Tông du Iraq: Thánh lễ tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil và các cuộc viếng thăm của ĐTC

Chủ nhật - 07/03/2021 21:30  739

Tông du Iraq: Thánh lễ tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil

dChiều Chúa Nhật 7/3, ngày cuối trong chuyến tông du, Đức Thánh Cha dâng thánh lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay tại sân vận động Franso Hariri với khoảng 10 ngàn người tham dự.

Sân vận động Franso Hariri, được xây dựng vào năm 1956 trên khu đất bỏ hoang của một sân bay cũ, có thể chứa 40.000 người. Ngày nay, sau khi được tái thiết năm 1992, sân chỉ còn có thể chứa được 28.000 người và vẫn là sân vận động lớn thứ hai trong nước. Nằm ở phía nam Erbil, Bắc Iraq, trong miền tự trị Kurdistan, sân vận động đa năng này chủ yếu được sử dụng cho các trận bóng đá và thi đấu điền kinh. Đến năm 2001, tên gọi đơn giản là sân vận động Erbil, nhưng sau vụ ám sát Thống đốc Franso Hariri, người đã góp phần vào việc tái thiết, sân được đổi tên thành Sân vận động “Franso Hariri” để vinh danh ông.

Trước Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần Papamobile để chào thăm các tín hữu. Đây là lần duy nhất trong chuyến viếng thăm Iraq, Đức Thánh Cha dùng xe mui trần để chào các tín hữu. Vì lý do an ninh, chính phủ Iraq đề nghị ngài dùng xe bọc thép để di chuyển. Nhưng dù trong xe bọc thép, tại một số tuyến đường có tín hữu đón chào, đặc biệt tại Qaraqosh, Đức Thánh Cha mở cửa kính xe để vẫy tay chào.

Thánh Lễ được cử hành theo nghi lễ Latinh bằng tiếng Ý, các bài đọc và lời nguyện tín hữu bằng tiếng Canđê địa phương, tiếng Arập, tiếng Kurd, tiếng Anh.

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha trích lời của thánh Phaolô trong bài đọc thứ II: “Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”, Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan đó trên hết bằng lòng thương xót và tha thứ. Thật dễ rơi vào cái bẫy của thứ tư duy rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy là chúng ta có quyền năng, rằng ta khôn ngoan, hay cái bẫy của việc tạo ra những hình ảnh giả tạo về vị Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (x. Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, thật sự là tất cả chúng ta cần quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su trên thập giá.

Đức Thánh Cha nói đến hoàn cảnh cụ thể của Iraq: “Ở Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của các con đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương hữu hình lẫn vô hình! Chúng ta bị cám dỗ dùng sự khôn ngoan và quyền năng thế gian để phản ứng lại những điều gây thương tích này và cả những kinh nghiệm đau khổ khác nữa. Ngược lại, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.”

Kế đến, diễn giải đoạn Tin Mừng, ĐTC nói: Trong bài Tin Mừng vừa nghe (Ga 2,13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền và tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giê-su lại làm một điều có vẻ bạo lực và khiêu khích như vậy? Ngài làm điều đó vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành cái chợ (x. Ga 2,16); Ngài cũng không muốn tâm hồn chúng ta trở thành nơi bị xáo trộn, rối bời và hỗn loạn. Tâm hồn chúng ta cần phải được dọn sạch, ngăn nắp và thanh tẩy. Nhưng thanh tẩy khỏi điều gì? Khỏi những giả dối làm vấy bẩn nó, khỏi những sự giả tạo giả hình. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những thứ an toàn giả tạo vốn có thể đánh đổi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi ích tạm thời. Chúng ta cần quét sạch những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội. Để làm sạch lòng mình, chúng ta cần để cho bàn tay mình lấm bẩn, phải thấy mình có trách nhiệm chứ không chỉ đơn thuần đứng nhìn khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc tâm hồn của mình? Chúng ta không thể tự thanh tẩy chỉ bằng nỗ lực bản thân; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại đền thờ tâm hồn chúng ta.

Chúa Giê-su không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta quyền năng và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và mang tính chia rẽ về gia đình, về đức tin và cộng đồng, những quan niệm vốn gây chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau, hầu chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội cởi mở với mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta nhất. Đồng thời, Ngài tăng sức cho ta để chống lại sự cám dỗ trả thù, thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả đũa vô tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sai chúng ta ra đi, không phải để cải đạo người khác, mà để sống tư cách người môn đệ của sứ mạng, tức những người nam, người nữ được kêu mời làm chứng tá rằng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Chúa Phục sinh biến chúng ta thành khí cụ của lòng thương xót và hòa bình của Chúa, thành những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới.

Như người Samari nhân hậu của nhân loại, Chúa muốn xức dầu cho mọi tổn thương, để chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và đầy tình huynh đệ trên mảnh đất này.

Để kết, Đức Thánh Cha khích lệ:

Giáo hội Iraq, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã và đang làm nhiều điều để loan truyền sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập giá, bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Ki-tô, đặc biệt cho những người cần nhất. Ngay cả trong hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cách cụ thể và liên đới với những người nghèo đói và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến đây như một người hành hương ở giữa anh chị em, để cảm ơn và xác nhận niềm tin và chứng tá của anh chị em. Hôm nay, tôi có thể nhìn thấy và chạm đến thực tế rằng Giáo hội ở Iraq đang sống, rằng Đức Ki-tô đang sống và đang hoạt động giữa lòng đoàn dân thánh thiện và trung tín của Ngài ở đây.

Cuối lễ và chào biệt

Cuối Thánh Lễ, Đức Cha Bashar Matti Warda, Tổng giám mục Erbil, cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm để nâng đỡ đức tin của cộng đoàn tín hữu tại Iraq.

Đáp lời, Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả về việc tổ chức cho chuyến viếng thăm của ngài. Đồng thời, ngài ghi nhận: Những ngày vừa qua ở giữa anh chị em, tôi đã nghe những tiếng nói đau đớn và thống khổ, nhưng tôi cũng nghe những tiếng nói hy vọng và an ủi. Điều này là nhờ, một phần lớn, công sức không mệt mỏi của các tổ chức tôn giáo thuộc nhiều hệ phái Kitô khác nhau, nhờ các Giáo hội địa phương và các tổ chức bác ái khác nhau, đã hỗ trợ người dân đất nước này trong việc tái thiết và tái sinh xã hội.

Cuối cùng, bằng những lời cảm động, ĐTC chào biệt: “Bây giờ, sắp đến giờ tôi trở về Roma. Nhưng Iraq sẽ luôn cùng với tôi, trong trái tim tôi. Tôi xin tất cả, anh chị em thân mến, hãy làm việc cùng nhau trong sự hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ ai lại phía sau và và không ai bị phân biệt đối xử. Tôi đảm bảo lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Cách đặc biệt, tôi cầu nguyện cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả nam nữ thiện chí, hợp tác để thắt chặt tình huynh đệ và tình liên đới trong việc phục vụ công ích và hòa bình. Salam, salam, salam! Shukrán! [Cảm ơn] Xin Chúa chúc lành cho tất cả! Xin Chúa chúc lành cho Iraq! Allah ma'akum! [Chúa ở cùng anh chị em]

Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha chào các tín hữu và ra phi trường Erbil cách sân vận động 8km để trở về thủ đô Baghdad, và nghỉ đêm tại Toà Sứ Thần ở Baghdad. Kết thúc ngày thứ 3 của chuyến tông du.

