Tuần 11: SÁCH XUẤT HÀNH (chương 25-34)
I. TỔNG QUÁT
25,1-40: Đóng góp để dựng nơi thánh. Nhà Tạm và Hòm Bia. Bàn và trụ đèn
26,1-37: Những chỉ dẫn về việc làm nơi thánh trong sa mạc (Nhà Tạm, khung lều, bức trướng)
27,1-21: Bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, khuôn viên nơi thánh, dầu thắp đèn.
28,1-43: Phần phục tư tế (Túi đeo, áo khoác, dầu thánh hiến)
29,1-46: Nghi thức thánh hiến (thanh tẩy, mặc phẩm phục, xức dầu) – Các lễ vật trong việc thánh hiến tư tế – Lễ toàn thiêu thường nhật
30,1-38: Những chỉ thị khác (hương án, thuế thân, vạc đồng, dầu tấn phong)
31,1-38: Tuyển chọn các nghệ nhân – Ý nghĩa ngày sabát
32,1 – 34,35: Tội lỗi của Israel và tái lập giao ước (Sự kiện con bê bằng vàng – Đức Chúa nổi giận – Môsê chuyển cầu – Tái lập giao ước)
II. NHÀ TẠM VÀ HÒM BIA GIAO ƯỚC
1. Ý nghĩa
Trong trình thuật về cuộc Thần hiện (24, 15b-18), tác giả nối kết cuộc thần hiện trên núi Sinai với việc xây cất thánh điện (40,17,33b). Cũng như mây bao phủ núi Sinai và vinh quang Đức Chúa ngự trị ở đó (24,15-16) thì mây cũng bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Đức Chúa tràn ngập thánh điện (40,34). Như thế, việc thờ phượng trên núi Sinai là mẫu mực cho việc thờ phượng của dân.
Đồng thời Đức Chúa truyền lệnh cho Môsê làm một nơi thánh để Chúa ngự giữa dân. Nơi này được gọi bằng hai từ là Lều Hội Ngộ (40,34) và Nhà Tạm (25,9). Thiên Chúa là Đấng siêu việt nhưng Nhà Tạm sẽ là nơi Ngài gặp gỡ con cái Israel (29,42-43). Hòm Bia là hòm làm bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi; trong hòm đặt bia đá mà Đức Chúa đã ban cho Môsê (câu 16,21 // 31, 18).
2. Cho đời sống Kitô hữu
Trong các nhà thờ Công giáo, Nhà Tạm là nơi thánh, nơi Chúa ngự giữa dân Ngài, nơi dân được gặp Chúa. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân đến ở giữa loài người (Ga 1,14), và Ngài còn ở lại với chúng ta cho đến tận thế (Mt 28,20) trong bí tích Thánh Thể. Nhà Tạm là nơi cất giữ Thánh Thể. Vậy tôi có thực sự coi đó là nơi thánh, nơi Chúa ở giữa cộng đoàn, nơi tôi gặp gỡ Chúa không? Mỗi khi ta rước lễ, chính lòng ta trở thành “nhà tạm” của Chúa. Liệu chúng ta có ý thức về điều đó không, hay thói quen đã làm phai nhạt ý thức về sự thánh thiện đó? Và liệu người ta có thể thấy nơi chúng ta sự thánh thiện và tình thương của Chúa không?
Ở đây cũng là dịp cho ta chiêm ngắm Mẹ Maria. Truyền thống Công giáo gọi Đức Mẹ là Hòm Bia Thiên Chúa vì Mẹ mang trong lòng dạ Mẹ chính Thiên Chúa làm người. Đây cũng là nền tảng để các thánh suy niệm về mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chính vì Mẹ là Hòm bia Thiên Chúa nên Mẹ được giữ gìn khỏi tội Tổ tông truyền, và Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ thực sự là dấu chỉ hi vọng và là mẫu gương tuyệt vời cho Dân Chúa trong hành trình về quê trời vĩnh cửu.
III. CON BÊ BẰNG VÀNG
Trình thuật về việc dân Isarel thờ lạy bò vàng (32,1-6) làm nổi bật ý nghĩa này: Con người tự làm ra thần thánh theo ý muốn của mình chứ không nhìn nhận Đấng Thiên Chúa đã làm nên họ và cứu sống họ (32,1). Ông Aaron đã nhượng bộ theo yêu cầu của dân quá dễ dàng.
Sách Xuất Hành cũng kể rằng Dân Israel muốn ruồng bỏ Môsê để có một vị lãnh đạo mới, và như thế họ ruồng bỏ chính Thiên Chúa (32,2-4). Sách Dân Số 12,1-8 còn ghi nhận Aaron đã chống lại Môsê khiến Đức Chúa nổi giận.
Trình thuật này là bài học quý giá cho người Kitô hữu. Chỉ trong Chúa Giêsu, ta mới biết Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chỉ một mình Chúa Giêsu là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Vì thế, chỉ nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa đích thực, chứ không phải những thần thánh con người tự tạo ra theo sở thích và ý muốn của mình.
Thánh Phêrô và những đấng kế vị ngài là những người Chúa chọn để lãnh đạo Dân Chúa như Chúa Giêsu đã nói với Phêrô, “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Sức mạnh chống lại quyền lực tử thần không phải là sức mạnh của cá nhân Phêrô nhưng là quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong con người Phêrô cũng như trong các vị kế vị Thánh Phêrô và các tông đồ. Chính tầm nhìn đức tin này dẫn ta đến thái độ vâng phục đối với Đức Giáo hoàng là “nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu” (Hiến chế Giáo Hội, số 23).
TUẦN 12:Xuất Hành(Chương 35 – 40)
TỔNG QUÁT
Những chương cuối trong sách Xuất Hành thuộc nguồn văn tư tế (P), kể lại việc thực hiện những chỉ thị Thiên Chúa đã truyền cho Môsê trong chương 25-31. Có thể phân chia những chương này như sau:
– 35,1-36,7 : Khởi đầu công trình xây dựng và lòng quảng đại của dân
– 36,8-39,31 : Thi hành những chỉ thị của Chúa
– 39,32-34 : Trình bày công việc cho Môsê
– 40,1-33 : Dựng thánh điện
– 40,34-38 : Đức Chúa hiện diện
XÂY DỰNG NHÀ CHÚA, CÔNG VIỆC CỦA MỌI NGƯỜI (35,1 – 36,7)
Nội dung căn bản của phần này là thi hành những mệnh lệnh Chúa đã truyền cách trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế ở đây nhắc lại những huấn lệnh căn bản. Trước hết là giữ ngày sabát: “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng đối với anh em, ngày thứ bảy sẽ là một ngày thánh, ngày sabát, ngày nghỉ hoàn toàn, dành cho Đức Chúa” (35,2), kể cả không được đốt lửa trong ngày sabát; kế đó là quyên góp vật liệu: “Anh em hãy lấy của cải mình mà đóng góp vào việc thờ phượng Đức Chúa” (35,5), kêu gọi các thợ thủ công: “Trong anh em, ai là người khéo tay thì hãy đến thực hiện tất cả những gì Đức Chúa đã truyền” (35,10). Công việc được bắt đầu tiến hành (36,1).
Tác giả sách Xuất Hành ghi nhận rằng dân Israel đã đáp ứng những mệnh lệnh của Chúa cách hết sức quảng đại (35,20-29). Quả thật họ rất phấn khởi và nhiệt thành đối với việc xây dựng Nhà Chúa đến độ Môsê phải ra lệnh ngưng quyên góp vật liệu (36,2-6). Các thợ thủ công cũng nhiệt tình đóng góp khả năng đề hoàn tất công việc.
Điều đáng ghi nhận ở đây là tất cả mọi người đều tham gia vào công việc xây dựng Nhà Chúa. Lịch sử Hội thánh tại khắp nơi, cách riêng tại Việt Nam, tiếp tục làm chứng về nhiệt tình đó. Dù cuộc sống vật chất còn thiếu thốn nhưng nhiều cộng đoàn tín hữu đã sẵn sàng hy sinh tất cả, người góp công người góp của để xây dựng những ngôi nhà thờ xứng đáng làm nơi Chúa ngự.
Tinh thần này không thể chỉ ngưng lại ở việc xây dựng nhà thờ vật chất nhưng còn cần được triển khai trong việc xây dựng cộng đoàn Hội thánh. Đây không chỉ là việc của linh mục nhưng là công việc mọi thành phần Dân Chúa phải tham gia. Đó cũng là định hướng mục vụ mà các giám mục tại Á châu mong muốn triển khai, đó là xây dựng Hội thánh như một cộng đoàn hiệp thông và một Giáo hội tham gia, trong đó mọi người đều ý thức mình thuộc về Giáo hội và tham gia vào sứ mạng chung của Giáo hội.
ĐỨC CHÚA CHIẾM HỮU NHÀ TẠM (40,34-38)
Đối với nguồn văn tư tế (P) thì Sinai chính là mẫu mực cho việc thờ phượng. Theo trình thuật về việc Thiên Chúa ký kết giao ước với Dân trên núi Sinai (Xh 24,15-16), mây bao phủ núi và vinh quang Đức Chúa ngự trên núi Sinai. Ở đây cũng thế, mây bảo phủ thánh điện và vinh quang Đức Chúa ngập tràn thánh điện (40,34). Như thế Nhà Tạm trong hành trình sa mạc cũng lấy lại kinh nghiệm trên núi Sinai.
Sự kiện mây bao phủ và ngự trị cũng là dấu ấn Thiên Chúa chấp nhận tất cả những gì mà Môsê và dân đã làm, nghĩa là Đức Chúa chiếm hữu Nhà Tạm. Đây cũng là kinh nghiệm của Israel khi vinh quang Đức Chúa ngập tràn đền thánh thời Salômon, và các tư tế không thể thi hành nhiệm vụ vì đám mây bao phủ (1V 8,10-11). Cột mây và đám lửa cũng là dấu hiệu cho dân Israel biết khi nào hạ trại và khi nào nhổ trại (Ds 9,15-23).
Hình tượng đám mây vẫn được Thánh Kinh Tân Ước vận dụng để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần loan báo: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Khi kể lại việc Chúa Giêsu biến hình trên núi thánh, các thánh sử ghi nhận: “Ông Phêrô còn đang nói thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình ở trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 34-35).
Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Ngày nay Ngài không còn hiện diện cách hữu hình nhưng vẫn tiếp tục hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nhà Tạm, nơi cất giữ Thánh Thể, là nhà của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.Vì thế, “đặt Nhà Tạm đúng chỗ trong nhà thờ giúp nhận biết sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong bí tích Thánh thể. Do đó, vị trí nơi cất giữ bánh Thánh Thể phải được mọi người trông thấy ngay khi bước vào nhà thờ, một phần cũng nhờ ánh đèn chiếu sáng liên tục làm dấu hiệu” (Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 74).
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn:giaophanbaria.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn