Covid 19- có phải là hình phạt của Thiên Chúa?
Thứ ba - 31/08/2021 05:30
790
Covid 19- có phải là hình phạt của Thiên Chúa?
Trent Horn
Khi Covid-19 lan rộng khắp thế giới, nhiều người Công giáo tự hỏi liệu đại dịch này phải chăng do Chúa “gửi” đến như một hình phạt cho tội lỗi? Một số người nói rằng Thiên Chúa chắc chắn đang trừng phạt thế giới, thậm chí cả Giáo hội vì những sự kiện xảy ra gần đây. Một số khác khác tin rằng Thiên Chúa sẽ không bao giờ trừng phạt con người bằng bệnh dịch hay đại dịch và vì vậy rõ ràng căn bệnh này không phải là hình phạt của Chúa.
Để tìm hiểu vấn đề này, thiết nghĩ chúng ta nên trở lại với Kinh thánh.
Kinh thánh ghi lại việc Thiên Chúa đã nhiều lần, qua các thảm họa thiên nhiên, giáng phạt con người vì những hành động của họ. Ngài tạo mưa lửa và diêm sinh trên Sôđôm và Gômôrơ vì sự sa đọa của người dân nơi đây (St 19,24-25). Ngài đã cho rắn lửa đến làm khổ dân Israel khi họ thiếu kiên nhẫn và chống lại Ngài và Môsê trong sa mạc (Ds 21,6). Ngài cũng cho xuất hiện bệnh dịch ở Ai Cập (Xh 7,16-17) và thậm chí là bệnh dịch trên đất nước Israel (2 Sm 24,15).
Tai ương, bệnh dịch không chỉ xuất hiện trong Cựu ước. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ tín hữu Côrintô khi lãnh nhận Thánh Thể đừng để mình trong tình trạng tội lỗi: “Đó là lý do tại sao nhiều người trong anh em yếu đuối, đau yếu, và một số đã chết” (1 Cr 11,30). Thánh Luca ghi lại việc Khanania và Sapphira ngã xuống và chết sau khi bị thánh Phêrô phát hiện hành vi bất lương của họ (Cv 5,9-11).
Đến đây, chúng ta thấy xuất hiện câu hỏi về dụng ý của các tác giả Kinh thánh khi nói rằng Thiên Chúa đã cho phép một bệnh dịch hay một thảm họa xảy ra. Thảm họa đó có thể là trường hợp Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào trật tự tự nhiên để dẫn đến đến một tai họa hoặc Ngài cho phép một điều ác tự nhiên bộc lộ và chỉ đơn giản là Ngài chọn không ngăn chặn nó?
Dù bằng cách nào, lời chứng của Kinh thánh cho thấy rằng chúng ta không thể nói Thiên Chúa không bao giờ gây ra bệnh tật hoặc cái chết như một hình phạt cho hành vi tội lỗi. Nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh tật hay cái chết luôn là hình phạt cho hành vi tội lỗi. Chủ đề chính của sách Gióp là ông không làm gì sai để phải gánh chịu những phiền não (G 1,1). Trên thực tế, Thiên Chúa nổi giận với bạn bè của Gióp vì cho rằng những đau khổ của Gióp là hình phạt cho tội lỗi (G 42,7). Ngài nói với Gióp (và những người còn lại) rằng chúng ta không có tư cách để phán xét tại sao Thiên Chúa lại cho phép một số điều xấu xảy ra (G 38,1-41). Đó là bởi vì, như Thiên Chúa đã nói qua tiên tri Isaia: “như trời cao hơn đất, đường lối của Ta cao hơn đường lối của các ngươi và suy nghĩ của Ta hơn suy nghĩ của các ngươi” (Is 55,9).
Tương tự như vậy, Chúa Giêsu dạy rằng một số điều xấu xảy ra không liên quan đến hành vi tội lỗi. Ngài nói rằng những nạn nhân của vụ sập tháp Siloam hay những người Do Thái mà Philatô đã tàn sát, không tội lỗi hơn những người Do Thái còn lại (Lc 13,2-5) và không phải do tội lỗi của bất kì ai lại khiến một người bị mù bẩm sinh (Ga 9,3). Thay vào đó, Thiên Chúa đã để anh ta bị mù để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện qua việc chữa lành của Chúa Giêsu. Điều này tương tự như lý do tại sao Thiên Chúa không chữa lành “cái gai trong thịt” của thánh Phaolô (có thể là một căn bệnh; x. Gl 4,13-15). Sự đau khổ của Phaolô không phải là hình phạt cho tội lỗi mà là cơ hội để ân điển của Thiên Chúa được bày tỏ. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa nói với Phaolô: “Ân sủng của Ta đủ cho ngươi, vì quyền năng của Ta được hoàn thiện trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).