Văn Yên, SJ


Tông du Iraq: Bài giảng (7) Thánh Lễ tại sân vận động Franso Hariri

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ Chúa Nhật thứ III Mùa Chay tại sân vận động Franso Hariri với khoảng 10 ngàn người tham dự. Thánh Lễ được cử hành theo nghi lễ Latinh bằng tiếng Ý, các bài đọc và lời nguyện tín hữu bằng tiếng Canđê địa phương, tiếng Arập, tiếng Kurd, tiếng Anh.
d

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
tại sân vận động Franso Hariri ở Erbil

Chủ Nhật, 07/03/2021

Thánh Phao-lô đã nói với chúng ta rằng “Đức Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-25). Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan đó trên hết bằng lòng thương xót và tha thứ. Ngài không bày tỏ theo cách phô trương sức mạnh hay bằng cách nói chuyện kiểu trịch thượng với chúng ta, qua những bài diễn văn dài dòng và uyên bác. Ngược lại, Ngài chọn cách hiến mạng sống mình trên thập giá. Ngài đã bày tỏ sự khôn ngoan và quyền năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy sự trung thành đến cùng của tình yêu Thiên Chúa Cha; đó là lòng thành tín của vị Thiên Chúa giao ước, Đấng đã đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ trong hành trình đến tự do (x. Xh 20, 1-2).

Thật dễ rơi vào cái bẫy của thứ tư duy rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy là chúng ta có quyền năng, rằng ta khôn ngoan, hay cái bẫy của việc tạo ra những hình ảnh giả tạo về vị Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (x. Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, thật sự là tất cả chúng ta cần quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giê-su trên thập giá. Trên đồi Canvê, Người đã dâng lên Chúa Cha những vết thương mà chỉ nhờ đó chúng ta được chữa lành (xem 1Pr 2:24). Ở Iraq này, biết bao anh chị em, bạn bè và đồng bào của các con đang mang vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương hữu hình lẫn vô hình! Chúng ta bị cám dỗ dùng sự khôn ngoan và quyền năng thế gian để phản ứng lại những điều gây thương tích này và cả những kinh nghiệm đau khổ khác nữa. Ngược lại, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.

Trong bài Tin Mừng vừa nghe (Ga 2,13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền và tất cả những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem. Tại sao Chúa Giê-su lại làm một điều có vẻ bạo lực và khiêu khích như vậy? Ngài làm điều đó vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Người trở thành cái chợ (x. Ga 2,16); Ngài cũng không muốn tâm hồn chúng ta trở thành nơi bị xáo trộn, rối bời và hỗn loạn. Tâm hồn chúng ta cần phải được dọn sạch, ngăn nắp và thanh tẩy. Nhưng thanh tẩy khỏi điều gì? Khỏi những giả dối làm vấy bẩn nó, khỏi những sự giả tạo giả hình. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải tẩy sạch những thứ an toàn giả tạo vốn có thể đánh đổi đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa bằng những thứ chóng qua, bằng những lợi ích tạm thời. Chúng ta cần quét sạch những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội. Để làm sạch lòng mình, chúng ta cần để cho bàn tay mình lấm bẩn, phải thấy mình có trách nhiệm chứ không chỉ đơn thuần đứng nhìn khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh lọc tâm hồn của mình? Chúng ta không thể tự thanh tẩy chỉ bằng nỗ lực bản thân; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có quyền năng để chiến thắng những điều xấu xa của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại đền thờ tâm hồn chúng ta.

Để xác nhận điều này, và như một dấu hiệu về quyền năng của mình, Chúa Giê-su nói: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại.” (câu 19). Chỉ mình Đức Giê-su Ki-tô có thể tẩy sạch chúng ta khỏi những sự dữ; Ngài là Đấng đã chết và đã sống lại; Ngài là Thiên Chúa! Anh chị em thân mến, Chúa không để chúng ta chết trong tội lỗi của mình. Ngay cả khi chúng ta quay lưng với Ngài, Ngài cũng không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Ngài tìm kiếm chúng ta, chạy theo chúng ta, để kêu gọi chúng ta ăn năn và để tẩy rửa tội lỗi của chúng ta. Chúa phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Êzêkiel 33:11). Chúa muốn chúng ta được cứu và trở thành những đền thờ sống động của tình yêu của Ngài, trong tình huynh đệ, trong sự phục vụ, trong lòng thương xót.

Chúa Giê-su không chỉ tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta quyền năng và sự khôn ngoan của chính Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và mang tính chia rẽ về gia đình, về đức tin và cộng đồng, những quan niệm vốn gây chia rẽ, chống đối và loại trừ nhau, hầu chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội cởi mở với mọi người và quan tâm đến những anh chị em đang cần chúng ta nhất. Đồng thời, Ngài tăng sức cho ta để chống lại sự cám dỗ trả thù, thứ chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy của những cuộc trả đũa vô tận. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài sai chúng ta ra đi, không phải để cải đạo người khác, mà để sống tư cách người môn đệ của sứ mạng, tức những người nam, người nữ được kêu mời làm chứng tá rằng Tin Mừng có sức mạnh thay đổi cuộc sống. Chúa Phục sinh biến chúng ta thành khí cụ của lòng thương xót và hòa bình của Chúa, thành những nghệ nhân kiên nhẫn và can đảm của một trật tự xã hội mới. Theo cách này, nhờ quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Thánh Phao-lô Tông Đồ nói với các tín hữu Cô-rin-tô được ứng nghiệm: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1: 25). Các cộng đoàn Ki-tô hữu gồm những người đơn sơ và thấp hèn chính là dấu hiệu cho thấy vương quốc của Ngài sắp đến, vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.

“Các ông hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Chúa Giê-su đang nói về đền thờ là thân thể Ngài, tức cũng là về Giáo hội. Chúa hứa với chúng ta rằng, nhờ quyền năng của sự phục sinh, Ngài có thể xây dựng lại bản thân chúng ta cũng như các cộng đoàn của chúng ta từ những đống đổ nát do bất công, chia rẽ và hận thù để lại. Đó là lời hứa mà chúng ta cử hành trong Bí tích Thánh Thể này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của vị Thiên Chúa chịu đóng đinh và phục sinh ở giữa chúng ta. Và chúng ta học cách ôm lấy đức khôn ngoan mang tính giải thoát của Ngài, học cách nép mình trong vết thương của Ngài, và tìm thấy sự chữa lành và sức mạnh để phục vụ cho sự xuất hiện của vương quốc Ngài trong thế giới chúng ta. Nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành (xem 1 Phi 2:24). Nơi những vết thương đó, hỡi anh chị em thân mến, chúng ta tìm thấy sự xoa dịu của tình yêu thương xót của Ngài. Bởi vì, như người Samari nhân hậu của nhân loại, Ngài muốn xức dầu cho mọi tổn thương, để chữa lành mọi ký ức đau buồn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và đầy tình huynh đệ trên mảnh đất này.

Giáo hội Iraq, nhờ hồng ân Thiên Chúa, đã và đang làm nhiều điều để loan truyền sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập giá, bằng cách truyền bá lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Ki-tô, đặc biệt cho những người cần nhất. Ngay cả trong hoàn cảnh nghèo đói và khó khăn, nhiều anh chị em đã hào phóng giúp đỡ cách cụ thể và liên đới với những người nghèo đói và đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến đây như một người hành hương ở giữa anh chị em, để cảm ơn và xác nhận niềm tin và chứng tá của anh chị em. Hôm nay, tôi có thể nhìn thấy và chạm đến thực tế rằng Giáo hội ở Iraq đang sống, rằng Đức Ki-tô đang sống và đang hoạt động giữa lòng đoàn dân thánh thiện và trung tín của Ngài ở đây.

Anh chị em thân mến, tôi phó thác anh chị em, gia đình và cộng đoàn của anh chị em trong sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã liên kết với cuộc khổ nạn và cái chết của Con Mẹ và được chia sẻ niềm vui phục sinh của Người. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và dẫn chúng ta đến với Ngài, Đấng là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Tông du Iraq: Diễn văn (6) của ĐTC trong cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh

dTrong cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh, thành phố bị Nhà nước Hồi giáo xâm chiếm và tàn phá vào tháng 8/2014, Đức Thánh Cha khuyến khích người dân cùng nhau phục hồi và tái thiết thành phố, đặc biệt là các mối liên hệ cộng đồng. Ngài kêu gọi tha thứ và khẳng định rằng bạo lực không phải là tiếng nói quyết định nhưng là chính Thiên Chúa, dấu chỉ của sự sống chiến thắng sự chết.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Thăm Cộng đoàn Qaraqosh – Kinh Truyền tin

Chúa Nhật, 07/03/2021

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi tạ ơn Chúa về cơ hội được ở giữa anh chị em sáng hôm nay. Tôi đã mong đợi thời gian này. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan đã có lời chào đón, cũng như cảm ơn bà Doha Sabah Abdallah và cha Ammar Yako về chứng từ của họ. Khi nhìn anh chị em, tôi thấy sự đa dạng văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh và điều này cho thấy điều gì đó tốt đẹp mà vùng đất của anh chị em cống hiến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây nhắc rằng vẻ đẹp không đơn sắc, nhưng tỏa sáng trong sự đa dạng và khác biệt.

Đồng thời, với sự đau buồn lớn lao, chúng ta nhìn xung quanh và nhìn thấy những dấu hiệu, những dấu hiệu của sức mạnh hủy diệt của bạo lực, thù hận và chiến tranh. Bao nhiêu thứ đã bị phá đổ! Bao nhiêu điều cần phải xây dựng lại! Sự tập hợp của chúng ta ở đây hôm nay cho thấy rằng khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói quyết định. Quyết định thuộc về Thiên Chúa và Con của Người, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên sự chết. Anh chị em có tấm gương của những người cha và người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trần thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm ai thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bằng ân sủng của Người. Di sản tinh thần to lớn mà họ để lại vẫn tiếp tục sống trong anh chị em. Hãy giữ chặt lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em bằng những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.

Các bạn thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà nhưng cả các mối liên kết của cộng đồng, những thứ gắn kết cộng đồng và gia đình, người trẻ và người già với nhau. Ngôn sứ Giô-en nói, “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,người già được báo mộng,  thanh niên thấy thị kiến.” (xem Ge 3,1). Điều gì sẽ xảy ra khi người già và người trẻ xích lại gần nhau? Người già ước mơ, họ mơ về một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời ngôn sứ, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta gìn giữ và truyền lại những món quà mà Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và truyền thống, mà còn là những thành quả sống động của đức tin, những ân sủng của Thiên Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy tôi khuyến khích anh chị em: Đừng quên anh chị em là ai và đến từ đâu! Đừng quên những liên kết đã nối kết anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn nguồn gốc của anh chị em!

Chắc chắn, sẽ có những thời điểm mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng với anh chị em trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến, và nó cũng đúng trong những ngày này trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và vô cùng bất an. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trời cao các vị thánh đang nhìn xem chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của họ. Ngoài ra còn có các vị thánh ở nhà bên cạnh, “những người đang sống ở giữa chúng ta và phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gaudete etExsultate, 7). Vùng đất này có nhiều người trong số họ, bởi vì nó là vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.

Một điều mà bà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Bà nói rằng sự tha thứ là cần thiết đối với những người sống sót sau vụ khủng bố. Tha thứ; đó là từ khóa. Tha thứ là điều cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Ki-tô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng là dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tín thác vào Chúa và, cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và thao túng tôn giáo.

Cha Ammar thân mến, khi nhắc lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn ban cho cha tràn đầy niềm vui, trong lúc thịnh vượng cũng như gian nan, lúc ốm đau cũng như khi khỏe mạnh. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những món quà và lời hứa của Chúa. Hồi ức về quá khứ hình thành hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.

Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà ân sủng của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc của nó. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng cho sự hoán cải của trái tim và cho sự chiến thắng khải hoàn của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu thương huynh đệ giữa mọi người nam và nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả mọi người thiện chí Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chung của chúng ta, những giá trị mà nhờ đó chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (FratelliTutti, 283).

Khi đến đây bằng trực thăng, tôi đã thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Mẹ. Đức Mẹ không chỉ bảo vệ chúng ta từ trên cao, nhưng đến với chúng ta bằng tình yêu của một người Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã bị ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là điều các bà mẹ làm: họ khuyên giải, họ an ủi và trao tặng cuộc sống. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và người phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người vẫn tiếp tục cống hiến sự sống, bất chấp những sai trái và đau đớn. Chớ gì những người phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Chớ gì họ được tôn trọng và trao cho cơ hội!

Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả anh chị em dưới sự chuyển cầu của Mẹ. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.


ĐỨC THÁNH CHA THĂM CỘNG ĐOÀN QARAQOSH BỊ KHỦNG BỐ HỒI GIÁO TÀN PHÁ VÀO NĂM 2014
dTrong cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh, thành phố bị Nhà nước Hồi giáo xâm chiếm và tàn phá vào tháng 8/2014, Đức Thánh Cha khuyến khích người dân cùng nhau phục hồi và tái thiết thành phố, đặc biệt là các mối liên hệ cộng đồng. Ngài kêu gọi tha thứ và khẳng định rằng bạo lực không phải là tiếng nói quyết định nhưng là chính Thiên Chúa, dấu chỉ của sự sống chiến thắng sự chết.

Trưa Chúa Nhật 7/3/2021, sau khi thăm Mosul, Đức Thánh Cha đã viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh ở miền bắc Iraq, thuộc Tỉnh bang Ninive, cách Mosul khoảng 32 km về phía Đông Nam và cách Erbil 60 km về phía Tây, gần khu di tích của các thành phố Nimrud và Nineveh của đế quốc Assyria cổ đại.

Qaraqosh
t
Qaraqosh
Thành phố Qaraqosh
Đây là thành phố Kitô giáo chính yếu của Iraq, sống chủ yếu về nông nghiệp, với hơn 50.000 dân, 90% là Kitô hữu. Mùa hè năm 2014, thành phố đã bị dân quân Nhà nước Hồi giáo tự phong xâm chiếm. Nhà cửa và các nhà thờ, thư viện và các tòa nhà quan trọng khác bị tàn phá. Hàng chục ngàn Kitô hữu phải vội vã rời bỏ nhà cửa, tìm nơi trú ẩn chủ yếu ở miền Kurdistan.
Hai năm sau, năm 2016, thành phố được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Hồi giáo IS. Trong những năm gần đây, các tổ chức bác ái Kitô giáo và các hiệp hội quốc tế đã cố gắng tái thiết những gì đã bị phá hủy, như Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, là nhà thờ Kitô giáo lớn nhất của đất nước, tại Tahira al-Kubra. Ngày nay, sự giúp đỡ của Giáo hội và cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết trung tâm đô thị đã cho phép khoảng 46% những người sống ở thị trấn này trước khi Nhà nước Hồi giáo xâm lược, tháng 8 năm 2014, quay trở lại quê nhà.
Qaraqosh chào đón ĐTC
t
Qaraqosh chào đón Đức Thánh Cha
 Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Cuộc gặp gỡ với cộng đoàn Công giáo Qaraqosh diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Nhà thờ được xây dựng giữa các năm 1932 và 1948 nhờ sự đóng góp và làm việc tích cực của các công dân vùng bình nguyên Ninive, ở Đông Nam Mosul. Nhà thờ lớn nhất Iraq này dài 54m và rộng 24m, có sức chứa 2.500 người. Năm 2014 nhà thờ đã bị dân quân Nhà nước Hồi giáo phá hoại, xúc phạm và đốt cháy: một phần của tháp chuông bị phá hủy, các bức tượng bị chặt đầu, nhà thờ bị đốt cháy, đồ đạc, sổ đăng ký và sách thánh bị ném vào lò...
Sau khi thành phố được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo, vào tháng 10 năm 2016, tòa nhà trở lại là nơi thánh; một bàn thờ tạm và một cây Thánh giá lớn bằng gỗ trên mái nhà đã được dựng lên. Tuy nhiên, việc tái thiết thực sự của nhà thờ đã bắt đầu vào tháng 1 năm 2020. Một tượng mới của Đức Mẹ Maria đã được dựng lên trên tháp chuông đã được trùng tu, các bức tường và cột bằng đá cẩm thạch bị ám khói đen đã được tẩy rửa, và một tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cao hai mét được đặt trên bàn thờ.
Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội ở Qaraqosh
r
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Qaraqosh
Dân chúng Qaraqosh chào đón Đức Thánh Cha
Lúc khoảng 10:15, xe chở Đức Thánh Cha tiến vào trung tâm thành phố Qaraqosh. Hai bên đường, rất đông người dân Iraq đứng đợi chào đón Đức Thánh Cha.
Người dân Iraq chào đón ĐTC
y
Người dân Iraq chào đón Đức Thánh Cha
Đến cửa nhà thờ, Đức Thánh Cha được Đức Thượng phụ Younan, Đức Tổng Giám mục và cha sở đón tiếp. Hai em bé bị hội chứng Down cũng chào đón Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha hôn Thánh giá và rảy nước thánh trước khi tiến vào trong nhà thờ. Trong nhà thờ rất đông tín hữu hiện diện chờ đón, reo hò chào mừng Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha chậm chậm tiến lên cung thánh, vẫy chào các tín hữu. Lên đến gần cung thánh ngài chào các thiếu nhi và bệnh nhân ở hàng ghế đầu. Sau đó Đức Thánh Cha tiến đến bàn thờ, dâng hoa và cầu nguyện trong giây lát.
Một thếu nhi mấc hội chứng Down tặng hoa cho ĐTC
y
Một thiếu nhi mắc hội chứng Down tặng hoa cho Đức Thánh Cha
Cộng đoàn đa sắc tộc và đa tôn giáo
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Đức Thượng phụ Younan của Công giáo Syri đã có lời chào đón Đức Thánh Cha và phái đoàn Tòa Thánh. Đức Thượng phụ giới thiệu cộng đoàn hiện diện gồm một phần các tín hữu những người đã phải rời nhà cửa vào năm 2014 khi khủng bố Hồi giáo tấn công. Trong số này cũng có các tín đồ Hồi giáo Ả-rập, người Kurrd, Yezidi, vv. Đây là một cộng đoàn đa tôn giáo và đa sắc tộc trong quá khứ đã tìm cách cùng chung sống trong hòa bình.
Đức Thượng phụ Younan chào Đức Thánh Cha
t
Đức Thượng phụ Younan chào Đức Thánh Cha
Chứng từ của bà Doha Sabah: tha thứ
Tiếp đến, bà Doha Sabah, một giáo dân, đã chia sẻ ký ức kinh hoàng vào ngày 6/8/2014, khi những quả bom của Hồi giáo IS đã giết chết con trai, cháu bà và một cô gái trẻ. Đức tin giúp bà tin rằng những người trẻ này đang ở trong vòng tay của Chúa Kitô và chúng ta, những người đang sống, cố gắng tha thứ cho kẻ xâm lược bởi vì Chúa Giêsu đã tha thứ cho kẻ hành hình ngài. Bà nói: “Bằng cách theo gương Chúa, chúng tôi làm chứng rằng: tình yêu mạnh hơn tất cả.”
Bà Doha Sabah và cha Ammar Yako trình bày chứng từ
t
Bà Doha Sabah và cha Ammar Yako trình bày chứng từ
Chứng từ của cha Ammar Yako: "Chúa không bỏ rơi chúng tôi"
Tiếp theo là chứng từ của cha Ammar Yako, Tổng đại diện của Tổng giáo phận Mossul của Công giáo Syri. Khẩu hiệu linh mục của cha là “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ” (Tv 15,1). Hai mươi năm linh mục, một hành trình không dễ dàng giữa những năm chiến tranh, nhưng Chúa luôn là sức mạnh của Cha và giúp cha sống châm ngôn đời linh mục cách vui tươi.
Đã hai lần cha suýt chết vì bom đạn khủng bố. Cha và người dân trong thị trấn đã di tản khi khủng bố IS xâm chiếm thị trấn. Từ đó, cha cùng với mọi người sống lang thang trên các con đường, quảng trường, công viên, không nơi cư trú, không thức ăn... Cha chỉ có thể giải thích: “Với sức mạnh của Thiên Chúa, chúng tôi đã có thể giúp các gia đình, ở bên họ, phân phát thức ăn, quần áo...Ba năm sống tị nạn đối với chúng tôi không phải là những năm “bị nguyền rủa", mà là những năm được Chúa chúc phúc.”
Cha nói rằng: Chúa đã tỏ hiện vinh quang của Người sau khi các thành phố và làng mạc được giải phóng. Mọi sự bị phá hủy hoàn toàn “nhưng Chúa không bỏ rơi chúng tôi, thật là một phép màu khi mang sự sống trở lại thành phố này.”
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Sau khi nghe các chứng từ Đức Thánh Cha chia sẻ với cộng đoàn hiện diện. Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tôi tạ ơn Chúa về cơ hội được ở giữa anh chị em hôm nay. Tôi đã mong đợi thời gian này từ rất lâu. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ Ignace Youssif Younan đã có lời chào đón, cũng như cảm ơn bà Doha Sabah Abdallah và cha Ammar Yako về chứng từ của họ. Khi nhìn anh chị em, tôi thấy sự đa dạng văn hóa và tôn giáo của người dân Qaraqosh và điều này cho thấy điều gì đó tốt đẹp mà vùng đất của anh chị em cống hiến cho tương lai. Sự hiện diện của anh chị em ở đây nhắc rằng vẻ đẹp không đơn sắc, nhưng tỏa sáng trong sự đa dạng và khác biệt.
ĐTC chào một bệnh nhân thiếu nhi
t
Đức Thánh Cha chào một bệnh nhân thiếu nhi
Chiến thắng của sự sống trên sự chết
Đồng thời, với sự đau buồn lớn lao, chúng ta nhìn xung quanh và nhìn thấy những dấu hiệu, những dấu hiệu của sức mạnh hủy diệt của bạo lực, thù hận và chiến tranh. Bao nhiêu thứ đã bị phá đổ! Bao nhiêu điều cần phải xây dựng lại! Chúng ta tụ họp ở đây hôm nay, cho thấy rằng, khủng bố và chết chóc không bao giờ có tiếng nói quyết định. Quyết định thuộc về Thiên Chúa và Con của Người, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Ngay cả giữa sự tàn phá của khủng bố và chiến tranh, chúng ta có thể nhìn thấy, với con mắt của đức tin, chiến thắng của sự sống trên sự chết.
Anh chị em có tấm gương của những người cha và người mẹ của anh chị em trong đức tin, những người đã thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa tại nơi này. Họ kiên trì với niềm hy vọng vững chắc trong suốt cuộc hành trình trần thế, tin cậy nơi Thiên Chúa, Đấng không bao giờ để ai thất vọng và luôn nâng đỡ chúng ta bằng ân sủng của Người. Di sản tinh thần to lớn mà họ để lại vẫn tiếp tục sống động trong anh chị em. Hãy giữ chặt lấy di sản này! Đó là sức mạnh của anh chị em! Bây giờ là lúc để xây dựng lại và bắt đầu lại từ đầu, dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn số phận của tất cả các cá nhân và dân tộc. Anh chị em không đơn độc! Toàn thể Giáo hội gần gũi với anh chị em bằng những lời cầu nguyện và lòng bác ái cụ thể. Và trong khu vực này, có rất nhiều người đã mở cửa cho anh chị em vào lúc cần thiết.
ĐTC thăm cộng đoàn Qaraqosh
t
Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Qaraqosh
Người già và người trẻ được mời gọi khôi phục và tái thiết
 Các bạn thân mến, đây là thời điểm để khôi phục không chỉ các tòa nhà nhưng cả các mối liên kết của cộng đồng, những thứ gắn kết cộng đồng và gia đình, người trẻ và người già với nhau. Ngôn sứ Giôen nói: “Con trai, con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ,người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (xem Ge 3,1). Điều gì sẽ xảy ra khi người già và người trẻ xích lại gần nhau? Người già ước mơ, họ mơ về một tương lai cho lớp trẻ. Và những người trẻ có thể thực hiện những giấc mơ và lời ngôn sứ, biến chúng thành hiện thực. Khi già và trẻ đến với nhau, chúng ta gìn giữ và truyền lại những món quà mà Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta nhìn con cái của mình, biết rằng chúng sẽ không chỉ được thừa hưởng một vùng đất, một nền văn hóa và truyền thống, mà còn là những thành quả sống động của đức tin, những ân sủng của Thiên Chúa trên mảnh đất này. Vì vậy, tôi khuyến khích anh chị em: Đừng quên anh chị em là ai và đến từ đâu! Đừng quên những liên kết đã nối kết anh chị em lại với nhau! Đừng quên bảo tồn nguồn gốc của anh chị em!
Đừng bỏ cuộc
Chắc chắn, sẽ có những thời điểm mà đức tin có thể bị lung lay, khi dường như Chúa không nhìn thấy hoặc không hành động. Điều này đúng với anh chị em trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến, và nó cũng đúng trong những ngày này, trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và vô cùng bất an. Những lúc như thế này, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang ở bên cạnh anh chị em. Đừng từ bỏ ước mơ! Đừng bỏ cuộc! Đừng mất hy vọng! Từ trời cao các vị Thánh đang nhìn xem chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với các ngài và đừng bao giờ mệt mỏi khi cầu xin sự chuyển cầu của họ. Ngoài ra còn có các vị thánh ở nhà bên cạnh, “những người đang sống ở giữa chúng ta và phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gaudete et Exsultate, 7). Vùng đất này có nhiều người trong số họ, bởi vì nó là vùng đất của nhiều người nam nữ thánh thiện. Hãy để họ đồng hành cùng anh chị em đến một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai đầy hy vọng.
ĐTC thăm Qaraqosh
y
Đức Thánh Cha thăm Qaraqosh
Tha thứ và lòng biết ơn
Một điều mà bà Doha nói đã khiến tôi vô cùng xúc động. Bà nói rằng sự tha thứ là cần thiết đối với những người sống sót sau vụ khủng bố. Tha thứ; đó là từ khóa. Tha thứ là điều cần thiết để duy trì tình yêu, để tiếp tục là Kitô hữu. Con đường để hồi phục hoàn toàn có thể còn dài, nhưng tôi xin anh chị em đừng nản lòng. Điều cần thiết là khả năng tha thứ, nhưng cũng là dũng khí để không bỏ cuộc. Tôi biết rằng, điều này là rất khó khăn. Nhưng chúng ta tin rằng: Chúa có thể mang lại hòa bình cho vùng đất này. Chúng ta tín thác vào Chúa và, cùng với tất cả những người thiện chí, chúng ta nói “không” với khủng bố và thao túng tôn giáo.
Cha Ammar thân mến, khi nhắc lại tất cả những gì đã xảy ra trong các cuộc tấn công khủng bố và chiến tranh, cha cảm ơn Chúa đã luôn ban cho cha tràn đầy niềm vui, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc khỏe mạnh. Lòng biết ơn được sinh ra và lớn lên khi chúng ta nhớ đến những món quà và lời hứa của Chúa. Hồi ức về quá khứ hình thành hiện tại và dẫn chúng ta tới tương lai.
Kêu gọi cầu nguyện
Trong mọi lúc, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những món quà ân sủng của Người và xin Người ban sự bình an, tha thứ và tình huynh đệ cho vùng đất này và dân tộc này. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng cho sự hoán cải của trái tim và cho sự chiến thắng khải hoàn của một nền văn hóa sự sống, hòa giải và tình yêu thương huynh đệ giữa mọi người nam và nữ, tôn trọng sự khác biệt và các truyền thống tôn giáo đa dạng, trong nỗ lực xây dựng một tương lai hiệp nhất và hợp tác giữa tất cả mọi người thiện chí. Một tình yêu huynh đệ công nhận “những giá trị nền tảng của nhân loại chung của chúng ta, những giá trị mà nhờ đó, chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và trưởng thành” (FratelliTutti, 283).
ĐTC thăm Qaraqosh
t
Đức Thánh Cha thăm Qaraqosh
Cám ơn và cầu nguyện cho những người nữ Iraq
Khi đến đây bằng trực thăng, tôi đã nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria trên Nhà thờ Đức Mẹ Vô nNhiễm Nguyên Tội. Tôi đã phó thác sự tái sinh của thành phố này cho Mẹ. Đức Mẹ không chỉ bảo vệ chúng ta từ trên cao, nhưng bước đến với chúng ta bằng tình yêu của một người Mẹ. Hình ảnh của Mẹ ở đây đã bị ngược đãi và thiếu tôn trọng, nhưng khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa vẫn tiếp tục nhìn chúng ta với tình yêu thương. Đó là điều các bà mẹ làm: họ khuyên giải, họ an ủi và trao tặng cuộc sống. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả những người mẹ và những phụ nữ của đất nước này, những người phụ nữ dũng cảm, những người vẫn tiếp tục cống hiến sự sống, bất chấp những sai trái và đau đớn. Chớ gì phụ nữ được tôn trọng và bảo vệ! Chớ gì họ được tôn trọng và trao cho cơ hội!
Và bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Mẹ của chúng ta, khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ cho những nhu cầu và kế hoạch tương lai của anh chị em. Tôi đặt tất cả anh chị em dưới sự chuyển cầu của Mẹ. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
ĐTC thăm Qaraqosh
t
Đức Thánh Cha thăm Qaraqosh
Kết thúc bài diễn văn Đức Thánh Cha đã cùng cộng đoàn đọc Kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ.
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ký vào Sổ Lưu Niệm và tặng cộng đoàn một ảnh Đức Mẹ. Từ giã cộng đoàn Qaraqosh, Đức Thánh Cha di chuyển đến chủng viện Thánh Phêrô ở Ankawa, cách đó 63 km để dùng bữa trưa. Đây là chủng viện duy nhất còn hoạt động ở Iraq; là nơi đào tạo các linh mục của Giáo hội Canđê.
ĐTC ký sổ lưu niệm tại nhà thờ chính tòa ở Qaraqosh
y
Đức Thánh Cha ký Sổ Lưu Niệm tại nhà thờ Chính tòa ở Qaraqosh
Hồng Thủy
TÔNG DU IRAQ: THĂM ERBIL - THỦ PHỦ MIỀN TỰ TRỊ KURDISTAN
d
Đức Thánh Cha gặp Tổng thống Kurdistan
Chúa Nhật, 07/3/2021, ngày cuối cùng trong chuyến tông du tại Iraq, Đức Thánh Cha có ba hoạt động chính: trước tiên là buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh tại Hosh al-Bieaa (Quảng trường Nhà thờ) ở Mosul. Tiếp đến là cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh tại Nhà thờ “Đức Mẹ Ơn Vô Nhiễm” ở Qaraqosh. Sau cùng là Thánh lễ, tại sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil.

Vào lúc 7giờ00, từ Baghdad, Đức Thánh Cha đáp máy bay đi Erbil. Erbil là thủ đô và là thành phố lớn nhất của miền tự trị Kurdistan, cách Mosul 88 km về phía Đông và cách Syria gần 300 km. Erbil được xem là một trong những thành phố cổ đại nhất thế giới, ra đời khoảng thế kỷ XXIII trước Công Nguyên. Vào năm 2014, Erbil đã được UNESCO tuyên bố là di sản của nhân loại.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức cha Bashar Matti Warda, thuộc Giáo hội Công giáo Canđê, Tổng Giám mục Giáo phận Erbil; Đức cha Nizar Semaan, Tổng Giám mục của Hadiab - Erbil dei Siri; Tổng thống của miền tự trị Kurdistan, và một số lãnh đạo tôn giáo và dân sự của miền tự trị Kurdistan.
Miền tự trị Kurdistan được chính thức công nhận với sự ra đời của Hiến pháp mới được thông qua vào năm 2005. Vùng này nằm ở phía Đông Bắc Iraq. Phía Đông giáp Iran, phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía Tây giáp Syria. Thủ đô của người Kurdistan Iraq là Erbil. Tổng thống của miền tự trị Kurdistan là ông Nechirvan Barzani và thủ tướng là ông Masrour Barzani.
Sau khi gặp gỡ tổng thống và thủ tướng tại Phòng khách VIP của phi trường Erbil, vào lúc 9giờ00, Đức Thánh Cha khởi hành bằng trực thăng đến Mosul.

Tông du Iraq: Lời cầu nguyện (5) cho các nạn nhân của chiến tranh

dSáng ngày 7/3, sau khi thăm Erbil, Đức Thánh Cha đến Mosul, nơi từng bị Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng và tại Hosh al-Bieaa - Quảng trường Nhà thờ ngài để chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha
cho các nạn nhân của chiến tranh

Mosul, Chúa Nhật 7/3/2021

Những lời dẫn nhập của Đức Thánh Cha

Trước khi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của cuộc chiến ở thành phố Mosul này, ở Iraq và khắp Trung Đông, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em những suy nghĩ này:

Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống - và Người là như thế-, chúng ta không được phép giết anh em nhân danh Người.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của bình an- và Người là như thế - thì chúng ta không được phép gây chiến tranh nhân danh Người.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu - và Người là như thế -, chúng ta không được phép ghét anh em.

Giờ đây chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh, để Thiên Chúa Toàn Năng sẽ ban cho họ sự sống đời đời và muôn đời bình an, và đón nhận họ trong vòng tay yêu thương của Người. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Để dù thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào, chúng ta có thể sống hài hòa và bình an, ý thức rằng trước mắt Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em.

Lời cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Chúa của thời gian và lịch sử, vì yêu thương Chúa đã tạo dựng thế giới và không ngừng tuôn đổ phúc lành cho các thụ tạo của Chúa. Chúa, Đấng vượt trên đại dương của đau khổ và chết chóc, vượt trên những cám dỗ của bạo lực, bất công, đã đồng hành với con cái Chúa bằng tình thương dịu dàng của Người Cha.

Ấy thế mà chúng con lại từ chối hồng ân Chúa và để cho những bận tâm, những tham vọng trần thế lôi cuốn. Chúng con thường quên những kế hoạch hòa bình và hòa hợp của Chúa. Chúng con chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích nhỏ nhen của chúng con. Dửng dưng với Chúa và người khác, chúng con đã chặn các cánh cửa dẫn đến hòa bình. Vì vậy, điều mà ngôn sứ Giôna đã nghe nói về Ninivê đã được lặp lại: sự gian ác của loài người đã lên thấu tới Trời (Gn 1,2). Chúng con đã không nâng những bàn tay thanh sạch lên Trời (1 Tm 2,8), nhưng từ mặt đất lại một lần nữa tiếng máu người vô tội vang lên (St 4,10). Trong tường thuật của Giôna, dân thành Ninivê đã nghe theo lời ngôn sứ Chúa và tìm được ơn cứu độ trong sự hoán cải. Lạy Chúa, giờ đây, chúng con xin phó thác nơi Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người chống lại con người. Chúng con cũng xin Chúa tha thứ và ân sủng hoán cải:

Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!
Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!
Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!

[Thinh lặng trong giây lát]

Lạy Thiên Chúa chúng con, tại thành phố này có hai biểu tượng minh chứng cho ước muốn ngàn năm của nhân loại được đến gần với Chúa hơn: Đền thờ Hồi giáo Al-Nouri với tháp Al Hadba và Nhà thờ Đức Mẹ Đồng hồ. Đó là một chiếc đồng hồ mà hơn một trăm năm qua đã nhắc nhở người qua đường rằng cuộc sống thì ngắn ngủi và thời gian là quý giá. Xin dạy chúng con nhận ra rằng Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hòa bình và hòa giải, để chúng con có thể thực hiện kế hoạch đó trong thời đại chúng con đang sống, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng chỉ bằng cách áp dụng điều này vào thực tế ngay lập tức thì thành phố và đất nước này mới có thể được tái xây dựng, và những tâm hồn bị tổn thương bởi nỗi đau có thể được chữa lành. Xin giúp chúng con không dành thời gian để phục vụ lợi ích ích kỷ, cá nhân hoặc nhóm của chúng con, nhưng để phục vụ cho kế hoạch yêu thương của Chúa. Và khi chúng con lạc lối, xin hãy làm cho chúng con biết rằng chúng con có thể lắng nghe tiếng nói của những con người đích thực của Chúa và ăn năn kịp thời, để chúng con không bị hư mất một lần nữa bằng sự hủy diệt và chết chóc.

Chúng con phó thác nơi Chúa  những người có cuộc sống trần gian đã bị rút ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em họ; chúng con cũng cầu xin cho những người đã gây tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Xin cho họ biết ăn năn, được cảm hóa bởi quyền năng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời và xin ánh sáng ngàn năm chiếu soi trên họ. Amen


TÔNG DU IRAQ: CẦU NGUYỆN CHO CÁC NẠN NHÂN CUỘC CHIẾN Ở HOSH AL-BIEAA
dChúa Nhật, 07/3/2021, ngày cuối cùng trong chuyến tông du tại Iraq, Đức Thánh Cha có ba hoạt động chính: trước tiên là buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh tại Hosh al-Bieaa (Quảng trường nhà thờ) ở Mosul. Tiếp đến là cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh tại Nhà thờ “Đức Mẹ Ơn Vô Nhiễm” ở Qaraqosh. Sau cùng là Thánh lễ, tại sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil.

Vào lúc 7giờ00, từ Baghdad, Đức Thánh Cha đáp máy bay đi Erbil. Erbil là thủ đô và là thành phố lớn nhất của miền tự trị Kurdistan, cách Mosul 88 km về phía Đông và cách Syria gần 300 km. Erbil được xem là một trong những thành phố cổ đại nhất thế giới, ra đời khoảng thế kỷ XXIII trước Công Nguyên. Vào năm 2014, Erbil đã được UNESCO tuyên bố là di sản của nhân loại.

Đón tiếp Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức cha Bashar Matti Warda, thuộc Giáo hội Công giáo Canđê, Tổng Giám mục Giáo phận Erbil; Đức cha Nizar Semaan, Tổng Giám mục của Hadiab–Erbil dei Siri; Tổng thống của miền tự trị Kurdistan, và một số lãnh đạo tôn giáo và dân sự của miền tự trị Kurdistan.
Miền tự trị Kurdistan được chính thức công nhận với sự ra đời của Hiến pháp mới được thông qua vào năm 2005. Vùng này nằm ở phía Đông Bắc Iraq. Phía Đông giáp Iran, phía Bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía Tây giáp Syria. Thủ đô của người Kurdistan Iraq là Erbil. Tổng thống của miền tự trị Kurdistan là ông Nechirvan Barzani và thủ tướng là ông Masrour Barzani.
Sau khi gặp gỡ tổng thống và thủ tướng tại Phòng khách VIP của phi trường Erbil, vào lúc 9giờ00, Đức Thánh Cha khởi hành bằng trực thăng đến Mosul.
Tại phi trường Mosul, Đức Thánh Cha được Đức cha Najeeb Moussa Michaeel, Tổng Giám mục Mosul và Aqra, Thống đốc của Mosul đón tiếp.
Mosul là thủ đô hành chính của Ninivê, cách thủ đô Baghdad 465 km về phía Tây Bắc, trên bờ Tây sông Tigris, đối diện với di tích khảo cổ của thành phố Assyria cổ đại, có niên đại trở lại 6.000 năm trước Công Nguyên. Trong suốt 2.500 năm, Mosul đã đại diện cho bản sắc đa dạng của Iraq, nhờ sự chung sống, trong các bức tường của Thành Cổ, của các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Được thành lập vào thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, là một phần của đế quốc Assyria, Mosul là một trung tâm thương mại quan trọng trong thời đại Abbasid, do vị trí chiến lược của nó, và đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng vào thế kỷ 12 sau Công Nguyên, dưới triều đại Zangid. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của triều đại này hiện vẫn còn thấy rõ ở một số tòa nhà mang tính biểu tượng, bao gồm Đại giáo đường Hồi giáo al-Nuri và tháp nghiêng nổi tiếng al-Hadba, cao 44 mét, được gọi là “người gù”.
Từng bị Hồi giáo chiếm đóng, và vào tháng 7/2017, Mosul đã được giải phóng. Ngày nay, cũng nhờ sự hợp tác quốc tế, công việc tái thiết thành phố đang được thực hiện để cho phép những người tị nạn trở về.
Tại Hosh al-Bieaa - Quảng trường Nhà thờ, Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc chiến.
Bắt đầu buổi cầu nguyện, Đức Tổng Giám mục Mosul có bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha. Và sau khi hai chứng nhân chia sẻ lời chứng, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào và cám ơn. Trước hết, ngài cám ơn Đức cha Najeeb Moussa Michaeel vì những lời chào mừng, cám ơn chứng tá của cha Raid Kallo và Gutayba Aagha. Theo Đức Thánh Cha, từ những lời chứng của cha Raid giúp mọi người biết được những đau khổ của các gia đình Kitô phải bỏ nhà cửa ra đi. Những thiệt hại không chỉ về mặt vật chất, mà trên hết, là đời sống xã hội văn hóa. Đức Thánh Cha còn cám ơn cha Raik về chứng tá của những trải nghiệm huynh đệ mà cha đã sống với người Hồi giáo khi trở về Mosul. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần đã làm nở hoa trong sa mạc và cho chúng ta niềm hy vọng vào sự hòa giải và một cuộc sống mới.
Đức Thánh Cha nói: “Trước khi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của cuộc chiến ở thành phố Mosul này, ở Iraq và khắp Trung Đông, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em những tư tưởng này:
Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống - và Người là như thế-, chúng ta không được phép nhân danh Thiên Chúa giết anh em.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của bình an- và Người là như thế - thì chúng ta không được phép gây chiến nhân danh Người.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu - và Người là như thế -, chúng ta không được phép ghét anh em.
Giờ đây chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh, để Thiên Chúa Toàn Năng sẽ ban cho họ sự sống đời đời và muôn đời bình an, và đón nhận họ trong vòng tay yêu thương của Người. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Để dù thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào, chúng ta có thể sống hài hòa và bình an, ý thức rằng trước mắt Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em.
Đức Thánh Cha cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Chúa của thời gian và lịch sử, vì yêu thương Chúa đã tạo dựng thế giới và không ngừng tuôn đổ phúc lành cho các thụ tạo của Chúa. Chúa, Đấng vượt trên đại dương của đau khổ và chết chóc, vượt trên những cám dỗ của bạo lực, bất công, xin hãy đồng hành với những người con Chúa bằng tình thương dịu dàng của Cha.
Ấy thế mà chúng con lại từ chối hồng ân Chúa và để cho những bận tâm, những tham vọng trần thế lôi cuốn. Chúng con thường quên những kế hoạch hòa bình và hòa hợp của Chúa. Chúng chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích nhỏ nhen của chúng con. Dửng dưng với Chúa và người khác, chúng con đã chặn các cánh cửa dẫn đến hòa bình. Vì vậy, điều mà ngôn sứ Giôna đã nghe nói về Ninivê đã được lặp lại: sự gian ác của loài người đã lên thấu tới Trời (Gn 1, 2). Chúng con đã không nâng những bàn tay thanh sạch lên Trời (1 Tm 2, ​​8), nhưng từ mặt đất lại một lần nữa tiếng máu người vô tội vang lên (St 4,10). Trong tường thuật của Giôna, dân thành Ninivê đã nghe theo lời vị ngôn sứ của Chúa và tìm được ơn cứu độ trong sự hoán cải. Lạy Chúa, giờ đây, chúng con xin phó thác nơi Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người chống lại con người. Chúng con cũng xin Chúa tha thứ và ân sủng hoán cải:
Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!
Thinh lặng trong giây lát, Đức Thánh Cha tiếp tục cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa chúng con, tại thành phố này có hai biểu tượng minh chứng cho ước muốn ngàn năm của nhân loại được đến gần với Chúa hơn: Đền thờ Hồi giáo Al-Nouri với tháp Al Hadba và Nhà thờ Đức Mẹ Đồng hồ. Đó là một chiếc đồng hồ mà hơn một trăm năm qua đã nhắc nhở người qua đường rằng cuộc sống thì ngắn ngủi và thời gian là quý giá. Xin dạy chúng con nhận ra rằng, Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hòa bình và hòa giải, để chúng con có thể thực hiện kế hoạch đó trong thời đại chúng con đang sống, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng, chỉ bằng cách áp dụng điều này vào thực tế ngay lập tức, thì thành phố và đất nước này mới có thể được tái thiết, và những tâm hồn bị tổn thương bởi nỗi đau có thể được chữa lành. Xin giúp chúng con không dành thời gian để phục vụ lợi ích ích kỷ, cá nhân hoặc nhóm của chúng con, nhưng để phục vụ cho kế hoạch yêu thương của Chúa. Và khi chúng con lạc lối, xin hãy làm cho chúng con biết rằng chúng con có thể lắng nghe tiếng nói của những con người đích thực của Chúa và ăn năn kịp thời, để chúng con không bị hư mất một lần nữa bằng sự hủy diệt và chết chóc.
Chúng con phó thác nơi Chúa những người có cuộc sống trần gian đã bị rút ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em họ; chúng con cũng cầu xin cho những người đã gây tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Xin cho họ biết ăn năn, được cảm hóa bởi quyền năng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời và xin ánh sáng ngàn năm chiếu soi trên họ. Amen
Sau đó, Đức Thánh Cha khánh thành bia Kỷ Niệm và chim bồ câu trắng được thả biểu tượng của hòa bình
Đức Thánh Cha ban phép lành trước khi rời quảng trường, và chào một số nhân vật tôn giáo và dân sự.
Ngọc Yến
Nguồn: vaticannews.va/vi/
THỦ TƯỚNG IRAQ TUYÊN BỐ: NGÀY 6 THÁNG 3 LÀ NGÀY QUỐC GIA KHOAN DUNG VÀ CHUNG SỐNG
 
d

Đức Thánh Pha Phanxicô với Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi tại Sân bay Quốc tế Baghdad, ngày 5.3.2021. Nguồn: Vatican Media.
Vi Hữu chuyển ngữ từ CNA
TGPSG / CNA  (07.3.2021) - Thủ tướng Iraq hôm thứ Bảy đã tuyên bố ngày 6 tháng 3 là Ngày Quốc gia Khoan Dung và Chung Sống để tôn vinh cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt của Đức Thánh Cha Phanxicô với vị Giáo sĩ Shiite hàng đầu của đất nước.
Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi đã đưa ra thông báo trên Twitter vào ngày 6-3-2021 sau cuộc gặp giữa Đức Giáo hoàng (ĐGH) và Đại Ayatollah Ali al-Sistani.
Ông viết: “Nhân kỷ niệm cuộc gặp gỡ lịch sử ở Najaf giữa Đại Ali al-Sistani và Đức Thánh Cha Phanxicô, và cuộc hội ngộ liên tôn lịch sử ở thành phố Ur cổ kính, chúng tôi tuyên bố ngày 6-3 là Ngày Quốc gia Khoan dung và Chung sống ở Iraq.”
Đức Thánh Cha đã đến thăm vị Giáo sĩ 90 tuổi al-Sistani tại ngôi nhà khiêm tốn của vị này ở Najaf - thành phố linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo dòng Shiite, sau Mecca và Medina.
Dẫn lời một quan chức tôn giáo ở Najaf, hãng tin AP cho biết: Đại al-Sistani đã phá lệ phong tục: Thay vì ngồi yên để tiếp khách, Đại al-Sistani đã đứng dậy chào Đức Thánh Cha Phanxicô ở cửa phòng nơi ông trò chuyện riêng với khách. Đức Thánh Cha đã tháo giày của mình trước khi vào phòng.
Một tuyên bố sau đó từ văn phòng của al-Sistani nói rằng vị giáo sĩ này khẳng định rằng: các công dân Kitô giáo của đất nước này, giống như tất cả người dân Iraq, có thể sống trong an ninh và hòa bình, tự do thực hiện các quyền hiến định của họ.
Sau cuộc gặp - đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Hồi giáo dòng Shiite - Đức Thánh Cha đã đến Đồng bằng Ur, nơi ngài tham gia một cuộc hội ngộ liên tôn.
Phát biểu tại địa điểm cổ kính được cho là nơi sinh của Abraham, Đức Thánh Cha đã nêu bật di sản chung này của các tín đồ Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái.
Đức Thánh Cha đã phát biểu vào ngày 6-3-2021: “Từ nơi này, nơi đức tin được sinh ra, từ đất tổ của chúng ta là Abraham, chúng ta hãy khẳng định rằng: Thiên Chúa rất nhân từ, nên tội phạm thượng lớn nhất chính là xúc phạm danh Ngài khi ghét bỏ anh chị em của mình.”
“Sự thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực không được phép sinh ra từ trái tim người có tôn giáo: chúng chính là phản bội tôn giáo. Các tín đồ chúng ta không thể im lặng khi khủng bố lạm dụng tôn giáo; quả vậy, rõ ràng chúng ta được mời gọi xóa tan mọi hiểu lầm.”

 
Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ từ CNA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay18,519
  • Tháng hiện tại697,654
  • Tổng lượt truy cập52,866,602

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây