Huynh đoàn thánh Phêrô được thành lập năm 1988 để đón nhận các linh mục và chủng sinh rời bỏ Huynh đoàn thánh Piô X, sau khi Huynh đoàn này ly khai với Tòa Thánh vì Đức Tổng giám mục Marcel Lefebvre, người sáng lập Huynh đoàn, tự ý truyền chức cho bốn giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Tòa Thánh. Tính đến tháng Mười Một năm 2020, Huynh đoàn thánh Phêrô có 330 linh mục và 162 chủng sinh, hiện diện tại 146 giáo phận thuộc hơn 20 quốc gia. Trụ sở chính của Huynh đoàn đặt tại thành phố Fribourg, Thụy Sĩ. Huynh đoàn có hai chủng viện: một tại miền nam Đức và một tại Denton, Hoa Kỳ. Một Hiệp hội giáo dân gắn liền với Huynh đoàn này có gần 7.400 thành viên, trong đó có 1.040 người nói tiếng Pháp, gần 1.000 thuộc tiếng Đức và 5.400 nói tiếng Anh.
Ngày 16 tháng Bảy năm ngoái (2021), Đức Thánh cha đã ban hành tự sắc “Những người gìn giữ truyền thống” thay đổi tự sắc “Summorum Pontificum”, Các vị Giáo hoàng, do Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành, và hạn chế việc cử hành thánh lễ tiếng Latinh theo nghi thức tiền Công đồng chung Vatican II, và xác định việc này tùy thuộc các giám mục địa phương. Các thành viên của Huynh đoàn thánh Phêrô và nhiều cộng đoàn hoang mang vì tự sắc này.
Trong thông cáo chính thức công bố hôm 21 tháng Hai năm 2022, tại Fribourg, ban lãnh đạo Huynh đoàn cho biết ngày 04 tháng Hai vừa qua, hai thành viên của Huynh đoàn, là cha Benoit Paul-Joseph, Bề trên miền Pháp và cha Vincent Ribeton, Giám đốc chủng viện thánh Phêrô ở Wigratzbad, nam Đức, đã được Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến hơn một tiếng đồng hồ tại Vatican, trong bầu khí rất thân mật. Nhắc lại sự khai sinh Huynh đoàn thánh Phêrô hồi năm 1988, Đức Thánh cha cho biết ngài có ấn tượng mạnh về cách thức tiến hành của những người sáng lập, quyết tâm trung thành với Đức Giáo hoàng và tín thác nơi Giáo hội. Đức Thánh cha nói rằng cử chỉ này phải được “duy trì, bảo vệ và khích lệ”.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha minh định rằng các tổ chức như Huynh đoàn thánh Phêrô không bị liên hệ gì, vì những qui định chung của Tự sắc “Những người gìn giữ truyền thống”, việc sử dụng các sách phụng vụ cũ là nguồn gốc sự hiện hữu của các tổ chức này và được Hiến pháp của tổ chức này trù định.
Tiếp theo đó, Đức Thánh cha đã gửi cho Huynh đoàn sắc lệnh do ngài ký ngày 11 tháng Hai, ngày mà Huynh đoàn long trọng được thánh hiến cho Khiết Tâm Đức Mẹ, qua đó ngài xác nhận các thành viên của Huynh đoàn được quyền sử dụng các sách phụng vụ cũ, ban hành hồi năm 1962, tức là sách lễ, sách nghi thức, Sách Giáo chủ và sách nguyện Roma.
Các thành viên có quyền sử dụng năng quyền này trong các nhà thờ và nhà nguyện của mình; và ở mọi nơi khác, thì chỉ sử dụng với sự đồng ý của Ban quyền địa phương, trừ khi cử hành thánh lễ riêng”.
(FSSP, Sismografo 21-2-2022)
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn