Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ tư - 08/01/2025 08:27
151
NGƯỜI KI-TÔ HỮU:
CHỨNG TÁ TUY KHÁC NHAU NHƯNG CHUNG QUY CHO TÌNH YÊU
Hôm nay, Hội Thánh hân hoan bước vào Mùa Thường Niên, khởi đầu với lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa. Thoạt tiên, khi nghe đến thánh lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, có lẽ chúng ta không khỏi thắc mắc: phép Rửa Chúa Giê-su chịu có khác gì so với bí tích Rửa tội mà chúng ta được lãnh nhận hay không? Phép Rửa Chúa Giê-su chịu có gì liên quan đến bí tích Rửa tội hay chăng? v.v…
Một điều rõ ràng, hiển nhiên mà chúng ta có thể phân biệt được là Chúa Giê-su chịu phép Rửa, còn chúng ta thì chịu phép Rửa tội hoặc Thanh tẩy, vì mặc dù Người hoàn toàn giống với con người yếu đuối, mỏng dòn, nhưng khác với chúng ta là: Người không mang tội, Người không mắc tội. Tuy vậy, Người vẫn tự nguyện mặc lấy thân phận tội lỗi con người hầu gánh tội, cứu độ nhân loại.
Khi cử hành thánh lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, chúng ta hồi tưởng thời khắc ân sủng, thời điểm chúng ta được thanh tẩy tội Tổ Tông, được thánh hoá trở nên con của Thiên Chúa, con của Đấng Thánh, và được chung phần vào Mẹ Giáo Hôi – Nhiệm thể của Chúa Ki-tô, mà trong đó, chúng ta là chi thể của Thân thể mầu nhiệm ấy. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta không còn nhớ ngày mình được nhận lãnh bí tích cao cả này?!!! Ngày chúng ta được giải thoát gông xiềng tội Tổ Tông, tội lỗi, hầu trở nên con người mới, con của Ánh sáng, con của Thiên Chúa nhân từ; ngày chúng ta được biến đổi từ chốn bùn nhơ, tối tăm bước vào đời sống mới, đời sống chân chính. Ngày chúng ta được cứu độ khỏi cảnh ‘không chốn nựa tương’, ‘không lối thoát thân’ vì bị tội lỗi gông cùm, và được mang vào ‘cung lòng ấm áp, sâu thẳm của Thiên Chúa’ qua lòng của Giáo Hội. Ôi, thời khắc hồng ân! Mầu nhiệm cao vời vượt quá lòng mong mỏi của con người, cao siêu, thẳm sâu hơn tâm hồn con người chúng ta! Chúng ta cùng dâng lời ngợi ca, tán tụng không ngơi lên Thiên Chúa vì ân sủng cao cả này; Người chẳng bỏ mặc con người tội lỗi nhưng đã mời gọi, thánh hoá và trao cho sứ mạng thiêng liêng như lời tiên tri I-sa-ia đã tuyên sấm “Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói,…, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân...” (Is 42, 3. 6).
Ở điểm này, chúng ta được tháp nhập và liên kết chặt chẽ với sứ vụ của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, đó là: trở nên tiên tri (người rao truyền Tin mừng), tư tế (thánh hoá, dạy dỗ, khuyến dụ) và vương đế (cộng tác điều hành cộng đoàn). Nói tóm lại, chúng ta được trao sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa, làm chứng cho Đấng đã rộng ban, thương yêu trao tặng cho chúng ta mọi thứ một cách nhưng không, kể cả chính mình Người qua Con Một yêu dấu. Hơn nữa, qua lời xác thật, công bố đầy yêu thương của Chúa Cha đối với Đức Ki-tô “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3, 22), chúng ta cũng được hiệp thông với Chúa Giê-su trong sứ mạng làm con cái Cha trên trời, Người Cha hằng dủ lòng thương xót đến tất cả mọi người, chứ chẳng thiên vị một ai như lời thánh Phê-rô chứng thực, giảng dạy tại nhà ông Cor-nê-li-ô được thuật lại một cách sống động trong thư Công Vụ Tông Đồ: “Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận” (Cv 10, 34-35). Vì thế, ơn gọi, bậc sống tuy khác nhau, nhưng đều có một sứ mạng; trách nhiệm tuy khác nhau, nhưng cùng chung một sứ vụ; công việc, tính cách khác xa nhau, nhưng cùng chung một mục đích, đó là: đời sống làm chứng cho Tin Mừng, chia san những gì chúng ta được lãnh nhận một cách vô điều kiện từ Thiên Chúa, và nhất là sống làm gương sáng qua lời ăn, tiếng nói, hành vi của người mang danh Thánh Ki-tô (Ki-tô hữu – người thuộc về Chúa Ki-tô).
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin quý cộng đoàn cùng tôi lắng đọng, trở về với lòng mình và trong giây phút thinh lặng sâu lắng của tâm hồn, lắng nghe tiếng Chúa thầm thỉ với mình qua câu chuyện làm chứng tá trong thời đại ngày nay như sau: Tờ báo Hoàn Cầu Đêm Khuya xuất bản tại Hoa Kỳ thuật lại gương sống chứng tá Tin Mừng của ông Jewel Pierce tại Tiểu bang Alabama. Trừ ngày Chúa Nhật, mỗi ngày đều đặn một lần, ông đều thả 2 chai không xuống dòng sông Cô-sa; trong 2 chai đó, ông để lại một câu Kinh Thánh nói về tình thương hoặc sứ điệp tương tự, kèm theo lời đề nghị giúp đỡ hết tất cả những ai cần đến ông cả về vật chất cũng như tinh thần. Trong 40 năm ròng rã, ông đã gửi trên 27 ngàn sứ điệp Tin mừng, và hơn 2 ngàn người thuộc 30 quốc gia đã đọc, và liên lạc với ông. Có lẽ chúng ta không có đủ điều kiện, nhuệ khí như ông Jewel Pierce, nhưng thiết nghĩ, mỗi người chúng ta luôn có Chúa ở cùng, đồng hành, nâng đỡ, và cùng ta ra đi chia san những gì chúng ta đã, đang và sẽ được lãnh nhận. Chỉ cần qua cử chỉ thân thiện, yêu thương, lời nói chân thành, góp ý, xây dựng hay một hành động bình thường, nho nhỏ nhưng mang lại niềm khích lệ, động viên anh chị em ta…thì lúc ấy, chúng ta đang sống chứng tá cho Tình yêu rồi.
Xin Chúa đừng để những truân chuyên nơi cuộc sống này làm chúng con nhục chí, thu mình lại mà chẳng dám chia san. Xin đừng để những quyến rũ của trần gian cản lối chúng con dấn thân, làm chứng cho Chúa. Ước gì qua cuộc sống chúng con, mọi người sẽ nhận ra Chúa là nguồn Tình yêu. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng