Những người lữ hành trên đường Hy Vọng.
Phần 30: Đứa Con Hạnh Phúc
1. Con đường thơ ấu thiêng liêng.
* Thời gian là của Chúa, muôn vật là của Chúa, Alpha và Omega, căn nguyên và cùng đích; Chúa toàn năng, cao cả, nhưng đồng thời chăm sóc chim trời cá biển, thú rừng, hoa đồng nội và Chúa đếm hết tóc trên đầu con: Chúa chỉ kể tình yêu. Bình an và hạnh phúc cho tâm hồn nhỏ bé biết khao khát vô tận (ĐHV 734).
* Chúng ta quan niệm Nước Trời khó khăn, phức tạp quá! Chúa Giêsu chỉ đặt một điều kiện: "Ai không trở nên như trẻ thơ, thì chẳng đáng vào Nước Trời" (ĐHV 735).
Nói đến con đường thơ ấu thiêng liêng bất cứ ai cũng nghĩ ngay đến chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chính Thiên Chúa đã dùng chị để vạch ra cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn một đường lối tuyệt hảo để đi đến cùng Thiên Chúa. Cần phải suy niệm nghiêm túc toàn bộ tác phẩm "MỘT TÂM HỒN" hay "THỦ BẢN TỰ THUẬT" mới mong hiểu được phần nào con đường đơn sơ tín thác ấy.
Sau đây chỉ trích lại một vài mảnh vụn thu nhặt đó đây để chúng ta cùng suy niệm và cầu nguyện:
Chị thánh Têrêxa viết cho chị cả Marie du Sacré-Coeur: "Chị yêu dấu, em đoán chị muốn nghe em kể lại những mầu nhiệm mà Chúa đã tỏ cùng em, những mầu nhiệm mà Chúa đã tỏ cùng chị rồi. Em chắc thế! Vì xưa chính chị đã tập cho em biết trầm mặc những tâm sự với Chúa. Tâm sự với Chúa tức là mầu nhiệm, mà mầu nhiệm thì lưỡi phàm trần không thể nói. Chỉ có trái tim mới cảm được phần nào thôi. Dầu vậy, em cũng xin cứ nói một đôi lời:
Chị đừng nghĩ rằng em đang được vững vàng sung sướng trong suối an ủi. Ôi! không phải thế đâu. Sự an ủi của em là đừng còn được an ủi gì ở thế gian này nữa. Trong im lặng kín đáo, Chúa Giêsu đã dạy dỗ em. Chúa không ra mặt, không lên tiếng, cũng không dùng sách vở nào. Và em chẳng hiểu sách vở nào hết mặc dù có đọc. Đọc sách họa hoằn lắm em mới gặp được đôi lời an ủi; chẳng hạn như trót giờ ngắm sáng nay em cảm thấy khô khan lắm, mãi lúc gần xong em mới được câu an ủi này: Đây là điều Cha Thầy ban để dạy các con. Người sẽ dạy các con các việc phải làm. Cha muốn con năng đọc sách Sự Sống là sách biên chép rành mạch khoa học tình yêu và nghệ thuật yêu thương.
Ôi! Khoa học Tình yêu! Nghệ thuật yêu thương! Những tiếng du dương êm ái dường nào! Nghe như mật rót vào tai, làm linh hồn hết sức cảm khoái! Em chỉ ước ao học chuyên môn khoa ấy, và để theo học, dù đã tốn phí hết cơ nghiệp, em cũng còn nói như "Bạn tình" trong Nhã Ca; "Em chưa tốn phí gì cả " (Nhã Ca 8,7).
Em cũng nhận rằng chỉ có tình yêu mới đủ làm ta được vừa lòng, vừa ý Chúa. Vậy tình yêu phải là tất cả cơ nghiệp của em, em chỉ biết say sưa yêu mến Chúa cho trọn tình nghĩa.
Chúa Giêsu đã cho em biết con đường duy nhất đưa ta đến bến lửa tình yêu là phó thác mình trong tay Chúa, tựa hồ đứa con nít nằm ngủ trên cánh tay Cha, không còn biết lo sợ gì nữa. Chúa đã phán qua miệng vua Salomon thế này: "Ai nhỏ bé nhất hãy đến với Ta" (Châm ngôn 9,4). Nơi khác: "Chúa xót thương những người bé nhỏ" (Khôn ngoan 6,6). Tiên tri Isaia cũng nhân danh Đấng nguồn tình yêu mà nói: "Ngày sau hết Chúa sẽ dẫn đàn chiên Chúa vào cánh đồng cỏ xanh rờn. Người sẽ chọn chiên nào bé nhỏ hơn để ẵm bế trên ngực". Và như chưa thỏa lòng đủ với những cách tỏ tình yêu đương ấy, Chúa lại còn soi cho Tiên tri Isaia nói: "Như mẹ kia mơn trớn yêu dấu con thế nào, Ta cũng sẽ ẵm bế an ủi chúng con, ôm ấp vào lòng và ru trên đầu gối như vậy" (Is 40,11)
Chị yêu dấu hỡi, nghe những lời tha thiết đó, chúng ta biết nói sao? Chúng ta chỉ còn biết im lặng mà khóc vì ơn, vì nghĩa, vì tình... Ôi! Nếu các linh hồn yếu đuối và thiếu thốn như linh hồn em mà thấu hiểu điều em chiêm niệm đây, làm sao còn linh hồn nào thất vọng trên đường trọn lành nữa? Em dám nghĩ: hết thảy sẽ dễ dàng bay tới đỉnh Ái sơn, vì Chúa chẳng buộc ta phải có những hành động to tát hiển hách, phải làm những việc cả thể, phi thường, Người chỉ buộc ta phải phó trót cho thánh ý Người, và giữ luôn luôn tâm lòng tri ân cho toàn vẹn. Chúa đã phán: "Cha chẳng cần những đoàn chiên dê của chúng con, bởi vì tất cả những cầm thú trên rừng xanh, những chim muông trên rừng núi là của Cha hết. Cha biết rõ từng con chim bay lượn trên non nước. Nếu Cha đói, Cha chẳng phải nói với chúng con đâu, bởi vì trái đất và mọi sự trong trái đất đều là của Cha. Nào Cha phải cần ăn thịt bò và uống máu dê ư? Chúng con hãy dâng lên Cha những lời khen ngợi, những hành động đền ơn trả nghĩa".
Đó là tất cả những sự mà Chúa đòi hỏi ở ta. Người chẳng cần chi công việc ta làm, chỉ cần ta có lòng yêu mến Ngài là đủ.
Thưa chị yêu dấu, chị đã ngỏ ý muốn hiểu thấu lòng em, tất cả những tâm tình em, và em muốn viết lại đây cái mộng xuân tươi đẹp nhất của đời em, cùng cả cái mà chị kêu là "học thuyết của em". Thì nó như thế đấy!"
***
* Khi người ta xin điều gì, người ta khai khả năng và công trạng... nhưng em bé, cách đơn sơ, chỉ khai: "Con là con ông.., con bà..., ở trên xóm..." Đó là tất cả đơn từ của nó. Con hãy hiên ngang và cầu nguyện như vậy: "Con là con Chúa, con Đức Mẹ..." (ĐHV 719).
* Đứa bé đến quán mua đồ cho mẹ, quán đã đóng cửa, nó gõ mãi, chủ quán tức tối mở cửa, sẵn sàng mắng nó một trận, nhưng thấy em bé đơn sơ, chủ đầu hàng và tươi cười âu yếm: "Tội nghiệp, con giỏi quá, đi đâu giờ này?..." và nó được tất cả, hãy sống như trẻ thơ (ĐHV 720).
* Trẻ con không cần biết cha mẹ giàu hay nghèo chỉ biết có cha mẹ là đủ, dù có bom đạn, dù có đói rách, hiểm nguy, miễn là có cha mẹ, trẻ ngủ thiếp đi bằng an. Nó trú ở tình yêu hầu như toàn năng của cha mẹ. Con hãy phó thác như vậy! (ĐHV 721).
* Bé con lầm lẫn bao nhiêu lần, cha mẹ cứ thương vì biết đứa bé không có lòng xấu. Nó dốc lòng mãi và nó sa ngã mãi. Không hề gì! Chỉ thiện chí của nó. Mặc dù cha mẹ nó yếu đuối không làm gì được: "Con đừng dại nữa nghe con!..." - "Dạ." - "Con có thương ba má ngàn lần không?" - "Có." - "Vạn lần không?" - "Có." - "Triệu lần không?" - "Có." - Chúa chỉ cần thiện chí của con. Ơn Chúa sẽ giúp con (ĐHV 722).
Và từ tâm tình đó phát xuất ra "Lời nguyện xin các linh hồn thơ ấu" sau đây:
"Lạy Chúa Giêsu, chớ gì con nói được cùng các linh hồn thơ ấu cách Chúa thương yêu chiều đãi chúng con lạ lùng dường nào! Con tin thật rằng, vì dù Chúa gặp một linh hồn nào yếu đuối hơn linh hồn con, nhưng biết hoàn toàn hy vọng ở tình yêu hải hà Chúa, thì hẳn Chúa sẽ vui lòng thi ân giáng phúc cho linh hồn ấy phong phú hơn, lớn lao hơn ngàn lần nữa.
"Nhưng lạy Chúa Đấng chí thiết, Bạn Tình chí ái, tại sao con lại ước ao cổ võ huyền nhiệm tình yêu hải hà Chúa như thế? Nào chính Chúa, Đấng đã dạy con tình yêu, há lại chẳng biết chọn người khác để sai đi cổ võ mầu nhiệm này sao? Thôi, con hiểu rồi, con xin im lặng vâng theo ý Chúa định đoạt.
"Con chỉ tha thiết nài xin Chúa đoái nhìn đến số đông những linh hồn thơ ấu, nài xin Chúa chọn lấy trong thế gian một đoàn quân gồm hết thảy những linh hồn đơn sơ bé mọn, hầu làm của lễ xứng đáng dâng tế tình yêu hải hà Chúa!
"Ôi Chúa Giêsu! xin nhậm lời con cùng".
***
* Cầu nguyện, con đừng ngại xin Chúa, con cứ đơn sơ thành thực, như đứa bé: biết được yêu thương, nó xỏ tay vào túi áo cha, mở xách của mẹ để kiếm quà. Chúa không nói dụ ngôn "đứa con xin cha bánh và cá sao?" (ĐHV 723).
* Con mệt mỏi, con cầm trí lâu không được, con chán nản. Miễn con yêu mến Chúa là đủ. Một đứa bé chơi trước mặt cha mẹ, ngồi trên chân cha mẹ, hay nhìn cha mẹ, hoặc ngủ ngon lành, cha mẹ cũng sung sướng nâng niu nó (ĐHV 724).
Chị thánh Têrêxa đã sống tinh thần thơ ấu như thế này trong cách cầu nguyện:
"Cầu nguyện để được nhậm lời, thì không cần phải đọc một câu kinh đặt thật hay và thật đúng hoàn cảnh. Ngoài những kinh nguyện chung hằng ngày, tôi không có can đảm lật từng trang sách để tìm những kinh hay; làm như thế chỉ thêm nhức đầu rối trí bởi kinh nào cũng thấy hay cả. Thành thử, vì không thể đọc hết các kinh, tôi làm như mấy đứa nhỏ không biết đọc sách: chỉ nói đơn sơ với Chúa những điều tôi muốn nói, và luôn luôn Chúa hiểu tôi. Đối với tôi, cầu nguyện là một cái gì đơn sơ hướng lên trời, là một sự nhắc lòng lên với Chúa, là một tiếng kêu biết ơn và đầy lòng yêu mến lúc gặp thử thách cũng như được vui thỏa. Tóm lại, cầu nguyện là một cái gì cao cả, siêu nhiên, làm cho tâm hồn mở ra và kết hợp với Chúa".
***
* Cha mẹ xin kẹo của em bé, nó thu tay lại, nó không cho, cha mẹ năn nỉ, nó còn tiếc, nó đưa tay ra, mở tay dần dần và cho cha mẹ. Cha mẹ mừng vui, hôn con đã quảng đại, thắng tánh ích kỷ và cho con thêm nữa. Chúa vui sướng vì những hy sinh nhỏ mọn của con (ĐHV 726).
* Tâm hồn trẻ con không biết căm thù, vừa bị cha mẹ sửa phạt, nó khóc lóc nhưng nó quên liền, nó thiu thiu ngủ trên tay vừa đánh phạt nó. Con hãy quên tất cả bực tức, ác cảm, ở trên tay dịu hiền của cha mẹ con, con hạnh phúc quá rồi! (ĐHV 728).
Trong cuộc sống hằng ngày, chị thánh Têrêxa không bỏ qua một dịp nào mà không hiến tế mình một cách vừa đơn sơ như một đứa con yêu mến Cha, vừa cao cả, vừa tế nhị. Chị thuật lại:
"Trong nhà có một chị thường lúc nào cũng làm con phật ý. Từ cách cư xử, lời ăn tiếng nói cho tới tính khí của chị, cái gì xem ra cũng gây khó chịu cả. Tuy vậy, chị là một nữ tu đạo đức và có lẽ rất đẹp lòng Chúa. Con không muốn chiều theo tính ác cảm tự nhiên đối với chị ấy nên con thầm nhủ: Bác ái không hệ ở tình cảm nhưng ở việc làm. Và con ra sức đối xử với chị này như đối với một người thân yêu nhất. Mỗi khi gặp chị, con lại cầu nguyện cho chị, dâng cho Chúa mọi nhân đức và công nghiệp của chị. Làm như thế con thấy Chúa Giêsu được hài lòng lắm, vì không có nhà nghệ sĩ nào lại không muốn được nghe người ta ca tụng tác phẩm của mình, và Chúa Giêsu, nhà nghệ sĩ sáng tạo các tâm hồn sẽ sung sướng khi thấy người ta bỏ qua cái vẻ bên ngoài của tâm hồn, để đi vào tận thâm cung nơi Chúa ngự mà chiêm ngắm và ca tụng vẻ đẹp của nó. Cầu nguyện cho kẻ làm mình bực bội mà thôi, con chưa lấy làm đủ. Mỗi khi có thể, con còn cố gắng giúp đỡ chị và khi con bực bội muốn đối chất với chị một cách bất nhã, con lại nở một nụ cười hết sức âu yếm, rồi tìm cách đánh trống lảng sang chuyện khác. Sách Gương Phước có dạy: "Thà để người ta nghĩ sao tùy ý còn hơn là cãi lẫy".
"Thường khi con không ra chơi (con có ý nói đến giờ làm việc), nếu có chuyện gì với chị đó mà con thấy khó có thể chịu đựng được, con liền đánh bài chuồn như một người lính đào ngũ. Vì chị không biết con nghĩ thế nào về chị, nên chị không hề ngờ được tại sao con xử sự như thế, chị cứ tưởng con ưa chị lắm. Một hôm vào giờ chơi, chị tỏ vẻ đắc ý và nói với con một câu đại khái như sau: "Này chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chị có thể cho tôi biết tại sao chị mến tôi không? Không hiểu tại sao hễ cứ nhìn tôi là y như chị tủm tỉm cười?" À! Cái làm cho con yêu mến chị chính là Chúa Giêsu náu trong đáy lòng chị vậy... Chúa Giêsu là Đấng biến đổi sự cay đắng nên êm ái ngọt ngào (Gương Phước III, 5,3). Con bảo chị: sở dĩ con cười là vì con thích chị lắm. (Dĩ nhiên con không nói thêm là con thích chị chỉ trong phạm vi thiêng liêng thôi)".
2. Vinh danh Cha là hạnh phúc của con.
* Tâm hồn trẻ thơ đây không phải là thơ ngây. Nhưng là yêu thương không giới hạn, phó thác cho cha mẹ tất cả; cha mẹ bảo gì, làm tất cả; theo cha mẹ, bỏ tất cả; tin tưởng cha mẹ hơn tất cả. Hùng dũng, vững vàng, xưng đạo làm con của người Kitô hữu (ĐHV 730).
Cha C-harles de Foucauld đã để lại không biết bao nhiêu bút tích làm ích cho các tâm hồn tận hiến, cho các linh hồn ao ước hoàn toàn phó thác trong tay Chúa là Cha từ nhân. Mấy giòng vắn tắt sau đây giúp ta suy niệm một ít tâm tình sâu xa nhất của ngài:
"Lạy Cha là Chúa Trời con, cái này hay cái khác cũng được, không quan hệ lắm. Cái đáng kể hơn hết chính là sự vinh hiển Cha. Xin Cha hãy làm sáng danh Cha. Xin Cha hãy ban cho con sự gì làm sáng danh Cha hơn cả. Chính sự đó con muốn xin Cha, chứ không sự gì khác.
"Xin Cha đừng chú trọng đến lời con cầu xin... Con đã cầu xin và con phải cầu xin, bởi vì Cha là Cha của con và bởi vì trình bày cho Cha biết những thiếu thốn của con đó là nhiệm vụ con phải làm... Nhưng sau khi con đã đơn sơ nói cho Cha biết những nhu cầu của con, thì con xin nhắc lại cho Cha, con xin lặp lại, con nói và con xin nói lại cho Cha biết là con còn một nhu cầu khác, ngàn lần lớn lao hơn, ngàn lần mong ước hơn, đó là nhu cầu thấy Cha được vinh hiển, đó là nhu cầu đích thực và duy nhất của con. Nhu cầu đó con xin Cha làm cho con được thỏa mãn.
"Lạy Cha con, xin hãy làm sáng danh Cha nơi con, xin hãy làm sáng danh Cha nơi con, xin hãy làm sáng danh Cha...
"Điều con ao ước là làm sao cho Cha được vinh hiển. Đó là khát vọng của con.
"Lạy Cha, xin hãy làm nơi con sự gì đẹp lòng Cha hơn cả, sự gì cũng được. Lạy Cha, xin hãy cứ làm sáng danh Cha..."
Ngài còn sáng tác một bài kinh rất hay quen gọi là kinh phó thác, cũng gồm những tâm tình như vừa thấy:
"Lạy Cha con phó mặc con cho Cha, xin dùng con tùy sở thích Cha. Cha dùng con làm chi, con cũng xin cám ơn. Con luôn luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả. Miễn là ý Cha thực hiện nơi con, nơi mọi loài Cha tạo dựng, thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa. Con trao linh hồn con về tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha. Lạy Chúa Trời con, với tất cả tình yêu của lòng con. Vì con yêu mến Cha, vì lòng yêu mến thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha, thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha, không so đo, với một lòng tin cậy vô biên vì Cha là Cha của con".
3. Tâm hồn đơn sơ trên ngai Giáo Hoàng.
* Sống tinh thần con Chúa không phải là ủy mị, thụ động, nhưng là một linh đạo: Dễ dàng trong sự khó khăn, Đơn sơ trong sự phức tạp, Dịu dàng trong sự cương quyết, Hùng dũng trong sự yếu đuối, Khôn ngoan trong sự điên dại. "Nếu các con không trở nên như trẻ thơ, các con không được vào Nước trời." (ĐHV 727).
* Nhà tạm Chúa Thánh Thể và Mẹ Maria là bí quyết của sức mạnh con trên đường hy vọng. Tất cả các tinh tú dù xán lạn, bao la đến đâu, cũng không sánh với quả đất nhỏ hẹp này được (ĐHV 733).
Đức Gioan XXIII mà chúng ta có dịp nhắc đến nhiều lần, tuy ở trên ngôi Giáo Hoàng rất đỗi cao sang, nhưng vẫn luôn giữ một tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường như một trẻ thơ trước mặt Thiên Chúa.
Ngài đã ghi lại ngày 11.8.1961 trong "Tâm hồn nhật ký":
"Xưng tội hằng tuần là việc tôi làm suốt đời...
"Tội nghịch đức trong sạch? Suốt đời không bao giờ có lỗi trọng, hoặc vì cá nhân hoặc vì thân thiện với ai. Dù do mắt, dù do tay chân, dù do hình ảnh cám dỗ không bao giờ có. Đó là ơn Chúa nâng đỡ sự yếu hèn của tôi, và tôi tin ở Chúa sẽ tiếp tục bảo vệ tôi đến giây phút sau cùng.
"Tội nghịch đức khiêm nhường? Tôi tôn thờ và hằng thực hiện đức này. Tuy nhiên, khi bị coi thường, thâm tâm vẫn còn phản ứng. Phản ứng này tôi xin âm thầm giữ trong bụng để học tập thêm đức nhẫn nại, để thêm dịp đền tội, và cũng là phương thế để đền tội thế gian.
"Đối với đức bác ái? Tuy ít gặp khó khăn về điểm này, thế nhưng lắm lúc cũng là dịp hãm mình, vì lắm lúc suýt mất nhẫn nại và do đó, có thể có một hai kẻ vô tình đã phải gánh chịu đau khổ.
"Xúc phạm? Ai biết được bao lần mình đã lỗi luật Chúa và luật Hội Thánh. Thực nhiều vô kể! Tuy nhiên, tôi không cả lòng trong sự nặng ngay cả trong sự nhẹ. Lòng trí tôi hằng quý mến luật của Chúa, luật Hội Thánh và luật đời; nhất là tôi hằng cẩn thận giữ gìn để làm gương cho thuộc hạ, để "xây dựng giáo sĩ và giáo dân",
"Nếu có lỗi, tôi đã xưng tội, đã dốc lòng sửa chữa, và càng cao tuổi, tôi càng hằng cố gắng giữ các thứ luật cách chính chắn.
"Sơ suất? Thế nào cũng lắm sơ suất vì bao nhiệm vụ của đời mục vụ và hiện nay của một Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô. Cả cuộc sống dài 80 tuổi với bao nhiêu "lỗi lầm sơ suất", tôi đã thú nhận tất cả hồi sáng nay với Đức Giám mục Cavagna, người giải tội thường xuyên của tôi, ngay nơi phòng này, nơi mà các vị tiền nhiệm Piô XI, Piô XII ở, và riêng Đức Piô XII đã chết, ngày 9.10.1958...
"Xin Chúa Giêsu hằng thương xót con là kẻ có tội, con hằng tin tưởng ở sự đại từ bi vĩnh cửu của Chúa".
4. Thế nào là đứa con hạnh phúc.
* Bạo dạn vì ơn Chúa là điều kiện để nên thánh, hãy bạo dạn như trẻ thơ, vui tươi chấp nhận ý Chúa, sẵn sàng theo ý Chúa bất cứ đến đâu, yêu mến Chúa tận tình. Trẻ thơ sẵn sàng lên mặt trăng, tình nguyện đi phi thuyền, miễn là có sự hiện diện của cha mẹ (ĐHV 729).
Có người hỏi chị Chiara Lubich làm sao chị có thể theo dõi hằng trăm ngàn người trên thế giới, làm sao chị có thể hướng dẫn tất cả mọi người theo cùng một linh đạo? Chị mỉm cười trả lời: "Tôi không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo dõi Thiên Chúa từng giây phút, và nếu tôi theo dõi Thiên Chúa thì đám đông sẽ theo tôi!"
