Học hỏi Phúc âm: Chúa Nhật XX Thường Niên B. Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời - Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

Thứ tư - 11/08/2021 06:38  625

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm B                  Ga 6,51-58

51 “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” 53 Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

 

CÂU HỎI

1.  Đọc Ga 6,35-51. Đức Giê-su nói “Chính tôi là bánh…” ở những câu nào? ‘Bánh hằng sống’ (c. 51) và ‘bánh trường sinh’ (cc. 35. 48) có nghĩa khác nhau không? Đọc thêm Ga 4,10; 6,57.

2.  Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là gì? Câu này có ám chỉ về cái chết của Đức Giêsu không ? Cái chết này đem lại điều gì ? cho ai ?

3.  Tìm những động từ ‘tin’ và ‘đến với’ trong Ga 6,35-47? Tìm những động từ ‘ăn’ và cụm từ ‘ăn thịt và uống máu’ trong Ga 6,52-58?  Từ đó bạn có thể rút ra những thái độ nào đối với Đức Giêsu?

4.  Đọc Ga 6, 51-52. Cho biết phản ứng của “người Do-thái” đối với câu nói của Đức Giê-su? Họ hiểu câu 51 như thế nào?

5.  Đọc Ga 6,53-55. Qua ba câu này Đức Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?

6.  Đọc Ga 6,56. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể? Cụm từ ‘ở lại trong’ nhắc ta nhớ đến câu nào khác của Gioan? Đọc Ga 15,4-10.

7. Đọc Ga 6,57. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể?

8. Ga 6,51-56 nói nhiều đến ‘ăn thịt và uống máu’ của Đức Giêsu. Bí tích Thánh Thể có gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu không? Đọc Ga 1,14; 19,34.

 

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Bạn có coi việc rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Đức Giê su nói: “Chính Tôi là Bánh…” ở những câu 35, 41, 48, 51. “Bánh hằng sống” (c.51) là Bánh có sự sống nơi chính mình (the living bread). Còn “Bánh trường sinh” (cc. 35.48) là bánh ban sự sống cho nhân loại (the bread of life). Ở Ga 4,10 ta gặp lối nói “nước hằng sống” (living water). Ở Ga 6,57 ta gặp lối nói “Chúa Cha hằng sống” (living Father), lối nói này chỉ xuất hiện một lần ở đây trong Tân Ước.

2. Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là lời khẳng định của Đức Giêsu: “Bánh tôi sẽ ban là thịt tôi cho sự sống của thế gian.” Câu này có ý nói về bí tích Thánh Thể, và nó cũng ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu, bởi lẽ Đức Giêsu nói về việc Ngài cho đi chính thịt của Ngài, nghĩa là cho đi chính con người của mình qua cái chết. Cái chết này sẽ đem lại sự sống đời đời cho (hyper) cả thế gian đang cần ơn cứu độ.

3. Trong Ga 6,35-47, động từ ‘tin’ nằm ở những câu 35, 36, 40, 47; và động từ ‘đến với’ ở những câu 35, 37, 44, 45. Còn trong Ga 6,52-58, ta thấy động từ ‘ăn’ ở những câu 52, 57, 58; và cụm từ ‘ăn thịt và uống máu’ ở những câu 53, 54, 56. Như thế chúng ta cần đến với Đức Giêsu, tin vào Ngài và lãnh nhận thịt máu Ngài trong bí tích Thánh Thể.

4. Khi nghe Đức Giêsu nói về việc Ngài ban tặng thịt của mình (c.51), người Do-thái đã hiểu theo câu này nghĩa đen, nên họ có phản ứng không tin (c.52). Thật ra câu này phải được hiểu trong bối cảnh của bí tích Thánh Thể.

5. Qua Ga 6,53-54, Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “ăn thịt và uống máu” của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Khi lãnh nhận thịt và máu  Chúa, chúng ta có được sự sống (c.53): sự sống đời đời ngay ở đời này và sự sống lại ở đời sau (c.54).

6. Ga 6,56 cho thấy việc lãnh nhận thịt và máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể đem lại một sự kết hiệp hai chiều: Chúa Giêsu ở lại trong tôi và tôi ở lại trong Ngài. Cụm từ ‘ở lại trong’ là cụm từ đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Nó diễn tả việc Chúa Giêsu gắn bó bền vững và sâu xa với các môn đệ, như cây nho với cành nho (Ga 15,4-10).  Thánh Gioan cũng nói Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga14,10), và Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu (Ga 1,32-33).   

