GIÊ-RU-SA-LEM HÔM NÀO
Hôm nay Chúa vào đền Thánh
Chịu cuộc tử nạn, rạng danh cứu đời.
Bênh đỡ mảnh nghèo chơi vơi
Xót thương trìu mến, sáng ngời thế nhân.
Sẵn sàng, chẳng chút ngại ngần
Thực thi Thánh ý, tảo tần tháng năm.
Giờ đây vào thành Sa-lem
Chẳng để ca tụng, êm đềm tán dương.
Tuy là Chúa cả thiên đường
Nhưng hy sinh chết thảm thương thập hình.
Kẻ qua người lại đứng nhìn
Can-vê chiều ấy, cực hình khóc than.
Hồn con thoi thóp nài van
Trót tâm lỗi tội, muôn lần đóng đanh
Bao phen vương vấn lợi danh
Tiền tài châu báu, công thành lợi tư.
Lãng quên lòng Chúa nhân từ
Khổ hình tử nạn, ưu tư lãnh phần.
Mong sao con biết ăn năn
Trở về bên Chúa ân cần sống vui.
Lm. Xuân Hy Vọng
Xứ sở Mặt Trời Mọc, 26.03.2021
LỄ LÁ ĐỜI TÔI
Đường Thập Giá chông gai ngàn lối
Đường hy sinh thoát cảnh tăm tối
Đường cứu độ, thứ tha tội lỗi
Đường tín thác, cậy mến trong tôi.
Đường bỏ mình, ăn năn thống hối,
Đường khiêm hạ, bao dung tiếp nối,
Đường vinh quang Chúa tôi mở lối
Đường vâng phục, chịu chết vì tôi.
Đường Can-vê, mây ngàn giăng lối
Đường bình an giữa lòng bối rối
Đường khổ nạn bước qua bóng tối
Đường phục sinh dẫn lối lòng tôi.
Đường thênh thang dẫn đến u tối
Đường hãm hẹp đưa lối đời tôi
Đường chay tịnh xoá hết đơn côi
Đường ăn năn, tha thứ lầm lỗi.
Đường Chúa đi không hoa ngập lối
Đường con bước theo Người tiếp nối
Đường Chúa qua muôn người được rỗi
Đường con đi, Người hằng cùng tôi.
Lm. Xuân Hy Vọng
THÁNH CẢ GIU-SE VỚI ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Khi nói đến đời sống đạo đức, chắc hẳn ai trong chúng ta đều nghe đến hai chữ ‘cầu nguyện’, và cũng đã biết làm gì mỗi lúc nguyện cầu. Tuy nhiên, nếu xét kỹ lưỡng, chúng ta sẽ nhận thấy khi cầu nguyện, chúng ta thường nài xin hơn cảm tạ Thiên Chúa, thường van xin hơn tâm sự chuyện trò và lắng nghe Chúa. Bởi thế, nhiều người trong chúng ta không biết thánh ý Chúa được thông truyền cho chúng ta. Dường như chúng ta chỉ nói-xin-van-nài Chúa, mà không dành thời gian tịnh tâm để lắng nghe tiếng Chúa, vì lẽ Ngài cũng muốn tâm sự, chuyện trò với chúng ta.
Cuộc sống thể lý cần khí trời, lương thực, nước uống, mối tương quan, v.v…thế nào, thì tinh thần và đời sống tâm linh chúng ta cần đến ân sủng, Lời Chúa, Thánh Thể, và tình thân qua việc cầu nguyện như vậy. Nếu chúng ta bất cẩn, không quan tâm đến thể lý, không giữ gìn sức khoẻ, thì cơ thể chúng ta sẽ trở nên gầy gò, ốm yếu, thậm chí ngã bệnh, thiếu hoặc suy dinh dưỡng. Hơn thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thăng tiến, trưởng thành, nếu bê trễ, biếng nhác trong đời sống thiêng liêng, tu đức, mà nền tảng chính là lời cầu nguyện.
Thật ra, Kinh Thánh không nói chi tiết về đời sống hằng ngày của Thánh Giu-se, nhưng thiết nghĩ ngài là ‘người công chính’, là ‘đấng ngay chính tận trung’, ‘trọn tốt trọn lành’, ‘cực thanh cực tịnh’, ‘cực khôn cực ngoan’…(như chúng ta thường đọc trong Kinh cầu Thánh Giu-se), thì chắc chắn ngài hằng liên lỉ sống kết hiệp với Chúa qua đời sống cầu nguyện thường nhật. Là trụ cột gia đình Thánh Thất, ngài phải chăm lo, săn sóc, quan tâm đến Đức Mẹ và con trẻ Giê-su. Với trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình, ngài cũng hết lòng nỗ lực lao động dù hoàn cảnh Thánh Gia chẳng mấy khá giả gì, nói đúng hơn là nghèo khó. Tuy vậy, ngài chẳng bao giờ quên cầu nguyện từ khi ánh bình minh ló rạng cho đến khi hoàng hôn buông xuống, ngày tàn đêm qua. Chúng ta từng nghe Thánh sử Lu-ca mô tả Đức Mẹ ‘hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (x. Lc 2, 19), nghĩa là: Mẹ hằng tâm niệm, chiêm ngắm công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ. Nói cách khác, có thể Mẹ không thấu hiểu hết những việc Thiên Chúa làm nơi mình, nhưng hoàn toàn tín thác, vâng phục và sống kết hiệp với Chúa. Tương tự, mặc dù Kinh Thánh không đề cập, nhưng Thánh Giu-se hẳn cũng luôn sống thân tình mật thiết với Chúa qua mọi sinh hoạt hằng ngày!
Ngoài ra, là người Do Thái thuần tuý, thuộc dòng dõi Vua Đa-vít, nên chắc chắn Thánh Giu-se hiểu rõ và trung thành giữ giới răn của Chúa được ghi trong sách Luật Mô-sê và các Ngôn sứ. Không chỉ am hiểu về mặt ngữ nghĩa, mà ngài còn sống trọn vẹn, tận tâm mỗi ngày giới răn yêu thương, vì ‘ngài là đấng kiên tâm, mạnh mẽ mọi đàng’, ‘hay vâng lời chịu luỵ cho trọn’, ‘gương nhân đức nhịn nhục’, và ‘đấng yêu chuộng sự khó khăn’, v.v…(trích trong Kinh cầu Thánh Giu-se). Vì thế, chúng ta nên từng bước học đòi, noi gương Thánh Giu-se biết bền bỉ, liên lỉ cầu nguyện, chứ không chỉ van nài, kêu xin!
Ở quốc đảo Sei-ron kia (thuộc Sri-lan-ka ngày nay), tại thành thị A-lak-ka, có một giáo phái dị giáo, toàn thờ lạy ma quỷ trong rừng sâu. 400 năm trước Công nguyên, A-lak-ka là thủ đô của quốc đảo này, vốn được mệnh danh là trung tâm văn hoá, còn giữ lại biết bao kiến trúc cổ xưa với nhiều đền thờ, nhà cửa cổ kính. Tuy nhiên, ngay giữa thành phố, lại có một đền thờ đặc biệt thờ ngẫu tượng, ở chính điện có khoảng ba ngàn tu viện nhỏ, và hơn hai vạn nam tu sĩ sụp lạy thờ phụng thần ngẫu tượng. Theo sử xưa ghi chép, trước đó rất lâu rồi, đã có hai nhà truyền giáo Công giáo đặt chân tới nơi này. Dĩ nhiên, thoạt đầu quá ư gian truân, muôn vàn khó nguy, nhưng hai vị đã trao phó nơi này cho Thánh Cả Giu-se, đồng thời thành lập một nơi gọi là trung tâm truyền giáo, và hằng ngày hăng say rao truyền Tin mừng cho người dân A-lak-ka. Giáo phái thờ ngẫu tượng ghét cay ghét đắng các ngài, bèn bày mưu tính kế bạo loạn hòng đuổi các ngài. Họ cướp phá, giật sập nhà cửa, thậm chí dùng vũ khí uy hiếp, la làng đổ tội. Lúc ấy, cha Âu-gus-ti-nô đang thinh lặng chầu Thánh Thể trong nguyện đường, họ xông vào lấy áo lễ, tượng ảnh Thánh và chén Thánh vứt ra ngoài mà dẫm đạp lên. Chưa hết, họ bắt và đưa ngài ra trước thánh đường, ném đá đánh đập ngài; họ nhuộm đỏ chiếc áo dòng đen, và nghĩ ngài đã chết nên tống ngài vào tu viện nữ của giáo phái họ. Tuy nhiên, dân vùng A-lak-ka thầm thì rỉ tai nhau truyền lại rằng: vài tuần sau đó, 50 người chủ mưu sát hại cha Âu-gus-ti-nô đã bị bắt và chịu mức án tử hình. Vào ngày hành quyết, tất cả bọn họ đều sửng sốt vì tận mắt thấy cha chưa chết, mà còn hiện diện ở đó. Quan toà liền hỏi ngài: “Thưa linh mục, ngài đến đây có gì chăng? Để lên án hay kết tội bọn họ?” Cha đáp lời: “Thật tiếc cho tôi vì đã không được diễm phúc nhận lãnh triều thiên tử vì đạo. Tuy nhiên, tôi không kết án kẻ bách hại mình, mà trái lại, tôi yêu mến họ, vì chưng, tôi muốn trở thành người tôi tớ trung tín của Chúa Giê-su Ki-tô. Noi gương Ngài, tôi yêu thương hết mọi người, và tôi cũng không mong muốn những người này phải bị tử hình hoặc chịu hình phạt thảm khốc nào!” Dân chúng xung quanh nghe thế, bèn thốt lên: “Ôi tuyệt vời, ông thầy tu Công giáo này thật phi thường. Ông đã xin tha thứ tội lỗi cho những kẻ giết hại mình”. Liền đó, 50 bị cáo phủ phục trước cha Âu-gus-ti-nô mà nài xin: “Lời dạy của Đức Ki-tô mà cha hằng tin tưởng thật là giáo huấn đích thật. Xin cha chỉ dạy cho chúng tôi!”
Thấy vậy, cha đỡ mọi người đứng dậy, thầm thĩ tạ ơn Thánh Cả Giu-se đã chẳng bỏ ngài, trái lại, luôn gìn giữ, chở che, nâng đỡ, và hằng cầu bầu cho ngài trước toà Chúa.
Giu-se Thánh Cả hiền nhân
Chằng hề quên lãng đỡ nâng con hèn.
Dòng đời dù lắm truân chuyên
Ngài luôn che chở, ân thiên tuôn tràn.
Lm. Xuân Hy Vọng