Tôi thấy được gì từ lời cầu nguyện của Cô Sarah giữa bối cảnh cơn đại dịch Covid-19?
Chủ nhật - 22/08/2021 21:21
1266
Lm. Gioakim Nguyễn Quốc Nam
1. SARAH – CÔ GÁI BẤT HẠNH
Tôbia có lẽ không phải là một cuốn sách được nhiều người biết đến bởi lẽ sách này không nằm trong quy điển Kinh Thánh Do Thái (Hebrew Bible) cũng không được anh em Tin Lành công nhận, bởi thế nên có lẽ nhiều người sẽ không biết hoặc ít nghe nói đến nhân vật Sarah – con gái ông Raguên như nhiều người phụ nữ nổi tiếng khác trong Kinh Thánh. Sách Tôbia nằm trong quy điển Kinh Thánh Công giáo, được xếp vào loại các sách Lịch Sử, nhưng nội dung sách lại có nhiều điểm tương đồng với văn chương khôn ngoan. Sách gồm 14 chương, xoay quay những câu chuyện kể về các nhân vật: Tôbit, Tôbia, Sarah, Sứ thần Raphaen, ông Raguên… Xuất hiện từ chương thứ ba của sách, Sarah – nhân vật mà người viết muốn đề cập hôm nay - được giới thiệu là một người con gái đang sống tại Ecbatan thuộc xứ Mêđi, con gái ông Raguên – một người bà con rất gần của nhà ông Tôbit (x. Tb 3,7). Cô được sứ thần Raphaen công nhận là một con người khôn ngoan, can đảm, rất đẹp và thuộc một gia đình tôn quý (Tb 6,12).
Những lời công nhận của sứ thần Raphaen về Sarah làm cho chúng ta hình dung ra một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết. Ấy thế mà cô gái ấy lại bị chính cô hầu gái của mình nhục mạ nặng nề: “chính cô là kẻ sát phu, cô đã có được bảy đời chồng mà chẳng được mang tên ông nào” (Tb 3,8). Cô đã được gả cho bảy người đàn ông, nhưng cả bảy người này đều bị ác quỷ Acmôđaiô giết chết trong đêm tân hôn (Tb 3,8). Thật là một sự bất hạnh nặng nề.
Người Việt Nam chúng ta có câu: cây độc không trái, gái độc không con, quả thật, người phụ nữ không thể làm mẹ là một sự đau đớn, bất hạnh lớn lao.
Thêm vào đó, cha cô không có con trai, chỉ có mỗi mình cô là người con duy nhất, nên xét theo một khía cạnh nào đó, cô cũng được cha mình kì vọng sẽ lấy chồng, sinh con để nối dõi. Thế nhưng người con gái ấy trải qua bảy cuộc hôn nhân mà mỗi cuộc hôn nhân không qua nổi một đêm. Cô còn không được làm vợ chứ đừng nói chi tới chuyện làm mẹ. Ở đây, có lẽ tác giả sách Tôbia muốn cho người đọc thấy tình cảnh cùng khốn của cô khi dùng con số bảy cuộc hôn nhân. Con số bảy trong Kinh Thánh thường tượng trưng cho sự tròn đầy, ở đây có thể hiểu sự cùng khốn của Sarah đã đạt tới đỉnh điểm, vô phương cứu chữa. Hơn nữa nguyên nhân cái chết của bảy người chồng được gán cho ác quỷ Acmôđaiô, điều này giải thích sự bất lực của cô và gia đình trước thế lực sự dữ - thế lực mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể chiến thắng.
Sarah đã hoàn toàn tuyệt vọng, sau khi nghe những lời nhục mạ của cô hầu gái, Sarah buồn phiền, cô òa khóc và đi lên lầu định thắt cổ tự tử (x. Tb 3, 10). Có lẽ giờ phút đó, cái chết là lựa chọn tốt nhất cho cô. Cô sẽ không còn phải nghe những lời nhục mạ, sẽ không còn phải đối diện với ánh mắt dè bỉu, khinh khi nữa. Nhưng may thay, cô nghĩ lại và không tự tử nữa. Hình bóng người cha già đã níu kéo cô (x. Tb 3, 10-11). Cô hối hận và ngay lập tức dang hai tay cầu nguyện.
2. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA SARAH (Tb 3,11-15)
Sarah đã suy nghĩ về tình cảnh cùng khốn của mình, cô thấy mình cần phải thay đổi, không được bi quan, không được nghĩ đến cái chết nữa, nhưng phải một lòng hướng về Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người.
NHỮNG LỜI CHÚC TỤNG (Tb 3,11)
Thật ngỡ ngàng khi trong lúc tuyệt vọng như thế mà tâm tình đầu tiên của Sarah là tâm tình chúc tụng, ca ngợi. Cô ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Nhân Từ. Nếu đặt trường hợp chúng ta, nếu chúng ta cũng lâm vào tình cảnh bi đát khốn cùng như Sarah, liệu rằng chúng ta có còn nghĩ tới Chúa? Liệu rằng chúng ta có còn nghĩ tới việc cầu nguyện? Liệu rằng chúng ta có còn đủ tỉnh táo để dâng lên Chúa những lời chúc tụng xứng danh Người? Có lẽ khó. Trong tình cảnh hiện tại, khi cả thế giới đối mặt với cơn đại dịch thảm khốc, số người dương tính, số người bị đem đi cách ly, số người chết vì dịch bệnh mỗi ngày một tăng, mỗi ngày số ca nhiễm không dưới bốn con số…khi đọc những tin tức đó, tâm tình đầu tiên của chúng ta là gì? Là dâng lời chúc tụng sao? Là tạ ơn sao? Thật khó để làm như vậy. Nhưng Sarah đã làm được, một thiếu nữ bình thường đã thấm nhuần những tâm tình cần có trong việc cầu nguyện, cô đã dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng như khởi đầu cho một tiến trình cầu nguyện.
THÁI ĐỘ LẮNG NGHE (Tb 3,12-13)
Tiếp đến là thái độ của Sarah khi cầu nguyện: hướng mặt về Chúa, mắt nhìn lên Chúa để chăm chú lắng nghe tiếng Chúa. Những tư thế, thái độ này cho chúng ta thấy một sự chăm chú, một sự tập trung tuyệt đối khi chuyện trò với Chúa.
Giữa một thế giới ngập tràn tiếng ồn, giữa một thế giới được bao phủ bởi vô vàn tin tức, liệu chúng ta có đủ thời gian để lắng nghe tiếng Chúa? Liệu chúng ta có đủ tập trung, một sự tập trung tuyệt đối để hướng lòng trí chúng ta về Chúa? Khi mà mỗi ngày chúng ta không còn được tham dự thánh lễ tại ngôi thánh đường thân thương quen thuộc, khi mà mỗi ngày chúng ta chỉ có thể tham dự thánh lễ qua màn hình, khi mà mỗi ngày chúng ta không còn được cảm nếm Mình Thánh Chúa cách thể lý đích thực nữa, liệu chúng ta có tự tìm giờ, tự dành ra thời gian để lắng nghe tiếng Chúa?
Sarah đã biết lắng nghe tiếng Chúa trước khi cô trải lòng mình.
PHÚT TRẢI LÒNG (Tb 3,14-15)
Nỗi buồn, sự đau khổ sẽ vơi dần khi chúng ta có thể nói ra với một ai đó. Nhưng rất khó để chúng ta có thể tìm ra được một ai đó đủ thân tín, đủ kiên nhẫn, đủ bảo mật để chúng ta trải lòng mình. Sarah đã thật đúng đắn khi cô tìm về bên Chúa, tìm về bên Đấng đầy Lòng Nhân Từ, Đấng luôn có đủ kiên nhẫn để nghe cô “kể khổ”. Là một cô gái trong sạch, không hề vướng ô uế của đàn ông, không làm ô danh chính mình và gia đình nơi đất khách quê người, là con một của ông Raguên, là người mang trọng trách thừa kế, nhưng đã qua bảy đời chống, ai cũng qua đời trong đêm tân hôn.
Có lẽ đây là vấn đề khá khó: Sarah tốt lành, công chính nhưng lại gặp đau khổ. Tại sao vậy? Tại sao người công chính lại gặp đau khổ? Rất khó để trả lời. Nhưng trong trường hợp của Sarah – và cũng có thể áp dụng cho chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ, thử thách – bảy người chồng này không phải là những người “phù hợp” để cưới Sarah như lời sứ thần Raphaen nói với Tôbia: trong tất cả mọi người họ hàng, Tôbia là người họ hàng gần nhất có quyền cưới cô (x. Tb 6, 12). Như thế chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hoạch định một hướng đi cho Sarah. Nhưng vấn đề là cô và mọi người không ai có thể biết được đường lối đó. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, đặc biệt trong những lúc cùng đường, tuyệt vọng dưới cái nhìn của chúng ta, vì chúng ta luôn xác tín một điều: Chúa luôn dành con đường “tốt nhất” cho chúng ta. Nhưng con đường tốt nhất không phải lúc nào cũng êm ái nhất.
CẦU XIN (Tb 3,15)
Cuối cùng, Sarah kết thúc những lời cầu của mình bằng một lời cầu xin, một lời cầu xin khiến chúng ta ngỡ ngàng. Cô không xin Chúa cất khỏi cô và nhà cha cô nỗi nhục nhằn mà họ đang chịu, cô cũng không xin gì hơn ngoài việc xin Chúa đoái nghe nỗi lòng của cô.
Còn gì hạnh phúc lớn lao cho bằng lời cầu xin của mình được Chúa đoái nghe. Quả thật, Sarah là một cô gái vô cùng khôn ngoan khi chỉ xin Chúa duy nhất một điều là đoái nghe cô kể lể nỗi nhục nhằn. Bằng chứng là sứ thần Raphaen đã được sai đến để chữa lành cho cô, tác hợp mối lương duyên giữa cô với cậu Tôbia.
Cầu xin luôn là một thái độ mà chúng ta thường không thể thiếu trong khi cầu nguyện. Cũng lắm khi chúng ta bắt đầu những giây phút cầu nguyện của mình bằng những lời cầu xin. Cầu xin là điều rất tốt, tâm tình này thể hiện sự khiêm nhường của một thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Nhưng vấn đề là chúng ta xin gì? Có khi nào chúng ta biến Chúa thành một ông thần đèn quyền năng đáp ứng những nhu cầu mà chúng ta đặt ra?
3. KẾT
Tình cảnh của chúng ta ngày nay cũng phần nào tương tự với tình cảnh của Sarah năm xưa. Chúng ta cũng thấy mình thật nhỏ bé, thật mong manh trước sự lây lan nhanh chóng của cơn đại dịch, chúng ta không biết khi nào mình sẽ nhiễm, không biết khi nào người thân chúng ta sẽ dương tính, chúng ta không biết khi nào cơn dịch sẽ chấm dứt…chúng ta đã cố gắng làm mọi biện pháp mà con người trong sự khôn ngoan Chúa ban để chống chọi, để ngăn chặn sự lây lan đó. Đó là những nỗ lực tốt đẹp của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi quay lại với cõi lòng mình, quay lại qua gương cầu nguyện và phó thác của cô Sarah năm xưa để cùng chúc tụng, tạ ơn, lắng nghe, trải lòng, “kể khổ” với Chúa và xin Chúa đoái nghe nỗi nhục nhằn của chúng ta để rồi Chúa sẽ có cách của Ngài. Chúng ta luôn tin tưởng Chúa sẽ vẽ đường thẳng bằng những nét cong.