7. Ga 6,57  cho ta thấy một hiệu quả đặc biệt của việc rước thịt và máu Chúa Giêsu, đó là chúng ta được sống “nhờ” chính sự sống của Chúa Giêsu. Mà Chúa Giêsu lại sống “nhờ” sự sống của Chúa Cha, nên có thể nói chúng ta được sống nhờ chính sự sống thần linh của Chúa Cha. 

8. Chúng ta tin Đức Giêsu là “Ngôi Lời đã trở thành thịt” (Ga 1,18), nghĩa đã làm người có thân xác như ta. Trên thập giá, khi người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, “tức thì máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Đức Giêsu thật sự có máu, thịt như ta. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã ban cho chúng ta thịt và máu của Ngài. Khi ăn thịt và uống máu Chúa dưới hình bánh rượu, chúng ta tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu, để được sống lại với Ngài. 
 

Suy niệm Tin Mừng: Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời              Lc 1, 39-56

“Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?”

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa.

“Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”.

Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Suy niệm:

Từ Nadarét, Chị Maria đã phải đi 160 cây số để đến nhà ông bà Dacaria. 
Ngày nay, người ta cho rằng nhà của ông bà tư tế này là ở En Kerem, 
một ngôi làng nằm trên đồi, vây bọc bởi những cây ô liu và vườn nho, 
cách Giêrusalem 6 cây số về hướng tây. 
Cuộc hành trình vất vả, dài như cuộc hành hương lên Đền Thánh. 
Chị Maria không đi một mình, chắc Chị đi với một người bà con. 
Hơn nữa, chị đi với Giêsu đang lớn lên trong lòng Chị. 
Khi nghe sứ thần nói bà chị họ Êlisabeth già nua đang mang thai, 
Maria thấy mình có bổn phận phải vội vã lên đường. 
Chị muốn đem đến cho bà Êlisabeth sự hiện diện của Chị.

Một sự hiện diện khiêm tốn và lịch sự. 
Chị đã mở lời chào khi vừa bước vào nhà ông bà tư tế Dacaria. 
Chúng ta không rõ Maria đã chào như thế nào, 
nhưng lời chào của Chị đã làm bật dậy nơi bà Êlisabeth 
một chuỗi những âm vang mạnh mẽ và bất ngờ. 
Tai vừa nghe lời chào của cô em Maria, 
Êlisabeth thấy thai nhi trong lòng mình nhảy lên vì vui sướng (cc. 41, 44). 
Lập tức bà được đầy tràn Thánh Thần. 
Thánh Thần đã khiến bà nhận ra những mầu nhiệm lớn lao 
đang diễn ra trong cuộc hạnh ngộ ở đây, vào giây phút này. 
Êlisabeth lớn tiếng ca ngợi Maria là người phụ nữ diễm phúc nhất. 
Maria có phúc vì được chọn làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu độ (c. 42), 
và vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với mình (c. 45). 
Ngỡ ngàng và ngây ngất trong hạnh phúc, Êlisabeth kêu lên : 
“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa của tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). 
Như thế mầu nhiệm ẩn kín nơi Chị Maria, bà Êlisabeth đã biết. 
Ngược lại, khi thấy bà chị họ của mình mang thai, 
Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần đã nói với mình.

Một sự hiện diện mang tính phục vụ. 
Maria đã ở với bà Êlisabeth độ ba tháng để giúp bà trong lúc sinh nở. 
Tất cả những việc trong nhà, hẳn chị Maria đã tận tâm chu tất. 
Khi Chị nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38), 
khi bà Êlisabeth gọi Chị là Mẹ của Chúa tôi (c. 43), 
thì Chị lại trở nên nữ tỳ phục vụ bà chị họ cao niên. 
Sự hiện diện của Chị đem lại cho cả nhà niềm vui và hạnh phúc. 
Giêsu vẫn lớn lên từng ngày trong Chị, và Chị cảm nhận điều đó. 
Lời ca Magnificat chẳng phải chỉ được cất lên một lần. 
Lời ngợi khen ấy thấm nhuần cuộc sống của Chị. 
Mãi mãi Chị là nữ tỳ hèn mọn được Thiên Chúa cúi xuống (c. 48). 
Và Chị biết mình cũng phải cúi xuống để phục vụ tha nhân.

Mọi cuộc gặp gỡ của chúng ta hằng ngày đều có tính linh thánh. 
Trong niềm vui của Thánh Thần, ta vừa cho đi, vừa nhận lãnh, 
vừa ngợi khen Chúa, vừa phục vụ con người. 
Ước gì chúng ta thấy mình lớn lên nhờ dám mở ra để gặp gỡ.

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay26,079
  • Tháng hiện tại376,137
  • Tổng lượt truy cập51,707,472

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây