Hiểu hành hương qua lời Chúa phán gọi Áp-ram

Thứ năm - 09/01/2025 09:29  20

Hiểu hành hương qua lời Chúa phán gọi Áp-ram

Nội dung của bài viết này là những ghi chép có điều chỉnh chút ít từ bài giảng chiều thứ Năm, ngày 07/11/2024, của Đức cha Giu-se Đỗ Quang Khang trong tuần tĩnh tâm linh mục đoàn Tổng Giáo phận Hà Nội. Bài giảng của Đức cha có chủ đề: Sống phận lữ khách khi cùng nhau loan báo Tin Mừng.

 

“ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.’” (St 12,1-2)

1. Hành hương cần được hiểu như thế nào?

Dưới ánh sáng lời Đức Chúa phán gọi Ab-ram trong Sáng thế 12, 1-2, hành hương có nghĩa là:

a. “Rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi” – nghĩa là bỏ quê quán, gốc gác, dòng tộc, bỏ tài sản kế thừa.

b. “Đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi” – nghĩa là không phải đi tới nơi ngươi thích, ngươi muốn. Không phải thích đi đâu thì cứ việc đi.

c. “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành.” – “Ta sẽ…Ta sẽ…và người sẽ…” tất cả đều ở tương lai, hiện tại chưa có gì. Tất cả còn ở phía trước.

Ý niệm hành hương phải được hiểu theo nghĩa như thế, đó là:

a. Trước tiên, hành hương phải là nỗ lực từ bỏ nhiều thứ, cho dù những thứ đó xem ra thật chính đáng. Thay vì tôn tạo, giữ gìn, phát triển thì phải từ bỏ. Trong cuộc sống, từ bỏ điều phi lí đã là điều khó, từ bỏ điều chính đáng còn khó hơn bội phần.

b. Hành hương là một hành trình liên tục đi tới. Đi tới nơi Chúa chỉ cho, Chúa định sẵn, chứ không phải tới nơi dễ làm ăn sinh sống, nơi phong cảnh hữu tình, nơi thời tiết thuận hòa, nơi yên bình thư thái, nơi mình thích mình yêu. Hành hương là thực hiện lựa chọn của Chúa chứ không phải lựa chọn của ta. Làm theo ý muốn của Chúa chứ không phải ý thích của ta.

c. Đặt để tương lai đời ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hiện tại vẫn chưa thấy gì, tất cả chỉ là những lời hứa trong tương lai.

2. Một Thiên Chúa luôn hành hương với dân Người

Xuất Hành là thời kỳ rõ ràng nhất nói lên một Thiên Chúa “cắm lều” ở giữa dân Người (Trong tiếng Hy Lạp, cắm lều là ske-nô-o; tiếng Do thái là sa-kan).

Sách Samuel quyển thứ 2 có ghi lại: “ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Ít-ra-en lên từ Ai-cập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm. Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Ít-ra-en, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Ít-ra-en mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Ít-ra-en: “Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?” (2 Sm 7, 5-7)

Trong Tin Mừng, thánh Gioan cũng chép: “Ngôi Lời đã làm người và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14).

Dường như Thiên Chúa không thích ở nhà cao cửa rộng, Ngài vẫn thích hành hương cùng loài người chúng ta. Tất cả những điều đó nói lên một Thiên Chúa thích cắm lều giữa dân Người.

Thánh Phao-lô còn sánh ví: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5, 1).

3. Tôi đang cắm lều hay xây nhà trong cuộc hành hương của mình?

Thành ngữ Việt Nam có câu: an cư lạc nghiệp, nghĩa là sống yên ổn và làm ăn vui vẻ, điều này thể hiện mong muốn của con người về một cuộc sống ổn định và hạnh phúc. Vì thế, cần phải định canh định cư để phát triển.

An cư lạc nghiệp cũng được coi là triết lí khôn ngoan của con người. Chúng ta là con người, chúng ta không thoát khỏi triết lí ấy.

Thế nhưng, chúng ta không chỉ là con người, mà chúng ta còn là con Chúa. Là con Chúa, ta được mời gọi sống phận lữ khách. Đã là lữ khách thì không xây nhà để định cư, mà chỉ cắm lều để tạm cư. Lời mời gọi cắm lều tạm cư gợi cho ta một chân lí hiển nhiên: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20).

Cuộc lữ hành dương thế dài ngắn tùy phận người, vì thế khi nhắc nhớ ta chỉ cắm lều ở dưới đất để tạm cư chứ không phải vĩnh cư, Hội Thánh kêu gọi chúng ta đầu tư xây nhà ở trên trời để định cư.

Nhà cao cửa rộng cũng là triết lý sống khôn ngoan của phận người, nhưng cắm lều là triết lý khôn ngoan của Ki-tô hữu trên cuộc lữ hành dương thế. Chúng ta được mời gọi sống hai triết lý ấy trong cuộc sống của mình.

4. Chưa đủ nếu ta chỉ cắm lều để tạm cư

Cắm lều để tạm cư là việc nhắc nhớ mỗi người chúng ta về kiếp lữ hành của phận Ki-tô hữu. Tuy nhiên, số 26 trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục cấp châu lục đã dựa trên gợi ý của Isaia 54,2 kêu mời ta phải có khả năng dành chỗ và chia sẻ cho người khác. Isaia 54,2 kêu gọi: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc.” Điều này có nghĩa là nới rộng không gian lều để đón tiếp anh em mình trong tiến trình hiệp hành. Ta không lữ hành một mình, ta không phải là một lữ khách cô độc, nhưng còn có anh em khác cùng hiệp hành với ta.

Trong gợi ý của Isaia 54,2 có 3 yếu tố: vải lều, dây lều và cọc lều.

Vải lều để che nắng, chắn gió và che mưa cần được căng ra không phải chỉ để bảo vệ mình, nhưng cũng có thể bảo vệ những ai còn ở bên ngoài và giúp họ cảm thấy được kêu gọi bước vào bên trong. Cắm lều không chỉ đủ cho mình, mà phải dành chỗ cho cả người khác nữa.

Các sợi dây căng lều phải đủ độ căng để giữ cho vải lều không bị võng, nhưng cũng phải đủ độ giãn để giảm bớt tác động của gió.

Cọc lều phải neo chặt lều xuống đất và bảo đảm lều được vững chắc, nhưng vẫn có thể chuyển dời mỗi khi lữ khách cần di chuyển, cần lên đường để tiếp tục hành trình hành hương của phận người lữ hành.

Từ 3 yếu tố trên, ta có thể rút ra bài học cho riêng mình.

Vải lều cần có đặc tính chắc chắn, nếu vải không chắc thì khi căng sẽ có nguy cơ bị xé rách: điều này mời gọi ta vững vàng trong đời sống đức tin và chắc chắn trong sứ vụ.

Dây lều cần vừa căng bền để lều không võng, nhưng cũng phải đủ độ giãn cần thiết để giảm bớt tác động của gió. Điều này mời gọi ta phải có biên độ giao động trong mục vụ, trong công việc đạo, không quá cứng nhắc. Vừa dai chắc vừa giãn.

Cọc lều phải chắc chắn, ổn định khi được cắm xuống đất để giữ vững cái lều. Nếu cọc không chắc thì lều không vững, nếu lều không vững thì việc cắm lều là vô nghĩa. Cọc chắc nhưng vẫn cần có khả năng di chuyển để khi người lữ khách tiếp bước, vẫn có thể nhổ cọc lên. Điều này mời gọi ta cần có đặc tính chắc chắn nhưng cũng phải linh động, không dính bén.

Những hình ảnh này rất dễ hiểu, nhưng những bài học lại rất khó thực hiện.

Đôi điều cần lưu ý thêm, là phận lữ khách thì hành lý cần nhẹ nhàng, tinh thần cần thanh thoát. Hành lí nhẹ nhàng thì cần loại bỏ những gì không cần thiết cho cuộc hành trình để bước chân bớt vướng bận. Tinh thần không dính bén thì tâm hồn thêm thanh thoát.

Phận là khách thì cần ý tứ lời ăn tiếng nói và giữ gìn thói ăn nếp ở sao cho người ta quý mến và đón tiếp, sống sao cho hợp gia quy của chủ.

Hành hương và phận lữ khách là thế.

Ghi chú:

TÀI LIỆU LÀM VIỆC CHO GIAI ĐOẠN CHÂU LỤC CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ TÍNH HIỆP HÀNH 2021-2024 xin đọc ở đây:https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805

Nguồn: Tổng Giáo phận Hà Nội (08/01/2025)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay17,911
  • Tháng hiện tại221,058
  • Tổng lượt truy cập54,121,467

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây