Mc 6, 34-44: Hóa bánh ra nhiều
Thánh lễ
1. Lời Chúa:
34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn."37 Người đáp: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! " Các ông nói với Người: "Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? "38 Người bảo các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! " Khi biết rồi, các ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá."39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.
41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
2. Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay nêu lên 2 vấn đề.
Thứ nhất, sự kiện hoá bánh ra nhiều không trực tiếp chuẩn bị một chân lý cao siêu nào. Chúa Giê-su làm phép lạ chỉ vì Ngài thương dân chúng: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (c 34)
Thứ hai, chúng ta cũng có thể coi đó là hình bóng ám chỉ phép Thánh Thể sau nầy:
Xin được nêu lên đây một vài trích dẫn lời của cha thánh Vi-an-nay để chúng ta hiểu và yêu mến Thánh lễ hơn.
“Tất cả các công việc tốt lành hợp lại không tương đương được với hy tế thánh lễ, bởi vì chúng là những công trình của con người còn thánh lễ là công trình của Thiên Chúa.”
“Không có lúc nào Chúa ban nhiều ơn cho bằng lúc dâng thánh lễ.”
“Hãy đến rước lễ, hãy đến với Chúa Giê-su, đến sống nhờ Ngài để sống cho Ngài. Quả thật, anh chị em không xứng đáng với Ngài, nhưng anh chị em cần đến Ngài.”
3. Bài học: Hãy dọn tâm hồn rước Chúa, mỗi khi tham dự thánh lễ.
4. Sống đạo: Đọc kinh, dự lễ
Cũng như thời kỳ đầu, lòng nhiệt thành đạo đức của giáo dân, tuy qua nhiều thử thách vẫn không hề giảm. Trong các gia đình đạo, nhà nào cũng có bàn thờ ở gian giữa, tối sớm cả nhà hợp nhau đọc kinh lần hạt. Ở các họ xa nhà xứ, hay xa
chỗ linh mục ở, các ngày chủ nhật, lễ lạy, họ hội nhau ở nhà thờ họ, đọc kinh, học bổn, nghe sách. Còn ở vùng gần nhà xứ, hay nghe biết có thừa sai đến thăm viếng họ trong vùng là họ kéo nhau lũ lượt đến dự lễ, cả những người ở xa đến 4, 5 tiếng đồng hồ và có khi gần một ngày đường. Còn những dịp lễ lớn như Sinh Nhật, Phục Sinh, Lên Trời, Hiện Xuống, thì dù xa đến đâu, họ cũng cố đến nhà xứ chỗ thừa sai ở để xưng tội chịu lễ.
Đi đôi với lòng nhiệt thành đạo đức, giáo dân còn sống một đời thánh thiện gương mẫu, các người bên lương đều cảm phục. Không thẹn vì tín ngưỡng của mình, tất cả đều đeo tràng hạt, ảnh tượng trước ngực, và với dấu hiệu đó, họ nhận nhau là người công giáo, chào đón niềm nở khi gặp nhau. Nếu phải đi đường đêm hôm tìm chỗ trọ, họ chỉ việc tìm đến các họ đạo, thế nào cũng có chỗ ăn ngủ bảo đảm tử tế. Số người sống nhiệm nhặt khổ tu, ăn chay đánh tội cũng không thiếu. “Thật đáng gọi là một dân thánh, đoàn người đã được Chúa chọn.”
(Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam)
5. Lời nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn tìm hiểu và yêu mến thánh lễ. Xin giúp chúng con tích cực khi tham dự thánh lễ, đổi mới sau khi rước lễ. Xin cho chúng con biết chấp nhận ơn Chúa rồi ơn Chúa sẽ biến đổi chúng con nên người tốt. Amen.
Linh mục Mi Trầm