NHÀ TRUYỀN GIÁO MỚI
Lm Manuel João Correia
Dòng Comboni
Chúng ta không có trình thuật về ơn gọi của Luca, nhưng hình tượng mờ nhạt này về Luca như một môn đệ và nhà truyền giáo lại xuất hiện rất rõ nét trong hai tác phẩm của ngài: Tin mừng Luca và Công vụ Tông đồ. Nhìn vào tiểu sử cuộc đời của Luca có thể giúp chúng ta sống phục vụ rao giảng và cảm thấy niềm vui của Tin mừng mà Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi.
Theo truyền thống, Luca là lương dân gốc ở Syria (Antiokia), thuộc nền văn hóa Hy Lạp. Ngài hành nghề thầy thuốc (“thầy thuốc yêu quí” - Cl 4,14). Luca là cộng sự viên của Phaolô từ cuộc hành trình tông đồ thứ hai của thánh nhân (Plm 1,24) vào khoảng năm 49 (Cv 16,10). Ngài vẫn ở với Phaolô vào những năm cuối cùng trước khi khi thánh nhân tử đạo ở Rôma (2 Tm 4,11). Theo truyền thuyết Luca cũng là một họa sĩ (đã vẽ bức tranh icon đầu tiên về Đức Trinh Nữ Maria).
Những phẩm chất đặc biệt này phác thảo nên một con người mà chúng ta thích ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nhất là sự nhạy bén nhân hậu và đức tin của ngài thể hiện qua các tác phẩm đã làm cho ngài trở thành một nhân vật hấp dẫn, gây hứng thú và hiện đại. Với một ít tự do khi khám phá tính cách của Luca, tôi có thể nhận ra một vài đặc điểm làm nên sự nhận dạng lý tưởng cho một “nhà truyền giảng Tin mừng” mới…Tôi sẽ chọn bốn trong số những đặc điểm của Luca.
Người loan báo hạnh phúc
Một trong những đặc điểm của Tin mừng Luca là hạnh phúc. Nếu “tin mừng” là “những tin hạnh phúc” thì lời loan tin đầu tiên (của thiên thần Gabriel cho ông Dacaria) là một “tin mừng”: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng sẽ vui mừng…” (Lc 1,4). Cũng sứ thần này nói với Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (1,28). Bài ca Magnificat của Mẹ Maria chứa đầy niềm hạnh phúc (1,47). Nhưng “niềm vui lớn lao… được chia sẻ cho toàn thể mọi người” là ngày giáng sinh của Đấng Cứu thế (2,10).
Tất cả Tin mừng của Luca là một trình thuật gieo rắc đầy tràn hạnh phúc. Đức Giêsu khơi lên sự ngưỡng mộ và lời ca tụng ở bất cứ nơi nào Ngài đến bằng ngôn ngữ mới lạ, hành động phi thường, sự gần gũi với mọi người! Kết thúc Tin mừng nói rằng các Tông đồ trở về Giêrusalem “ đầy niềm vui” và “ca ngợi Thiên Chúa” (Lc 24, 52-53).
Nhà truyền giáo, người loan báo Tin mừng, trước hết là người loan báo hạnh phúc, người chuyên chở sứ điệp sưởi ấm tinh thần, mang lại hy vọng cho con tim và nụ cười trên khuôn mặt của chúng ta. Vì thế, họ phải là một người hạnh phúc, coi sứ mạng của họ như là người mang tin mừng vui (Is 40,9).
“Tân Phúc âm hóa được thực hiện với một nụ cười chứ không phải với sự nhăn nhó” như Đức hồng y Tổng Giáo phận New York, Timothy Dolan mới đây đã nhắc nhở với Đức giáo hoàng và hồng y đoàn. Và ngài nhớ đến lời Đức hồng y John Wright yêu cầu các chủng sinh trường Ateneo Roma trong một thánh lễ tại nhà thờ thánh Phêrô khi còn là một sinh viên “Xin các chủng sinh, hãy làm cho tôi và cho Giáo hội một đặc ân: khi bạn đi bộ qua các con đường ở Roma, hãy nở nụ cười (smile)!”.
Đó là những gì chúng ta thường thiếu: Nụ cười! Không phải chiếc “cổ côn trắng” nhưng chính là nụ cười thoải mái, cởi mở, thẳn thắn và truyền cảm làm nổi bật “các nhà truyền giáo mới”!...
Người hát về lòng nhân từ của Thiên Chúa
Tác phẩm của Luca là “Tin mừng của lòng thương xót”. Chúa Giêsu đến “công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,19). Lúc này mọi người đều có thể đến với ơn cứu rỗi, “tất cả mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (3,6). Một cơ hội phải tận dụng, không chậm trễ, ngay hôm nay. “Hôm nay” là một “từ khóa” trong Tin mừng Luca, bắt đầu với việc Chúa Giêsu giáng sinh, rồi lần thuyết giảng đầu tiên ở hội đường Nadaret và việc gặp ông Giakêu cho đến khi nói lời sau cùng trên thập giá với người “trộm lành” (2,11; 4,21; 13,32; 19,9; 23,43). “… Người nghèo, tàn tật, kẻ đui mù và què quặt” được mời vào bàn tiệc lớn lao trên thiên quốc (14,21-23), tất cả mọi người, kể cả những người mà lề luật cũ ngăn cấm không cho đến thờ phượng.
Thánh Luca nêu bật sự hiền lành, dịu dàng và lòng thương xót của Đức Giêsu. Truyền thống giáo phụ gọi Luca là “người ghi chép sự hiền lành của Đức Kitô”. Đức Giêsu cho thấy lòng yêu mến đặc biệt đối với người yếu đuối. Ngài nói rằng mình được sai đến “mang lại Tin mừng cho người bị áp bức” (4,18). Đức Giêsu đến ngồi đồng bàn với người tội lỗi và phụ nữ “không có tiếng tốt”, bởi vì Ngài đến để cứu lấy những gì “đã mất” (5,32). Một tấm gương phản chiếu nhân từ của Chúa Cha, hân hoan chào đón với lời cầu nguyện đầy kinh nghiệm của Đức Giêsu – là một chủ đề thân thiết của Luca. Bảy lần ám chỉ đến việc cầu nguyện (một con số đầy biểu tượng) và ba lần (cũng là con số có ý nghĩa) làm sáng tỏ chủ đề này.
Đó là đặc tính thứ hai nhà truyền giáo mới cần làm nổi bật: lòng tốt (goodness) là bản chất của các nhà loan báo Tin mừng. Có lẽ, chúng ta cần thay đổi thái độ của mình đối với xã hội. Người rao giảng Tin mừng phải có trái tim được tình yêu Chúa quyến rũ, vâng, nhưng họ cũng phải hoàn toàn thể hiện trong thực tế, say mê mọi thứ nơi con người và để ý tới nỗi đau khổ của nhân loại. Mới đây, tu sĩ Enzo Bianchi nói: “cuộc khủng hoảng niềm tin ngày nay, thay vì là cuộc khủng hoảng niềm tin vào Thiên Chúa lại là cuộc khủng hoảng niềm tin nơi con người, đó là sự thiếu tin tưởng nơi người khác, trong cuộc sống và tương lai, và trên tất cả, đó là một sự yếu kém lòng tin nơi tình yêu” (x. Ga 4,16).
Việc Tân Phúc âm hóa sẽ hoạt động nếu đó là hành động của lòng nhân từ : xuất phát từ trái tim của Thiên Chúa, đến trái tim của mọi người nam nữ ngày nay, truyền tải trái tim của Tin mừng cho họ qua trái tim nhạy cảm và nhiệt huyết của nhà loan báo Tin mừng!…
Hăng hái với sự đa dạng
Luca trình bày một hình ảnh Đức Giêsu tiếp đón tất cả mọi người, tự ném mình vào các người Pharisêu “trong sạch” và “ngay thẳng” để bị họ phê bình (5,30). Ngài giảng dạy sự khoan dung: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (9,50). Ngay cả kẻ thù cũng thừa nhận Ngài “không thiên vị ai” (20,21).
Nhưng sự cởi mở không hạn chế với sự đa dạng là kết quả của ngày lễ Ngũ Tuần. Những người mới trở lại đến từ “mọi dân thiên hạ” (Cv 2,5) đã đổ xô đến nhà Tiệc Ly. Và mặc dù có rất nhiều “cá” nhưng “lưới đã không rách”. Luca chỉ ra sự hài hòa của cộng đoàn Giêrusalem đầu tiên “chỉ có một tái tim và một linh hồn” chung chia mọi thứ (4,32-35) và được mọi người yêu mến (2,47).
Ở những phạm vi mở rộng, Tin mừng vượt ra ngoài ranh giới của nó: từ Giuđêa đến Samaria, cho đến các thành phố lớn ngoại đạo, từ các hội đường Do thái đến nền văn hóa chung quanh đa đạng của đế quốc Hy lạp – La mã, cho đến “tận cùng trái đất”(Cv 1,8). Dù có những khó khăn không tránh khỏi Giáo hội sẽ chọn cách mở ra với thế giới phổ quát. Khởi đầu với Phêrô (Cv 10), ông đã tìm thấy chính mình nơi Phaolô và đã nhìn nhận vấn đề này nơi “công đồng Giêrusalem” (Cv 15).
Ngày nay “sự đa dạng” (trong nghĩa rộng của nó: sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, triết học, đạo đức) đã bước vào qua các bến cảng của chúng ta – một hiện tượng, ở một mức độ nào đó là không thể ngăn cản được. Và nó thật đáng sợ! Sự cám dỗ dựng lên một rào cản mới và những bức tường cách ly giữ người “xa lạ” bước vào thật là hấp dẫn! Đối với Giáo hội cũng vậy. Enzo Bianchi đã cảnh báo chống lại “cám dỗ đảm nhận các vị trí phòng thủ, vây quanh chính mình trong các cấm thành này mà chắc chắn là dựa trên số lượng và các tường thành: rất dễ dàng nhân nhượng việc thiếu niềm tin vào Thiên Chúa từ trong quá khứ, Thiên Chúa Đấng yêu thương con người, Đấng “muốn mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4).
Trong ngôn ngữ Kinh thánh, “sự khác biệt/đa dạng (diverse)” được dịch là “thánh (holy)” – Thiên Chúa là “Đấng toàn thánh”, “Đấng hoàn toàn khác biệt” cách tuyệt hảo. Nhưng “sự khác biệt” của Ngài được tỏ bày nơi Đức Giêsu, không đe dọa chúng ta. Đó là sự giàu có không thể so sánh được chia sẻ với sự hào phóng xa hoa. Nhà loan báo Tin mừng mới phải là một “vị thánh” xác tín rằng sự đa dạng là một món quà làm phong phú lẫn nhau!...
Điều khiển bởi ngọn gió của Thánh Thần
Luca cũng là con người của sứ mạng. Khi cộng đoàn Kitô hữu sống trong mong đợi rằng Đức Kitô sẽ sớm trở lại, Luca nhấn mạnh như nhà ngôn sứ rằng nhiệm vụ cấp bách và căn bản đối với Giáo hội là công bố Tin mừng, trở thành chứng nhân Đức Giêsu “đến tận cùng trái đất”, với sự giúp đỡ của quyền năng Thánh Thần (Cv 1,8). Sách Công vụ Tông đồ cũng được gọi “Tin mừng của Chúa Thánh Thần”. Ở đây, chúng ta tìm thấy hơn 50 tham chiếu về Thánh Thần. Đó là điều thúc bách Giáo hội đi ra đến các nẻo đường thế giới để chỉ cho mọi người về “Đạo” (Cv 19,19.23). Và đó là nhân vật quan trọng của việc Tân Phúc âm hóa (Cv 8,29.39; 13,3; 16,6-7).
Ngày nay, có những dấu hiệu rõ ràng của một sự mệt mỏi và thiếu hăng hái nơi những cộng đoàn “truyền thống Kitô giáo cổ xưa”. Tân Phúc âm hóa là lời kêu gọi mang lại lòng dũng cảm và để cho ngọn gió của Thánh Thần dẫn dắt chúng ta. “Sứ mạng của Thánh Thần” tượng trưng nơi những người trẻ của Giáo hội, một dấu hiệu của sự sinh động Giáo hội, một sự đảm bảo của mùa xuân trường tồn. Nó cho phép các cộng đoàn mới mọc lên và làm tươi trẻ các cộng đoàn “cổ xưa”.
Nhà truyền giáo mới là người mở cánh buồm con thuyền để ngọn gió của Thánh Thần điều khiển với tốc độ và sự tin tưởng hướng đến những thế giới mới. Như “những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh, họ tung cánh như chim bằng, họ chạy hoài mà không mỏi mệt và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40,31). Mặt khác, một sứ mạng dựa trên chiến lược đơn giản của con người cố gắng tiến tới với tốc độ mái chèo thì sẽ nhanh chóng mệt mỏi vì chống lại sức mạnh của gió.
Nguồn: https://worldmissionmagazine.com/archives/october-2016/new-evangelizer
Sao Biển dịch