhất thiết phải hợp nhất với nhau.)
Tóm lại các Hội Thánh kể trên chỉ có cấp quốc gia mà không có cấp hoàn vũ. Trong khi đó, Hội Thánh Công Giáo, dù ở chân trời góc biển nào, dù màu da khác nhau tương phản, đều qui về, đều hợp nhất dưới một con người hữu hình, mang danh hiệu đấng kế vị Phêrô, Tảng Đá hợp nhất. Đây là nét trổi vượt, tính hơn hẳn, là lợi thế của Hội Thánh Công Giáo Roma trên con đường hợp nhất Kitô hữu, đến nỗi có thành ngữ, đường nào cũng dẫn tới Roma.
Sách Giáo Lý Chung, số 882, nói về ĐGH như sau: “Đức thánh cha, giám mục của Roma, kẻ kế vị Phêrô, là nguồn mạch và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu về sự hợp nhất giữa các giám mục và sự hợp nhất của toàn thể cộng đoàn tín hữu.”
Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Ta đã diễn dịch lại rằng “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Hội Thánh duy nhất, tên Phá Rối, tên Gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất Thầy xây dựng.”
Trong Kinh Tạ ơn của bất cứ thánh lễ nào, cử hành bằng bất cứ ngôn ngữ nào: Tây Tàu Mỹ, Lào, Campuchia, K’hor, H’Mong… đều có một lời cầu cho ĐGH, Tảng Đa hợp nhất. Ta hãy đặc biệt hiệp lòng. Và ta hãy long trọng tuyên xưng rằng ta tin vào một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, mà trong đó nét trổi vượt chính là sự hợp nhất, do bởi có ĐGH là đá tảng hợp nhất, tảng đá qui tụ. Amen.