Cha Antoine Weber đã thuật lại một kinh nghiệm sống tương tự như thế. "Khi tôi làm việc ở Braxin, tôi có quen biết một chị bếp người Phi châu. Chị mù chữ nhưng là một đầu bếp giỏi, hằng tuần được gởi đi nấu cơm cho một trại lính. Chính trong công việc này, chị đã khám phá ra chiều sâu của Phúc Âm. Chị thầm hiểu phải thực hiện ý Chúa trong từng giây phút, yêu Chúa trong mỗi anh chị em, phục vụ Chúa trong hết mọi người. Đời sống chị, chị xem là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, vì mỗi ngày chị lại khám phá thêm một khuôn mặt mới của Chúa, hiểu thêm một khía cạnh mới của tình yêu Chúa Kitô muốn trao cho mỗi người anh chị em. Một ngày kia, chị kể lại cuộc sống chị và đã đánh động được nhiều người. Chị trở nên một nguồn suối nước tưới mát phong phú cho những ai được chị thông truyền kinh nghiệm sống cho. Một giáo sư thần học sau khi gặp được chị đã nói rằng ngài học được nơi chị nhiều hơn những năm ở ban thần học. Một nhà tâm lý học cũng bảo: chị không có mặc cảm với người khác, chị sống như một người con của Thiên Chúa, chị đã tỏ ra hoàn toàn tự do".
Điều đáng tiếc là đa số anh em Kitô hữu đã không thực hiện thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại. Mỗi người thành lập chương trình riêng cho mình. Họ thất vọng vì đời sống quá bình lặng, vô danh và độc điệu của họ. Họ không sống đời sống của họ cách sâu xa. Họ sống trong giấc mơ, trong hoài niệm, trong tương lai nhưng không sống trong giây phút hiện tại của mình.
5. Hạnh phúc làm con Chúa.
* Người mồ côi được sung túc phú quý là người hạnh phúc, nhưng không phải là người con hạnh phúc. Nghèo khó mấy mà có cha yêu, mẹ mến là người con hạnh phúc. Con có ý thức con là đứa con vô cùng hạnh phúc vì làm con Chúa Cha, con Mẹ Maria không? (ĐHV 718).
Chúng ta đã có dịp tìm hiểu đời sống vui tươi của Viện phụ Dom Columban Marmion (1858-1923). Ngài đã giảng dạy và đã viết rất nhiều sách. Trọng tâm đường hướng của ngài là "làm thế nào để sống đạo làm con Chúa một cách vui tươi hạnh phúc".
Tác phẩm của ngài được viết rất đầy đủ, trong sáng. Mời các bạn có thời giờ hãy tìm đọc hoặc đọc kỹ lại ít là ba cuốn sau đây, theo thứ tự từ trên xuống dưới:
1- Sống Đức Kitô (Le Christ vie de l'âme).
2- Thần tượng đời tu (Le Christ idéal du religieux).
3- Dom Columban Marmion, nhà linh hướng thế kỷ (Dom Columban Marmion, un maitre de vie spirituelle, D.R. Thibaut).
Thiết nghĩ ba tác phẩm ấy nói lên đầy đủ đường lối của ngài, một đường lối mà ngài đã thực hiện qua chính cuộc sống bản thân. Hễ thiếu một trong ba cuốn ấy thì chưa hiểu rõ tinh thần của Dom Columban Marmion được.
Ngoài ra còn có những tác phẩm bổ túc hoặc quảng diễn đường hướng trên một cách sâu rộng hơn:
4- Đến mà xem (Le Christ dans ses mystères).
5- Đời thần duyên (L'Uni-on à Dieu dans le Christ d'après les lettres de direction de Dom Columban Marmion, D.R. Thibaut).
6- Sống đau khổ (Face à souffrance).
7- Sống tận hiến (La Vierge consacrée au Christ),
8- Thần tượng linh mục (Le Christ idéal du prêtre).
Viện phụ Dom Columban Marmion còn là vị linh hướng, là bạn thân tình, là người cố vấn tín cẩn của Đức Hồng Y Mercier (1851-1926), Giáo chủ nước Bỉ. Do đó, có thể nói rằng học thuyết của Dom Columba Marmion đã được phản ảnh trong lời giảng huấn của các tác phẩm của Đức Hồng Y Mercier, đặc biệt trong hai cuốn:
1- Tĩnh tâm linh mục (A mes prêtres).
2- Tĩnh tâm chủng sinh (A mes séminaristes).
Tác giả bài viết: Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế