Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô và việc sống đức tin Kitô giáo trong thời đại tục hóa
Alessandro Rovati
Trong xã hội thường được xem là ‘tục hóa’ khi giản lược chiều kích tôn giáo vào chuyện cá nhân, riêng tư của mỗi người thì liệu đức tin Kitô giáo còn có cơ hội nào không? Alessandro Rovati - Giáo sư và trưởng khoa thần học tại Belmont Abbey College (Mỹ) sẽ khảo sát cả những thay đổi về mặt xã hội lẫn cách thức mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và vị kế nhiệm là Đức Phanxicô cho thấy giá trị trường tồn của niềm tin Kitô, và Giáo hội cần phải làm gì khi đối diện với một thế giới “đang dần che khuất ý thức về Thiên Chúa.” Nhà thần học Ratzinger vẫn cho thấy tầm nhìn của mình về sự sống động của đức tin, vốn mời gọi kẻ tin luôn lên đường chứ không hề tĩnh tại, và tiếp đó là sự canh tân, hoán cải cho việc truyền giáo của Giáo hội lữ hành dưới triều đại của vị Giáo hoàng Dòng Tên. Như một sự tưởng nhớ Đức Bênêđictô XVI dịp 2 năm ngày mất của ngài (31.12.2022), qua bài viết này, hy vọng độc giả khám phá được giá trị của việc làm Kitô hữu giữa lòng Giáo hội trong thế giới hôm nay và tiến bước trong Năm Thánh 2025 vừa được khai mở cho chúng ta.
Thời đại chúng ta đang sống thường được Đức Phanxicô mô tả như là “một sự thay đổi mang tính lịch sử.”[1] Đặc điểm chính của một trải nghiệm hoàn toàn mới như vậy là “chúng ta không còn sống trong thế giới Kitô giáo vì đức tin không còn là một tiền đề hiển nhiên trong đời sống xã hội nữa; thật vậy, đức tin thường bị từ chối, nhạo báng, gạt ra ngoài lề và bị chế giễu.”[2] Trong nhận định của Đức Phanxicô, chúng ta nghe vang vọng điều mà ngay cả Đức cố Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã suy ngẫm rất nhiều khi công bố Năm Đức tin: “Trong khi trước đây, người ta có thể nhận ra một nền tảng văn hóa thống nhất, được chấp nhận rộng rãi với lời kêu gọi của nó đối với nội dung đức tin và các giá trị được đức tin truyền cảm hứng” thì “ngày nay, điều này dường như không còn đúng nơi phần đa số của xã hội nữa.”[3] Chúng ta đang sống giữa một cuộc khủng hoảng đức tin sâu sắc đã ảnh hưởng đến nhiều người. Trên thực tế, Đức Bênêđictô XVI đã nhận thức sâu sắc về tính cấp bách của tình hình hiện tại đến nỗi vào năm 2010, ngài đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa. Đức cố Giáo hoàng nêu lý do cho quyết định của mình như sau: nhiệm vụ chính của hội đồng này sẽ là “thúc đẩy một cuộc truyền giáo mới ở các quốc gia nơi lời công bố đức tin đầu tiên đã vang vọng và nơi các Giáo hội có nền tảng lâu đời hiện hữu nhưng đang trải qua quá trình tục hóa xã hội dần dần và một hình thức ‘che khuất ý thức về Thiên Chúa.’” Một hoàn cảnh mới như vậy khiến Giáo hội phải đối mặt, và “thách đố tìm kiếm những phương tiện thích hợp để đề xuất lại chân lý trường tồn của Tin mừng Chúa Kitô.”[4]
Kitô giáo ở giữa những thay đổi mang tính lịch sử
Năm 1970, Joseph Ratzinger đã sử dụng sự thành thạo nổi bật về lịch sử triết học và thần học phương Tây để dõi theo lịch sử trí thức đưa chúng ta đến một thế giới mà dường như không còn cần Chúa để hiểu và giải thích vũ trụ nữa.[5] Ratzinger giải thích: Thế giới là tự thân và “câu hỏi về Chúa không còn tìm thấy bất kỳ vị trí nào trong tư duy của con người nữa.”[6] Khoa học dường như có khả năng giải thích tất cả những bí ẩn trước đây chưa được biết đến của thế giới tự nhiên và do đó giải phóng chúng ta khỏi nhu cầu tìm kiếm lời giải thích vượt ra ngoài phạm vi kinh nghiệm. Không chỉ sự siêu việt được coi là thừa thãi, mà ngay cả thông điệp cốt lõi của Kitô giáo cũng có vẻ ngày càng ngây thơ và khó tin. Với sự mở rộng và khả năng biến đổi vô hạn, làm sao toàn bộ lịch sử vũ trụ có thể phụ thuộc vào một con người là Giêsu thành Nazaret? Có phải là nực cười khi nghĩ rằng một thứ nhỏ bé và phù du như vậy, một người sinh ra ở vùng ngoại biên của Israel cách đây 2000 năm lại có thể quyết định vận mệnh của mỗi người? Trong cuốn sách Introduction to Christianity (Đức tin Kitô giáo hôm qua hôm nay),[7] Ratzinger so sánh hoàn cảnh của những Kitô hữu trong bối cảnh hiện tại với tình hình của một chú hề đang cố gắng cảnh báo ngôi làng rằng rạp xiếc đang bốc cháy. Không ai coi lời cảnh báo của chú hề là nghiêm túc, vì mọi người đều nghĩ rằng tiếng kêu cứu của anh là một phần của màn trình diễn. Anh dễ dàng bị coi là một nhân vật mà không ai nên chú ý đến. Kết quả là không ai cố gắng ngăn chặn đám cháy và cả rạp xiếc cùng ngôi làng đều bị thiêu rụi. Tình hình của những Kitô hữu hôm nay có vẻ không khác mấy. Họ dường như không thể khiến mọi người lắng nghe thông điệp của họ. Ngọn lửa của một nền văn hóa đã đi vào quên lãng đang bùng cháy dữ dội nhưng dường như không ai để ý hay quan tâm. Ratzinger cho rằng Kitô hữu phải đối mặt với “sự bất lực đáng thất vọng trong việc phá vỡ các khuôn mẫu tư duy được chấp nhận… và khiến mọi người nhận ra rằng [đức tin] là một khía cạnh nghiêm túc của cuộc sống con người.”[8] Kết quả là “ngay cả những người trung thành, giống như những người lữ hành trên một con tàu đang chìm cũng đang bị ảnh hưởng rộng rãi bởi một cảm giác bất an: họ đang tự hỏi liệu đức tin Kitô giáo có tương lai hay không, hoặc trên thực tế, đức tin đó ngày càng trở nên lỗi thời.”[9]
Mọi điều chúng ta đã nói cho đến nay dường như đều ngụ ý rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà lời tuyên bố của Nietzsche cuối cùng đã trở thành hiện thực. Chúa đã chết và đức tin không có tương lai. Con người đã vượt thoát khỏi nó, và chính ý tưởng về niềm tin tôn giáo giờ đây là “không thể thực hiện được.”[10] Nhưng liệu điều đó có thực sự đúng không?
Ratzinger cho rằng mọi người ngày nay trải nghiệm “hình thái đức tin như một gánh nặng.”[11] Với tất cả các thực hành học thuyết và phán đoán luân lý của mình, Kitô giáo thường được coi là hoàn toàn không đồng bộ với thế giới đương đại. Tuy nhiên, Ratzinger tiếp tục: “mặc dù có vẻ nghịch lý, nhưng những ngày chúng ta đang sống lại rất đặc trưng bởi sự khao khát đức tin: thế giới của nền kinh tế được hoạch định, của nghiên cứu, của tính toán và thử nghiệm chính xác rõ ràng là không đủ để thỏa mãn con người. . . . Con người muốn được giải thoát khỏi thế giới trên cũng như khỏi đức tin lỗi thời.”[12] Thật đáng kinh ngạc! Trong một thế giới mà con người cuối cùng đã giải quyết được mọi câu hỏi và vấn đề muôn thuở của mình, trong đó những khả năng gần như vô hạn để giải trí và làm chúng ta bận rộn mãi mãi và quên hết mọi thứ khác thì cuộc sống của chúng ta vẫn bị đánh dấu bởi sự bất mãn kép. Mọi người đều bất mãn với đức tin, với thế giới và những gì nó mang lại.[13]
Sự quên lãng, xao nhãng, chủ nghĩa tương đối và hoài nghi biểu thị thời đại chúng ta đều là những mặt khác nhau của cùng một vấn đề. Như Ratzinger nói, khi “chân lý - chính thực tại đang vượt quá”[14] con người, nhưng họ vẫn khao khát chúng, khi tất cả sự mất cân đối, khoảng cách, vực thẳm giữa khả năng của chúng ta và mục đích thực sự của chúng ta, xuất hiện với tất cả sức mạnh của nó - không có gì ngạc nhiên khi con người, hoặc sẽ rút lui vào những nỗ lực sống vô nghĩa hoặc phủ nhận rằng chúng ta được tạo ra vì chân lý ngay từ đầu. Như Hồng y Ratzinger đã nói trong bài giảng cuối cùng của mình trước khi được bầu làm Giáo hoàng: “Chủ nghĩa tương đối, tức là để bản thân bị ‘đưa đẩy nay đây mai đó, bị mọi luồng gió giáo thuyết cuốn đi’ dường như là thái độ duy nhất có thể ứng phó với thời đại hiện đại.”[15]
Nhưng bất kể sự sao nhãng và phủ nhận bản chất đích thực của bản thân, trái tim con người là không thể giản lược, và nỗi khao khát vĩnh hằng biểu thị cho chúng ta lại tái hiện trong mọi bằng chứng của nó. Năm 1970, Ratzinger đã chỉ ra sức phục hồi của bản chất con người bằng cách dựa vào một số nhà tư tưởng vô thần nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Albert Camus và Simone de Beauvoir. Trong những tác phẩm của họ, một khi khả năng của đức tin Kitô giáo bị bác bỏ vì phi lý thì hiển nhiên nỗi khao khát chân lý, ý nghĩa và sự hiện hữu đặc trưng của trái tim con người vẫn không biến mất. Hãy lắng nghe những gì de Beauvoir viết trong nhật ký của bà (Ratzinger trích lại): “Nếu vào một buổi tối, tôi tình cờ uống quá nhiều, tôi có thể dễ dàng khóc như mưa. Nỗi khao khát cũ của tôi đối với sự tuyệt đối lại trỗi dậy; tôi khám phá lại sự phù phiếm của nỗ lực của con người và sự gần kề đe dọa của cái chết.”[16] Thật đáng kinh ngạc! Không có gì, không phải tất cả các môi trường văn hóa dường như thù địch với đức tin và ý tưởng về sự siêu việt, không phải tất cả các lý thuyết chống lại bản chất tôn giáo của con người, không phải tất cả các cách mà Beauvoir sống một cuộc đời chống lại đạo đức truyền thống có thể kìm nén hoàn toàn trái tim bà. Ngay khi các biện pháp phòng thủ hạ thấp, bản chất con người trong tất cả sự khắc khoải của nó lại áp đặt chính nó để thể hiện một “nỗi buồn sâu thẳm” như Ratzinger gọi, và những lời hứa sai lầm của thời đại chúng ta bị vạch trần.
Giống như Ratzinger với những nhà trí thức vô thần của thập niên bảy mươi, tôi liên tục ngạc nhiên về cách mà ngay cả ngày nay, những nhân vật công chúng, những người nổi tiếng và có ảnh hưởng không liên quan gì đến đức tin và cuộc sống của họ thường minh nhiên chống lại đức tin, vẫn liên tục làm chứng cho những nhu cầu đích thực của con tim. Ví dụ, trong nhiều bài hát nổi tiếng nhất hiện nay, người ta có thể tìm thấy tiếng vọng mạnh mẽ của nỗi khao khát vô hạn cấu thành nên bản chất con người. Và tiếng kêu gọi hạnh phúc đích thực như vậy có thể bị chống lại hoặc làm cho rối loạn bởi sự xao lãng và tội lỗi; sự nhầm lẫn có thể hướng mọi người đến những nỗ lực khác tàn phá để đáp lại nó, nhưng không có gì có thể ngăn chặn nó hoàn toàn được. “Bạn có hạnh phúc trong thế giới hiện đại này không hay bạn cần nhiều hơn thế? Bạn còn đang tìm kiếm điều gì khác không?” Trích lời bài Shallow của Lady Gaga. “Tất cả sự tỏa sáng của hàng ngàn ánh đèn sân khấu - tất cả những vì sao mà chúng ta đánh cắp từ bầu trời đêm - sẽ không bao giờ là đủ. Những tòa tháp vàng vẫn còn quá nhỏ. Đôi bàn tay này có thể nắm giữ thế giới nhưng sẽ không bao giờ là đủ”, lời thoại của một trong những nhân vật chính trong vở nhạc kịch The Greatest Showman. “Có ai [có thể hiểu tôi] không? Tôi cần một ai đó,” Demi Lovato hát trong bài Anyone . “Tôi cần một người yêu tôi,” Little Nas X van nài trong bài That’s What I want. “Tôi nằm trên giường ước mơ nhiều thứ hơn”, Sam Smith hát theo giai điệu bắt chước những bài thánh ca mà anh đã hát khi còn học ở trường Công giáo thời trẻ. Tôi có thể tiếp tục đưa ra rất nhiều ví dụ khác. Vấn đề là bất chấp những gì Nietzsche nghĩ thì Chúa vẫn chưa chết. Vấn đề tôn giáo vẫn chưa chết. Khao khát vĩnh hằng của con người vẫn chưa chết. Và trái tim chúng ta vẫn khắc khoải như hàng trăm năm trước.
Sống đức tin trong một thời đại thế tục
Tuy nhiên, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới. Chúng ta đang sống trong thời đại mà triết gia Charles Taylor gọi là “thời đại thế tục.” Trước hết, thế tục là bị vỡ mộng. Ngày nay, mọi người không hiển nhiên coi sự tồn tại của “một vũ trụ của các linh hồn và thế lực, một số trong đó là xấu xa và hủy diệt.”[17] Thay vào đó, chúng ta nghĩ rằng tư duy khoa học và kiến thức kỹ thuật giúp chúng ta kiểm soát được. Chúng ta không cần phải bám vào thứ gì sẽ bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ bởi vì như Ratzinger đã giải thích vào năm 1970: “sự phát triển mà qua đó chúng ta tự thể hiện mình… như sản phẩm của làm việc chăm chỉ, của hoạt động có kế hoạch, được tính toán và sáng tạo. Con người mong đợi ơn cứu rỗi đến từ chính họ, và họ dường như có khả năng cung cấp ơn cứu rỗi đó.”[18] Nhưng đây cũng là thời đại mà, Taylor lập luận “khát vọng tôn giáo… khát vọng vĩnh hằng, vẫn là nguồn động lực độc lập mạnh mẽ.”[19]
Một đặc điểm chính yếu thứ hai của thời đại thế tục theo Taylor là cùng với sự say mê đã qua rồi thời mà niềm tin nói chung, và đức tin Kitô giáo nói riêng “đan xen với đời sống xã hội đến mức khó có thể hình dung được nếu cái này thiếu cái kia.”[20] Bây giờ chúng ta sống trong một thế giới gồm những người hành hương, những người tìm kiếm tâm linh,[21] tất cả đều tham gia vào cái mà Taylor gọi là hành trình tìm kiếm tính chân thực. Taylor mô tả: “mỗi người chúng ta đều có cách riêng để nhận ra nhân tính của mình và ... điều quan trọng là phải tìm ra và sống theo cách của riêng mình, thay vì đầu hàng trước sự tuân thủ theo một mô hình áp đặt cho chúng ta từ bên ngoài.”[22] Mọi người quan tâm đến việc tìm ra con đường của mình, con đường truyền cảm hứng và thúc đẩy họ.[23] Taylor nói rằng mọi người theo đuổi “bản năng tâm linh” của mình, “tìm kiếm trải nghiệm trực tiếp hơn về điều thánh thiêng, để có sự tức thời, tự phát và chiều sâu tâm linh hơn... Điều này thường xuất phát từ sự bất mãn sâu sắc với một cuộc sống hoàn toàn bị bao bọc trong trật tự nội tại. Cảm giác là cuộc sống này [cuộc sống trong thế giới khoa học hiện đại] là trống rỗng, phẳng lặng, không có mục đích cao cả hơn.”[24] “Có phải chỉ có thế thôi không?” Peggy Lee đã hỏi trong một bài hát nổi tiếng năm 1969. Giống như bà, Taylor cho rằng con người đương đại nghĩ rằng “cuộc sống phải có nhiều thứ hơn những gì mà định nghĩa hiện tại của chúng ta về thành công xã hội và cá nhân định nghĩa cho chúng ta.”[25] Và vì cảm giác này, mọi người ngày nay bắt đầu một cuộc hành trình. Taylor tiếp tục: “Đó là một cuộc tìm kiếm cá nhân, tôi đang cố gắng tìm con đường của mình hoặc tìm thấy chính mình.”[26]
Sự kết hợp hai đặc điểm này của thời đại thế tục - sự vỡ mộng và sự cởi mở với những tìm kiếm tâm linh khác nhau - biến nó thành một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Và điều này không chỉ đơn thuần hay chủ yếu, vì tôn giáo có tổ chức không còn là mặc định nữa hoặc vì số lượng Kitô hữu tham gia vào đời sống của Giáo hội đang giảm đi (ít nhất là ở phương Tây). Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mới vì như Taylor chỉ ra, chính “các điều kiện của đức tin” đã thay đổi. “Toàn bộ bối cảnh mà chúng ta trải nghiệm và tìm kiếm sự trọn vẹn”[27] đã thay đổi. Mọi người tiếp cận toàn bộ vấn đề đức tin theo một cách khác biệt sâu sắc so với thời kỳ trước. Phạm vi các câu trả lời có thể có cho câu hỏi “Điều gì cấu thành nên một cuộc sống viên mãn? Điều gì làm cho cuộc sống thực sự đáng sống? Chúng ta ngưỡng mộ mọi người nhất về điều gì?”[28] đã tăng lên rất nhiều và theo đó, kỷ nguyên của một đức tin tôn giáo ngây thơ, chưa được kiểm chứng đã kết thúc.[29] Nhưng sự thay đổi đã tác động đến tất cả mọi người, cả người tin và người không tin.[30] Taylor giải thích rằng: “Chúng ta đang sống trong một tình trạng mà chúng ta [mọi người bất kể xuất thân] không thể không nhận thức rằng có một số cách diễn giải, quan điểm khác nhau mà những người thông minh, không bị ảo tưởng, có thiện chí, có thể và thực sự không đồng tình.” “Chúng ta không thể không nhìn lại phía sau mình theo thời gian, nhìn sang một bên, sống đức tin của mình trong tình trạng nghi ngờ và không chắc chắn.”[31] Đây là điều minh họa cho sự thay đổi to lớn, sự thay đổi của thời đại: “tất cả đều coi lựa chọn của họ là một trong nhiều lựa chọn.”[32] Theo đó, Taylor tuyên bố rằng do sự thế tục hóa, “đức tin Kitô tồn tại trong một lĩnh vực mà cũng có nhiều lựa chọn tâm linh khác.” Nhưng vị triết gia tiếp tục, “câu chuyện thú vị không chỉ đơn thuần là sự suy tàn, mà còn là sự sắp xếp mới của điều thiêng liêng hoặc tâm linh trong tương quan với đời sống cá nhân và xã hội. Sự sắp xếp mới này hiện là cơ hội để tái cấu trúc đời sống tâm linh theo những hình thức mới và cho những cách thức tồn tại mới cả trong và ngoài tương quan với Chúa.”[33]
Tại sao tôi lại dành nhiều thời gian để cố gắng hiểu những đặc điểm cốt yếu trong thời đại thế tục của chúng ta? Theo Taylor giải thích: “Bởi vì chỉ bằng cách xác định sự thay đổi như một trong những trải nghiệm sống, chúng ta mới có thể bắt đầu đặt đúng câu hỏi một cách thích hợp.”[34] Làm sao chúng ta có thể là những Kitô hữu trong bối cảnh ngày nay? Làm sao chúng ta có thể phục vụ và hướng dẫn mọi người nếu không hiểu nền văn hóa đã định hình nên chúng ta, tất cả chúng ta? Chỉ bằng cách nhận ra sự thay đổi trong trải nghiệm sống của mọi người, chúng ta mới có thể tránh được sự ngây ngô từ mọi phía. Và vì vậy, chẳng hạn, điều cơ bản là phải hiểu rằng việc đặt câu hỏi hay thậm chí là sự hoài nghi về đức tin không phải là “chỉ là sự mất đi bất kỳ cảm giác trọn vẹn nào, hoặc sự phản bội đức tin”[35] như chúng ta đôi khi nghĩ. Đúng hơn, đó chỉ là một dấu hiệu của cuộc tìm kiếm, hành trình tâm linh mà mọi người tự thấy mình đang thực hiện trong bối cảnh chúng ta lớn lên. Một cuộc tìm kiếm và một hành trình cần được hướng dẫn và giải cứu thay vì bị từ chối hoặc chỉ trích.
Bây giờ, sự gắn kết xã hội mạnh mẽ hơn, các giá trị chung và lòng tin vào các tổ chức tôn giáo bị phá vỡ và đều phải trả giá. Và cũng xảy ra như vậy đối với “sự mong manh”[36] của tất cả các cam kết lý tưởng do chủ nghĩa đa nguyên ngày nay gây ra. Ví dụ, sự mong manh như vậy cùng với một loạt các yếu tố khác là một trong những động lực thúc đẩy sự suy giảm trong thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng những gì đang phải đối mặt chỉ đơn giản là một câu chuyện suy đồi. Trên thực tế, trong khi phân tích những vết thương và cuộc đấu tranh mà cuộc khủng hoảng đã gây ra, Ratzinger, Taylor và Đức Phanxicô cũng mô tả tình hình hiện tại là một cơ hội để hoán cải và đổi mới.
Sau khi đưa ra một phân tích sáng suốt về tất cả các đặc điểm thách thức đức tin trong thế giới đương đại, Ratzinger mời những người nghe bài phát biểu trên đài phát thanh của mình hãy để đức tin của họ đón nhận thử thách. Ngài nói rằng nhiệm vụ của Kitô hữu là “chia sẻ niềm đam mê của [nhân loại] từ bên trong, mở rộng phạm vi của con người để nó có thể tìm thấy chỗ cho sự hiện diện của Chúa.”[37] Đức tin không cần phải dựa vào sự giúp đỡ của xã hội, triết học hay văn hóa cho hợp lý, và chủ nghĩa đa nguyên về lý trí thống trị hoàn cảnh của chúng ta sẽ không bao giờ bị đảo ngược. Vị trí của đức tin và của những người tin có đức tin chắc chắn đã trở nên khó khăn hơn, nhưng điều đó không làm mất đi vẻ đẹp của cuộc phiêu lưu mà chúng ta được kêu gọi.[38] Chắc chắn, Ratzinger cho rằng cuộc sống đức tin “giống một cuộc thám hiểm lên núi hơn là một buổi tối yên tĩnh đọc sách trước ngọn lửa; nhưng bất kỳ ai bắt đầu cuộc thám hiểm này đều biết và trải nghiệm ngày càng nhiều hơn rằng cuộc phiêu lưu mà đức tin mời gọi chúng ta là đáng giá.”[39]
Nhưng tại sao Ratzinger lại coi cuộc sống trong thế giới đương đại là một cuộc phiêu lưu đáng giá, là một thử thách cần chấp nhận? Taylor giải thích rằng “sự rút lui của thế giới Kitô giáo bao gồm cả mất mát và lợi ích.”[40] “Một số nhận thức lớn về cuộc sống tập thể bị mất đi, nhưng những sự thật khác về tình trạng khó khăn của chúng ta liên quan đến Chúa lại nổi lên.”[41] Ví dụ, trong khi đối với nhiều người, thời đại thế tục là nguồn gốc của khó khăn và thậm chí là nguyên nhân gây ra sự hoài nghi, thì đối với ít nhất nhiều người, nó cũng là một động thái “hướng tới các hình thức sùng đạo và thực hành tôn giáo cá nhân và tận tụy hơn.”[42] Theo đó, Giáo hội không nên sợ không gian tự do mà sự kết thúc của các hình thức Kitô giáo văn hóa thống trị hơn đã mở ra. Trên thực tế, như Đức Phanxicô đã nói, chúng ta cần phân biệt giữa các hình thức tục hóa tốt và xấu. Có một hình thức tục hóa mà Đức Thánh Cha gọi là chủ nghĩa thế tục “đóng chặt cánh cửa siêu việt.”[43] Và điều này là xấu, bởi vì “một nền văn hóa hoặc một hệ thống chính trị không tôn trọng sự cởi mở với sự siêu việt của con người sẽ ‘cắt tỉa’ hoặc giản lược con người. Hay đúng hơn, nó không tôn trọng con người.”[44] Chúng ta thấy hình thức tục hóa hay chủ nghĩa thế tục xấu này đang hoạt động bất cứ khi nào các chính phủ cố gắng hạn chế quyền tự do tôn giáo của các Kitô hoặc những tín đồ khác. Tuy nhiên, thay vào đó có một hình thức tục hóa khác có tính tích cực. Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích: “Nhìn chung một Nhà nước thế tục [một nhà nước không có tôn giáo được thiết lập và thống trị, một nhà nước tôn trọng quyền tự do tôn giáo] là một điều tốt.”[45] Vì vậy, tóm lại, thời đại thế tục không hoàn toàn tốt hay xấu. Và chúng ta chắc chắn nên coi niềm đam mê tự do của nền văn hóa của chúng ta là một trong những yếu tố tích cực. Vì theo Đức Phanxicô: “Nếu không có tự do, sẽ không có nhân tính đích thực, vì con người được tạo dựng có tự do để được tự do.”[46] Theo nghĩa đó, không hoàn toàn tiêu cực khi Giáo hội ngày nay không thể chỉ dựa vào động lực của văn hóa và xã hội để tăng số lượng thành viên. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng ngay cả Thiên Chúa cũng đặt cược tất cả vào sự tự do của Abraham, Môsê, Đức Maria và của tất cả những người mà Chúa Giêsu đã gặp gỡ và kêu gọi đến với cuộc sống làm môn đệ. Giáo hội phải có “không gian cho cuộc phiêu lưu của tự do.”[47] Và điều này đặc biệt đúng ngày nay khi Đức Thánh Cha cho rằng: “các thế hệ trẻ không được/bị thu hút bởi một đức tin không cho họ sự tự do nội tâm.”[48]
Trong mọi thách thức, Ratzinger đã viết bằng giọng ngôn sứ vào năm 1970, “Giáo hội sẽ tìm lại bản chất của mình và với niềm tin trọn vẹn vào điều luôn là trung tâm của mình - đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cho đến tận thế.”[49] Hoàn cảnh sẽ buộc Giáo hội phải từ bỏ “tư tưởng hẹp hòi giáo phái” và “ý chí tự phụ khoa trương” của mình.[50] Chúng ta cần trở thành một Giáo hội của người nghèo và khiêm nhường, nhà thần học người Đức đã khuyên nhủ những độc giả của mình như thế. Cuộc khủng hoảng, sự thay đổi mang tính thời đại, đòi hỏi một thời gian thử thách. Ratzinger đã dự đoán hơn năm mươi năm trước rằng Giáo hội sẽ khó có thể ngừng trở thành một thế lực xã hội thống trị, hưởng các đặc quyền, sự giàu có và uy tín. Ratzinger đã dự đoán “Chúng ta sẽ trở nên nhỏ bé và sẽ phải bắt đầu lại ít nhiều từ đầu.” Giáo hội “sẽ không còn có thể ngự trị trong nhiều tòa nhà mà mình đã xây dựng trong sự thịnh vượng và . . . trái ngược với thời đại trước, Giáo hội sẽ được coi là một xã hội tự nguyện, chỉ tham gia bằng quyết định tự do... và đòi hỏi nhiều hơn về sáng kiến của từng thành viên.”[51] Nhưng kết quả sẽ là một Giáo hội trở nên “sinh sôi nảy nở từ một sức mạnh nội tâm mới.”[52] Chúng ta được kêu gọi một lần nữa trở thành Giáo hội của đức tin, chứ không phải của quyền lực chính trị, nơi mọi người có thể tìm thấy ngôi nhà, cuộc sống và hy vọng của mình sau khi chết.[53] Ratzinger không tô hồng hay làm giảm bớt những cuộc đấu tranh, biến động và thách thức mà Giáo hội cần phải đối mặt. Tuy nhiên, ngài cũng tin rằng “một sức mạnh to lớn sẽ tuôn chảy từ một Giáo hội được thiêng liêng hóa và đơn giản hơn.”[54] Và sau đó, nếu Giáo hội để mình được thanh lọc và quay trở lại với cội nguồn đã tạo ra mình, một điều gì đó tuyệt đẹp sẽ xảy ra. Ratzinger nói rằng con người “trong một thế giới được lên kế hoạch hoàn toàn sẽ thấy mình cô đơn không thể diễn tả được,”[55] - và ngài đã đúng biết bao! Hãy nghĩ đến nỗi cô đơn khủng khiếp mà những người trẻ của chúng ta đang trải qua ngày nay, điều này thường khiến họ tuyệt vọng. “Nếu họ hoàn toàn mất đi tầm nhìn về Thiên Chúa, họ sẽ cảm thấy toàn bộ nỗi kinh hoàng về sự nghèo đói của họ. Ratzinger tiếp tục: “Khi đó, họ sẽ khám phá ra đàn chiên nhỏ bé của những người tin Chúa như một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Họ sẽ khám phá ra rằng đó là một niềm hy vọng dành cho họ, một câu trả lời mà họ luôn tìm kiếm cách kín đáo, riêng tư.”[56]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và việc Canh tân truyền giáo của Giáo Hội
Cho đến nay, tôi đã mô tả tình hình hiện tại mà Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình. Tôi cũng đã nhấn mạnh đến nhận định của Hồng Y Ratzinger và Đức Phanxicô về khả năng những hoàn cảnh như vậy mở ra sự đổi mới của Giáo hội. Bây giờ, tôi muốn đặt ra một câu hỏi thiết yếu: Giáo hội tự đổi mới như thế nào? Lời loan báo của Kitô giáo tiếp cận và hoán cải trái tim con người hôm nay ra sao? Đức Phanxicô đã dành toàn bộ triều đại giáo hoàng của mình để suy tư và đề xuất câu trả lời cho những câu hỏi này. Và bây giờ tôi muốn chuyển sự chú ý của mình sang đề xuất của Đức Thánh Cha về sự đổi mới và hoán cải truyền giáo của Giáo hội.
Chúng ta phải làm gì để trả lời tất cả những thách đố mà thời đại thế tục đặt ra cho đời sống đức tin? Đức Phanxicô không nghi ngờ gì cả. Chúng ta phải quay trở lại với những yếu tố cốt lõi của Kitô giáo. Chúng ta phải quay trở lại với kerygma - lời loan báo tiên khởi “cần phải là trung tâm của mọi hoạt động truyền giáo và mọi nỗ lực canh tân Giáo hội.”[57] Tôi luôn cảm động trước cách Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả kerygma như vậy ở phần đầu tông huấn Evangelii Gaudium của ngài:
Niềm vui Tin mừng lấp đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận lời đề nghị cứu rỗi của Ngài sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn, sự trống rỗng bên trong và sự cô đơn. Với Chúa Kitô, niềm vui liên tục được tái sinh Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến” (Paul VI, Gaudete in Domino, 22). Chúa không làm thất vọng những ai chấp nhận sự liều lĩnh này; mỗi khi chúng ta bước một bước đến gần Chúa Giêsu, chúng ta hiểu ra rằng Người đã đang ở đó, đang mở rộng vòng tay chờ đón chúng ta. Chỉ nhờ cuộc gặp gỡ này - hay cuộc gặp gỡ mới mẻ - với tình yêu của Thiên Chúa... chúng ta được giải thoát khỏi sự hẹp hòi và ích kỷ của mình. Chúng ta trở thành con người trọn vẹn.[58]
“Ngày nay, liệu đức tin có cơ hội nào không?” Ratzinger đã hỏi trong một bài giảng năm 1996 và ngài trả lời: “Có, bởi vì nó phù hợp với bản chất của con người … . Niềm khao khát vô hạn vẫn sống động và không thể dập tắt bên trong [con người]. Trong số những câu trả lời đã nỗ lức đưa ra, không có câu trả lời nào sẽ có tác dụng; chỉ có Thiên Chúa phù hợp với câu hỏi về bản thể của chúng ta.”[59] Trong thời đại thế tục, khi tất cả mọi người đều là những người tìm kiếm tâm linh, khao khát tìm thấy bản ngã đích thực và hạnh phúc của mình, thì Kitô giáo có khả năng cho thấy sự liên quan của Chúa Kitô với các nhu cầu của cuộc sống. Theo một cách nào đó, cuộc khủng hoảng là cơ hội để sự mới mẻ mà Chúa Kitô mang đến trở nên rõ ràng hơn nữa vì tất cả chúng ta đều có thể thấy sự bối rối, trì trệ, cô đơn, tức giận và tuyệt vọng xuất hiện khi mọi người tìm kiếm hạnh phúc nơi mọi thứ thay vì Chúa. Theo đó, không có gì quan trọng hơn đối với Giáo hội là trở thành một chứng nhân mạnh mẽ của lời hứa, của việc được “gấp trăm lần” (Mt 19,29) theo như Tin mừng mà Chúa Kitô đã hứa. Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói một câu nổi tiếng: “Con người thời hiện đại sẵn lòng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe thầy dạy, thì đó là vì họ là những chứng nhân.”[60] Nhiệm vụ cơ bản của những Kitô hữu trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta là làm chứng cho cuộc sống mới phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô; chúng ta không có kho tàng nào lớn hơn để trao tặng cho những người đương thời. Trên thực tế, hoàn cảnh hiện tại có thể cho phép đức tin làm rõ hơn sự mới mẻ và sự tương ứng của nó, miễn là những Kitô hữu coi đó là cơ hội để khám phá bản chất thực sự của đức tin. Và bản chất thực sự của Kitô giáo là gì? Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta rằng nhiệm vụ chính của Giáo hội “là giới thiệu cho mọi người về mầu nhiệm vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa.”[61] Đức Giáo hoàng tiếp tục: Giáo hội hiện hữu “để mang đến một cuộc gặp gỡ với tình yêu sâu sắc nơi lòng thương xót của Thiên Chúa.”[62] Giáo hội là nơi chúng ta có thể trải nghiệm sự ngạc nhiên vui mừng khi gặp gỡ Chúa Kitô và sự ngọt ngào nhờ việc tha thứ của Người. Thiên Chúa, trong tình yêu của Người, đã trao cho các tông đồ và tất cả những người kế vị các ngài sứ mạng trở thành khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha (x. Ga 20,19-23), để chúng ta có thể gặp gỡ lòng thương xót đó một cách cụ thể chứ không chỉ là một ý tưởng trừu tượng. Đức Phanxicô giải thích “Giáo hội là ‘nhà của Thiên Chúa’”, “là nơi Người hiện diện, nơi chúng ta có thể tìm thấy và gặp gỡ Chúa.”[63] Ngài cũng nhận xét rằng “ngày nay vẫn có một số người nói: ‘Chúa Kitô thì được, còn Giáo hội thì không… Nhưng chính Giáo hội mang Chúa Kitô đến với chúng ta và đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.”[64]
Thiên Chúa không sợ những câu hỏi mà con người hôm nay đặt ra. Thiên Chúa không sợ sự tự do mà nhờ đó con người tìm kiếm sự viên mãn và hạnh phúc. Nếu chúng ta sống trong thời đại của những người tìm kiếm tâm linh, thì ít nhất một phần là vì “khát vọng về Thiên Chúa được khắc ghi trong trái tim con người, vì con người được tạo dựng bởi Chúa và cho Chúa; và Thiên Chúa không bao giờ ngừng lôi kéo con người đến với chính Ngài.”[65] Con người ngày nay đang đi trên một cuộc hành trình, và Giáo hội phải sẵn sàng đón nhận, chào đón và hướng dẫn khát vọng mà những người đương thời của chúng ta có để hiểu rõ và nhận thức về họ. Như Đức Phanxicô đã viết trong Amoris Laetitia: “Ngày nay, thường sẽ không đạt được hiệu quả khi ta yêu cầu một điều gì đó đòi hỏi cố gắng và hi sinh từ bỏ mà lại không cho thấy rõ ràng sự thiện mà người ta có thể đạt được.”[66] Việc công bố những chân lý khách quan là không đủ để hoán cải trái tim con người. Để chứng tá của chúng ta tác động đến cuộc sống của người khác, chúng ta cần nhận ra rằng “một nền giáo dục đạo đức tốt bao gồm việc cho một người thấy rằng việc làm điều đúng đắn là vì lợi ích của chính họ,”[67] vì vậy chúng ta cần giúp người khác “đạt được tới mức sự thiện vốn được tâm trí nắm bắt đã bén rễ trong ta như một thiên hướng tình cảm thâm sâu, như ước muốn hướng thiện vượt trổi hơn những điều hấp dẫn kia và cho ta cảm thấy rằng sự thiện mà ta đã nhận biết cũng là sự thiện “cho chúng ta” tại đây và lúc này.”[68]
Để một người lớn lên trong sự trưởng thành và chín chắn, họ cần học khả năng sử dụng tự do cách khôn ngoan và trách nhiệm để có thể “sở hữu đủ phương tiện cần thiết nhằm tự lo liệu cho bản thân và hành động một cách thông minh và thận trọng bất cứ khi nào gặp khó khăn.”[69] Giống như các gia đình hướng dẫn con cái của mình, Giáo hội cũng cần giáo dục mọi người bằng cách vun đắp sự tự do của họ để mỗi người có thể “hành động theo sự lựa chọn có ý thức và tự do, nghĩa là được thúc đẩy và xác quyết bởi những xác tín cá nhân.”[70] Chúa Kitô không bao giờ phá vỡ cánh cửa trái tim chúng ta bằng bạo lực nhưng nhẹ nhàng chờ đợi, gõ cửa, cho đến khi chúng ta tự do nói “xin vâng” và chào đón Người cùng ánh sáng biến đổi của Người vào cuộc sống chúng ta. Bây giờ, hơn bao giờ hết, đức tin chỉ trở nên thuyết phục nếu mọi người được trao cơ hội xác minh sự thật của nó, để tự mình liệu xem những lời hứa của Chúa Kitô có đứng vững trước toàn bộ ý chí, tự do và lý trí của họ hay không. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói khi phát biểu trước hàng giáo sĩ ở Rôma năm 2007, mọi người, đặc biệt là giới trẻ, muốn khám phá xem “cuộc sống Kitô giáo ngày nay có khả thi hay không, có hợp lý và thực hành được hay không.”[71] Họ đặt câu hỏi liệu có thực sự có thể sống theo cách này hay không. Và, Đức Thánh Cha tiếp tục “chúng ta không thể hình dung ngay việc sống một cuộc sống 100% là Kitô hữu mà không có nghi ngờ và không có tội lỗi. Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đang bước đi, chúng ta phải và có thể học hỏi và cũng dần dần biết rằng chúng ta phải hoán cải. Tất nhiên, hoán cải cơ bản là một hành động dứt khoát. Nhưng hoán cải thực sự là một hành động của cuộc sống đạt được thông qua sự kiên nhẫn của cả một đời người. Đó là một hành động mà chúng ta không đánh mất niềm tin và can đảm trên đường đi.”[72]
Đó là một hoán cải mang chiều kích cá nhân lẫn giáo hội làm sinh động sứ vụ cũng như tầm nhìn của Đức Phanxicô về tính hiệp hành. Ngài thường lặp lại điều đó; sẽ là ảo tưởng khi nghĩ Giáo hội sẽ phát triển chỉ bằng cách cải tổ các cơ cấu hoặc ban hành các hướng dẫn và chương trình mới. Đức Phanxicô đã giải thích gần đây: “Hoán cải là một câu chuyện không bao giờ kết thúc.”[73] “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta là nghĩ rằng mình không còn cần hoán cải nữa, dù là cá nhân hay cộng đoàn.”[74] Trên thực tế, ngài tiếp tục: “được hoán cải là nghiêm túc học lại cách đón nhận sứ điệp Tin mừng và đưa sứ điệp đó vào thực hành trong cuộc sống của chúng ta... Khi nói đến Tin mừng, chúng ta luôn giống như những đứa trẻ cần được học. Chúng ta đã ảo tưởng mình học được mọi thứ và rơi vào sự kiêu ngạo thiêng liêng.”[75] Ngài kết luận suy tư hiện tại của chúng ta về tính hiệp hành của Giáo hội là kết quả của niềm tin rằng quá trình hiểu sứ điệp của Chúa Kitô không bao giờ kết thúc, nhưng liên tục thách đố chúng ta.”[76] Nếu không thay đổi não trạng, không tránh xa lòng kiêu ngạo và mọi thói quen xấu mà nó kéo theo, thì mọi nỗ lực của chúng ta nhằm cải thiện thực tế và ứng phó với hoàn cảnh hiện tại sẽ vô ích.
Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội đầy các môn đệ truyền giáo. Chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội đồng hành với mọi người, gặp gỡ và lắng nghe họ - một Giáo hội theo cách Đức Phanxicô thích gọi là, thể hiện phong cách của Thiên Chúa, đó là luôn gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng.[77]
Và tại sao lại phải có sự cấp thiết thể hiện phong cách của Thiên Chúa như vậy? Bởi vì trong thời đại thế tục, cũng như trong mọi thời, con người cần cuộc gặp gỡ với Chúa để biến đổi. Họ cần Chúa Kitô giải thoát và cứu chuộc. Và để kinh nghiệm những thực tại như vậy, họ cần có cuộc gặp gỡ biến đổi với thực tại mà Chúa Kitô đang hiện diện, là Thân thể Người, là Giáo hội. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sẽ ít đi vì một truyền thống hoặc một nền văn hóa mà con người có thể hấp thụ bằng không khí họ hít thở và nước họ uống như đã từng xảy ra trong quá khứ. Thay vào đó, con người ngày nay cần gặp gỡ Chúa Kitô bằng cách gặp gỡ những con người được Chúa biến đổi. Đó là lý do tại sao ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải trở thành những môn đệ truyền giáo, nghĩa là, theo lời của ngài, “những sứ giả vui tươi của những đề xuất đầy thách thức, những người bảo vệ sự tốt lành và vẻ đẹp tỏa sáng trong cuộc sống trung thành với Tin Mừng.”[78]
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong
Chuyển ngữ từ: https://churchlifejournal.nd.edu/articles/benedict-xvi-pope-francis-and-living-christianity-in-a-secular-age/
[1] Francis, “Address to the Fifth National Conference of the Italian Church,” November 10, 2015.
[2] Francis, “Christmas Greetings to the Roman Curia,” December 21, 2023.
[3] Benedict XVI, Porta Fidei, §2.
[4] Benedict XVI, “Homily for the Solemnity of the Holy Apostles Peter and Paul,” June 28, 2010.
[5] Joseph Ratzinger, Faith and the Future (San Francisco: Ignatius Press, 2019), 15.
[6] Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 15.
[7] Tên sách theo bản dịch Tiếng Việt của Cha Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam (ND).
[8] Joseph Ratzinger, Introduction to Christianity (San Francisco: Ignatius Press, 2004), 40.
[9] Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 15.
[15] Joseph Ratzinger, “Homily for the ‘Pro Eligendo Pontifice’ Mass,” April 18, 2005.
[16] Quoted in Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 50.
[17] Charles Taylor, A Secular Age (Cambridge: Belknap Harvard University Press, 2009), 530.
[18] Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 92.
[19] Charles Taylor, A Secular Age, 530.
[37] Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 97.
[40] Charles Taylor, A Secular Age, 531.
[43] Francis, “Interview with Tertio,” July 12, 2016.
[46] Francis, “Address to the Slovakian Bishops, Priests, Religious, and Seminarians,” September 13, 2021.
[49] Joseph Ratzinger, Faith and the Future, 117.
[57] Francis, Evangelii Gaudium, 164.
[58] Ibid, 1–3, 5, and 7–8.
[59] Joseph Ratzinger, Truth and Tolerance (San Francisco: Ignatius Press, 2003), 137.
[60] Paul VI, Evangelii Nuntiandi, 41.
[61] Francis, “Homily for the Holy Mass in the Parish of Saint Anna in the Vatican,” March 17, 2013.
[62] Francis, Misericordiae Vultus, §25.
[63] Francis, “General Audience,” June 26, 2013.
[64] Francis, “General Audience,” May 29, 2013.
[66] Francis, Amoris Laetitia, 265.
[71] Benedict XVI, “Lenten Meeting with the Clergy of Rome,” February 22, 2007.
[73] Francis, “Christmas Greetings to the Roman Curia,” December 22, 2022.
[77] Francis, “Angelus,” February 14, 2021.
[78] Francis, Evangelii Gaudium, 168.