Không phải mọi sự dữ tự nhiên đều phải được coi là hình phạt cho tội lỗi. Trên thực tế, Thiên Chúa thường cho phép thế giới mở ra theo các quy luật mà Ngài đã xây dựng nó - phép màu là ngoại lệ, không phải quy luật. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới được “hoạt động” bởi các quy luật tự nhiên, chúng ta nên bắt đầu với giả định rằng bất kỳ tội ác tự nhiên nào, dù là cá nhân hay cộng đồng, đều là sản phẩm phụ của những quy luật đó chứ không phải là hình phạt cụ thể cho tội lỗi. Thật vậy, Giáo hội đã không nói các đại dịch khác trên thế giới, sóng thần, động đất và các loại thảm họa khác khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị thương là hình phạt của Thiên Chúa. Như thế, tại sao chúng ta nghĩ rằng Covid-19 hoặc bất kỳ thảm họa nào lại khác với những thảm họa xảy ra trong quá khứ mà chúng ta không nghĩ là hình phạt cho tội lỗi?
Những nhân vật trong Kinh thánh sống trong giai đoạn quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa, khi những can thiệp của Ngài rất phổ biến, và Ngài cũng ban cho họ những ngôn sứ để hiểu được lý do của những can thiệp này. Nhưng chúng ta thì khác, chúng ta đang sống trong một thời đại khác, và sự tỏ lộ một cách minh nhiên trước mọi người không còn nữa, có nghĩa là chúng ta phải sử dụng các phương pháp khác để tìm ra ý Chúa. Nếu thảm họa chỉ ảnh hưởng đến một nhóm người mà chúng ta mong đợi Chúa sẽ trừng phạt, như một nhóm bác sĩ phá thai hoặc những người tham dự các hội nhóm của Satan, thì đó có thể là bằng chứng về sự trừng phạt của Thiên Chúa. Cũng có thể tin rằng một thảm họa là một hình phạt của Thiên Chúa nếu nó được báo trước hoặc đi kèm với một mặc khải tư được Giáo hội chấp thuận, mặc dù sau đó các tín hữu sẽ không bắt buộc phải tin vì sự thật này không được tìm thấy trong mặc khải công. Tuy nhiên, chúng ta không có bằng chứng nào ủng hộ quan điểm cho rằng Covid-19 là một hình phạt đến từ Thiên Chúa. Ngược lại, Thiên Chúa luôn có thể rút ra một điều thiện hảo từ một sự dữ, và đại dịch này cho chúng ta một lời nhắc nhở rằng: chúng ta phải ăn năn tội lỗi của mình trong khi chúng ta còn thời gian để sám hối. Thật vậy, đó là điểm mà Chúa Giêsu đưa ra khi người ta hỏi ngài về những cái chết dường như phi lý của người Do Thái ở Galilê dưới tay của Philatô. Ngài nói những người đến đền thờ cầu nguyện rồi bị tàn sát đó không tội lỗi hơn những người ở Siloam, là những người đã chết khi một tòa tháp đổ sập xuống họ. Điều quan trọng không phải là tại sao họ chết, mà là liệu họ có thể ăn năn trước khi chết hay không, hay như Chúa Giêsu đã nói thẳng: “nếu các ngươi không ăn năn, thì tất cả các ngươi sẽ chết” (Lc 13,5).
Bạn và tôi, chúng ta có thể nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19. Nếu chúng ta bị nhiễm, chúng ta có thể chết hoặc không. Chúng ta cũng có thể không bao giờ biết tại sao Chúa lại cho phép một số người mắc bệnh này mà không phải những người khác. Nhưng những gì chúng ta biết là bạn và tôi sẽ chết và phải đối mặt với Chúa để bị phán xét (2 Cr 5,10).
Vì vậy, chúng ta nên sử dụng thời gian thử thách này cũng như những “tai họa cá nhân” nơi hầu hết mọi người để đến gần Chúa hơn. Chúng ta nên ăn năn về bất kỳ tội lỗi nào khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và tìm kiếm sự hiệp thông với Ngài, ngay cả qua việc cầu nguyện rước lễ thiêng liêng hay tham dự thánh lễ trực tuyến. Và chúng ta nên trải rộng lòng thương xót và tình thương của Chúa Giêsu cho nhiều người đang cần được giúp đỡ ngay lúc này, và có thể đang đau khổ về thể chất, tinh thần và kinh tế. Thánh Phaolô đã cầu nguyện trong hoàn cảnh này như sau: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Người là Cha đầy lòng thương cảm, và là Thiên Chúa hằng nâng đỡ ủi an. Người an ủi chúng ta trong mọi cơn gian nan, để nhờ sự an ủi chính chúng ta nhận đươc từ Thiên Chúa, chúng ta có thể an ủi những ai lâm vào mọi cảnh gian nan” (2Cr 1,3-5).
Nguồn: https://www.catholic.com/magazine/online-edition/is-covid-19-a-punishment-from-god
Chuyển ngữ: Lm Gioakim Nguyễn Quốc Nam