Mt 4, 12-17.23-25: Nước Chúa đã gần đến
Ga-li-lê là nơi truyền giáo đầu tiên của Chúa Giê-su
1. Lời Chúa:
12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại!
16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."
23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.24 Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ.25 Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.
2. Suy niệm:
Đoạn lời Chúa hôm nay nêu lên 2 điều cần bàn đến.
Điều thứ nhất là miền Ga-li-lê, nơi đầu tiên Chúa Giê-su truyền giáo:
Ngài không chọn Giu-đê nơi Ngài chịu phép rửa, nơi Gio-an giới thiệu về Ngài và là nơi Gio-an bị chém đầu. Ngài không chọn Giê-ru-sa-lem là thành thánh, là đền thờ nơi Ngài sẽ chịu chết sau nầy. Ngài chọn Ga-li-lê là nơi dân tứ xứ, đạo ngoại lẫn lộn nên được coi như thế giới thu nhỏ.
Điều thứ hai là trả lời câu hỏi “Tại sao Chúa Giê-su chọn Ga-li-lê để truyền giáo? ”
Ga-li-lê là nơi đất hẹp nhưng đông dân: Nó hẹp vì từ Bắc đến Nam chỉ dài 80 cây số. Tuy nhỏ nhưng dân cư đông đúc, nên rất có lợi cho việc truyền giáo.
Dân Ga-li-lê luôn sẵn sàng đón nhận luồng tư tưởng mới, vì các đường lớn của thế giới đều đi qua đó.
Ga-li-lê có môi trường chính trị thay đổi buộc họ phải mở cửa đón nhận những tư tưởng mới và những ảnh hưởng mới.
3. Bài học: Hãy tính toán lợi hại trước khi hành động
4. Sống đạo: An táng long trọng với mục đích truyền giáo
Nghe tin một vệ binh ốm nặng, cha Đắc Lộ liền đến thăm, khuyên trở lại đạo Chúa trời đất, để được hưởng hạnh phúc đời sau. Được ơn Chúa, ông đã trở lại và sau đó mấy hôm thì qua đời. Các cha liền tổ chức cất xác theo nghi lễ công giáo một cách trọng thể. Tất cả người Bồ và những người mới theo đạo đều đi đưa xác. Đối với người Việt Nam, được công chúng đưa xác như thế là một hân hạnh lớn lao lắm, và cũng là lần đầu tiên, họ được dự những nghi lễ đưa xác trọng thể của người công giáo. Ai cũng cảm động và bỡ ngỡ bàn tán. Sự có mặt của các cha và những lái buôn Bồ được coi là giới quan trên được vua chúa trọng đãi, mà lại đến dự lễ an táng của một người lính thường, người dân thời đó khó hiểu lắm. Nhưng một khi được các cha giải thích cho lý lẽ và ý nghĩa của tính cách cộng đồng với tình yêu bao trùm của đạo, nhiều người đã cảm phục và xin theo đạo.
(Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam)
5. Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa ban cho chúng con trí khôn để tính toán hơn thiệt, lợi hại trong mọi vấn đề. Xin giúp chúng con khôn ngoan hành động để đem lại lợi ích cho Chúa và cho mọi người. Amen.
Linh mục Mi Trầm