Lc 2, 41-52: Chúa Giê-su giữa các thầy thông thái
Gia đình Na-gia-rét
1. Lời Chúa:
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! "49 Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
2. Suy niệm:
Có 3 điều chúng ta cần tìm hiểu qua lời Chúa hôm nay.
Điều thứ nhất là việc lên đền thờ dự lễ:
“Hằng năm, cha mẹ Chúa Giê-su trẩy hội lên đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua” (c 41). Ý nói cha mẹ Chúa Giê-su giáo dục Ngài về tôn giáo.
Luật Do Thái qui định bé trai 13 tuổi là “con của Lề Luật” nên buộc phải hành hương lên đền thánh Giê-ru sa-lem (theo Fitzmyer, SJ). Trong thực tế, mỗi người Do Thái, dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, đều ước mong được dự lễ ở Giê-ru-sa-lem ít nhất một lần trong đời. Đối với gia đình đạo đức, họ cho con lên đền thờ lúc 12 tuổi để tập cho quen lối sống đạo đức.
Điều thứ hai là việc Chúa Giê-su bị lạc trong đền thờ:
“Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem mà cha mẹ chẳng hay biết” (43). Qua việc Chúa Giê-su coi như bị lạc, ta nhận ra tình thương của cha mẹ Ngài vì ông bà lo lắng đi tìm: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con.” (c 48)
Điều thứ ba, Thánh Kinh xác nhận Chúa Giê-su là người con ngoan:
“Sau đó, Ngài đi cùng cha mẹ, trở về Na-gia-rét và hằng vâng phục các ngài” (c 52). Ý nói Chúa Giê-su là người con ngoan, hiếu thảo và biết vâng lời.
3. Bài học: Hãy giáo dục con cái nên người nhân đức
4. Sống đạo: Cha thánh Gio-an Vi-an-nây và Mẹ
Khi bà Maria mang thai Gioan Vianney, bà thường dâng con cho Đức Mẹ và nguyện dâng cậu cho Chúa để giúp việc Hội thánh. Ngày 8 tháng 4 năm 1786, bà hạ sinh con trai, ngày hôm sau linh mục rửa tội, và đặt tên cho con trẻ là Gioan Maria. Bà Maria không thuê vú nuôi. Chẳng những chính bà chăm sóc nuôi nấng Gioan phần xác, bà cũng dạy dỗ cho Gioan phần hồn. Khi Gioan vừa bập bẹ nói được một hai tiếng, bà đã tập cho con lập lại hai tên cực trọng là Giêsu và Maria trước nhất, bà còn tập cho con trẻ làm dấu thánh giá.
5. Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nêu gương thực hành giữ đạo qua việc lên đền thờ dự lễ. Chúa luôn nhận rõ việc Đức Chúa Cha giao phó là rao giảng về Ngài nên đã ở lại trong đền thờ. Chúa đã sống đạo gương mẫu qua việc sống ngoan hiền và vâng lời cha mẹ trong gia đình. Xin giúp chúng con sống tốt như Chúa đã sống. Amen.
Linh mục Mi Trầm