Tuân giữ Lời Chúa
Ngày 14-04-1991 - Chúa Nhật III Phục Sinh
Cv 3, 13-15.17-19; 1 Ga 2, 1-5a; Lc 24, 35-48
Vừa rồi chúng ta đã nghe bài Thánh Thư của Thánh Gioan. Ngài nhấn mạnh đến một điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Đó là chúng ta chỉ thật sự biết Chúa Giêsu nếu tuân giữ các giới răn của Ngài. Và việc giữ giới răn không còn mang tính cách luật lệ, nhưng trở thành dấu chỉ đích thực của lòng yêu mến: “Ai yêu mến Ta thì tuân giữ lời Ta”.
Tinh thần tuân giữ Lời Chúa là chủ đề lớn nhất của Chúa Nhật này. Tuân giữ Lời Chúa không phải là chuyện tùy hứng, tùy lúc, nhưng là một tương quan vững bền giữa ta với Chúa. Khi người ta yêu mến nhau, họ muốn tìm biết, bắt chước cách suy nghĩ, cử chỉ, kiểu nói của người mình yêu mến.
Bài Phúc Âm nhắc đến chuyện xảy ra trên đường đi Emmaus. Hai môn đệ đang thất vọng, buồn nản trở về quê quán của mình. Bỗng chốc, Chúa đến như một lữ khách và hỏi họ: “Có chuyện gì mà hai bác có vẻ buồn thế?” Họ trả lời: “Chắc chỉ có ông là người duy nhất ở Giêrusalem không biết chuyện Ông Giêsu vừa xảy ra. Ông tệ thật!” Chúa Giêsu hỏi lại: “Chuyện Ông Giêsu làm sao?” Và họ trả lời: “Ông ta là một tiên tri vĩ đại, đã giảng dạy và làm bao nhiêu phép lạ suốt 3, 4 năm trời. Thế mà người ta lại giết Ông. Ông đã chết. Chúng tôi đang tán loạn mỗi người một nơi. Hơn nữa, mấy bà trong nhóm chúng tôi còn phao tin đồn nhảm: họ đã thấy Ngài sống lại, thật ghê sợ”.
Thông thường, mối tương quan của những người mới gặp nhau lần đầu là tương quan của kẻ đi đường, nhưng dần dần tương quan đó trở nên thân thiện và gần gũi hơn. Thật vậy, sau buổi nói chuyện dọc đường, hai môn đệ có thiện cảm với người lữ hành: “Ông vào đây ăn tối với chúng tôi”. Ngài từ chối: “Thôi, các bác cứ tự nhiên, tôi còn phải đi tiếp”. Họ nài nỉ: “Thôi cứ vào đây, tối rồi, mai đi tiếp”. Lúc đầu là thân thiện, tình cảm, rồi đến năn nỉ, nài nẵng. Và Chúa đã vào với họ.
Trong lúc ăn, Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ mở ra và nhận ra người đang bẻ bánh là chính Chúa. Nhưng Ngài biến đi. Lập tức hai ông quay trở lại Giêrusalem bất chấp nguy hiểm để thuật lại cho các Tông Đồ. Và hai ông đã kháo láo với nhau: “Dọc đường khi nghe Ngài nói chuyện, lòng chúng ta cảm thấy thật sốt sắng”.
Câu chuyện này phải là bài học lớn cho cuộc đời chúng con, cuộc đời của những người muốn dâng mình cho Chúa. Làm môn đệ của Chúa không phải là để học được một số kiến thức, biết cách giảng hay dạy giáo lý; cũng không phải là để biết tổ chức công việc; và lại càng không phải là để làm giàu hay giải trí. Người linh mục thường có thói quen lo lắng những vấn đề hạn hẹp.
Cha cũng vậy, trước kia cứ lo phải giảng thế nào, tổ chức vui chơi làm sao, trời nắng thì chơi gì và mưa chơi gì... mà quên mất trong mọi sự phải chú ý đến mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa. Tương quan với Thiên Chúa là cốt lõi của đời sống của linh mục, chủng sinh. Làm sao để lời ta nói phải là lời của Chúa và cử chỉ thái độ của ta cũng là của Chúa. Chính Chúa Kitô hoạt động, cai trị trong con người của ta.
Nhưng muốn có được tương quan tốt với Thiên Chúa, trước hết ta cần phải xây dựng một tương quan tốt với những người anh em chung quanh ta. Nhiều người khi mới quen nhau thì tỏ ra đạo đức, dễ mến. Nhưng được ít lâu lại coi thường nhau, và có khi còn khinh bỉ nhau nữa: “Đừng tin nó, nói thì hay mà chẳng ra sao đâu” hoặc “Lão ấy thì...”. Cuộc đời chủng sinh là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời linh mục, vì nếu ngay từ lúc này người chủng sinh biết duy trì được mối tương quan với Chúa Giêsu, người đó sẽ biết thông cảm, nhịn nhục, thương yêu người anh em của mình, ngay cả khi người anh em sai lỗi hoặc xúc phạm đến mình. Và như thế, đời sống trong chủng viện sẽ trở nên đầm ấm như trong một gia đình. Hơn nữa, người khác cũng sẽ dễ dàng nhận ra mối tương quan giữa ta với Chúa có sâu đậm hay không qua các dịp nghỉ hè ở giáo xứ và gia đình. Nếu mối tương quan kém, họ sẽ chua chát phản ứng: “Mới làm chủng sinh mà đã hắc sì ngầu như thế, mai này làm linh mục thì ai chịu nổi”. Còn nếu tương quan ấy tốt, người ta sẽ yếu mến và mong cho ta được sớm làm linh mục để phục vụ dân Chúa.
Cha Gioan Vianey là một người học rất kém. Ba lần cha chính địa phận thi hạch đều trượt cả ba. Cha chính hỏi cha xứ của Ngài: “Thầy ấy có lòng kính mến Đức Mẹ không? Có đạo đức không?” Và Gioan Vianey đã được truyền chức vì cha xứ đã xác quyết những điều đó. Thế nhưng, khi làm linh mục, Ngài đã thu hút được rất nhiều người. Trong các bài giảng của Ngài trước 12 giờ trưa, chẳng những lôi cuốn rất đông giáo dân mà cả Giám Mục cũng đến nghe. Và trong thời gian cuối đời, khi không thể giảng dạy được nữa, Ngài chỉ nhìn ngắm tòa chầu với mắt đẫm lệ, rồi nhìn xuống dân chúng. Và cử chỉ đó của Ngài cũng đủ làm cho dân chúng sốt sắng lên. Trong bản án phong thánh, có hai nhân chứng. Một ông già quê nói cách đơn sơ: “Tôi thấy Chúa trong Cha xứ của tôi”. Và một ông khác có thói quen chăm chú nhìn ngắm tòa chầu đã trả lời: “Cha xứ dạy tôi như vậy. Tôi nhìn Nhà Tạm để nói chuyện với Chúa và Chúa nói với tôi”.
Cuộc đời chủng sinh và linh mục sẽ cảm thấy hạnh phúc, bình yên khi biết gia tăng mối tương quan của mình với Chúa. Càng liên kết mật thiết với Chúa như các Tông Đồ ngày xưa hoặc như Cha Thánh Gioan Vianey, cuôc đời của họ sẽ được tràn đầy niềm hạnh phúc bình an. Amen. Tác giả: Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Nguồn: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế