Bài giảng đầu tiên và thứ ba của ĐHY Raniero Cantalamessa trong Mùa Chay
Thứ bảy - 27/02/2021 22:42
1052
Bài giảng đầu tiên của ĐHY Raniero Cantalamessa trong Mùa Chay
Sáng thứ Sáu 26/02/2021, tại Đại thính đường Phaolô VI, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa đã có bài giảng Mùa Chay đầu tiên. “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), là đoạn Kinh Thánh được Đức Hồng y diễn giải trong bài giảng.
Theo Đức Hồng y, Tân Ước nói đến ba lần về sám hối theo thời điểm và bối cảnh khác nhau.
Hãy sám hối, nghĩa là hãy tin!
Lời mời gọi sám hối đầu tiên được vang lên khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trước Chúa Giêsu, việc sám hối luôn có nghĩa là “quay trở lại”. Đó là hành động của một người khi nhận thấy mình đi “chệch đường”. Người này dừng lại, suy nghĩ và quyết định quay trở lại tuân giữ lề luật và nối lại giao ước với Thiên Chúa. Theo nghĩa này, sám hối mang một ý nghĩa luân lý đạo đức nền tảng và gợi ra một ý tưởng về một điều gì đó khó khăn cần phải thực hiện.
Đối với Chúa Giêsu, ý nghĩa này đã được thay đổi. Thay đổi không phải do Chúa thích thay đổi ý nghĩa của từ, nhưng bởi vì, với việc Chúa đến trần gian, mọi sự đã được thay đổi. “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” Sám hối không còn có nghĩa là quay trở lại với giao ước xưa và tuân giữ lề luật, nhưng đúng hơn đó là thực hiện một bước nhảy vọt và bước vào Triều Đại Thiên Chúa, đón nhận ơn cứu độ nhưng không, nhờ bởi sáng kiến tự do của Thiên Chúa.
“Hãy sám hối và hãy tin” không phải là hai điều khác nhau và nối tiếp nhau, nhưng là một hành vi nền tảng: Hãy sám hối có nghĩa là hãy tin. Tất cả điều này đòi hỏi một tâm tình “sám hối” thực sự, một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về các tương quan của chúng ta với Chúa. Cần phải chuyển từ ý tưởng về một Thiên Chúa đòi hỏi, ra lệnh, đe dọa sang một Thiên Chúa đến trao ban cho chúng ta mọi sự. Đó là sám hối từ “lề luật” sang “ân sủng”, điều được Thánh Phaolô rất yêu thích.
Nếu anh em không sám hối và không trở nên như trẻ nhỏ…
Đức Hồng y tiếp tục đi vào bối cảnh thứ hai của Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói về sám hối: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’ Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: ‘Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18, 1-3).
Lần này, sám hối có nghĩa là quay trở lại. Đây là sự sám hối của người đã bước vào Nước Trời, người đã tin vào Tin Mừng, đã phục vụ Đức Kitô. Đó là sự sám hối của chúng ta! Mối quan tâm lớn nhất của những người đã tin vào Chúa không còn là Vương quốc mà là vị trí, chỗ đứng trong Vương quốc. Vì vậy mới có chuyện ganh tị giữa các tông đồ.
Chúa Giêsu cho thấy, với thái độ này các tông đồ chưa thực sự bước vào Vương quốc. Và Chúa đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong việc đề xuất: Cần phải tránh tập trung vào chính mình và tái tập trung vào Đức Kitô. Điều này có nghĩa đơn giản là trở thành một em bé. Đối với các tông đồ có nghĩa là quay trở lại thời điểm các ông được gọi bên bờ hồ: không giả tạo, không chức vị, giữa các ông không có so sánh, đố kỵ, ganh đua. Sự giàu có duy nhất đó là lời hứa và sự hiện diện của Chúa Giêsu.
Đối với chúng ta cũng vậy, lời mời gọi hãy trở nên giống trẻ nhỏ nghĩa là trở lại thời điểm chúng ta khám phá chúng ta được kêu gọi hoặc trong cuộc gặp gỡ thân tình cá nhân với Chúa. Khi chúng ta nói: Chỉ một mình Chúa là đủ và chúng ta tin vào điều đó.
“Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng”
Đức Hồng y nói tiếp bối cảnh thứ ba về sám hối dựa theo sách Khải Huyền “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!” (Kh 3, 15). Đây là một sám hối từ sự tầm thường và thờ ơ để trở nên nhiệt thành. Trong lịch sử thánh thiện của Kitô giáo, ví dụ điển hình nhất về sự sám hối, từ tội lỗi sang ân sủng là Thánh Augustinô; và một ví dụ sám hối từ sự tầm thường đến lòng nhiệt thành đó là Thánh Têrêsa Avila. Về khía cạnh này, Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu thành Roma: “Anh em hãy nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12,11). Trong đoạn văn này, tinh thần ở đây có nghĩa là Thánh Thần.
Vị giảng thuyết Phủ Giáo hoàng diễn giải tiếp về những thực hành trong hành trình trở nên trọn lành của Kitô giáo. Ngài nói: “Con đường hoàn thiện được hiểu theo ba bước cổ điển: con đường thanh luyện, con đường được soi sáng và con đường hiệp nhất. Nói cách khác, chúng ta cần phải thực hành lâu dài trong sự từ bỏ và hãm mình, trước khi có thể trải nghiệm được lòng nhiệt thành”.
Theo Đức Hồng y, trong Tân Ước, nếu sự hãm mình là điều cần thiết để đạt đến lòng nhiệt thành của Thần Khí, thì lòng nhiệt thành của Thần Khí cũng thực sự cần thiết để đạt đến việc thực hành hãm mình. Thánh Phaolô đã nói rõ điều đó: “Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8,13). Một thực hành khổ chế được thực hiện mà không có sự thúc đẩy ban đầu của Thánh Thần, sẽ đưa đến chết vì mệt mỏi, và chỉ tạo ra “niềm kiêu hãnh xác thịt”.
Một Kitô hữu thực hành nhiều khổ chế và hãm mình nhưng không có sự tác động của Thánh Thần, thì sẽ giống như trong một Thánh lễ, chúng ta đọc nhiều bài đọc, thực hiện mọi nghi thức và có nhiều lễ vật, nhưng việc thánh hiến của linh mục trên của lễ lại không diễn ra. Tất cả, bánh và rượu vẫn như cũ. Cũng vậy, một tín hữu đã hoàn thành một cách hoàn hảo việc ăn chay hãm mình, thực hành các nhân đức, nhưng thực ra đối với ân sủng chưa hoàn thành. Trong bàn thờ của tâm hồn, hoạt động thần bí của Thánh Thần, toàn bộ thực hành khổ chế này vẫn chưa được hoàn thành và gần như vô ích, bởi vì người này không có sự hoan hỉ của Thánh Thần hoạt động một cách thần bí bên trong.
Phép rửa trong Thánh Linh
Như vậy, để các thực hành đạo đức của Kitô hữu mang lại một giá trị đời đời, thì điều quan trọng là mỗi người phải được canh tân trong Thánh Linh. Đó là một sự canh tân và thực hiện hóa không chỉ liên quan đến bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, nhưng là toàn đời sống của người Kitô hữu: đối với những người đã lập gia đình, Bí tích Hôn phối, đối với các linh mục, Bí tích Truyền chức, đối với những người thánh hiến, hành vi tuyên khấn.
Hoa trái thường xuyên nhất và quan trọng nhất là việc khám phá ra ý nghĩa của việc có một “tương quan cá nhân” với Chúa Giêsu Phục Sinh và đang hiện diện. Theo cách hiểu của Công giáo, Thánh tẩy trong Thánh Linh không phải là một điểm đến, nhưng là một điểm khởi hành để hướng tới sự trưởng thành của Kitô giáo và sự dấn thân của Giáo hội.
Hãy khẩn cầu “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”, nhưng hãy nói thật lòng, để Thánh Linh tự do đi theo cách Người muốn, không phải như chúng ta muốn Người đến. Chúng ta hãy nhớ đến lời hứa long trọng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7, 11).
“Phép rửa trong Thánh Linh” đã được chứng minh là một phương thế đơn giản và mạnh mẽ để canh tân đời sống của hàng triệu tín hữu trong hầu hết các Giáo hội Kitô. Có vô số người chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa; và nhờ kinh nghiệm Phép rửa trong Thánh Linh, họ đã trở thành Kitô hữu trên thực tế, chuyên tâm cầu nguyện ca ngợi và các bí tích, tích cực trong việc truyền giáo và sẵn sàng đảm nhận các công việc mục vụ trong giáo xứ. Một sự sám hối thực sự, từ dửng dưng sang nhiệt thành! Thật thích hợp khi chúng ta lặp lại điều Thánh Augustinô đã nói khi thánh nhân nghe những câu chuyện về những người đã từ bỏ thế gian để dâng mình cho Thiên Chúa: Nếu những người này làm được thì tại sao tôi không làm được?
Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa mời gọi tất cả cầu nguyện: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà Mẹ đã lãnh nhận từ Con Mẹ ở Cana xứ Galilê. Nhờ lời khẩn cầu của Mẹ, mà vào dịp đó nước đã trở thành rượu. Chúng ta cầu xin nhờ lời chuyển cầu của Mẹ để nước không nóng cũng không lạnh của chúng ta được biến đổi thành rượu của lòng nhiệt thành mới. Rượu của Lễ Ngũ Tuần đã khơi dậy trong các tông đồ sự say sưa của Thánh Linh và làm cho các ông “nhiệt thành trong Thánh Linh”.
BÀI GIẢNG THỨ BA CỦA ĐHY RANIERO CANTALAMESSA TRONG MÙA CHAY 2021
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)
MỤC LỤC
1. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật trong các sách Tin Mừng
2. Tin với cả con tim
3. Đại kết và loan báo Tin Mừng
4. Biết Đức Kitô là nhận biết những điều tốt lành nơi Người
Sáng thứ Sáu 12/3/2021, tại Đại thính đường Phaolô VI, Đức Hồng y Raniero Cantalamessa đã có bài giảng thứ Ba trong Mùa Chay dành cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma. Lấy đoạn Tin Mừng “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15) làm chủ đề cho bài suy niệm, Đức Hồng y diễn giải và nhấn mạnh về đức tin trong “thần tính của Đức Kitô” và quyền năng cứu độ của Người.
Sau khi nhắc lại lời tuyên xưng đức tin của Kitô hữu: Đức Kitô là Thiên Chúa, được Giáo hội công bố trong Công đồng Nicêa 325, cũng như những khó khăn trong việc bảo vệ tín điều của Giáo hội trong những thế kỷ qua và cho đến ngày nay, Đức Hồng y mời gọi mọi người hãy tạm gác những gì thế gian nghĩ, và đánh thức trong chính mình đức tin vào thần tính của Đức Kitô. Một đức tin được chiếu sáng và được sống. Sở dĩ như vậy là bởi vì, ngay cả ngày nay Chúa Giêsu cũng không quan tâm đến những gì “dân chúng” nói về Người, nhưng là những gì các môn đệ nói. Chúa luôn hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16,15).
Và để làm được điều này, cần phải khởi đi từ các sách Tin Mừng.
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, thần tính của Chúa Giêsu không bao giờ được tuyên bố cách công khai, nhưng được biểu lộ liên tục. Một số đoạn cho thấy điều này: “Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mt 9, 6); “Không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha và không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con” (Mt 11, 27); “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25, 31-32). Ở đoạn Tin Mừng Matthêu này, Đức Hồng y đặt câu hỏi: Ai nếu không phải là Thiên Chúa có thể nhân danh chính mình để tha tội và xưng mình là thẩm phán cuối cùng của nhân loại và lịch sử?
Và ngài giải thích tiếp: Chỉ cần một sợi tóc người ta có thể tái tạo lại DNA của một người, thì cũng vậy, chỉ cần một đoạn Tin Mừng được đọc không định kiến chúng ta sẽ có thể tái tạo DNA của Chúa Giêsu. Sự siêu việt thần tính của Đức Kitô theo đúng nghĩa đen được tuôn trào từ mỗi trang Tin Mừng.
Đối với Tin Mừng Gioan, Đức Hồng y nói: Chủ đề chính trong Tin Mừng Gioan là thần tính của Đức Kitô, và đây là chủ để thống nhất mọi sự. Thánh sử kết thúc Tin Mừng bằng cách nói: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”(Ga 20,31), và những lời để kết thúc thư thứ nhất cũng tương tự như vậy: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời” (1Ga 5, 13).
Đức Hồng y giải thích rằng trong Tin Mừng Gioan có rất nhiều cụm từ “Tôi là” được Chúa Giêsu tuyên bố. Đây là một sự kiện quan trọng theo cái nhìn Kitô học của Thánh Gioan. Với “Tôi là”, Chúa Giêsu tự gán cho mình danh mà trong ngôn sứ Isaia Thiên Chúa đã tuyên bố: “Để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta” (Is 43,10)
Sau khi đã hiểu được một phần nào thần tính của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng, Đức Hồng y hướng mọi người đến việc tuyên xưng đức tin của mỗi người. Ngài trích dẫn thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Rôma: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Theo vị giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, đức tin xuất phát từ tâm hồn, là một hành động “cá nhân”, nghĩa là chỉ có thể được thực hiện giữa cá nhân với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Gioan chúng ta thường nghe Chúa lặp lại câu hỏi: “Con có tin không?” (Ga 9, 35; 11,26); và mỗi lần như vậy câu trả lời được đáp lại từ tâm hồn, tiếng kêu của đức tin: “Lạy Chúa, con tin”. Biểu tượng đức tin của Giáo hội cũng bắt đầu từ cá nhân: “Con tin”, không phải “chúng con tin”. Chúng ta cũng phải chấp nhận trải qua khoảnh khắc này, trải qua cuộc kiểm tra này. Nếu trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Con có tin không?”, một câu trả lời ngay lập tức, không cần suy nghĩ: “Chắc chắn rồi, con tin” và thậm chí chúng ta còn cảm thấy ngạc nhiên khi một người nào đó hỏi chúng ta như vậy. Nhưng thực ra, thần tính của Đức Kitô là đỉnh cao của đức tin. Tin vào một Thiên Chúa đã sinh ra trong máng cỏ và chết trên thập giá! Điều này phải đòi hỏi nhiều hơn là tin vào một Thiên Chúa ở xa con người và hình dung Người theo ý muốn.
Cần phải bắt đầu phá bỏ trong chúng ta, những người tin, những người thuộc về một Giáo hội, sự thuyết phục sai lầm rằng chúng ta có đức tin. Chúng ta phải tái tạo các điều kiện để lấy lại đức tin trong thần tính của Đức Kitô; cần phải canh tân sự thúc đẩy của đức tin.
Khi đức tin được canh tân, không chỉ cá nhân được đổi mới, mà điều này còn mang lại giá trị cho công cuộc đại kết và loan báo Tin Mừng.
Thực tế, có hai công cuộc đại kết có thể thực hiện: Đại kết của đức tin, gồm tất cả những người tin vào Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần; và đại kết của những người không tin, nghĩa là những người giới hạn sự giải thích của họ theo cách riêng hoặc theo triết học.
Có một sự hiệp nhất mới và vô hình đang được hình thành và đi qua các Giáo hội. Sự hiệp nhất vô hình và tinh thần này cần sự phân định thần học và huấn quyền để không bị rơi vào nguy cơ chủ nghĩa cực đoan và chủ quan. Nhưng một khi cám dỗ này đã được thấy trước và vượt qua, đó là một thực tế mà chúng ta không được phép bỏ qua.
Công cuộc đại kết tinh thần thực sự không chỉ bao gồm cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng còn trong sự chia sẻ cùng kinh nghiệm của Thánh Thần. Điều mà Thánh Augustinô gọi là “sự hiệp thông các thánh”, mà một đôi khi, thật đau khổ khi có thể không xảy ra đồng thời với việc chia sẻ các dấu chỉ bí tích.
Về lĩnh vực loan báo Tin Mừng, Đức Hồng y nhấn mạnh: Đức tin vào thiên tính rất quan trọng trong quan điểm loan báo Tin Mừng. Có những tòa nhà bằng kim loại, nếu người ta chạm vào một điểm nhất định nào đó hoặc lấy một viên đá ra, mọi thứ sẽ sụp đổ. Tòa nhà đó là đức tin Kitô, và “tảng đá góc” này của đức tin là thần tính của Đức Kitô. Một khi điều này bị loại bỏ, mọi thứ khác sẽ sụp đổ, bắt đầu từ đức tin vào Ba Ngôi. Thánh Augustinô nói: “Điều vĩ đại không phải là tin rằng Chúa Giêsu đã chết; điều này dân ngoại cũng tin. Nhưng điều vĩ đại thật sự khi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Đức tin của Kitô hữu là sự phục sinh của Đức Kitô”. Điều tương tự cũng phải nói về nhân tính và thần tính của Đức Kitô. Mọi người đều tin rằng Chúa Giêsu là người thật; điều tạo nên sự khác biệt giữa người tin và không tin đó là tin rằng Chúa Giêsu cũng là Thiên Chúa. Đức tin của Kitô hữu là thần tính của Đức Kitô
Với tất cả những quảng diễn về thần tính của Đức Kitô, tới đây Đức Hồng y mời gọi mọi người áp dụng vào chính đời sống đức tin. Ngài nói: Chúng ta đã nghe nói ‘Biết Đức Kitô là nhận biết những điều tốt lành nơi Người’. Đức Hồng y kết thúc bài suy niệm bằng cách nhắc đến những điều tốt lành này có khả năng đáp ứng những nhu cầu sâu xa của con người ngày nay: nhu cầu về ý nghĩa cuộc sống và khước từ cái chết.
Thực vậy, biết Đức Kitô phải mang lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống.
Chúa Giêsu nói: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”. (Ga 8,12) Ai tin vào Đức Kitô có thể chống lại cám dỗ lớn về một cuộc sống không có ý nghĩa, đôi khi dẫn đến tự sát. Ai tin vào Đức Kitô thì không bước đi trong bóng tối: người ấy biết mình từ đâu đến, biết mình đi đâu và mình phải làm gì trong lúc này. Trên hết, người này biết mình được một ai đó yêu thương và đã hiến mình để chứng minh tình yêu này.
Chúa Giêsu cũng đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Và sau đó Thánh Gioan Tông đồ đã viết cho các tín hữu: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời […] Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”. (1Ga 5, 13,20). Chính bởi vì Đức Kitô là Thiên Chúa thật, cũng là sự sống đời đời và trao ban sự sống đời đời, nên dù điều này không nhất thiết làm cho chúng ta không còn phải sợ cái chết, nhưng mang lại cho những ai tin vào Chúa một sự chắc chắn rằng cuộc sống của chúng ta không kết thúc với cái chết.
Chúng ta hãy suy nghĩ lại về điều này khi chúng ta tuyên xưng đức tin qua việc đọc kinh Tin Kính. Đức Hồng y mời gọi mọi người cùng tuyên xưng đức tin: Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.