Tản mạn về Sắc chỉ Năm Thánh thường lệ 2025.
Thứ ba - 10/12/2024 20:31
277
TẢN MẠN VỀ SẮC CHỈ NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ 2025
- NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG CỦA HY VỌNG -
Giữa một xã hội đầy biến chuyển, ai nấy đều bị chi phối ít nhiều bởi các thiên tai, nhân tai, những bấp bênh, chông chênh trong đời sống. Đứng trước mũi thuyền gặp bao sóng gió, bão táp phong ba, người thuyền trưởng chắc hẳn phải vừa mạnh mẽ, đầy gan dạ với biết bao kỹ năng, kinh nghiệm vượt sóng khơi, vừa khôn ngoan chèo chống hòng thoát khỏi cơn nguy kịch.
Trong bối cảnh đó, các tín hữu Công giáo khắp nơi cũng đang bươn chải, vật lộn với biết bao khó khăn đời thường. Đặc biệt, anh chị em chịu cảnh xung đột, nội chiến, bị bách hại, bị tước đoạt tự do tín ngưỡng, chịu mọi hình thức bất công, và họ đang đánh mất niềm cậy trông, thất vọng đến độ tuyệt vọng, đức tin trở nên nguội lạnh, đức ái dường như bị lãng quên, thay vào đó là sự xa cách, biệt lập, dửng dưng và vô cảm.
Vơi cương vị là vị cha chung, đấng kế vị Thánh Tông đồ Phê-rô, và là người đại diện Chúa Ki-tô tại trần gian này, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã công bố Sắc chỉ Năm Thánh thường lệ 2025 với tựa đề trích từ thư của Thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma (5, 5) “Spes non confundit” (Hy vọng không làm thất vọng) nhằm nhắc nhở, khuyến khích, động viên, nâng đỡ mỗi người Ki-tô hữu nhận ra ân sủng Chúa ban cho chúng ta dồi dào hơn bao giờ hết, và Đức Thánh cha cũng mong mỏi rằng: “Đối với mọi người, ước gì Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10, 7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta (x. 1Tm 1,1), là Đấng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người” (Sắc chỉ Năm Thánh Spes non confundit [Snc] số 1). Tiếp theo, ngài chỉ ra tính không thể thiếu của lòng cậy trông, nhất là trong thời đại này: “Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Lời Chúa giúp chúng ta tìm ra những lí do cho niềm hy vọng ấy” (Snc số 1). Bởi chưng, “niềm hy vọng này không làm cho chúng ta phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 1-2.5) [x. Snc số 2].
Nói đến niềm hy vọng hoặc lòng cậy trông hay đức cậy, tiên vàn chúng ta cảm tạ Chúa vì đã thông ban cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức ái. Ba nhân đức này được chính Thiên Chúa trao ban, chứ không dựa trên công trạng, thành quả hay tài năng của chúng ta. Người tuôn đổ ba nhân đức này cho chúng ta qua Giáo hội là Hiền thê của Chúa Ki-tô, chứ chẳng phải do Giáo hội lập nên, rồi trao cho con cái mình! Hơn hết, trong Sắc chỉ Năm Thánh, Đức Giáo hoàng chia sẻ cách cụ thể và dễ hiểu về đức cậy: “Niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giê-su bị đâm thâu trên thập giá…và sự sống của Người được biểu lộ nơi đời sống đức tin của chúng ta, khởi đầu bằng phép Rửa, tăng triển trong sự mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa, được sinh động bởi niềm hy vọng luôn được đổi mới và nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần” (Snc số 3). Là những người lữ hành của hy vọng ngay trên dương thế này, đang tiến về quê Trời hằng sống, mỗi Ki-tô hữu chúng ta không thể không lên đường cất bước, và “không thể sống nếu không có ba tâm tình: tin, cậy, mến” (Thánh Âu-gus-ti-nô, Bài giảng 198 augm, 2; x. Snc số 3).
Thật vậy, Thánh Phao-lô đã xác tín dựa trên cảm nghiệm sâu sắc của ngài khi gửi thư cho giáo đoàn Rô-ma: “Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen nhẫn nại; ai quen nhẫn nại thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5, 3-4). Mặc khác, ngài thường nói đến sự kiên nhẫn nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng trung kiên và tín thác vào những gì Thiên Chúa đã hứa với chúng ta, vì thật ra thánh nhân hằng làm chứng rằng: Thiên Chúa luôn nhẫn nại chờ đợi chúng ta, chính Người là “nguồn nhẫn nại và ủi an” (x. Rm 15, 5). Với điểm này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chấp bút khẳng định rõ nét hơn về căn tính cũng như mục đích của Năm Thánh 2025: “Đời sống Ki-tô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su…Thật là tốt đẹp khi phương thức cử hành Năm Thánh “mở rộng” này vẫn tiếp tục, để sức mạnh tha thứ của Thiên Chúa nâng đỡ và đồng hành trong cuộc hành hương của các cộng đoàn và các cá nhân” (Snc số 5). Vì vậy, ngài nhấn mạnh đến yếu tố ‘hành hương’ và sự cần thiết của nó đối với những người hành hương của hy vọng: “Hành hương là yếu tố căn bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Hành hương bằng cách đi bộ rất có lợi cho việc tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, sự cố gắng và của điều thiết yếu…Những người hành hương của hy vọng sẽ không bỏ lỡ việc bước đi trên những con đường cổ xưa và hiện đại để sống kinh nghiệm Năm Thánh một cách mãnh liệt” (Snc số 5).
Chúng ta là những người lữ khách đang rong ruổi trên bước đường trần không phải vô định, hay mờ câm chẳng biết đến đích điểm, mà chúng ta đang trên bước hành trình về nhà Cha trên trời với niềm hy vọng và trông cậy. Trên nẻo đường hành hương này, “ngoài việc kín múc niềm hy vọng nơi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi khám phá lại niềm hy vọng đó trong những dấu chỉ của thời đại mà Chúa ban cho chúng ta” (Snc số 7). Đức Thánh Cha khẳng khái nêu lên “dấu chỉ hy vọng đầu tiên phải thành hiện thực là hoà bình…Năm Thánh phải nhắc nhở chúng ta rằng ai ‘xây dựng hoà bình’ sẽ được ‘gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5, 9). Yêu cầu hoà bình chất vấn mọi người và đòi hỏi phải theo đuổi những kế hoạch cụ thể” (Snc số 8).
Ngoài ra, ở số 9 của Sắc chỉ Năm Thánh, ngài cũng đề cập đến những vấn nạn thời đại này như việc ‘đổi lỗi cho sự gia tăng dân số chứ không phải chủ nghĩa tiêu thụ quá mức và có chọn lọc của một số người, là một cách để không phải đối mặt với các vấn đề” (x. Thông điệp Laudato si’, 50), và rất nhiều vấn đề khác như: mở ra đón nhận sự sống với vai trò làm cha mẹ, ủng hộ một liên minh xã hội vì niềm hy vọng (mang tính đón nhận và phi ý thức hệ), tìm lại niềm vui sống bởi vì con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26), không thể bằng lòng với việc sống qua ngày, không chỉ hài lòng với thực tại vật chất, can đảm thoát ra khỏi sự giam hãm của chủ nghĩa cá nhân và lối sống xói mòn niềm hy vọng. Bên cạnh đó, mỗi Ki-tô hữu được mời gọi trở nên dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những ai sống trong hoàn cảnh khốn cùng như tù nhân, bệnh nhân, giới trẻ, di cư - di dân, lưu vong, di tản, tị nạn, người yếu thế cô thân, người cao tuổi, người nghèo; đặc biệt các mục tử phải là những người biểu đạt yêu cầu này, và dám lên tiếng can đảm đòi những điều kiện xứng đáng cho những ai bị cầm tù, tôn trọng nhân quyền, bãi bỏ án tử hình (x. Snc số 9 - số 15).
Trên hết, “Đức Ki-tô đã chết, đã được mai táng, đã trỗi dậy, đã hiện ra (1Cr 15, 3-5). Chúa Giê-su đã chết và sống lại là trung tâm đức tin của chúng ta” (Snc số 20), và với niềm xác tín đầy lòng cậy trông yêu mến này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chỉ ra: “hạnh phúc đích thật là ơn gọi của con người, là mục tiêu thiết thân với mỗi người chúng ta” (x. nt). Sau cùng, ngài hết lòng nhắc chúng ta nhớ rằng: “Ân xá giúp chúng ta khám phá lòng Thương xót của Thiên Chúa vô hạn đến mức nào”, và “Bí tích hoà giải đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta” (Snc số 23).
Với tất cả lòng thành của một người con Thiên Chúa, con cái Giáo hội, chúng ta cùng chung tâm hồn cảm tạ, tán dương Người từ bây giờ và cho tới muôn đời. Đồng thời, cùng kết bàn tay, chúng ta cất bước lên đường hành hương Năm Thánh 2025 (từ ngày 24 tháng 12 năm 2024 đến 28 tháng 12 năm 2025, và ngày 6 tháng 1 năm 2026 Cửa Năm Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô sẽ được Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô khép lại, chính thức bế mạc Năm Thánh 2025) khởi sự với niềm hy vọng, tin tưởng và mến yêu.
Lm. Xuân Hy Vọng