Huấn dụ về cách nguyện ngắm và sách thiêng liêng

Thứ năm - 12/07/2018 04:50  2367
Huấn dụ về cách nguyện ngắm (1)
 
Chiều nay, Cha chỉ nói một vài điều vắn tắt thôi.
 
Năm nay, chúng con có giờ nguyện ngắm. Khi nguyện ngắm thì tự do ngồi, quì hay đứng. Nhưng thông thường, người ta có thói quen quỳ vào đầu giờ nguyện ngắm, giữa giờ có thể ngồi hay đứng và lại quỳ ở cuối giờ gẫm. Các cử chỉ này dù không bắt buộc cũng rất cần cho việc nguyện ngắm. Trong nghi thức phụng vụ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hoặc trong lễ phong chức linh mục chúng con thấy chủ tế và các tiến chức nằm sấp mình để cầu nguyện nữa.  Sách cách ngôn người Pháp có câu: “Prend les choses telles qu’elles sont et les gens tels qu’ils sont”, nghĩa là “Chấp nhận các sự việc như chúng đang hiện hữu, và chấp nhận con người như họ đang là như vậy”. Có nghĩa là người ta thế nào mình chấp nhận thế ấy.
 
Chúng con hãy cố đọc Kinh Thánh hằng ngày. Và tại sao đọc hoài mà không thấy thấm? Có một lần, các chủng sinh trong một chủng viện học Kinh Thánh than thở với Cha giáo sư: “Chúng con học Kinh Thánh mấy năm trời mà không thấy yêu mến, say mê Kinh Thánh. Tại sao vậy?” Cha giáo sư trả lời: “Cần phải trau dồi học hỏi Kinh Thánh luôn. Mỗi tháng, tôi phải cố gắng đọc 500 bài báo về Kinh Thánh ở các nước trên thế giới gởi về, để có thể hiểu thêm về kho tàng dồi dào bất tận của Kinh Thánh. Vì thế, các bài vở Kinh Thánh tôi dạy học luôn đổi mới, không bao giờ nhàm chán. Cũng vậy, các Thầy phải đọc và tìm hiểu Kinh Thánh luôn trong tinh thần khiêm tốn và cầu nguyện, rồi từ từ sẽ cảm thấy say mê Kinh Thánh”.
 
Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa đã đổi mới và thánh hóa con người trở nên thánh. Nếu không có Chúa, con người chẳng hơn gì con vật và có khi còn kém loài vật, vì con người ghen ghét nhau, chém giết nhau để dành sự sống. Học Kinh Thánh là để thay đổi đời mình, nếu không thay đổi thì thật là nguy hiểm.
 
Nói tóm lại, nguyện ngắm Lời Chúa trong tinh thần khiêm tốn sẽ giúp chúng con thay đổi cuộc sống mình cho phù hợp với lời Chúa dạy và ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn.

Huấn dụ về cách nguyện ngắm (2)
 
Hôm nay, Cha nói với chúng con về cách nguyện ngắm.
 
Trong việc nguyện ngắm, trước hết, cần phải biết dọn mình xa và dọn mình gần. Nguyện ngắm cũng như cầu nguyện, đều là cuộc gặp gỡ và thưa chuyện với Chúa. Muốn cuộc gặp gỡ mang lại kết quả tốt đẹp, cần phải chuẩn bị chu đáo. Việc chuẩn bị này cũng là điều tự nhiên trong cuộc sống. Chẳng hạn, ngày mai chúng con phải ra gặp Ban Tôn Giáo để bàn việc truyền chức, hoặc Mẹ Têrêsa đến và thông báo sẽ gặp chúng con ngày mai, chắc chúng con sẽ chuẩn bị chu đáo cho cuộc gặp gỡ đó.
 
Chuẩn bị xa gồm những gì liên quan tới đời sống thiêng liêng của mình hoặc những chất liệu đề tài cần thiết cho buổi gặp gỡ. Cụ thể trước khi đi ngủ tối, chúng con đọc một đoạn Phúc Âm hay một đoạn sách về hạnh một vị Thánh để làm đề tài suy ngắm cho ngày mai. Cũng có thể chọn một sự việc hay biến cố vừa xảy ra trong ngày làm đề tài nguyện ngắm. Nếu không chuẩn bị như vậy, giờ nguyện ngắm sẽ trở nên nặng nề vì không thấy Chúa đâu cả, đưa đến chán nãn, buồn ngủ và chỉ mong sao cho hết giờ.
 
Một kinh nghiệm và cũng là bí quyết cho việc nguyện ngắm có kết quả là năng hãm mình hy sinh. Khi ăn ở hiếu thảo với Chúa bằng những hy sinh hằng ngày, chắc chắn Chúa sẽ hài lòng khi gặp Ngài trong giờ nguyện ngắm, ngay cả khi không nói gì với Ngài cả.
 
Thánh Phanxicô Assisi có nhiều lần nằm trên gai nhọn có tuyết phủ suốt đêm. Vậy mà sáng dậy, Ngài bảo các môn đệ là ngủ ngon quá! Ngài còn kể thêm là đã gặp Chúa và vui quá sức! Các môn đệ hỏi: “Vậy tối qua Cha nói gì với Chúa?” Ngài đáp: “Cha nói: Chúa là Chúa của con”. Các môn đệ lại hỏi: “Còn Chúa nói gì với Cha?” Ngài trả lời: “Chúa bảo Phanxicô, con của Ta.”
 
Cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxicô Assisi xem ra thật đơn sơ, vắn gọn, nhưng nói lên sự thân tình giữa Chúa và Ngài. Và cuộc gặp gỡ này đã có sự hy sinh dọn đường trước. Điều này cho chúng con thấy tầm quan trọng của việc hy sinh. Muốn cuộc sống thiêng liêng được lớn mạnh, chúng ta cần phải hy sinh từng giây phút như ăn một miếng cơm không, học kỹ hơn... Đừng đợi khi có chuyện lớn mới hy sinh.
 
Nếu một linh mục không biết sống hy sinh thì dù Ngài có tài giỏi, nhiều bằng cấp... cũng sẽ không gặp được Chúa trong giờ nguyện ngắm. Chúng con cũng có thể căn cứ vào điểm này để biết tâm hồn mình thật sự sốt sắng hay nguội lạnh. Nếu nguội lạnh, chắc chắn là vì thiếu hy sinh. Nói tóm lại, chúng con cần phải chuẩn bị kỹ càng cho việc nguyện ngắm mỗi ngày kèm theo những hy sinh. Cha nhắc thêm, chúng con cũng có thể chọn đề tài của ca nhập lễ, đáp ca, lời giáo huấn, câu chuyện vui... Tất cả đều có thể trở thành đề tài nguyện ngắm. Miễn sao đề tài đó phù hợp với tâm tình của mình và giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng của chúng ta.
 
Dọn mình gần: Ngay vừa khi thức dậy, rửa mặt... chúng ta luôn suy nghĩ xem mình sẽ nói gì với Chúa như chuyện Hoàng Hậu Ester. Rồi khi quỳ trong nhà nguyện, chúng ta giục lòng tin Chúa ở trong Nhà tạm, trên cây Thánh Giá, ở trong lòng mình để thêm lòng tin cậy mến. Sau đó suy diễn chủ đề mình sẽ nguyện ngắm.
 
Cũng có thể chọn đề tài nguyện ngắm theo phụng vụ hoặc các lễ lớn trong Giáo Hội. Ví dụ đầu tháng Mân Côi, chúng ta suy ngắm việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với ba lời nhắn nhủ: Cải thiện đời sống, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi. Chúng ta có thể dùng trí tưởng tượng để hình dung cảnh Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ và mang tâm tình của ba trẻ khi gặp thấy Đức Mẹ.
 
Một ví dụ khác: về việc truyền giáo, chúng ta có thể tưởng tượng bao người xung quanh chúng ta chưa biết đạo, chống đạo hoặc ghét đạo...
 
Về sự chết, chúng ta có thể nhớ đến một người thân đã qua đời để nhận ra mọi sự chỉ là phù vân. Sớm muộn rồi cũng sẽ qua đi hết. Điều quan trọng là sau khi chết. Hoặc được sự sống vinh hiển đời đời với Chúa hoặc trầm luân hỏa ngục.
 
Phần hai của buổi nguyện ngắm là lắng nghe. Ví dụ nghe Chúa nói hoặc những nhân vật mình hình dung ra trong buổi nguyện ngắm nói với mình, hoặc Hội Thánh nói với mình. Ví dụ về phong trào xem video mê mẫn hiện nay. Mình phải suy nghĩ xem có cách gì để giáo dục người giáo dân sử dụng video theo ý hướng tốt không... Như thế, một cách gián tiếp, vấn đề video đang nói với mình.
 
Nói tóm lại, chúng ta phải đặt mình trước những vấn đề của thời đại và chuẩn bị mình cho công cuộc mục vụ và truyền giáo tương lai nữa.
 
Ngày trước có linh mục dòng Xitô, người Campuchia nói với Cha: “Cả đời tôi chỉ suy ngắm một Kinh Lạy Cha vì tôi không thể học gì hơn ngoài kinh đó”.
 
Bác sĩ Barbet, khoa giải phẫu học, vì hiểu về giải phẫu, ông hiểu rõ Chúa phải đau khổ đến mức nào. Ông nói: “Không bao giờ tôi ngắm trọn Đàng Thánh Giá, chỉ ngắm được hai, ba nơi, tôi đã cảm thấy lòng mình đau khổ, tan nát quá sức, khóc lóc quá sức, chịu không nổi”. Ông có được tâm tình này vì ông hiểu được Chúa đã chịu đau khổ chừng nào.
 
Kết thúc buổi nguyện ngắm bằng bằng việc tạ ơn Chúa, rồi cầu nguyện cho mình, cho người khác. Thánh Têrêsa Cả nói: “Ai không cầu nguyện thì tự đi xuống hỏa ngục, chưa cần ma quỉ kéo xuống”. Và đồng thời chúng ta cũng quyết tâm làm một việc gì đó. Chỉ cần một điểm thôi. Đừng quá sốt sắng đặt cho mình nhiều việc để rồi không làm việc nào ra hồn cả. Cha kết thúc buổi huấn đức hôm nay ở đây.

 
Huấn dụ về nội dung nguyện ngắm
 
Hôm trước Cha đã nói về một cách nguyện ngắm. Hôm nay, Cha nhắc riêng về nội dung buổi nguyện ngắm và làm thế nào cho dễ nhớ.
 
Nhà giáo dục đạo đức Pháp khi viết sách thiêng liêng để giúp cho giới trẻ nguyện ngắm dễ dàng hơn, đã cho một công thức như sau: “Ardor- nhiệt tình”. Chữ Ador nay bao gồm:
 
A= Adoration: thờ lạy
R= Remerciement: cám ơn
D= Demande: cầu xin
O= Offrande : dâng mình
R= Résolution : quyết tâm-dốc lòng.
 
Khi thờ lạy, mình nhận Chúa là Đấng tốt lành, cao cả và nhận thấy có bổn phận phải thờ phượng Chúa, vì Ngài hết sức khôn ngoan. Thờ lạy là yêu mến cực độ. Ví dụ : hôm nay lễ các Thánh Thiên Thần, chúng ta nhớ các ngài đang thờ lạy chầu chực trước tòa Chúa và hợp với các ngài thờ lạy Chúa. Cũng vậy, chúng ta liên kết với Đức Mẹ để thờ lạy Chúa bằng lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa, giờ phút này con không thờ lạy Chúa được, nhưng Đức Mẹ tốt đẹp vô cùng đang thờ lạy Chúa, con xin hợp ý với Mẹ để thờ lạy Chúa...” Hoặc hợp với các linh mục đang dâng lễ hay kết hợp với các tu sĩ dòng chiêm niệm để thờ lạy Chúa.
 
Thứ hai là cám ơn . Ngày nào chúng ta cũng phải cám ơn Chúa vì biết bao ơn lành Ngài ban cho mỗi người chúng ta: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì Chúa thương gọi con, vì Chúa cho con được rước Mình Thánh Chúa vào lòng con, chỉ một lần được rước Chúa thôi con cũng đáng để con cám ơn Chúa đời đời... ”
 
Thứ ba là xin ơn. Xin Chúa ban những ơn cần thiết cho cuộc sống, nhất là cuộc sống thiêng liêng. Không những xin ơn cho mình mà còn cho những người nhờ chúng ta cầu nguyện cho. Đức Thánh Cha có cả một quyển sổ ghi tên những người gởi thơ xin Ngài khấn. Quyển sách ấy để dưới bàn quỳ. Ngày nào Ngài cũng vào nhà nguyện 7 lần và cầu nguyện theo ý của người xin. Ngài luôn tự nhắc mình: “Biết bao người đang chờ đợi lời cầu nguyện của tôi”. Hơn nữa, chúng ta cũng nên đặc biệt quan tâm cầu nguyện cho những người nghèo khổ, thiếu thốn và chưa biết Chúa để Chúa nâng đỡ và giúp họ tìm gặp Ngài.
 
Thứ bốn là dâng mình cho Chúa: “Lạy Chúa, con không đáng là gì cả. Tất cả những gì con có, con dâng cho Chúa để làm theo ý Chúa”.  Lời nói, hành động, lo lắng, của cải, Cha Mẹ, tương lai, hy sinh, đau khổ... chúng ta dâng lên cho Chúa. Chúa nói với một Thánh Nữ : “Con hãy dâng tội lỗi của con cho Cha, sự yếu đuối sa ngã của con cho Cha. Cha đổ máu rửa sạch và cho con được nên thánh”. Hoặc chúng ta thì thầm: “Bài học khó nhất hôm nay con dâng cho Chúa, Chúa biết rồi đấy...”
 
Thứ năm là dốc lòng. Chúa biết mỗi người chúng ta đều yếu đuối, nên Ngài sẵn sàng nâng đỡ để chúng ta tiến lên trong cuộc sống thiêng liêng. Điều cần thiết là chúng ta phải cầu nguyện và dốc quyết từ bỏ những tính xấu hoặc tập một nhân đức tốt, rồi Chúa sẽ bổ sức cho.

 
 Huấn dụ về sách thiêng liêng
 
Hôm trước Cha nói về một trong những cách nguyện ngắm. Hôm nay, Cha nói thêm về một cách nguyện ngắm khác được nói đến nhiều trong sách thiêng liêng. Càng biết nhiều cách càng tốt vì như vậy chúng con có thể chọn cách nào phù hợp với mình nhất cho việc nguyện ngắm. Cách nguyện ngắm này như sau:
 
1. Regarder: nhìn
 
Trước hết phải biết nhìn. Tai sao vậy? Vì khi mình nhìn một hình ảnh, một phong cảnh, một người khổ, một người đẹp… phản ứng tình cảm sẽ khác nhau. Ví dụ, Phật Thích Ca nhờ nhìn thấy đời người khổ lụy mà thay đổi cuộc sống mình. Thánh Phanxicô Borgio khi được Vua Tây Ban Nha sai đưa xác người vợ của vua về quê hương Hòa Lan, đã thay đổi cuộc đời nhờ chứng kiến thân xác rửa thối của Hoàng Hậu. Khi còn sống, Hoàng Hậu đẹp đẽ, sang trọng khiến ai nhìn cũng phải khen ngợi. Nhưng khi đến Hòa Lan, quan tài được mở nắp để người thân nhìn mặt Hoàng Hậu lần cuối, Phanxicô thấy khuôn mặt đẹp của Hoàng Hậu mấy ngày trước, nay trở thành xấu xí, giòi bọ rúc rỉa… Cảnh tượng đó làm cho Phanxicô Borgio suy nghĩ về cuộc đời chóng tàn và Ngài đã bỏ tất cả quyền cao chức trọng, để vào tu viện sống trọn vẹn cho Chúa. Cuối cùng, Ngài đã nên Thánh.
 
Cha Maximiliano Kolbe, người tình nguyện chết thay cho bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ngài cùng 9 người khác bị giam vào phòng kín và bị bỏ đói cho đến khi chết. Ngày cuối cùng, khi lính cai ngục vào phòng kiểm soát, chỉ thấy Ngài còn sống và đang mở mắt nhìn, anh ta liền nói: “Ông nhìn chỗ khác đi. Đừng nhìn tôi.” Ngài hỏi: “Sao vậy?”  Anh ta trả lời: “Vì tôi không chịu nổi cái nhìn của ông.”
 
Các Thánh khác người thường ở chỗ nào? Câu trả lời là các Ngài nhìn thấy cái mà người thường không thấy.
 
2. Écouter: lắng nghe.
 
Cần biết lắng nghe Chúa nói với mình; lắng nghe Mẹ Maria, các Thánh, thiên thần bản mệnh nói với mình và cả người chết nói với mình để sống tốt hơn. Cuộc đời chóng qua và mỗi việc đều có thưởng phạt. Vì thế, cần biết xử dụng ơn Chúa cho đúng, ngay cả việc xử dụng thời giờ, vì đó cũng là một ơn quý báu Chúa ban cho mỗi người. Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh, nhất là trong Phúc Âm; lời Mẹ Maria nhắn nhủ với chúng ta trong những lần Mẹ hiện ra ở Fatima, Lộ Đức… Chúng ta cần biết lắng nghe để sống cho phù hợp với ý Chúa.
 
3. Parler: nói.
 
Sau khi lắng nghe, chúng ta cũng cần đáp trả lại lời của Chúa, của Mẹ Maria, các Thánh và cả thiên thần bản mệnh…. để biết được điều Chúa muốn chỉ dạy, hiểu được lời Mẹ, các Thánh và thiên thần bản mệnh muốn khuyên bảo chúng ta.
 
4. Repentir: sám hối, ăn năn
 
Nghe và hiểu được điều Chúa, Mẹ các Thánh khuyên dạy, chúng ta cảm thấy ân hận xót xa vì những sai trái mình đã phạm, cũng như qua bỏ qua biết bao nhiêu ơn lành Chúa thương ban.
 
5. Aimer: yêu mến.
 
Chúng ta quyết tâm từ đây sẽ nghe và giữ lời Chúa, yêu mến Chúa nhiều hơn. Có thể lập đi lập lại nhiều lần câu nói đơn sơ sau đây: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.
 
6. Renouveler:  đổi mới.
 
Quyết tâm đổi mới tốt hơn. Cương quyết bỏ những tính xấu và tập những nhân đức tốt.
 
Những bước thứ tự trên đây là cần thiết, và như vậy việc nguyện ngắm mỗi ngày sẽ giúp chúng con tiến lên trong đời sống thiêng liêng.

 
Đức HY FX Nguyễn Văn Thuận
Nguồn: cuucshuehn.net
 Tags: kinh thánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay47,246
  • Tháng hiện tại593,814
  • Tổng lượt truy cập46,955,418

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây